Điều lệ Đảng

ĐIỀU LỆ

 Đảng Dân Chủ Việt Nam lấy truyền thống dân tộc, tính nhân bản, khoan dung và tinh thần khoa học để đoàn kết và phát huy sức mạnh của cả dân tộc trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Chương I: ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1

1. Danh xưng của Đảng là ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM, viết tắt là ĐẢNG DÂN CHỦ.

2. Danh xưng giao dịch quốc tế của Đảng là THE DEMOCRATIC PARTY OF VIET NAM, viết tắt là DPV.

Điều 2

1. Ngày khôi phục hoạt động Đảng Dân Chủ Việt Nam là ngày 1 tháng 6 năm 2006.

2. Đảng huy của Đảng Dân Chủ (lấy cột mốc thế kỷ XXI làm dấu son lịch sử của Đảng).


3. Đảng kỳ:

 Ý nghĩa :

– Màu xanh tượng trưng cho tự do và hy vọng.

– Màu trắng tượng trưng cho dân chủ và bình đẳng.

– Màu vàng tượng trưng cho quyền tự chủ của dân tộc.

– Vòng tròn màu vàng tượng trưng cho mặt trời thế hiện sức sống và chân lý.

– Năm ngôi sao chung quanh mặt trời tượng trưng cho sự đoàn kết của Đảng khắp 5 châu.

– Ngôi sao 5 nhánh tượng trưng cho 5 giới dân sinh căn bản của dân tộc.

Đảng kỳ Đảng Dân Chủ là biểu tượng của dân chủ, đoàn kết và phát triển.

Chương II: MỤC TIÊU CỦA ĐẢNG

Điều 3

Mục tiêu của Đảng Dân Chủ là xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng. Trong đó, toàn thể nhân dân Việt Nam được hưởng các quyền tự do, có đồng đều cơ hội mưu cầu hạnh phúc và tiến thân trong một xã hội văn minh, công bằng.

Chương III: ĐẢNG VIÊN

Điều 4

1. Đảng viên Đảng Dân Chủ là người trung thành với tổ quốc và nhân dân Việt Nam, ủng hộ chủ trương dân chủ hóa Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên tự nguyện, thừa nhận Cương lĩnh chính trị và Điều lệ của Đảng đều có thể trở thành Đảng viên Đảng Dân Chủ.

3. Người gốc Việt, mang quốc tịch nước ngoài, có thể trở thành đảng viên Đảng Dân Chủ.

4. Đảng viên Đảng Dân Chủ chỉ có một đảng tịch, ngoại trừ trường hợp đặc biệt và chỉ mang tính chất tạm thời.

Điều 5: Thủ tục kết nạp đảng viên

1. Đối tượng ghi danh kết nạp Đảng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 4.

2. Đối tượng kết nạp Đảng, phải có đơn tự nguyện xin gia nhập Đảng tại các cơ sở Đảng hoặc ghi danh trong trang thông tin điện tử của Đảng. Trong một số trường hợp, Đảng chấp nhận văn thư gia nhập tập thể.

3. Đối tượng sẽ chính thức trở thành đảng viên Đảng Dân Chủ sau khi được chấp nhận đơn gia nhập.

Điều 6: Nhiệm vụ đảng viên

1. Tuân thủ Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Quy định cơ bản, Nguyên tắc sinh hoạt, Nghị quyết và Chỉ thị của Đảng;

2. Không ngừng nghiên cứu và lĩnh hội các văn kiện của Đảng và tuyên truyền về dân chủ, về Đảng với quần chúng nhân dân;

3. Phối hợp tích cực trong mọi hoạt động Đảng;

4. Tham gia bầu cử trong Đảng để chọn ra các ứng cử viên xứng đáng cho các chức vụ dân cử và hỗ trợ các ứng viên của Đảng trong các cuộc tổng tuyển cử;

5. Lắng nghe và trân trọng mọi ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng Đảng; và

6. Tham gia công tác phát triển đảng viên và đóng đảng phí đúng quy định.

Điều 7: Quyền lợi đảng viên

1. Được thông tin, thảo luận, góp ý về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Quy định cơ bản, Nguyên tắc sinh hoạt, Nghị quyết và Chỉ thị của Đảng;

2. Được biểu quyết công việc của Đảng;

3. Được ứng cử, bầu cử cũng như đề cử ứng viên vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng;

4. Nếu hội đủ tiêu chuẩn, được Đảng đề cử và hỗ trợ làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ cho các chức vụ dân cử trong các cuộc bầu cử phổ thông; và

5. Được giám sát mọi công việc của các cấp lãnh đạo của Đảng, và có thể tiếp xúc trực tiếp với các cấp của Đảng, kể cả cấp Trung ương.

