Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp?

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Đến nay, việc sửa Hiến pháp đã là một việc cấp bách. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, sự tác động của toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế đã khiến cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp là một trong những đòi hỏi cấp thiết. Từ những cải cách rời rạc, cục bộ trong lĩnh vực kinh tế và một vài lĩnh vực khác, “gây mâu thuẫn, chồng chéo, kém hiệu lực trong tổng thể,” đã “nảy sinh ra nhu cầu cải cách hệ thống pháp luật nói chung, lĩnh vực kinh tế nói riêng.”[i] Từ năm 2007, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 12 đã khẳng định: “không thể không tính đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về những nội dung liên quan, cụ thể là: xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp; luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ; định hướng cải cách tư pháp lấy tòa án làm trọng tâm, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu chuyển viện kiểm sát thành viện công tố; vấn đề giao Thủ tướng chính phủ thẩm quyền điều động, bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp trên điều động, bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; việc thí điểm nhân dân bầu chủ tịch xã; bỏ HĐND ở quận, huyện, phường…”[ii]

Như vậy, hầu hết các dự án cải cách luật pháp và tư pháp đều đòi hỏi sửa đổi Hiến pháp. Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 mùa hè 2010, đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cấp bách sửa đổi Hiến pháp ngay trong năm 2010 để cải cách bãi bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện phường có thể tiếp tục. Tuy chỉ là một đề nghị hết sức hạn chế và cuối cùng đã không được thông qua, nhưng đề xuất đó làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trong giới trí thức và trên truyền thông về vai trò của Hiến pháp trong một Nhà nước do Nhân dân làm chủ và nguyện vọng sửa đổi căn bản và toàn diện bản Hiến pháp 1992 hiện hành.[iii] Cuộc thảo luận sôi nổi về Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp đã bắt đầu từ lâu và đi sâu, đi xa hơn những định hướng sửa đổi cục bộ nêu trên của Quốc hội rất nhiều.

Một câu hỏi chính đáng cần được đặt ra: có phải bản Hiến pháp hiện nay, ngay từ nguyên tắc cơ bản và lý thuyết nền tảng đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại? Chỉ khi nào chúng ta nhìn thẳng và nhìn sâu vào bản chất của sự việc, dũng cảm nhận ra và vượt qua khỏi sự thiếu sót trong cơ chế đã ràng buộc đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta mới có thể có sự bứt phá trong cải cách cơ chế, kiến tạo một bộ máy Nhà nước hài hòa, trong sạch, hạn chế, lấy dân làm gốc, trọng hiền tài và khơi nguồn sáng tạo của dân tộc. Từ hiểu đúng, chúng ta mới có thể có đề xuất đúng và kiên quyết làm đúng ngay từ đầu. Điểm khởi đầu đó chính là một bản Hiến pháp của toàn dân.

Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng,”[iv] nhất là khi “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.”[v] Các tổ chức, hội đoàn có thể có chính kiến khác biệt, nhưng đó “là bình thường.” Điều quan trọng là điểm chung mà người Viêt Nam chúng ta cùng chia sẻ: lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng mạnh. Điểm chung đó nên là động thực thôi thúc chúng ta ngồi lại cùng nhau, thay vì tiếp tục chia rẽ vì ý thức hệ. Trên tinh thần xây dựng và hướng tới đối thoại đó, Đảng Dân Chủ Việt Nam mong muốn góp phần vào cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp – một cải cách có ảnh hưởng sâu rộng cho cơ chế chính trị của đất nước về lâu về dài.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các thiếu sót cơ bản của bản Hiến pháp hiện nay và sự bất hợp lý của nó trong thời đại mới: từ quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong hệ thống chính quyền đến vai trò của bản Hiến pháp; từ sự bất cập của nguyên tắc dân chủ tập trung như là nguyên tắc cơ bản của tổ chức Nhà nước đến nhu cầu cần có cơ chế tam quyền phân lập; từ sự thiếu sót trong cơ chế bảo vệ quyền của người dân đến nhu cầu cần có các điều khoản nhân quyền tiên tiến và Tòa án Hiến pháp. Sau khi phân tích thiếu sót hiện tại của cơ chế bộ máy Nhà nước, các nhu cầu cải cách hiển hiện, chúng tôi cho rằng một sự sửa đổi căn bản và toàn diện là cần thiết. Hơn cả, không quyền lực nào được hạn chế chủ quyền tối cao của người dân trong việc đề xướng và phúc quyết Hiến pháp với tất cả các sự sửa đổi mà nhân dân và công luận cho là cần thiết. Sửa đổi Hiến pháp để bản Hiến pháp trở thành của Toàn dân, là như vậy.

***

Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) không đáp ứng được nhu cầu thời đại

Sự thay đổi nhận thức về bản chất của Hiến pháp – “thể chế hóa đường lối của đảng lãnh đạo” hay “khế ước xã hội”?

Về bản chất, bản Hiến pháp hiện nay kế thừa mô hình Hiến pháp Sô-viết, coi Hiến pháp là sự thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong khi đó, trong một Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp phải là một khế ước xã hội, trong đó nhân dân thỏa thuận trao quyền cho Nhà nước, cùng với các điều kiện hạn chế quyền lực của Nhà nước và đảm bảo các quyền cơ bản của con người và công dân. Việc xác định lại bản chất và vai trò của bản Hiến pháp trong hệ thống chính trị cũng chính là để trả lời câu hỏi mà cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An[vi] đã đặt ra: “Ai là chủ đất nước?” Trả lời câu hỏi này có ý nghĩa quyết định trong việc xác định bản chất của một bản Hiến pháp chúng ta cần, cấu trúc của hệ thống quyền lực mà bản Hiến pháp đó đặt ra, cơ chế bảo vệ quyền con người, cũng như các điều khoản sửa đổi Hiến pháp. Nếu đã gọi Hiến pháp là “thể chế hóa đường lối lãnh đạo” thì rõ ràng đó là một bản Hiến pháp áp đặt và người dân hoàn toàn bị động trong quá trình làm ra và thực thi bản Hiến pháp đó – đó cũng chính là những gì đã xảy ra trong bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 – bị động đến mức quyền phúc quyết Hiến pháp được minh định trong bản Hiến pháp 1946 cũng bị tước bỏ mà nhân dân không hề được lên tiếng. Bên cạnh đó, Hiến pháp 1946 là một bản Hiến pháp dân chủ, có tam quyền phân lập, không hề đề cập đến nguyên tắc dân chủ tập trung. Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 chọn nguyên tắc dân chủ tập trung làm nền tảng, thay đổi cả một hệ thống tổ chức Nhà nước mà không hề được nhân dân phúc quyết thông qua!

Chưa bao giờ người dân nuối tiếc và nói nhiều về bản Hiến pháp 1946 như hiện nay. Nuối tiếc Hiến pháp 1946 cũng là nuối tiếc một cơ chế chính trị tiên tiến và không thua kém các nước văn minh trên thế giới. Nuối tiếc Hiến pháp 1946 cũng là hối tiếc các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 vốn được tiếp thu một cách vội vã từ mô hình Liên Xô, “thể hiện quan điểm chủ quan, giản đơn, duy ý chí”[vii] mà “những khủng hoảng xuất hiện sau Hiến pháp 1980 là rất to lớn và cho đến nay vẫn chưa thể nào khắc phục hết được.”[viii] Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đặt ra câu hỏi “Ai là chủ đất nước”, tưởng như hiển nhiên mà lại không hiển nhiên chút nào. Bản Hiến pháp 1946 quy định rõ “quyền phúc quyết về hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia,” trong khi đó Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 quy định Quốc hội mới là cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp. Đó là “sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội. Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.”[ix] Đó là chưa kể, “hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết. Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền.”[x]

Giáo sư Đào Trí Úc[xi] đưa ra quan điểm về bản chất xã hội của Hiến pháp: “Bản chất xã hội của các Hiến pháp ngày nay phản ánh một giai đoạn mới của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Theo đó, các quốc gia cố gắng tìm kiếm những phương thức thể hiện lợi ích vì một sự đồng thuận xã hội để phát triển, nhất là trong bối cảnh xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế, đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy, Hiến pháp đã được trao trở lại sứ mệnh của một bản khế ước về mặt pháp lý của các lực lượng xã hội mà đối tượng điều chỉnh trọng tâm là sự thoả hiệp lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các lực lượng xã hội. Mức độ của sự tương hợp lợi ích có thể rất khác nhau và đó là cơ sở để mỗi bản Hiến pháp xác định cho mình phương pháp điều chỉnh hợp lý. Các mức độ đó có rất nhiều loại. Đó có thể là sự liên minh của các lực lượng tuy có khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau nhưng thân thiện và hợp tác hữu nghị; cũng có thể đó là sự thoả hiệp ở những lợi ích nhất định của các lực lượng đối lập nhau và vì vậy, sự thoả hiệp xã hội được Hiến pháp ghi nhận là kết quả của quá trình vừa đấu tranh, vừa hợp tác giữa các lực lượng xã hội. Lẽ đương nhiên, phản ánh mối quan hệ như vậy, Hiến pháp không thể chỉ đứng về phía lợi ích của một lực lượng mà luôn phải tìm thế cân bằng về lợi ích, mặc dù trên thực tế ở bất kỳ quốc gia và dân tộc nào thì trong xã hội luôn luôn có những lực lượng, những lợi ích giữ vị trí ưu thế.”[xii]

Theo giáo sư Đào Trí Úc, “ở Việt Nam, Hiến pháp cũng đã phát triển theo hướng phản ánh những giá trị cao quý của dân tộc, của nhân dân. Đó là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất (Lời nói đầu, Hiến pháp năm 1992); “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “ấm no, tự do, hạnh phúc”, con người “có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3 Hiến pháp năm 1992).”[xiii] Nói một cách khác, sự chuyển đổi từ bản chất “giai cấp” của Hiến pháp đến một thời điểm lịch sử là cần thiết và phải được thừa nhận. Như vậy, nhận thức về Hiến pháp và chủ quyền tối cao của nhân dân đã tiến một bước dài, lại gần hơn với xu thế chung của thế giới.

Sự thay đổi nhận thức về chủ quyền tối cao của Nhân dân – thể hiện qua đòi hỏi cấp thiết về quyền phúc quyết Hiến pháp

Hiện nay, nhận thức về Hiến pháp ở Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc, theo chiều hướng coi Hiến pháp như một văn bản pháp luật tối cao mà người làm chủ là nhân dân trao quyền cho Nhà nước. Nói cách khác, nhận thức lại về vai trò làm chủ của nhân dân kéo đòi hỏi nhìn nhận lại về vai trò của bản Hiến pháp, cũng như tầm quan trọng của quyền lập hiến của nhân dân – tức quyền phúc quyết phê chuẩn hiến pháp. Các chuyên gia và dư luận đã rất thẳng thắn về điểm mấu chốt này.

Ông Bùi Ngọc Sơn[xiv] khẳng định: “Hiến pháp cần phải được nhìn nhận như một bản cam kết về các giá trị chung mà một cộng đồng theo đuổi. Cùng với điều đó là cần phải có một quy trình sửa đổi hiến pháp sao cho cộng đồng có thể được tham gia thể hiện ý chí của mình và đưa ra quyết định cuối cùng về các giá trị mà họ cùng cam kết với nhau sẽ tôn trọng.”[xv] Ông đề nghị rằng, “muốn có một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Việt Nam cần có một quan niệm khác hơn về Hiến pháp, cần phải coi Hiến pháp như một hình thức pháp lý mà người dân áp dụng đối với Nhà nước và tuyên bố những mục tiêu, lý tưởng chung của nhân dân. Quan niệm này coi Hiến pháp như một tác phẩm của nhân dân, do nhân dân xây dựng. Nói cách khác, quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Bằng quyền lập hiến, nhân dân thành lập ra Nhà nước và trao quyền cho Nhà nước.”[xvi]

Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường[xvii]: “Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, quyền lực nhà nước tập trung và thống nhất ở nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Do vậy, nhân dân trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho các cơ quan tư pháp, chứ không phải nhân dân trao hết thảy quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, rồi đến lượt mình, Quốc hội lại trao quyền cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Theo Điều 84 Hiến pháp năm 1992, nhân dân trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: quyền hạn về nhiệm vụ lập hiến, lập pháp; quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao và quyền hạn và nhiệm vụ quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Trong ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ này, nhóm quyền hạn nhiệm vụ lập hiến là không phù hợp với nguyên tắc mà chính Hiến pháp đã quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Giao cho Quốc hội nhiệm vụ và quyền hạn là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, vô hình trung đã biến quyền lập pháp trở thành quyền lực gốc – quyền lực “đẻ” ra quyền hành pháp và quyền tư pháp; quyền lực đứng trên và cao hơn các quyền khác. Đây là quy định còn chịu ảnh hưởng của nguyên tắc tập quyền – nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình Xô viết được thể hiện trong Hiến pháp 1980. […] Vì vậy phải chuyển quyền lập hiến từ Quốc hội về cho nhân dân thông qua trưng cầu dân ý (hay phúc quyết) bản Hiến pháp do Quốc hội lập hiến soạn thảo như Hiến pháp năm 1946 đã quy định.”[xviii]

Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng nhấn mạnh quyền phúc quyết hiến pháp của công dân trong một nhà nước cộng hòa: “Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa lần nào đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa.”[xix]

Nhu cầu về cơ chế tam quyền phân lập thay vì tập trung dân chủ trong thời đại mới

Dư luận và chuyên gia hiện nay cũng lên tiếng đòi hỏi một cơ chế tam quyền phân lập thay vì phân công phân nhiệm trong hệ thống quyền lực tập trung. Nhưng liệu có thể có tam quyền phân lập trong khi vẫn lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nền tảng? Chúng tôi cho rằng để đạt được ý nguyện về một Nhà nước pháp trị với nguyên tắc tam quyền phân lập để kiểm soát và cân bằng quyền lực, cần xem lại nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ về bản chất ban đầu là nguyên tắc tổ chức của một mô hình đảng chính trị. Nhưng tổ chức Nhà nước không phải là tổ chức đảng phái và lịch sử đã chứng minh tổ chức Nhà nước cần đảm bảo kiểm soát và cân bằng quyền lực, để Nhà nước không lấn lướt quyền làm chủ của Nhân dân và không áp đặt kiểm soát toàn trị lên đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nguyên tắc tập trung dân chủ – nguyên tắc chính trị kế thừa từ mô hình Sô-viết

Về cấu trúc hệ thống chính quyền mà bản Hiến pháp hiện nay quy định, bản Hiến pháp hiện nay dựa trên một mô hình không hề tương thích với Nhà nước pháp trị và dân chủ. Sự không tương thích này bắt nguồn từ nguyên tắc nền tảng – nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên thủy là một nguyên tắc tổ chức chính trị của đảng cộng sản, nguyên tắc tập trung dân chủ này đã được áp dụng vào tổ chức quyền lực Nhà nước để tập trung quyền lực vào tay Đảng Cộng Sản Việt Nam, và biến đảng duy nhất này trở thành quyền lực tối cao trên thực tế, đứng trên cả các thiết chế Nhà nước hiến định, kể cả Quốc hội.

Kể từ Hiến pháp 1959, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức Nhà nước cơ bản của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[xx] Điều 6 Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.”

Thế nào là nguyên tắc tập trung dân chủ? Trước tiên, cần khẳng định rằng nguyên tắc dân chủ tập trung là nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản – Đảng Cộng Sản Liên xô và được Đảng Cộng Sản Việt Nam sao chép lại. Nguyên tắc này tập trung quyền lực về Trung ương, cụ thể là Bộ chính trị đảng cộng sản: “Cá nhân đảng viên phải phục tùng tổ chức và kỷ luật của đảng, thiểu số phục tùng đa số, tổ chức cấp dưới phục tùng tổ chức có thẩm quyền cấp trên, toàn đảng phục tùng Trung ương.” Trên lý thuyết, các đảng viên có quyền “thảo luận một cách dân chủ thẳng thắn các công việc của đảng” nhưng phải chấp hành nghị quyết của đảng ngay cả khi có điểm không đồng ý. “Yếu tố “tập trung” của nguyên tắc này đòi hỏi sự thực thi không điều kiện các quyết định của cấp trên bởi cấp dưới, và các quyết định của đa số bởi thiểu số. Yếu tố “dân chủ” là sự bầu cử các lãnh đạo đảng ở mỗi cấp bởi đại hội đại biểu. Tuy vậy, trên thực tế, mặt “dân chủ” của tập trung dân chủ chỉ là hình thức, trong đó quá trình bầu cử chỉ là hợp thức hóa kết quả đã rồi của sự cố vấn và thương thuyết bởi các lãnh đạo hạt nhân và các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng.”[xxi]

Nguyên tắc tập trung dân chủ đã đặt đảng duy nhất lãnh đạo lên trên các cơ quan Nhà nước Hiến định. Thứ nhất, tập trung dân chủ là sự phân nhiệm (phân công nhiệm vụ) giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp, tòa án – cả ba nhánh quyền lực đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Thứ hai và quan trọng hơn cả, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện qua cơ chế song trùng – ở cả trung ương và chính quyền địa phương, mỗi cơ quan Nhà nước đều có một đơn vị đảng với các đảng viên nắm các vị trí then chốt của cơ quan Nhà nước đó. Vì các đảng viên này phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ và phục tùng cấp trên và Trung ương, Đảng Cộng Sản trở thành cơ quan quyền lực của các cơ quan Nhà nước đó. Sự mập mờ này dẫn đến hiện tượng chồng tréo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước và cơ quan đảng, giữa các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành và nghị quyết, chỉ thị của Đảng Cộng Sản. Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền sửa đổi Hiến pháp, thế nhưng vấn đề sửa đổi Hiến pháp phải chờ nghị quyết của Đảng, như một giáo sư thuộc Hội đồng lý luận Trung ương từng phát biểu: “Về nguyên tắc, bổ sung được cương lĩnh 1991 [của Đảng Cộng Sản Việt Nam] thì sẽ mở đường cho sửa đổi Hiến pháp và những cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế.”[xxii] Rõ ràng, đảng lãnh đạo đứng trên Hiến pháp và Quốc hội.

