Ai phản dân chủ?

Đầu tháng 6/2010, báo QĐND xuất hiện các bài viết cô lập, bôi nhọ phong trào dân chủ tại Việt Nam. Đó là nhiệm vụ thường xuyên phòng chống diễn biến hoà bình, nhưng thời điểm cũng cho thấy Đảng Cộng sản đang củng cố tư tưởng trước đại hội. Họ bác bỏ đa nguyên đa đảng, kết tội dân chủ là phản dân chủ một cách thiếu thuyết phục và cuối cùng chính họ lộ diện như một lực lượng phản dân chủ.

Một bài viết trên báo QĐND đặt vấn đề: giữa đa đảng và một đảng, chân lý nằm ở phía nào. Điều này cho thấy ngay suy nghĩ tranh giành, độc quyền chân lý. Bài báo nêu khái niệm: “đảng là một tổ chức chính trị của những người có chung một mục tiêu, lý tưởng tồn tại trong một chế độ xã hội nhất định”. Nếu vậy tại sao người không cùng chung mục tiêu lý tưởng buộc phải nghe và làm theo, thậm chí không được thể hiện mục tiêu lý tưởng khác? Hãy hỏi 85 triệu dân Việt Nam có phải tất cả đều đồng thuận lý tưởng cộng sản, hay trong 3,5 triệu đảng viên cộng sản mà chưa chắc tất cả đều kiên định mục tiêu đã chọn và trung thành tuyệt đối với đảng cầm quyền. Bài báo không ngần ngại nêu rõ: “Mục tiêu cuối cùng (của đảng cầm quyền) thường là giành và giữ quyền lực nhà nước (chính quyền)”.

Nhưng cuối bài là đoạn trích Văn kiện Đại hội X: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Bởi vậy không thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng độc quyền”

Không còn chối cãi vào đâu được, trong khi đảng cầm quyền cam kết sẽ tôn trọng quyền độc lập quyết định các vấn đề đất nước thuộc quốc hội và nhà nước mà không đứng sau chỉ đạo, nay bài báo lại “lạy ông tôi ở bụi này”. Có thể người viết dựa vào lập luận Nhà nước Việt Nam hiện nay là nhà nước của dân. Nếu vậy, phải xem lại nhà nước có thật sự của dân hay đích thị của đảng. Cho nên, hành động bôi nhọ, phản bác, kết tội phong trào dân chủ chính là xuất phát từ tư duy bảo thủ và đối đầu “ai thắng ai”, khác chăng là biểu hiện thành “bình cũ rượu mới” trong hoàn cảnh hiện nay mà thôi. Bài viết nhận xét phong trào dân chủ: “Không ít người đã bị dẫn dắt, rơi vào sân chơi dân chủ, nhân quyền của các lực lượng chống cộng”. Dân chủ là đời sống của toàn xã hội, của tất cả các quốc gia, là xu hướng tiến tới văn minh của loài người. Có thể có các lực lượng chống cộng bởi vì họ không theo lý tưởng cộng sản (điều đó cũng không phải là sai lầm hay tội phạm), nhưng không có lực lượng nào biến các giá trị dân chủ thành sân chơi cho riêng mình. Nếu có, xin mời người viết chỉ tên và đối chất với các tổ chức ấy.

Có bài cho rằng: “Đa đảng không phải là không tốt, cũng như một đảng không phải là không có lý”. Quả đúng vậy. Nhưng nếu đa đảng không hẳn xấu tại sao lại cấm tuyệt đối, nếu độc đảng ở Việt Nam là có lý tại sao nảy sinh triền miên các khuyết tật và yếu kém, từ chọn lý luận xác định hệ tư tưởng xã hội đến hình thành bộ máy thực hiện lý tưởng ấy? Trong lịch sử trước năm 1945, các đảng chính trị đều nêu cao nhiệm vụ giải phóng và chấn hưng dân tộc, khác nhau là mục tiêu tôn chỉ, phương pháp và lực lượng thực hiện. Chế độ đa đảng trước đây không hề có biểu hiện phản dân hại nước, chỉ ngoại trừ sự cố ý nhận xét của Đảng Cộng sản lên các đảng phái khác nhằm loại trừ, tranh công tiếm quyền. Có bài nhận xét “dân chủ giả hiệu” là thực hiện “tham vọng thay đổi thể chế chính trị Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho các đảng phái chính trị ở hải ngoại hồi hương”. Đảng Dân chủ, Liên minh dân chủ nhân quyền, Đảng Nhân dân hành động, đảng Việt Tân… theo báo chí lề phải không những chống cộng mà còn là những tổ chức khủng bố, lật đổ nhà nước CHXHCN Việt Nam. Một đảng của người Việt sau thời gian hoạt động ở nước ngoài, hồi hương cũng là điều bình thường. Đảng Cộng sản Việt Nam từng bị khủng bố trắng phải chạy sang Trung Quốc, Thái Lan, rồi lại “hồi hương”.