Điều 8

1. Đảng viên có thể ly khai khỏi Đảng sau khi thông báo trực tiếp quyết định ly khai cho ủy viên Kiểm tra cấp cơ sở tương ứng trong một phiên họp với sự hiện diện của đảng viên ly khai và ủy viên Kiểm tra cấp cơ sở đó. Đảng không chấp nhận văn thư thông báo ly khai khỏi Đảng của đảng viên và Đảng cũng không chấp nhận việc ly khai tập thể.

2. Đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng hay mất uy tín đối với nhân dân, tùy theo từng trường hợp mà áp dụng kỷ luật Đảng.

Chương IV: TỔ CHỨC ĐẢNG

Đảng Dân Chủ được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ

Điều 9

1. Các cấp lãnh đạo của Đảng do các cơ sở liên hệ bầu cử. Cho đến khi Đảng được tự do hoạt động, các cấp lãnh đạo Đảng sẽ do Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề cử.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội Đại biểu toàn Đảng. Giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu toàn Đảng, cơ quan lãnh đạo của Đảng ở cấp Trung ương là Ban Thường vụ Trung ương.

3. Cơ quan lãnh đạo ở cấp cơ sở là Đại hội Đại biểu cấp cơ sở đó. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Ban Thường vụ đảng bộ các cấp.

Điều 10

1. Nhiệm kỳ của các cơ quan Đảng Dân Chủ là 5 năm; nhiệm kỳ 2006-2011 bắt đầu từ ngày 1 tháng 6 năm 2006 và Giáo sư Hoàng Minh Chính là Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Thường vụ Trung ương Đảng đầu tiên.

2. Ngày và địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn Đảng sẽ do Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định.

3. Ðại hội đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối và chính sách của Ðảng nhiệm kỳ tới; bầu cử Trung ương Đảng; bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Ðiều lệ Ðảng khi cần.

4. Cấp đảng bộ triệu tập đại hội đại biểu khi hết nhiệm kỳ, thông báo cho cấp dưới về thời gian và nội dung đại hội.

5. Cấp đảng bộ triệu tập đại hội quyết định số lượng đại biểu, và phân bố cho đảng bộ trực thuộc căn cứ vào số lượng đảng viên, số lượng đảng bộ trực thuộc và vai trò quan trọng của từng đảng bộ, theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương.

6. Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn Đảng, gồm các ủy viên Ban Thường vụ, các cấp Đảng bộ và đại biểu do đại hội đảng bộ bầu cử.

7. Cấp đảng bộ tham dự đại hội, nếu chưa đủ đại biểu tham dự đại hội có thể bổ xung đại biểu tham dự đại hội theo qui định của Ban Thường vụ Trung ương.

8. Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số đại biểu được Ban Thường vụ Trung ương triệu tập tham dự.

9. Đại hội bầu đoàn chủ tịch để điều hành công việc của đại hội.

Điều 11: Bầu cử

1. Số lượng ủy viên Thường vụ Trung ương do Đại hội Đại biểu toàn Đảng quyết định; số lượng cấp ủy nào do đại hội cấp đó quyết định, cũng theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương.

2. Ban bầu cử hướng dẫn bầu cử:

2.1) Ðại biểu có quyền nhận xét, chất vấn về người ứng cử và người được đề cử;

2.2) Bầu cử trực tiếp và kín.

3. Ứng viên đắc cử ở vòng bỏ phiếu đầu tiên phải hội đủ hơn 50% số phiếu ủng hộ của tổng số đại biểu hiện diện.

Nếu không có ứng viên nào đạt hơn 50% số phiếu ủng hộ thì chọn ra 2 ứng viên có số phiếu ủng hộ cao nhất để bầu cử vòng 2 và bầu cử vòng 2 nếu ứng viên nào có số phiếu cao hơn sẽ đắc cử.

4. Các chức vụ ở cấp Trung ương do Ban Thường vụ Trung ương Đảng bầu chọn và Trưởng ban Thường vụ Trung ương Đảng ký quyết định bổ nhiệm. Chức Chủ tịch các cấp đảng bộ do Đại hội đại biểu cấp đảng bộ tương ứng bầu chọn và Chủ tịch cấp bộ cao hơn duyệt xét và ký Quyết định bổ nhiệm.

5. Ứng viên cho chức vụ Tổng Thư ký và Trưởng ban Thường vụ Trung ương phải là ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ứng viên cho chức Chủ tịch cấp đảng bộ là ủy viên cấp đảng bộ đó. Mọi ứng viên đều có thể tự ứng cử hay được đề cử.

Điều 12

1. Cấp đảng bộ mới đắc cử, nhận sự bàn giao từ cấp đảng bộ khoá trước, điều hành công việc ngay sau khi bàn giao và được chính thức công nhận khi có quyết định của cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp.

2. Nếu có ủy viên xin rút khỏi cấp đảng bộ nào, thì cấp đảng bộ đó đề nghị lên cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp quyết định. Đối với ủy viên Trung ương, do Ban Thường vụ Trung ương quyết định.

3. Cấp đảng bộ nào thiếu ủy viên có thể đề nghị cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp điều động. Số lượng cấp ủy viên sau khi bổ xung không vượt quá số lượng cấp ủy viên mà đại hội đã quyết định. Trong trường hợp cấp thiết cấp đảng bộ cấp trên có quyền điều động một số cấp ủy viên cấp dưới, nhưng không vượt quá 30% tổng số ủy viên do đại hội bầu.

4. Ðối với cơ sở đảng mới thành lập, cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp đảng bộ lâm thời. Tổ chức đảng đó phải tiến hành đại hội trong khoảng thời gian lâu nhất là 1 năm (hoặc lâu hơn theo qui định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng). Nếu không thể triệu tập đại hội được, cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp đảng bộ của tổ chức đảng đó.

Chương V: TỔ CHỨC ĐẢNG CẤP TRUNG ƯƠNG

Ðiều 13: Ban Thường vụ Trung ương Đảng

1. Ban Thường vụ Trung ương Đảng là cơ quan điều hành toàn bộ công việc Đảng.

2. Ban Thường vụ Trung ương Đảng bao gồm Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường vụ và nhiều ủy viên đảm trách các chức vụ khác.

3. Ban Thường vụ Trung ương Đảng bầu Tổng Thư ký Đảng, Trưởng ban Thường vụ Trung ương và các chức vụ ở cấp Trung ương Đảng.

4. Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp thường lệ mỗi tháng một lần và họp bất thường khi cần. Cho đến khi Đảng được tự do hoạt động tại Việt Nam, các cuộc họp của Đảng có thể tổ chức theo hình thức điện đàm. Ban Thường vụ Trung ương Đảng lập danh sách ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết trình Đại hội Đại biểu toàn Đảng quyết định.

5. Khi có hơn 2/3 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng yêu cầu thì Trưởng ban Thường vụ phải triệu tập phiên họp bất thường. Trong trường hợp có hơn 2/3 ủy viên Trung ương Đảng yêu cầu thì Trưởng ban Chấp hành Trung ương phải triệu tập Đại hội toàn Đảng bất thường. Các cấp ủy khác cũng áp dụng thủ tục triệu tập phiên họp bất thường tương tự.

6. Tổng Thư ký đại diện Đảng trong các sinh hoạt Đảng và điều phối các công tác Đảng.

7. Trưởng ban Thường vụ Trung ương điều hành Ban Thường vụ Trung ương và điều hành tổng quát công việc Đảng

8. Phó Trưởng ban Thường vụ thứ nhất hoặc Phó Tổng Thư ký thứ nhất do Ban Thường vụ Trung ương đề cử.

Trong trường hợp Tổng Thư ký hoặc Trưởng ban Thường vụ không thể điều hành công việc Đảng thì Phó Tổng thư ký thứ nhất hoặc Phó Trưởng ban Thường vụ thứ nhất sẽ đảm trách tạm thời chức vụ Tổng Thư ký hoặc Trưởng ban Thường vụ một cách tương ứng. Và trong vòng 6 tháng, Ban Thường vụ Trung ương sẽ bầu Tổng Thư ký mới hoặc Trưởng ban Thường vụ mới để tiếp tục nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

9. Ngoài việc ký các văn kiện của Đảng, Trưởng ban Thường vụ Trung ương còn có trách nhiệm ký những văn bản giữa Đảng với các cơ quan chính phủ hay với các tổ chức ngoài Đảng. Trưởng ban Thường vụ Trung ương Đảng có thể ủy quyền cho các ủy viên trong Ban Thường vụ Trung ương ký thay khi cần thiết.

