Vấn đề xã hội và sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam

Năm mới 2013 đã bắt đầu với tín hiệu tích cực: Nhiều trí thức trong lẫn ngoài nước và các cựu viên chức cao cấp của chế độ đã đồng loạt đứng tên trong Bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992. Đối với người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, đây là năm quan trọng – kết quả sửa đổi hiến pháp mang tính quyết định đối với việc tạo lập công bằng trong xã hội Việt Nam ngày nay, xây dựng nền tảng pháp lý cho tương lai của các thế hệ mai sau và cả vận mệnh của đất nước chúng ta. Trong bối cảnh này, Đảng Dân chủ Việt Nam – đảng chính trị của người Việt Nam đang thúc đẩy một Việt Nam dân chủ, đoàn kết và phát triển – chia sẻ quan điểm về hiến pháp, công bằng xã hội và hòa hợp dân tộc.

***

Vấn đề xã hội và sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam

Hiến pháp quốc gia không phải và không thể là một văn bản do một đảng hay một nhóm người độc quyền làm ra. Vấn đề độc quyền nhà nước của một đảng tạo ra tình trạng lạm dụng quyền lực, áp đặt hiến pháp, tuỳ tiện sửa đổi hiến pháp, tuỳ tiện về pháp luật. Hiến pháp dân chủ chính là văn bản pháp lý thiết yếu của chế độ hiện nay, vì các lãnh đạo cần được nhân dân trao quyền, cần được chính danh, như vậy mới có đủ tư cách cầm quyền.

Gốc rễ vấn đề tại Việt Nam lâu nay chính là hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng. Độc quyền nhà nước của một đảng, áp đặt hiến pháp biến nhà nước của dân thành nhà nước của một đảng; biến lực lượng vũ trang của nhân dân thành lực lượng bảo vệ cho một đảng; biến các doanh nghiệp nhà nước trở thành doanh nghiệp của một đảng. Đó là hệ thống chính trị bị lạm dụng, và dứt khoát cần phải tháo gỡ để tạo lập một xã hội bình đẳng cũng như nhà nước chính danh.

Tháo gỡ hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng phải là tâm điểm trong chủ trương phát huy dân chủ, là trọng điểm của chống tham nhũng, là nhất thiết trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền (thượng tôn pháp luật). Xây dựng nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng, phát huy dân chủ nhất thiết phải có báo chí trung thực, toà án độc lập, và bầu cử dân chủ. Và xây dựng nhà nước pháp quyền với cơ chế nhà nước minh bạch nhất thiết phải bắt đầu bằng bản hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ là đòi hỏi của xã hội đồng thời cũng là giải pháp cơ bản cho các vấn đề lớn tại Việt Nam ngày nay.

Chế độ cộng sản tại Việt Nam từ lâu đã có biết bao vấn đề: Đối lập chính trị thẳng thắn thì cho là cực đoan, là “thế lực thù địch” hay là thành phần bất mãn cá nhân… Các đối tác dân chủ hoạt động ôn hoà thì bị liệt vào hàng “diễn biến hoà bình”, “lật đổ chế độ”… Các anh chị em đảng viên cộng sản có tư tưởng cấp tiến thì bị cho là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” làm sụp đổ chế độ… Còn những người không quan tâm đến chuyện xã hội thì cho là bàng quan, thờ ơ chính trị… Tuy nhiên, hiện nay lãnh đạo cộng sản đã không còn cơ sở để lý luận nên đổ lỗi lẫn nhau, nói nặng người cộng sản thuộc cấp hay khác phe: từ lãnh đạo yếu kém, tham nhũng, lối sống phung phí, hưởng lạc… đến bất chấp đạo lý, dư luận. Cũng vì không còn cách lý luận nên mới có tuyên truyền “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là bảo vệ sổ hưu”.

Sự quanh co và mâu thuẫn giữa “nói và làm” của người cộng sản đã chứng tỏ mục tiêu xã hội công bằng hiện nay là giả hiệu. Tuyên truyền giả dối đã tạo lầm lẫn trong xã hội giữa thực tế và hô hào, giữa pháp quyền và chuyên quyền hay giữa pháp quyền và pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Cho nên, cần nhận diện gốc rễ vấn đề trong xã hội, tập trung vào vấn đề then chốt, các giải pháp cụ thể, công khai, thay vì chỉ nêu vấn đề rồi bỏ qua.