Nhận xét này một lần nữa được khẳng định bởi cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An, một người đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hệ thống: “Hiến pháp và Pháp luật đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng. Thực chất chúng ta có hai hệ thống quyền lực song song, đó là hệ thống của Đảng và hệ thống Nhà nước đi kèm theo là hai hệ thống tòa nhà của hai cơ quan đảng và nhà nước cồng kềnh chưa từng có. Đây là mô hình của cộng hòa Xô Viết. Thông lệ quốc tế không có như vậy. Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết. Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng. Chủ tịch nước từ chỗ tập trung thực quyền như khi Bác Hồ đảm nhận, ngày nay đã dần trở thành hình thức, nghi lễ. Quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ra làm ba nơi, ba người nắm giữ, đó là Tổng Bí thư thống lĩnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước đại diện cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng không thực quyền. Tòa án là nhánh tư pháp lại càng yếu thế. Cả ba nhánh quyền lực đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban lãnh đạo Đảng (Bộ Chính trị – Ban Chấp hành Trung ương). Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy, Đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Không phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi. Mô hình của cộng hòa Xô Viết là như vậy.”[xxiii]

Sự lỗi thời của nguyên tắc tập trung dân chủ trong nền kinh tế thị trường và thời đại toàn cầu hóa

Bàn về sự “ưu việt,” đúng, sai của nguyên tắc tập trung dân chủ như là một nguyên tắc tổ chức chính trị của một đảng phái không phải là mục tiêu và cũng không nằm trong khuôn khổ của bản đề xuất này. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là nguyên tắc dân chủ tập trung không thể là nguyên tắc tổ chức nhà nước trong một nhà nước dân chủ và pháp trị. Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể chọn bất kỳ nguyên tắc nào họ muốn cho tổ chức của họ. Thế nhưng, tổ chức Nhà nước không phải là một tổ chức đảng phái và nguyên tắc dân chủ tập trung không thể được áp đặt như nguyên tắc tổ chức Nhà nước mà không được nhân dân phúc quyết. Bản chất của cách tổ chức này không khác gì cách tổ chức của triều đình phong kiến – thay vì quyền lực tập trung vào một người là nhà vua, nay quyền lực tập trung vào một nhóm người là lãnh đạo đảng, để Đảng Cộng Sản trở thành “ông vua tập thể” như cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nêu.

Thế nhưng, theo chúng tôi, thứ nhất, quyền lực Nhà nước cần được phân tán để có kiểm soát và đối trọng, thay vì tập trung vào bất kỳ một cơ quan hay một nhóm người nào. Thứ hai, mỗi nhánh quyền lực Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước nhân dân hoặc đại biểu của nhân dân, chứ không phải trước bất kỳ một cơ quan chính trị “Trung ương” nào. Đặc biệt, nền kinh tế thị trường đòi hỏi cơ chế Nhà nước phù hợp để vận hành lành mạnh và phát triển thịnh vượng, như giảng viên luật Bùi Ngọc Sơn đã viết: “Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường luôn song hành với nhau. Chính quyền không thể điều hành hiệu quả nền kinh tế thị trường nếu chính quyền đó không tôn trọng các chuẩn mực pháp quyền. Ngược lại, một nhà nước cực quyền toàn trị không thể chấp nhận kinh tế thị trường. Vì vậy, để thúc đẩy cho kinh tế thị trường phát triển, xã hội thịnh vượng hơn, những sửa đổi hiến pháp trong tương lai phải định hướng chính quyền vào các chuẩn mực pháp quyền […]: tôn trọng các quyền con người, phân công quyền lực, tài phán hiến pháp, tư pháp độc lập, chính quyền minh bạch và trách nhiệm…”[xxiv] Các chuẩn mực này rõ ràng không có được trong một cơ chế tập trung dân chủ.

Nhiều trí thức trong nước đã lên tiếng thẳng thắn đòi thay đổi “cơ chế” tập trung dân chủ này. Giáo sư Trần Đình Bút[xxv] trong một bài viết trên báo pháp luật thành phố năm 2006, nhận định: “Bộ máy quản lý nhà nước của nước ta hiện nay chỉ là một bộ phận trong thể chế quản lý của đất nước, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam, như điều 4 Hiến pháp đã quy định, coi đó là một nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc này hoàn toàn cần thiết trong điều kiện những cuộc chiến tranh quyết liệt một mất một còn trước kẻ thù của dân tộc, nhưng trong điều kiện xây dựng kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cần phải xem lại. Nếu tiếp tục vận dụng nguyên tắc này như thời gian qua thì khó có thể hy vọng đổi mới, hoàn thiện tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước một cách có hiệu quả.”[xxvi]

Một chế độ dân chủ “của dân, do dân, vì dân” phải lấy ý chí và nguyện vọng của nhân dân làm nền tảng, trong đó quyền lực Nhà nước phải do nhân dân thỏa thuận trao cho qua bầu cử tự do và công bằng. Như giáo sư Trần Đình Bút đã khẳng định: “đã là Nhà nước pháp quyền thì pháp luật là trên hết. Nhà nước chịu sự chi phối của pháp luật, hoạt động của đảng cũng chịu sự chi phối của pháp luật… Đảng không thể đặt mình trên pháp luật vì đó là ý nguyện của nhân dân.”[xxvii]

Tam quyền phân lập – cơ chế nhà nước tiến bộ của nhân loại bảo đảm chủ quyền tối cao của Nhân dân

Các tư tưởng về một khế ước xã hội trong đó nhân dân trao quyền cho Nhà nước và hạn chế quyền lực Nhà nước khởi nguồn từ Thomas Hobbes, John Locke, Jean Jacques Rousseau – các nhà tư tưởng lỗi lạc của châu Âu vào thế kỷ 17, 18. Nhưng Montesquieu mới chính là cha đẻ của lý thuyết tam quyền phân lập. Trong tác phẩm Vạn pháp tinh lý, kết quả của hai mươi năm trời đằng đẵng quan sát, nghiên cứu, suy ngẫm, ông đã mô tả và phân tích cách tổ chức chính quyền nước Anh, sự phân chia quyền lực Nhà nước vào các cơ quan khác nhau, cũng như sự kiểm soát và đối trọng giữa các cơ quan đó để làm nên một cơ chế Nhà nước hiệu quả nhưng tránh được lạm quyền. Công trình này xuất phát từ mối ưu tư về sự tập quyền của chế độ quân chủ chuyên chế nước Pháp, đất nước của ông, nơi cả ba quyền hành pháp, lập pháp, tòa án tập trung vào tay nhà Vua. Thuyết tam quyền phân lập của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng Mỹ, nơi bản Hiến pháp đầu tiên trên thế giới được soạn thảo năm 1787 và thông qua năm 1788 với nguyên tắc tam quyền phân lập là nền tảng của cấu trúc quyền lực Nhà nước.

Nhận xét về xu hướng tiến gần đến cách tổ chức Nhà nước tam quyền phân lập trong một thập niên trở lại đây và trả lời câu hỏi của báo chí liệu điều này có mâu thuẫn với những chỉ trích lâu nay rằng đó chỉ là “một hình thức dân chủ giả hiệu của tư sản,” nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Đình Lộc khẳng định: “Khi phê phán tam quyền phân lập, ta không thấy được công lao của những người phát hiện ra có ba thứ quyền trong một nhà nước. Chúng ta đã nhìn thuần túy từ góc độ giai cấp mà không thấy rằng đó là một hiện tượng xã hội có tính khách quan. Nó tồn tại như thế thì nó phải thể hiện dưới ba phương thức đó và phải có sự phân công thì nó mới phát triển được.”[xxviii]

Đến thời điểm này, nhận thức về nhu cầu phân công quyền lực để có kiểm soát và đối trọng đã không còn là một tư duy mới mẻ tại Việt Nam. Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã diễn tả nhu cầu tam quyền phân lập thật mạch lạc, thuyết phục khi bàn về việc sửa đổi Hiến pháp vào năm 2011. Một trong ba nhu cầu cốt lõi của việc sửa đổi Hiến pháp, theo ông, là “vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực Nhà nước.” Ông phân tích tiếp: “Phân công phải hướng tới cân bằng tương đối, phải rõ ràng, rành mạch; kiểm soát phải có chế tài, phải chặt chẽ, hiệu lực. Phân công phải cân bằng thì mới có khả năng kiểm soát hiệu lực, kiểm soát hiệu lực nằm ngay trong sự phân công công bằng. Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa… Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực. Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện. Quyền lực dưới thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa không tập trung vào một người hay một lực lượng, cơ quan nào, mà phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội – Chính phủ – Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất.”[xxix]

Phân tích tiếp về nhu cầu hiện tại của Việt Nam, ông cho rằng: “Nghiên cứu kỹ các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) thì thấy rằng những quy định để cân bằng và kiểm soát quyền lực lại không được rõ ràng và cân bằng như Hiến pháp 1946. Ví dụ, Quốc hội có quyền lập Hiến, điều đó có nghĩa rằng quyền lực của Quốc hội vượt trội quá lớn so với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Quốc hội có quyền phân công quyền lực cho cả các cơ quan hành pháp và tư pháp, và cho cả chính mình. Đúng ra, quyền lập Hiến phải là quyền của Dân chứ không phải của Quốc hội. Do đó mà quyền của Dân cũng bị phân tán và yếu thế, không đúng với quyền của người làm chủ. Hoặc quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ở ba nơi, điều đó cũng có nghĩa là quyền lực của cơ quan hành pháp quá yếu thế so với cơ quan lập pháp. Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và còn bị chi phối trong xét xử. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, phân công quyền lực không cân bằng, không rõ ràng thì sự kiểm soát sẽ không có hiệu lực và hiệu quả. Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội là những biểu hiện của sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực rõ ràng nhất. Nó cũng là hậu quả của sự phân công và kiểm soát quyền lực chưa được cân bằng như quy định của Hiến pháp 1946.”[xxx]

Từ nhận định thực tế đó, ông khẳng định: “Cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa mà trong thể chế quân chủ chuyên chế đã bất lực. Tất nhiên không thể nói tuyệt đối được, vì thể chế nào cũng phải thông qua con người cụ thể. Nhưng có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực cho ba cơ quan Nhà nước, sẽ tốt hơn rất nhiều so với cơ chế tập trung quyền lực vào một ông vua, hoặc vào bất kỳ một lực lượng, một cơ quan nào khác. Cân bằng và kiềm soát quyền lực là một sự tiến bộ về khoa học và nghệ thuật cầm quyền, là một bước tiến của văn minh nhân loại về quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này phải quan tâm để làm rõ ràng hơn, hoàn thiện tốt hơn sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước.”[xxxi]

Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, một cách thuyết phục, đã nói thay rất nhiều người về nhu cầu cần có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Thiếu sót trong cơ chế bảo vệ Hiến pháp và các quyền ghi trong Hiến pháp

Thiếu sót lớn thứ ba của bản Hiến pháp 1992 là sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người được ghi trong Hiến pháp. Các điều khoản về quyền trong Hiến pháp hiện tại còn nhiều bất cập. Bản Hiến pháp 1992 có các điều khoản về quyền và nghĩa vụ, song các quyền đó phải được thực hiện “theo quy định của pháp luật.” Kết quả là các văn bản pháp luật hạn chế quyền hiến định đã được thông qua và áp dụng một cách nhiệt tình – các điều khoản 79 và 88 của Bộ luật hình sự chỉ là một ví dụ.

