Thư ngỏ gửi Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam

Thư ngỏ gửi Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc
liên quan đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam

Ngày 30 tháng 04 năm 2020

Đồng kính gửi:

Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc

Nhân ngày 30 tháng 4, ngày 45 năm Việt Nam thống nhất đất nước, Đảng Dân Chủ Việt Nam gửi đến hai “đảng cầm quyền” – Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đề tài liên quan đến cuộc sống người dân, chủ quyền Biển Đông và an ninh hàng hải quốc tế.

Trước hết, thống nhất đất nước có ý nghĩa lớn đối với người Việt Nam, không chỉ về lịch sử và chính trị mà còn là sự hàn gắn dân tộc, đoàn kết quốc gia. Đất nước thống nhất nghĩa là Việt Nam hợp pháp kế thừa toàn vẹn lãnh thổ, không còn chia cách hai miền Bắc–Nam bởi vĩ tuyến 17. Từ đó, một Việt Nam thống nhất là thành viên Liên Hợp Quốc vào năm 1977 đến nay.

Chúng ta dù là người Việt Nam, Trung Quốc hay những sắc dân khác trên thế giới thì đều cùng là nhân loại, mấy ai lại cổ vũ tư duy gây hấn chiếm đoạt chủ quyền hay gây thù địch giữa con người với nhau.

Qua hàng nghìn năm tiến hóa của con người, giữa Việt Nam và Trung Quốc là một chuỗi lịch sử khá dài, pha trộn ngọt bùi lẫn chua cay. Dù vậy, chúng ta hôm nay, người Việt và người Trung Quốc vẫn là hữu nghị láng giềng.

Vấn đề đảng vũ trang để giết người thì có mấy ai lại hãnh diện. Từ hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Quốc, cả Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ, đến Hitler hung bạo ở Đức Quốc phải là những bài học tránh bạo lực mới đúng. Ngày nay, các đảng cầm quyền độc quyền phiêu lưu quân sự thì người dân không khó để thấy trước những hệ quả đó.

Mục tiêu của mọi quốc gia không ngoài mục đích mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Các “đảng lãnh đạo” là những phương tiện giúp cho nhân dân phát triển và tạo bình đẳng trong xã hội mới đúng.

Giữa nhân dân các nước không ai mưu tính ác ý gây hấn, xâm chiếm lãnh thổ, chiến tranh, giết chóc vì điều này hiển nhiên không phải là mưu cầu hạnh phúc cho bất cứ ai. Vấn đề chính là do “đảng lãnh đạo”.

Khác với thế giới, Việt Nam và Trung Quốc có “đảng lãnh đạo” nên hai nước mới có cụm từ “Đảng, nhà nước, nhân dân”. Đảng trên hết, sau cùng là nhân dân. Đây là vấn đề của nhiều vấn đề.

Việc lãnh đạo ĐCSTQ lên ý đồ xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện từ lúc Pháp chuyển giao lãnh hải cho chính phủ quốc gia Việt Nam – tức Việt Nam Cộng Hòa – trong những năm 1956, tiếp tục qua Công hàm 1958 của Thủ tướng Chu Ân Lai gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và ngày 19/1/1974 đánh dấu cuộc hải chiến Trung Quốc đánh chiếm và kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Lúc bấy giờ Việt Nam Cộng Hòa đã đệ trình thư lên Liên Hợp Quốc và ĐCSVN đã im lặng vì là đảng đồng minh của ĐCSTQ và mặt khác không công nhận thực tế chính danh chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Công hàm 1958 chỉ ra cho thấy hai “đồng chí” của hai “đảng cầm quyền” ủng hộ nhau mà không thấy có sự chuẩn thuận của quốc hội hay nhân dân nào.