Đối với những đảng chính trị nêu trên, đường lối đấu tranh chung là ôn hòa. Báo chí nào cho là khủng bố phải chỉ ra ai công nhận và nằm trong danh sách nào, khủng bố những vụ nào, lấy bằng chứng ở đâu. Trong khi các tổ chức này không có dấu hiệu nào khủng bố, đã thấy quân đội và công an của Đảng Cộng sản khủng bố nhân dân Việt Nam, nhất là những nhà dân chủ: các địa danh Tây Nguyên, Thái Hà, Làng Mai, Tịnh Biên, núi Chẻ, cồn Dầu, Nghi Sơn… chính là những điểm nóng khủng bố; bắt giam và xét xử kết tội các nhà hoạt động dân chủ thiếu công bằng là khủng bố; đánh sập 300 trang mạng internet bị công dân Cù Huy Hà Vũ kiện tố cáo… càng đích thực là khủng bố. Cũng như luật pháp Việt Nam thường chụp mũ gán tội, có bài báo cho phong trào dân chủ hiện nay là tiến hành lật đổ nhà nước XHCN. Lật đổ là hoạt động cụ thể, là vận động nhân dân, thậm chí ám sát những người đứng đầu trong nhà nước và chính quyền các cấp rồi thay nhân sự khác vào.

Đằng này, các đảng vận động để quyền lực nhà nước phải được trả lại cho nhân dân, thay vì đảng chính trị tự quyết định. Tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền là việc làm vì nước vì dân, tích cực và tiến bộ nhằm nâng cao sức mạnh của Nhà nước dân chủ; hoàn toàn không lật đổ. Cải tạo nhà nước làm theo lệnh của đảng, ăn bám dân, toàn quyền sử dụng ngân sách và tài nguyên, bán rẻ chủ quyền đất nước, tham ô, khủng bố… là việc rất cần. Mặc khác, theo lý luận Marx, sự vật hiện tượng luôn biến đổi và phát triển là tất yếu, sao lại gọi lật đổ theo nghĩa hủy diệt, phủ định sạch trơn và thay thế hoàn toàn như người cộng sản từng thực hiện? Trong hoàn cảnh hiện nay, các đảng phái chính trị cần có đầy đủ và bình đẳng vai trò tham chính vào quốc hội, nhà nước và chính quyền các cấp; không một đảng nào được phá hoại nhà nước của dân, bán rẻ quyền lợi dâ tộc và chủ quyền lãnh thổ. Chỉ như vậy, đất nước mới hội tụ điều kiện phát triển, thoát khỏi tụt hậu.

Để bảo vệ sự tồn tại độc đảng, có bài viện dẫn quốc hội đã nhất trí vai trò lãnh đạo của đảng, đồng thời được công nhận trong Điều 4 Hiến pháp 1992 sửa đổi. Thêm viện dẫn mở rộng khi đề cập Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966): “Tất cả các Quốc gia đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. Xin hỏi quốc hội ấy có bao nhiêu thành phần và được quyết định bởi ai nếu không phải hầu hết đại biểu đều là đảng viên cộng sản? Điều 4 Hiến pháp nếu không phải là lá bùa hộ mạng, quyết định sống còn thể chế thì cớ gì Chủ tịch nước phải căn dặn: xóa bỏ điều 4 đồng nghĩa với tự sát? Còn Công ước quốc tế nêu rõ quyền tự quyết của dân tộc, nhưng từ khi xuất hiện thể chế cộng sản, người dân Việt Nam có quyền tự quyết gì ngoài hệ thống chính trị tìm cách bao trùm mọi giai tầng và loại bỏ tất cả những chính kiến khác? Lại thêm biện pháp “đảng cử – dân bầu” làm cho bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị nói chung được hợp thức hóa, hình thành một xã hội dân chủ giả tạo. Thật trơ trẽn cho những viện dẫn “vừa ăn cắp vừa đuổi trộm” ấy.

Báo chí lề phải cũng khẳng định: giữa đa đảng và độc đảng, chân lý tồn tại ở thực tiễn, ở lợi ích tốt nhất cho dân tộc. Sự lựa chọn chế độ đa đảng hay một đảng cần căn cứ vào hoàn cảnh mỗi quốc gia: trước tiên đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết, ổn định an ninh và phát triển bền vững, tiếp theo chế độ phải được sự đồng tình ủng hộ từ đa số nhân dân thông qua quốc hội. Hay thật, nhưng tác giả lại không nêu ra lợi ích dân tộc đã và đang bị xâm hại bởi “thù trong giặc ngoài” mà nhìn chung đều là những bè phái cộng sản như thế nào. Một khi toàn bộ quốc hội được điều khiển bởi chủ thuyết cộng sản đứng sau sân khấu chính trị thì quốc hội đó có còn của dân hay không? Để đo sự đồng tình ủng hộ của dân, vì sao Đảng Cộng sản luôn né tránh, không chấp nhận một cuộc trưng cầu ý dân bằng hình thức cụ thể, mà khăng khăng phải thông qua các đại biểu về danh nghĩa là từ dân bầu ra nhưng về hoạt động lại phụ thuộc Đảng Cộng sản?

Cho nên, dân chủ trong chế độ cộng sản mới chính là dân chủ giả hiệu, là phản dân chủ. Trước trào lưu dân chủ tiến bộ, họ lo sợ rồi tiến hành gán tội, trấn áp, tiêu diệt. Điều này những người cộng sản không ghê tay, thậm chí còn có nhiều kinh nghiệm vì đã bao lần ra tay triệt hạ những người bất đồng chính kiến trong quá khứ. Nhưng để che giấu điều đó, báo chí lề phải lại phân tích: ranh giới giữa dân chủ với phi dân chủ là mong manh, nếu không có luật pháp quản lý điều tiết thì dân chủ rất dễ bị biến dạng và bị lợi dụng, sẽ nguy hiểm nếu dân chủ tách rời pháp luật và ở Việt Nam không thể có dân chủ vô tổ chức, đứng ngoài pháp luật. Người cộng sản dùng pháp luật do họ đề ra để lợi dụng và giết chết dân chủ thật sự, tiến hành nhiều phương cách bưng bít, che giấu, nói không đôi với làm, bảo vệ quyền lợi nhân dân nhưng thực chất là bảo vệ kẻ cầm quyền. Những người đấu tranh vì dân chủ hiện nay thực hiện đúng quyền công dân theo quy định là chắc chắn đứng trong pháp luật. Trong khi đó, bao nhiêu vụ án với các quan chức cao cấp là đảng viên cộng sản bị phanh phui trước tòa án những năm qua, những vụ tày trời do sợ tai tiếng phải bưng bít che giấu và xử lý nội bộ, cả những vụ của những “đồng chí chưa bị lộ”… cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay mới là tổ chức đứng ngoài và đứng trên pháp luật, chính là lực lượng cản đường dân chủ.

Những ai có lương tri chân chính, có tinh thần bảo vệ các giá trị và quyền lợi dân tộc, có chí khí tự hào chấn hưng đất nước, hãy nhìn kỹ thể chế cộng sản làm gì và làm như thế nào mấy chục năm nay hơn là nghe họ tuyên truyên truyền lừa dối. Hãy ủng hộ Lê Công Định, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thủy… bởi họ là những người đi đầu, chấp nhận đối đầu, dũng cảm hy sinh để từng bước đem lại đời sống dân chủ thật sự cho nhân dân Việt Nam.

Tâm Đan
Nguồn: Tiếng Nói Dân Chủ

______________

Thao khảo thêm:

“Dân chủ” hay “phản dân chủ”? – Quân Đội Nhân Dân

Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý? – Quân Đội Nhân Dân

Share