Cũng cần khẳng định rằng ngay cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước đã có ảnh hưởng tới việc bảo vệ nhân quyền. Một cơ chế tập trung quyền lực dứt khoát có xu hướng lạm quyền và xâm phạm nhân quyền và dân quyền. Một cơ chế tam quyền phân lập với kiểm soát và đối trọng quyền lực tự bản thân nó đã là một cách thức bảo vệ quyền con người một cách thực tế. Bản Hiến pháp hiện nay thiếu cơ chế bảo hiến. Quốc hội vừa là cơ quan làm luật, vừa là cơ quan đảm bảo tính hợp hiến của các luật và các văn bản dưới luật. Tuy vậy, thực tế là nhiều bộ luật và luật được thông qua trái với Hiến pháp mà không có cơ chế nào ngăn chặn việc đó. Một ví dụ là nhiều bộ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại được thông qua dưới sức ép của toàn cầu hóa và nhu cầu của các nhà đầu tư, mặc dù chúng không tương hợp với Hiến pháp.[xxxii] Không tương hợp là bởi vì chúng được vay mượn từ các hệ pháp lý quốc tế và nước ngoài, vốn lấy quyền con người và cá nhân làm nền tảng. Trong khi đó, mô hình Sô-viết lại coi nền tảng của pháp luật là nghị quyết, là mệnh lệnh áp đặt từ trên xuống, coi nhẹ các quyền Hiến định chính đáng của công dân, đặc biệt là các quyền tự do thông tin và tự do cá nhân vốn không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ tư pháp, nguyên trưởng tiểu ban biên tập Hiến pháp 1992, khi nghĩ về bản Hiến pháp 1980 đã nhận xét rằng: “trong một thời gian dài có thể nói “chuyên chính vô sản” đã chi phối mọi hoạt động của xã hội. Khuynh hướng người cầm quyền, lạm dụng quyền trở nên phổ biến. “An ninh quốc gia” thường được sử dụng để biện minh cho sự lạm quyền và xã hội dường như có khuynh hướng chấp nhận nó. […] Một dự luật, khi đưa tới Quốc hội, phải trải qua sự xem xét của rất nhiều cơ quan. Và “Lợi ích dân tộc” đã được nhân danh để lấn lướt. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn rất cần phải nhận thức lại về các quyền tự do mà Hiến pháp đã trao cho người dân.”[xxxiii] Tiếc rằng đó vẫn là tình trạng hiện tại dưới Hiến pháp 1992, mà các điều luật của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự chỉ là một trong các ví dụ đó.

Như vậy, xét về mọi mặt, từ nhu cầu thực tế của đất nước trong thời đại mới, thay đổi tư duy về Hiến pháp, đòi hỏi thực thi chủ quyền tối cao của nhân dân mà quyền phúc quyết Hiến pháp là điểm khởi đầu không thể thiếu, đến đề cao dân quyền và nhân quyền, thiết lập một hệ thống chính quyền với quyền lực hạn chế, là những nhu cầu nóng bỏng mà bản Hiến pháp 1992 không thể đáp ứng. Bản Hiến pháp 1992 về bản chất và cấu trúc hệ thống chính quyền vẫn là mô hình Sô viết, một mô hình gắn liền với kinh tế tập trung. Chúng ta có đủ quyết tâm để đoạn tuyệt với mô hình này và tiến hành các sửa đổi sâu rộng để đáp ứng các nhu cầu mới trong nền kinh tế thị trường và thời đại toàn cầu hóa?

***

Quyền phúc quyết Hiến pháp của Nhân dân là không thể thiếu và không giới hạn

Sửa đổi Hiến pháp sâu rộng đến đâu dứt khoát phải là quyết định của Nhân dân, qua việc thảo luận, đóng góp ý kiến rộng rãi, và quan trọng hơn cả là quyền phúc quyết thông qua bản Hiến pháp. Có ý kiến dường như cho rằng cho dù quyền phúc quyết Hiến pháp của Nhân dân là hợp lý, hợp pháp, chính đáng, vẫn có những giới hạn mà lần sửa đổi này không thể vượt quá. Dù đồng ý rằng sự thận trọng trong các thay đổi lớn là cần thiết, chúng tôi cho rằng đặt ra các hạn chế cho chủ quyền tối cao là phi lý. Chủ quyền của nhân dân là tối cao, và quyền phúc quyết hiến pháp là sự thể hiện cơ bản của chủ quyền tối cao đó mà không quyền phái sinh nào có thể hạn chế được.

Trong các bài nghiên cứu xoay quanh vấn đề sửa đổi Hiến pháp, ông Bùi Ngọc Sơn là một trong những người đặt vấn đề về giới hạn của việc sửa đổi Hiến pháp. Ông viết: “Sửa đổi Hiến pháp được phân biệt với thay đổi hiến pháp. Sửa đổi hiến pháp là tu chỉnh hiến pháp gốc, không phải là thay một hiến pháp khác. Vì vậy, có những giới hạn của việc sửa đổi hiến pháp mà những nhà thảo hiến phải tôn trọng; nếu không họ không phải sửa đổi hiến pháp mà là thay đổi hiến pháp, làm một Hiến pháp mới. Thông thường, các Hiến pháp thường đặt giới hạn sửa đổi Hiến pháp là chính thể của quốc gia. Bởi lẽ nền chính thể thay đổi, toàn bộ cấu trúc của chính quyền phải thay đổi theo và do đó, quốc gia cần một Hiến pháp mới chứ không giản đơn là tu chính những điều khoản của Hiến pháp gốc. Một số Hiến pháp cũng giới hạn việc sửa đổi hiến pháp không được bớt đi các dân quyền đã được xác định. Cuối cùng, để làm chặt chẽ sự giới hạn tu chính, bản thân điều khoản quy định về sửa đổi hiến pháp là không thể được sửa đổi.”[xxxiv] Ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng “Trong khung cảnh của Việt Nam, chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa là điều không thể được sửa đổi. Những nội dung có tính chất trụ cột của chính thể cũng không được sửa đổi như vai trò lãnh đạo của nhà nước và xã hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoài ra, việc sửa đổi hiến pháp cũng không thể làm thay đổi hình thể nhà nước đơn nhất ở Việt Nam. Những điều có thể sửa đổi được là những chi tiết về chính quyền có ý nghĩa thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền.”[xxxv]

Trong một bài viết tiếp theo “Sửa đổi quy trình sửa đổi Hiến pháp,”[xxxvi] để giải quyết vấn đề bản Hiến pháp 1992 hiện nay không quy định quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân, ông cho rằng nhân dân vẫn có thể thực thi quyền phúc quyết, vì đó là biểu hiện cơ bản của chủ quyền tối cao mà nhân dân nắm giữ, mà không quyền phái sinh nào có thể hạn chế được. Ông khẳng định việc áp dụng trưng cầu dân ý cho lần sửa đổi Hiến pháp lần này không có gì là vi hiến: “Điều 147 không phải là nguồn duy nhất để sửa đổi chính thức Hiến pháp. Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng chính quyền hợp hiến ở Việt Nam được Hiến pháp ghi nhận là chủ quyền nhân dân được thể hiện qua quy định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều 2). […] Chủ quyền nhân dân là tối cao có nghĩa là, trong quốc gia không có một quyền nào có thể áp đặt những ràng buộc pháp lý lên chủ quyền nhân dân. Chủ quyền nhân dân là một quyền nguyên thủy, một quyền nguồn gốc mà từ đó hình thành nên các quyền của chính quyền, nên các quyền phái sinh này không thể đặt ra những ràng buộc pháp lý lên chủ quyền nhân dân. Trong khi đó, trưng cầu dân ý là một hình thức toàn vẹn nhất của chủ quyền nhân dân. Bằng việc thực hiện quyền trưng cầu dân ý, nhân dân trực tiếp hành xử chủ quyền nhân dân của mình. Vì vậy, người ta không thể đặt ra vấn đề tính hợp hiến của trưng cầu dân ý xét theo nghĩa bản chất. Nói cách khác, bản chất của hành vi trưng cầu dân ý không thể được xem xét trên phương diện hiến tính, mặc dù người ta có thể xem xét tính hợp hiến của thủ tục, quy trình, kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý.”[xxxvii]

Chúng tôi hoàn toàn tán đồng rằng không một quyền phái sinh nào có thể đặt những ràng buộc pháp lý lên chủ nguyền tối cao và căn bản. Tuy vậy, cho rằng sự phân biệt giữa quy trình và kết quả của trưng cầu dân ý là không hợp lý. Ông Bùi Ngọc Sơn đưa ra sự phân biệt giữa “hành vi trưng cầu dân ý” – không thể được xem xét trên phương diện hiến tính,” và “các thủ tục, quy trình, kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý” vốn có thể bị xem xét tính hợp hiến. Thế nhưng, đã nói người dân là chủ quyền tối cao, thì ai có quyền xem xét tính hợp hiến của kết quả trưng cầu dân ý thể hiện nguyện vọng của nhân dân? Chẳng nhẽ các quyền phái sinh có quyền làm điều này sao, và dựa vào tiêu chí nào, ai là người quyết định tiêu chí nếu không có sự đồng thuận của chủ quyền tối cao là nhân dân?

Chúng tôi cũng đồng ý rằng trên nguyên tắc, việc sửa đổi Hiến pháp có thể có những giới hạn. Thông thường những giới hạn đó được nêu ra trong bản Hiến pháp bị sửa đổi. Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng những giới hạn này chỉ có giá trị khi bản Hiến pháp bị sửa đổi bản thân nó là sản phẩm của sự đồng thuận của người dân. Sự ràng buộc đó về bản chất là sự ràng buộc của thế hệ trước lên thế hệ sau, vì những lợi ích mà sự ràng buộc đó mang lại cho nhân dân nói chung.[xxxviii] Thế nhưng, xét vào tình hình Việt Nam, ai cũng biết rằng bản Hiến pháp hiện tại, cũng như từ các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đã không hề được người dân phúc quyết thông qua. Vì vậy, trong lần sửa Hiến pháp này, việc trả lại chủ quyền tối cao cho nhân dân không chỉ mang ý nghĩa quyền phúc quyết của người dân qua trưng cầu dân ý, mà còn là quyền của người dân trong việc quyết định thể chế chính trị của mình.

Trong trường hợp chúng ta đồng ý với ông Bùi Ngọc Sơn rằng có những hạn chế của việc sửa đổi Hiến pháp, cụ thể là “cấu trúc cơ bản của chính quyền hay hệ thống chính trị mà Hiến pháp xác lập,” câu hỏi đặt ra là liệu các Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp hiện tại 1992 có tuân thủ yêu cầu này không, và vì vậy các giới hạn đặt ra bởi các bản Hiến pháp này có cần được nhân dân tuân thủ không? Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 chưa bao giờ được nhân dân phúc quyết thông qua theo đúng thủ tục quy định tại điều 70 Hiến pháp 1946: “Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”[xxxix] Hiến pháp 1959 và các Hiến pháp sau đó thay đổi quy trình sửa đổi Hiến pháp, quy định chỉ cần 2/3 số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, mà không đề cập gì đến quyền phúc quyết của nhân dân.[xl] Hiến pháp 1980 đổi tên nước từ “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” thành “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” tức là thay đổi cả một thể chế chính trị, mà không hề được nhân dân phúc quyết.[xli]

Có thể có ý kiến biện hộ rằng bản thân Hiến pháp 1946, vì tình trạng chiến tranh, cũng đã không được đưa ra cho nhân dân phúc quyết và vì vậy các Quốc hội sau đó không bị ràng buộc. Tuy vậy, Hiến pháp 1959 và 1980 đều viện dẫn Hiến pháp 1946 trong lời mở đầu và qua đó công nhận Hiến pháp 1946 như là văn bản cơ bản mà các Hiến pháp sau kế thừa và tiếp nối. Lời mở đầu của Hiến pháp 1959 ghi rõ Hiến pháp 1959 bắt nguồn từ nhu cầu sửa đổi Hiến pháp 1946, chứ không phải là một bản Hiến pháp mới hay bản Hiến pháp đầu tiên: “Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.”[xlii] Hiến pháp 1980 cũng ghi: “Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới.”[xliii] Và Hiến pháp 1992: “Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980.”[xliv]

Như vậy, rõ ràng tất cả các Hiến pháp của Việt Nam đều tự nhận là văn bản kế thừa của Hiến pháp 1946, và vì vậy không có lý do gì có thể biện minh cho việc thiếu giá trị pháp lý của các Hiến pháp đó vì đã không tuân thủ quy trình sửa đổi mà Hiến pháp 1946 đặt ra. Như vậy, dù đặt ra hay không đặt ra hạn chế của việc sửa đổi Hiến pháp, đặt vấn đề cấu trúc và bản chất hệ thống chính trị nhân dân phúc quyết là không thể né tránh, và hoàn toàn phù hợp với chủ quyền tối cao của nhân dân và nguyên tắc pháp trị.

Chúng tôi cho rằng quy trình sửa đổi Hiến pháp mà ông Bùi Ngọc Sơn đề nghị trong bài viết là hợp lý, phù hợp vói tình hình Việt Nam. Sau khi điểm sơ qua một số mô hình trên thế giới, ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng mô hình sự “phức tạp của lập pháp” (tức lập pháp không kiểm soát toàn bộ quá trình sửa đổi Hiến pháp mà có những yếu tố phức tạp hơn trong quy trình), cùng với trưng cầu dân ý là một lựa chọn phù hợp cho Việt Nam. Cụ thể, ông đề nghị quy trình như sau: “hai phần ba tổng số đại biểu quốc hội có quyền đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp”; sau đó, “Quốc hội có thể ban hành một Nghị quyết về việc bầu cử Hội nghị sửa đổi Hiến pháp” và “các tỉnh sẽ bầu những đại diện tham gia vào Hội nghị này”; sau cùng, “những điều đã được Hội nghị Hiến pháp đồng ý phải được đem cho nhân dân bỏ phiếu phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.” Điều kiện không thể thiếu trong quá trình đó, là “các phương tiện truyền thông cần tích cực đăng các nghiên cứu giải thích các điều khoản sửa đổi Hiến pháp” và “giới luật học cần hoạt động tích cực thông qua các hoạt động báo chí, hội thảo, và diễn đàn.” Nhận định này hoàn toàn chính xác: một sự thảo luận rộng rãi, tự do sẽ giúp cho người dân có đầy đủ thông tin và đưa ra một sự lựa chọn hợp lý nhất. Điều khó khăn là làm sao để đảm bảo sự thảo luận rộng rãi này và bảo vệ chủ quyền của nhân dân khỏi sự hạn chế và điều khiển của thế lực chính trị độc quyền. Thiết nghĩ sự đồng thuận và quyết tâm rất lớn của toàn dân và xã hội, sự bình đẳng giữa các lực lượng chính trị như nền tảng cơ bản của tiến trình là một yếu tố quan trọng tạo ra sự đột phá này trong sinh hoạt chính trị ở Việt Nam.

Trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này, chính vì dư luận và nhiều học giả đồng thuận trong việc tôn trọng chủ quyền tối cao của người dân trong vấn đề lập hiến, bằng một cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử, thiết nghĩ không có lý do gì để một lần nữa tước đi quyền phát biểu và hiện thực hóa nguyện vọng về thể chế chính trị của nhân dân, tạo nền tảng cho một thể chế chính trị công bằng, trong sạch trong đó chúng ta và các thế hệ tiếp sau sẽ sống và làm việc. Đó là bổn phận của mỗi chúng ta, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm chung đối với các thế hệ sau.

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

______________

Xem thêm:

_______

[i] Ngô Huy Cương, Cải Cách Hệ Thống Pháp Luật Kinh Tế: Một Số Vấn Đề Lý Luận và Thực Tiễn Cơ Bản, Tạp chí Nghiên cứu Lập Pháp, 2008.

[ii] Tuổi Trẻ online, Đã Đến Lúc Sửa Hiến Pháp, 8/10/2007.

[iii] Vietnamnet, Sẽ Sửa Hiến Pháp Ngay Cuối Năm Nay, 2010.

[iv] BBC Việt ngữ, BBC phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt, 2007.

[v] Id.

[vi] Ông Nguyễn Văn An là chủ tịch Quốc Hội Việt Nam nhiệm kỳ 2001-2006.

[vii] SGTT, Tinh Thần Hiến Pháp – phỏng vấn TS Nguyễn Đình Lộc, 2007.

[viii] Id.

[ix] TuanVietnNam, Cựu chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp, 2010.

[x] Id.

[xi] GS.TS Đào Trí Úc là giảng viên khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam.

[xii] Đào Trí Úc, Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, 2010.

[xiii] Id.

[xiv] Ông Bùi Ngọc Sơn là giảng viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu sinh khoa Luật tại Hồng-Kông .

[xv] Bùi Ngọc Sơn, Một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 2010.

[xvi] Bùi Ngọc Sơn, Sửa đổi quy trình sửa đổi Hiến pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 2010.

[xvii] GS-TS Trần Ngọc Đường là chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu Lập pháp.

[xviii] Trần Ngọc Đường, Tiếp tục đổi mới Quốc hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, NCLP, 2010.

[xix] TuanVietnam, Cựu chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp, 2010.

[xx] Điều 4 Hiến pháp 1959: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.”

[xxi] GARETH PORTER, VIETNAM: THE POLITICS OF BUREAUCRATIC SOCIALISM 101-02 (Cornell University Press, 1993).

[xxii] VnExpress, Sửa Đổi Hiến Pháp – Hãy Lắng Nghe Mệnh Lệnh Cuộc Sống, 17/10/2007 (phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chí bảo, Ủy viên thư ký thường trực, Hội đồng Lý luận Trung ương – cơ quan thuộc Bộ chính trị).

[xxiii] TuanVietnam – Vietnamnet, Nguyên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị, 2010.

[xxiv] Bùi Ngọc Sơn, Một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 2010.

[xxv] Giáo sư kinh tế Trần Đình Bút là phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam,

[xxvi] BBC Việt ngữ, Cần Xem Lại Điều 4 Hiến pháp, 29/03/2006.

[xxvii] BBC Việt ngữ, Cần Xem Lại Điều 4 Hiến pháp, 29/03/2006.

[xxviii] SGTT, Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lộc – Khi phê phán tam quyền phân lập: đúng hay sai?, 2007.

[xxix] TuanVietnam, Cựu chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp, 2010.

[xxx] Id.

[xxxi] Id.

[xxxii] Xem John Gillespie, Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam, in Gillespie, J. S. and P. Nicholson 45-90 (2005). Asian socialism & legal change : the dynamics of Vietnamese and Chinese reform. Canberra ACT, Australian National University Press : Asia Pacific Press, http://epress.anu.edu.au/as/pdf/asian_socialism.pdf.

[xxxiii] SGTT, Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Lộc – Tinh thần Hiến pháp, 2007.

[xxxiv] Bùi Ngọc Sơn, Một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 2010.

[xxxv] Id.

[xxxvi] Bùi Ngọc Sơn, Sửa đổi quy trình sửa đổi Hiến pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 2010.

[xxxvii] Id.

[xxxviii] Xem Stephen Holmes, Precommitment and the Paradox of Democracy, inConstitutionalism and Democracy (Jon Elster and Rune Slagstad, eds., Cambridge University Press 1997), 195-240.

[xxxix] Vietnamnet, Hiến pháp 1946: Nghĩ về quyền phúc quyết Hiến pháp của dân, 2007.

[xl] Hiến pháp 1959.

[xli] Hiến pháp 1980.

[xlii] Hiến pháp 1959.

[xliii] Hiến pháp 1980.

[xliv] Hiến pháp 1992.

Share