10. Mọi đề cử Phó Tổng Thư ký, Phó Trưởng ban Thường vụ và Ban Cố vấn, phải thông qua Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tất cả thành viên trong Ban Cố vấn phải là đảng viên Đảng Dân Chủ.

11. Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương được chọn từ ủy viên Trung ương Đảng.

12. Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng xin ra khỏi Ban Thường vụ Trung ương hay có đề nghị bãi nhiệm đều phải được Ban Thường vụ Trung ương thông qua.

13. Khi tất cả ủy viên Ban Thường vụ Trung ương cùng với ít nhất 4/5 số ủy viên Trung ương Đảng hiện diện mới có quyền biểu quyết việc giải tán Đảng.

Ðiều 14: Ban Chấp hành Trung ương Đảng

1. Trưởng ban Chấp hành Trung ương do Ban Thường vụ Trung ương bầu chọn.

2. Ban Chấp hành Trung ương có một hay nhiều Phó Trưởng ban do Trưởng ban Chấp hành Trung ương đề cử và Ban Thường vụ Trung ương phê duyệt.

3. Ban Chấp hành Trung ương tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết của Ðại hội; thi hành những chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại, các chính sách về kinh tế, quốc phòng; chỉ đạo công tác quần chúng và công tác xây dựng đảng; chuẩn bị Ðại hội Đại biểu toàn Đảng của Ðảng nhiệm kỳ tiếp theo, Ðại hội Đại biểu toàn Đảng bất thường.

4. Các chức vụ từ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tỉnh bộ hoặc Thành bộ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Khu bộ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Xứ bộ, Trưởng ban và Phó Trưởng ban cấp Trung ương, tất cả phải là ủy viên Trung ương Đảng.

5. Trong trường hợp Trưởng ban Chấp hành Trung ương và Trưởng ban Kiểm tra Trung ương không thể điều hành công việc của Đảng, Phó Trưởng ban thứ nhất sẽ đảm trách thường vụ chức vụ Trưởng ban của Ban đó. Trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm đó, Ban Thường vụ Trung ương phải bầu ra Trưởng ban mới để tiếp tục nhiệm kỳ của Trưởng ban tiền nhiệm.

6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thường lệ ba (3) tháng một lần và họp bất thường khi cần.

7. Ủy viên Trung ương Đảng do Đại hội Đại biểu toàn Đảng bầu ra. Cho đến khi Đảng được tự do hoạt động, mọi đề cử ủy viên Trung ương Đảng phải được Ban Thường vụ Trung ương thông qua.

8. Ủy viên Trung ương Đảng xin ra khỏi Trung ương Đảng hay có đề nghị bãi nhiệm đều phải được Ban Thường vụ Trung ương thông qua.

Chương VI: TỔ CHỨC ĐẢNG CẤP ĐỊA PHƯƠNG

Ðiều 15: Xứ bộ và Khu bộ

1. Cơ cấu của Đảng ở quốc nội được tổ chức thành 3 Xứ bộ: Xứ bộ Miền Bắc, Xứ bộ Miền Trung và Xứ bộ Miền Nam. Mỗi Xứ bộ có nhiều Khu bộ. Mỗi Khu bộ có nhiều Tỉnh hoặc Thành bộ.

2. Đảng Dân Chủ có 1 Xứ bộ ở quốc ngoại là Xứ bộ Hải Ngoại. Cơ cấu của Xứ bộ Hải Ngoại được tổ chức thành 4 Khu bộ: Khu bộ Châu Mỹ, Khu bộ Châu Âu, Khu bộ Châu Úc và Khu bộ Châu Á. Mỗi Khu bộ có nhiều Thành bộ tùy nhu cầu đảng viên. Mỗi Thành bộ có nhiều Chi bộ.

3. Mỗi Xứ bộ có một Chủ tịch Xứ bộ, một hay nhiều Phó Chủ tịch Xứ bộ và một số ủy viên tùy theo nhu cầu của từng Xứ bộ.

4. Chủ tịch Xứ bộ tổ chức Ban thường vụ Xứ bộ và phải thông qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

5. Mỗi Khu bộ có Chủ tịch Khu bộ, một hay nhiều Phó Chủ tịch Khu bộ và một số ủy viên tùy theo nhu cầu. Chủ tịch Khu bộ tổ chức Ban thường vụ Khu bộ và phải thông qua Ban Thường vụ Xứ bộ.

Điều 16: Tỉnh và Huyện bộ

1. Ðại hội đại biểu các cấp tỉnh, huyện, cấp đảng bộ cùng cấp triệu tập với nhiệm kỳ được ghi theo điều 10 khoản 1.