Thực tế về chủ quyền biển đảo của Việt Nam rất rõ ràng:

  • Trung Quốc không có bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
  • Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam Cộng Hòa kế thừa từ lịch sử và tiếp thu từ Pháp. Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký vào năm 1958 gửi người đồng cấp, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Việt Nam ý thức kế thừa toàn bộ lãnh thổ luôn kèm theo nghĩa vụ và trách nhiệm đối với tổ quốc và quốc tế, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa tiếp thu từ Pháp.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng được ký tôn trọng công hàm đó có thể do nhu cầu chiến tranh chống Mỹ của hai đảng, hoặc vì tình đồng chí của hai bên, và cách làm đó không loại trừ sự dàn dựng có ý đồ của Trung Quốc. Rõ ràng Công hàm 1958 không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ là tham vọng chính trị của hai đảng.

Việc ĐCSTQ gần đây gây hấn tàu thuyền của ngư dân Việt Nam, đưa tàu hải giám vào thềm lục địa Việt Nam, tự tiện tuyên bố Việt Nam vi phạm lãnh hải ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chính là lãnh đạo ĐCSTQ đã tuyên chiến với Việt Nam.

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, cả thế giới lo chống đại dịch thì Trung Quốc lại thừa cơ hội đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở Biển Đông, chứng tỏ tham vọng xâm chiếm của lãnh đạo ĐCSTQ rất rõ ràng.

Đến nay, các lãnh đạo ĐCSTQ không lùi bước trước những luận điểm không có căn cứ giá trị pháp lý, vậy diễn tiến có thể xảy ra kế tới là gì?

Chiến tranh thế kỷ 21 với nhiều vũ khí hiện đại, dù bên nào thắng hay thua cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề, gây tổn thương cho quốc gia không nhỏ, số người vô tội hy sinh sẽ không ít. Khác với thời xa xưa, thời nay các cơ quan đầu não chỉ huy cuộc chiến sẽ là nơi gây vấn đề nguy hiểm nhất. Thắng sẽ được gì nếu không đáp ứng tính pháp lý kế thừa, vì nghìn năm tới Việt Nam cũng sẽ không bao giờ bỏ quên Hoàng Sa và Trường Sa. Nhìn lại cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979 do Trung Quốc khởi xướng thì bài học đã quá rõ. Đảng Dân Chủ Việt Nam không thấy sẽ có chiến tranh ở Biển Đông, nhưng Việt Nam cảnh giác không để cơ hội cho Trung Quốc lấn áp, và Trung Quốc nên biểu hiện tư cách của một nước lớn với hữu nghị láng giềng mới là đúng đắn.

Nêu vấn đề Trung Quốc lấn chiếm ở Biển Đông lên Liên Hợp Quốc chưa hẵn sẽ có tác động mà Việt Nam cần sắp xếp khéo léo đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thay vì để Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền một chiều sai sự thật. Nếu Trung Quốc không chấp nhận lẽ phải, không công nhận thực tế thì toà án quốc tế chính là nơi Trung Quốc cần đến để làm sáng tỏ sự việc hơn là Trung Quốc đơn phương quyết định dù với song phương hay đa phương. Nếu lãnh đạo ĐCSTQ xem thường cả công pháp và tòa án quốc tế thì khó cho Trung Quốc tôn trọng những phán xét khác.

Hoạt động nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông vì mục đích hòa bình lâu dài trong khu vực đúng là cần thiết cho cả quốc tế nhưng hưởng lợi nhất là Trung Quốc, vì Trung Quốc có nền kinh tế lớn chi phối cả thế giới. Tuy nhiên, công việc quan trọng bây giờ của Việt Nam là không để ĐCSTQ tiếp tục lấn chiếm thêm nữa. Việc này Việt Nam cần lãnh đạo chính trực với toàn thể xã hội, không chỉ cho riêng một đoàn thể nào.

Việt Nam khó có đồng minh không phải vì nhân dân Việt Nam thiếu lịch sự hay hiểu biết mà chính vì thể chế chính trị. Lãnh đạo ĐCSVN nên điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp, trước hết đối với toàn thể người Việt Nam. Đây là công việc lâu dài, chính trực với nhân dân là bước cơ bản.