Tình trạng sửa đổi hiến pháp hiện nay tại Việt Nam dường như sẽ không khác với những lần trước. Bắt đầu ngay trong quy trình soạn thảo hiến pháp đã thiếu tính chuẩn mực (chỉ có thành phần Đảng Cộng sản trong ban soạn thảo sửa đổi hiến pháp), vẫn mơ hồ về “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này, những vấn đề then chốt của xã hội mà công luận nêu ra lâu nay vẫn không thay đổi: Quyền làm chủ đất đai của nhân dân vẫn tiếp tục bị tước đoạt qua lập luận “sở hữu toàn dân”, quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội do một đảng nắm giữ vẫn tiếp tục tồn tại với điều 4.

Ý thức quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ, chấp nhận xã hội công bằng, Đảng Cộng Sản không có quyền quyết định tự cho mình là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Quyết định cá nhân nào, đảng chính trị nào lãnh đạo đất nước là quyền của tất cả công dân, thể hiện bằng lá phiếu qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Quy định quyền lãnh đạo cho một đảng như ở điều 4 trong hiến pháp là loại bỏ quyền làm chủ của nhân dân, quyền ứng cử của công dân, là thái độ bất an của một đảng chính trị không được lòng dân, nhưng là chỗ dựa trái phép cho các quan quyền tuỳ tiện thu hồi đất đai của người dân.

Điều 4 đã từng áp đặt trong Hiến pháp 1980, lúc đó Đảng Cộng sản tự quy định là lực lượng “duy nhất” lãnh đạo nhà nước và xã hội. Trong Hiến pháp 1980 hay Hiến pháp 1992 sở dĩ có điều 4 như vậy là vì các hiến pháp đó không do nhân dân phúc quyết thông qua. Hiến pháp chính danh và chuẩn mực không thể có những điều luật như điều 4, bởi vì:

1/ Quy định “một đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước” là chống lại các quy định về dân chủ trong cùng một hiến pháp như: “Nhà nước thực hiện mục tiêu dân chủ, công bằng” hay “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị”. Điều 4 hiển nhiên gây chia rẽ xã hội, ngăn chặn hoà hợp dân tộc, đi ngược lại tinh thần đoàn kết quốc gia.

2/ Quy định cho một đảng – “Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước” là ngang nhiên khai trừ quyền làm chủ của nhân dân, chống lại quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Điều 4 hiển nhiên tước đoạt quyền tự do ứng cử của công dân, tước đoạt cả quyền làm chủ đất đai của người dân. Tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân là nguyên nhân và hậu quả của hệ thống chính trị bất trị tại Việt Nam lâu nay.

3/ Điều 4 tạo ra hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng, ngăn chặn xây dựng nhà nước pháp quyền, ngăn chặn minh bạch hoá và phân chia quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và ngành toà án cũng như giữa trung ương và các địa phương, biến các cơ quan công quyền thành công cụ của một đảng, là bất công, nuôi dưỡng lạm quyền và tham nhũng.

Chính vì quy định ở điều 4 nên mới có tình trạng gần nửa Bộ Luật Hình sự của quốc gia “có vấn đề”. Việc quốc hội của một đảng làm ra hiến pháp và cũng quốc hội của một đảng đó làm ra bộ luật hình sự có những điều 79, 88 hay điều 258 cũng không khó hiểu. Biết bao công dân có tâm huyết với đất nước bị tù đầy hay hãm hại bởi những điều luật áp đặt đó.

Khi xem xét điều 4 trong các bản hiến pháp trước cũng như trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp đưa ra ngày 02 tháng 01 năm 2013, không khó để thẩm định chỉ điều 4 cũng đủ để vô hiệu hoá giá trị pháp lý của bản hiến pháp dù có áp đặt thông qua, vì điều 4 đã loại bỏ các quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân mà nhân dân là chủ thể của bản hiến pháp.

Chủ thể của bản hiến pháp là nhân dân, nhà nước là đối tượng phải tuân thủ và thi hành bản hiến pháp đó.

Quan trọng hơn, hiến pháp chính danh phải được nhân dân chuẩn thuận, thông qua trưng cầu dân ý bằng lá phiếu, còn gọi là phúc quyết hiến pháp. Các cuộc hội thảo hay tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về bản dự thảo sửa đổi hiến pháp chỉ là “thăm dò ý kiến”, không phải là thủ tục pháp lý thay thế cho phúc quyết hiến pháp.

Trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này vẫn không có quy định trưng cầu ý dân mà thủ tục này do quốc hội quyết định. Có nghĩa là do quốc hội của một đảng hay nói đúng hơn do các lãnh đạo cộng sản quyết định. Cần hiểu, việc Đảng Cộng sản độc quyền tổ chức cho nhân dân góp ý sửa đổi hiến pháp chỉ là hình thức, vì sửa đổi hiến pháp quốc gia là công việc cần có sự tham gia của các đảng chính trị, của giới trí thức đại diện cho các thành phần xã hội. Hơn nữa, làm thế nào để cán bộ hội thảo, những người được trang bị tư duy độc tôn theo hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng, có thể đồng cảm với những ý kiến dân chủ, công bằng. Mới kêu gọi góp ý nhưng đã răn đe không được “lợi dụng dân chủ” thì mấy ai dám có ý kiến?

Thủ tục phúc quyết hiến pháp trong chính thể cộng hoà ở các nước không khác về cơ bản. Hơn nữa, Việt Nam lại có hiến pháp dân chủ đầu tiên năm 1946 quy định quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân, chủ nhân của đất nước, cho các bản hiến pháp kế thừa. Hiến pháp không chính danh đồng nghĩa với vấn đề cầm quyền áp đặt, vô trách nhiệm như tình trạng thời thực dân đô hộ. Hiến pháp dân chủ là khế ước xã hội giữa nhà nước và nhân dân. Hiến pháp mà không được nhân dân phúc quyết thông qua thì không có giá trị pháp lý vì chủ thể của bản hiến pháp là nhân dân đã bị loại.

Để bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này thành hiến pháp mẫu mực và xứng danh hiến pháp quốc gia, Đảng Dân chủ Việt Nam nhắc nhở Đảng Cộng sản Việt Nam rằng, không có cách nào đúng hơn, là nhất thiết phải tổ chức trưng cầu dân ý, vì đó là trách nhiệm, là danh dự của đảng cầm quyền. Riêng về nội dung điều 4 trong bản dự thảo hiến pháp không nên áp đặt nữa, mà nên loại bỏ nó vì đó là sĩ diện chính trị của một đảng chính trị; hay để đến khi thông qua nhân dân phúc quyết thì số phận của điều 4 mới chịu ngã ngũ? Còn nhiều nhiều điểm nữa cần xem xét trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp đó, nhưng điểm cơ bản nhất thiết công luận nêu ra lâu nay không được đáp ứng thì những góp ý khác có ý nghĩa gì!

Chính vì lề lối độc tôn và tình trạng áp đặt hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng, Đảng Cộng sản đã mất khả năng điều chỉnh tư duy tiến bộ và cách mạng. Đặc biệt, lần sửa đổi hiến pháp này là cơ hội cho Đảng Cộng sản tự điều chỉnh, sửa sai, không tiếp tục áp đặt hiến pháp, và chấm dứt tình trạng cầm quyền không được nhân dân trao quyền. Hãy bắt đầu thực sự vì một nước Việt Nam dân chủ, bình đẳng, tiến bộ.

Là người Việt Nam, dù có theo chủ nghĩa hay tư tưởng nào, thì lãnh đạo cũng cần có tình đồng bào. Tình đồng bào không chỉ biểu đạt bằng lời nói mà cần thành thật cụ thể qua bản hiến pháp quốc gia.

Ngày 18 tháng 01 năm 2013

Đảng Dân chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình

————–

Xem thêm:

Share

4 Responses to “Vấn đề xã hội và sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam”

Read below or add a comment...

  1. Nguyễn Tường Bá says:

    Hàng ngàn trí thức đã ủng hộ việc xây dựng một Hiến Pháp Của Toàn Dân.Sự kiện giới trí thức lên tiếng này
    biểu lộ ý chí chung rõ rệt của toàn thể quảng đại nhân dân và như người xưa đã nói “ý dân là ý trời “.Chẳng lẽ
    nhà câm quyền lại muốn làm điều trái với ý trời ?
    Nguyễn Tường Bá

  2. dan chu says:

    Tat ca cac BAN hay van dong ba con nhan dan xuong duong bieu tinh bo dieu 4 hien phap nam 1992 vao chu nhat ngay 02 thang 03 nam 2013 ,.tren tat ca phuong tien truyen thong nhanh len cac ban nhung nguoi con cua dan toc VIET NAM .Vi su ton vong cua dat nuoc Viet Nam .Tat ca cung nhau len dang

Trackbacks

  1. […] Vấn đề xã hội và sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam […]