Cầm quyền hợp thức: Cần trở lại tinh thần Hiến pháp 1946

Hiến pháp là Bộ Luật cơ bản của Quốc gia, có giá trị pháp lý tối thượng. Nhà nước Việt Nam là nhà nước cộng hoà, nên dù là dân chủ cộng hoà hay cộng hoà xã hội chủ nghĩa, nhà nước Việt Nam cũng phải có bầu cử công bằng dựa trên hiến pháp dân chủ. Vì vậy, một bản hiến pháp của toàn dân là điều kiện tiên quyết, nhất thiết phải có để hợp thức quyền lực nhà nước.

Việt Nam đã có lịch sử lập hiến hơn nửa thế kỷ nhưng cho đến nay vẫn chưa ban hành một hiến pháp dân chủ, dù Quốc hội khoá I đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên năm 1946. Nhà nước cần noi theo các giá trị của Hiến pháp 1946 thay vì chỉ công nhận và ca ngợi tính ưu việt đó. Mặc dù Hiến pháp 1946 quy định rõ quyền làm chủ của nhân dân, nhưng các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 mà giới cầm quyền áp đặt lên toàn xã hội hoàn toàn xa rời với tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946.

Trở lại với lịch sử lập hiến của đất nước, ngày 3 tháng 9, năm 1945, một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định rõ nhu cầu “phải có một hiến pháp dân chủ”. Ngày 8 tháng 9, năm 1945, Chính phủ ra Sắc lệnh 14-SL rằng, “… nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa” [1]. Sắc lệnh cũng tuyên bố tiến hành Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã được tiến hành ngày 6 tháng 1, năm 1946. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, ngày 2 tháng 3, năm 1946, “Quốc hội đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người” [2]. Trong đó, Đỗ Đức Dục (1915-1993), nhà trí thức cách mạng, nguyên Phó Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, được cử làm thuyết trình viên của Tiểu ban dự thảo Hiến pháp trước Quốc hội. Sau các buổi thảo luận, tranh luận và sửa đổi, ngày 9 tháng 11, năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với số 240/242 đại biểu dự họp [2].

Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp 1946 (9/11/1946 – 9/11-2006), Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố ý nghĩa của bản Hiến pháp 1946, rằng đó “là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện” [2].

Dù không được thi hành trên thực tế nhưng đến nay những giá trị tinh thần của bản Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định rằng bản Hiến pháp này được soạn thảo, thông qua một cách dân chủ và trên tinh thần dân chủ, bởi một Quốc hội được bầu ra qua Tổng tuyển cử tự do. Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp có rất nhiều giá trị, vì “mỗi câu chữ đều vang vọng tiếng dân” và “đó là hiến pháp nhân bản nhất, dân chủ nhất và đoàn kết dân tộc nhất“ [3].

Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, nhiều ý kiến muốn quay trở lại tinh thần Hiến pháp 1946. Lý do chủ yếu được nêu ra là Hiến pháp 1946 khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền làm chủ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ pháp quyền, một chế độ bảo đảm quyền tự do dân chủ đích thực của mọi công dân, không phân biệt giai cấp [4]. Không như các hiến pháp sửa đổi lại sau này, Hiến pháp 1946 “ít mang tính chất xã hội chủ nghĩa, duy ý chí, tập trung quan liêu bao cấp” [4]. “Và nếu pháp quyền đòi hỏi những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ thì Hiến pháp năm 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó” [5].

Đảng Dân chủ Việt Nam cho rằng điều thực sự làm nên giá trị của Hiến pháp 1946 là nguyên tắc chủ quyền lập hiến thuộc về nhân dân. “Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân. Như vậy Dân mới làm chủ đích thực” [6]. Trong các hiến pháp tại Việt Nam, Hiến pháp 1946 là Hiến pháp duy nhất đặt ra cơ chế thực hiện quyền lập hiến của nhân dân. Trong chương cuối cùng về sửa đổi hiến pháp, có một điều kiện bắt buộc về mặt thủ tục: “Sau khi đã được Nghị viện ưng chuẩn, Hiến pháp phải đưa ra toàn dân phúc quyết” [7]. Hiến pháp 1946 không có một quy định nào về quyền lập hiến thuộc về Quốc hội.

Điều đáng tiếc là chưa lần nào trong lịch sử nhân dân có cơ hội thực hiện quyền cơ bản này. Từ Hiến pháp 1946 tới các Hiến pháp sau này đã có sự thay đổi rất lớn: quyền lập hiến từ nhân dân chuyển sang Quốc hội. Thay đổi cơ bản này đã vấp phải không ít chỉ trích xác đáng. “Chỉ có dân mới có quyền [lập hiến], song lại chưa hề có văn bản nào chuyển quyền lập hiến của dân sang Quốc hội cả, mà chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập hiến cho mình. Sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước đã chuyển từ dân chủ thành Quốc hội chủ. Quốc hội vừa lập hiến vừa lập pháp; người ta gọi như thế là vừa đá bóng vừa thổi còi,” nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nêu ra rõ bản chất vấn đề [8].