Đảng Dân Chủ Việt Nam từng là đảng tham chính ở Việt Nam từ những năm 1946, cũng do ĐCSVN luôn chính trị hoá hầu như mọi hoạt động xã hội ở Việt Nam nên đến năm 1988 ĐCSVN đã loại bỏ Đảng Dân Chủ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hoàng Minh Chính đã phục hoạt Đảng Dân Chủ Việt Nam vào năm 2006, một thực tế mà cho đến nay ĐCSVN vẫn chưa có thái độ đúng đắn.

Để kế thừa và phát triển đất nước, ĐCSVN có chấp nhận thực tế hiện hữu của Đảng Dân Chủ Việt Nam không quan trọng bằng việc nhìn nhận thực tế Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính quyền của nhân dân miền Nam Việt Nam (1954-1975). Vấn đề gán danh ngụy quyền cho thực thể Việt Nam Cộng Hòa do tham vọng chính trị hóa độc quyền cần được gỡ bỏ; dù trước năm 1975 không có miền nào ở Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Chúng ta không nên nhầm lẫn hay đề cập đến sự ưu việt của thể chế chính trị nào. Nước nào cũng cần xây dựng nền tảng quốc gia bằng pháp luật chuẩn mực, không phải bằng nghị quyết hay khẩu hiệu hô hào của một đảng chính trị nào vì pháp luật ảnh hướng đến cuộc sống của tất cả người dân cũng như tương lai của đất nước.

Lãnh đạo ĐCSVN tiếp tục không nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa thì không đủ cơ sở cả về pháp lý, địa lý và sức mạnh chính trị để tiếp tục sứ mạng lấy lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Công nhận Việt Nam Cộng Hòa là công nhận lịch sử, công nhận sự thật. Lãnh đạo ĐCSVN hiện nay nên xin lỗi nhân dân về sự bất cẩn, xem thường nhân dân của lãnh đạo đảng liên quan đến Công hàm 1958, gây ra vấn đề không nhỏ cho các thế hệ hôm nay.

Chúng ta luôn biết ơn và cảm kích các chiến sĩ ngày đêm gian khổ hy sinh bảo vệ tổ quốc. Công ơn đó cần được đáp lại cho xứng đáng. Là đảng lãnh đạo, ĐCSVN từng bước trở lại với truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết tất cả thành phần xã hội với pháp luật chuẩn mực, lãnh đạo phải tôn trọng yếu tố nhân dân làm chủ. Việt Nam đang phát triển, “đảng lãnh đạo” đang có cơ hội tiếp tục lãnh đạo và nên lưu ý lãnh đạo quốc gia là lãnh đạo của toàn thể nhân dân chứ không chỉ cho riêng cho một đoàn thể nào. Như vậy là đủ cho một chính đảng có uy tín.

Trung Quốc là một xứ sở hùng vĩ, xinh đẹp. ĐCSTQ là đảng chính trị lớn trên thế giới và Trung Quốc đang là quốc gia có nền kinh tế không nhỏ. Nước lớn không phải tranh giành hà hiếp các nước nhỏ hay hướng tới bá quyền mà Trung Quốc đang đứng trước cơ hội lớn – cơ hội thúc đẩy thế giới cùng đi tới. Đó mới là mới, xứng tầm với nhân dân Trung Quốc và chính là điều thế giới cần.

Năm nay, gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước mà Việt Nam vẫn chưa hết hận thù, lòng người còn chia cách. Là đảng lãnh đạo, ĐCSVN cần minh bạch, tôn trọng nhân dân thì sẽ không có thế lực nào có thể lợi dụng từ “đồng chí” xâm chiếm chủ quyền quốc gia và hãm hại đồng bào chúng ta.

T/M Ban Thường vụ Trung ương
Đảng Dân Chủ Việt Nam

(đã ký)

Võ Tấn Huân
Trưởng Ban Thường vụ Trung ương

Thu ngo gui DCSVN va DCSTQ ve Bien Dong p1 Thu ngo gui DCSVN va DCSTQ ve Bien Dong p2 Thu ngo gui DCSVN va DCSTQ ve Bien Dong p3

Share