Tương tự với quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng giãi bày vấn đề: “Hiến pháp 1946 quy định, nhân dân trao quyền làm chủ cho Quốc hội và giữ cho mình quyền quyết định đối với những vấn đề hệ trọng. Nhưng đến Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và 1992 không có quy định về phúc quyết nữa. Vì sau các lần sửa thì theo mô hình Hiến pháp Xô Viết không có phúc quyết… Nếu bây giờ đặt vấn đề sửa Hiến pháp 1992 là phải sửa từ điều đó” [9].

Vì những thay đổi căn bản như vậy đã được thông qua mà không theo quy trình sửa đổi quy định tại Hiến pháp 1946, nên các bản Hiến pháp sửa đổi sau này thiếu tính pháp lý để được xem là hợp thức, chính danh. Và nếu coi Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của quốc gia, “thì tất cả các Hiến pháp còn lại là Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 hiện hành đều VI HIẾN và đương nhiên đến nay Hiến pháp 1946 vẫn còn hiệu lực trên thực tế” [10].

Với nhận định và thực tế đó, sự nhất thiết cần trở lại với tinh thần Hiến pháp 1946 đã rõ ràng. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề chính danh cho sự cầm quyền hợp thức mà còn giải quyết vấn đề xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp chuẩn mực phải là hiến pháp của toàn dân.

“Hiểu rõ ý nghĩa của Hiến pháp trong đời sống của một dân tộc trong một quốc gia độc lập” là “để đấu tranh cho Hiến pháp được thực thi trong cuộc sống thường nhật của mỗi công dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội…, để không một cá nhân, một tổ chức nào được đứng trên Hiến pháp” [11]. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946 chính là cơ sở lịch sử, là nền tảng của sự đồng thuận về ý nghĩa của hiến pháp trong đời sống chính trị, mà đất nước hiện nay đang cần.

Vì vậy, Đảng Dân chủ Việt Nam đề xuất trở lại với tinh thần của Hiến pháp 1946 trong việc soạn thảo sửa đổi hiến pháp lần này [12]. Đây là thời điểm và là cơ hội quan trọng cho giới cầm quyền tự điều chỉnh mình và trở lại với chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, nơi quyền lực pháp luật là tối thượng, pháp luật hạn chế quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền của nhân dân. Điều này hiển nhiên đáp ứng và giải tỏa hai vấn đề lớn nhất lâu nay trong xã hội:

1. Khôi phục lại quyền làm chủ của nhân dân: quyền tư hữu đất đai; quyền bầu cử, ứng cử tự do; và đặc biệt là quyền đề xuất, tham gia soạn thảo và phúc quyết hiến pháp;

2. Giúp nhà nước cầm quyền hợp thức: ban hành hiến pháp của toàn dân thay vì hiến pháp của một đảng.

Tinh thần đoàn kết dân tộc chống thực dân, giành lại độc lập, và mong muốn xây dựng nền dân chủ cộng hoà cho đất nước đã kết nên Hiến pháp 1946. Cho nên, trở lại với tinh thần Hiến pháp 1946 chính là trở lại với tình tự dân tộc, hóa giải tình trạng hận thù do chiến tranh và hệ luỵ giữa các ý thức hệ gây ra.

Một lần nữa, trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng của nhân dân lâu nay, trở lại với tinh thần Hiến pháp 1946 và ban hành Hiến pháp mới đáp ứng đòi hỏi của xã hội là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ cao đẹp của giới lãnh đạo. Thời giờ có hạn và không trì hoãn thêm nữa, đất nước cần có một hiến pháp đích thực của toàn dân, để xây dựng một nhà nước pháp quyền chính danh được nhân dân tôn trọng và tin cậy.

Đảng Dân chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban
Nghiên cứu Pháp luật

Ban Nghiên cứu Pháp luật: ThS Nguyễn Thị Hường, LS Trần Minh Quốc, LS Vũ Đức Khanh, LS Nguyễn Tường Bá, và các cộng sự.

__________

1. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (6-1-1946). Truy cập tại Quốc hội nước CHXHCNVN.

2. Ý nghĩa của bản hiến pháp đầu tiên. Quốc hội nước CHXHCNVN.

3. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa. Vang vọng tiếng dân. Vietbao.

4. Sao nhiều người thích Hiến pháp 1946. Pháp Luật TPHCM.

5. TS Nguyễn Sĩ Dũng. Hiến pháp 1946 và tư tưởng pháp quyền. Tuần Việt Nam.

6. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Ba vấn đề cốt lõi khi sửa Hiến pháp. Tuần Việt Nam.

7. Hiến pháp 1946, điều 70.

8. Nhân dân có quyền phúc quyết hiến pháp. Pháp Luật TPHCM.

9. Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp bàn về dân chủ và pháp quyền. Tuần Việt Nam.

10. ThS. Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước. Truy cập tại đây.

11. GS Tương Lai. Để dân trao quyền mà không mất quyền. Tuần Việt Nam.

12. Đảng Dân chủ Việt Nam giới thiệu đề xuất soạn thảo hiến pháp. Truy cập tại www.ddcvn.info

Tham khảo:

Hiến pháp 1946

Thông điệp đầu năm 2012 của Đảng Dân chủ Việt Nam

Đảng Dân chủ Việt Nam giới thiệu đề xuất soạn thảo Hiến pháp của toàn dân

Tại sao Việt Nam cần thay đổi căn bản và toàn diện Hiến pháp?

Bản đề xuất khung Hiến pháp của toàn dân và các điều khoản về quyền con người

Share