2. Ðại hội thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; thảo luận đánh giá và quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu các cấp đảng bộ; bầu chủ tịch các cấp; bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

3. Khi cấp đảng bộ xét thấy cần hoặc khi có trên hai phần ba số cấp đảng bộ trực thuộc yêu cầu và được cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập đại hội đại biểu bất thường. Ðại biểu dự đại hội đại biểu bất thường là các cấp ủy viên đương nhiệm, đại biểu đã dự đại hội đại biểu đảng bộ đầu nhiệm kỳ, đang sinh hoạt tại đảng bộ, đủ tư cách.

Ðiều 17

1. Cấp tỉnh đảng bộ, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Tỉnh bộ, Thành bộ), cấp đảng bộ huyện, thị xã trực thuộc tỉnh (gọi tắt là Huyện bộ, Thị bộ) lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu; nghị quyết, chỉ thị của cấp trên.

2. Hội nghị cấp tương ứng Tỉnh bộ và Huyện bộ do Ban Thường vụ cấp đảng bộ đó triệu tập thường lệ ba tháng một lần; họp bất thường khi cần.

3. Chủ tịch Tỉnh bộ tổ chức Ban Thường vụ Tỉnh bộ, đề cử các Phó Chủ tịch Tỉnh bộ, các Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phải thông qua Ban Thường vụ Khu bộ.

4. Chủ tịch Huyện bộ tổ chức Ban Thường vụ Huyện bộ, đề cử các Phó Chủ tịch Huyện bộ và các Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phải thông qua Ban Thường vụ Tỉnh bộ.

5. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch các cấp đảng bộ điều hành và giải quyết công việc hàng ngày của đảng bộ. Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đại hội Đại biểu; chỉ thị của cấp trên; công tác và kiểm tra công tác của tổ chức cán bộ; chủ trương và đề ra sách lược về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp tới của các cấp đảng bộ.

Ðiều 18: Đảng bộ cơ sở,  Đảng bộ cấp xã.

1. Ở xã (phường, thị trấn) cơ quan, doanh nghiệp và các đơn vị cơ sở khác có từ 4 đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng; nếu chưa đủ 4 đảng viên chính thức thì cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp.

2. Tổ chức cơ sở đảng có từ mười đến ba mươi đảng viên, lập Chi bộ cơ sở, có các tổ đảng trực thuộc.

3. Tổ chức cơ sở đảng có từ ba mươi đảng viên trở lên, lập đảng bộ cơ sở, có các Chi bộ trực thuộc đảng bộ.

4. Ở xã (phường, thị trấn) có đảng bộ cơ sở thì thành lập Xã đảng bộ. Nếu ở xã (phường, thị trấn) không có Xã đảng bộ thì các chi bộ cơ sở liên kết với các chi bộ cơ sở của các xã bên cạnh (theo vị trí địa lý) để thành lập đảng bộ cơ sở của khu vực đó (tương đương với Xã bộ).

Ðiều 19

1. Ðại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên của đảng bộ cấp cơ sở triệu tập theo nhiệm kỳ ghi trong điều 10 khoản 1.

2. Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; thảo luận, đánh giá và quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu các cấp đảng; bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên nếu như hội nghị kề sát với hội nghị đảng bộ cấp trên.

3. Khi cấp đảng bộ xét thấy cần hoặc khi có trên một nửa số tổ chức đảng trực thuộc yêu cầu và được cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập đại hội đại biểu bất thường.

4. Ðảng bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần.

5. Ðảng bộ cơ sở có từ 10 ủy viên trở lên bầu ban thường vụ; bầu chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách tài chính, phó chủ tịch phụ trách dân vận trong số ủy viên thường vụ; dưới 10 ủy viên  bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và kiểm tra.

Ðiều 20: Nhiệm vụ của đảng bộ cơ sở

1. Chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Ðảng; đề ra chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.

2. Xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Ðảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên; nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên.

Ðiều 21: Chi bộ đảng

1. Chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở có từ 4 đảng viên trở lên. Chi bộ đông đảng viên có thể chia thành nhiều Tổ đảng; Tổ đảng bầu Tổ trưởng. Chi bộ có hơn ba tổ đảng thì phải bầu ra Xã bộ.

2. Chi bộ có Chủ tịch Chi bộ và các Phó Chủ tịch Chi bộ điều hành Chi bộ.

3. Chi bộ có nhiêm vụ giáo dục, quản lý và phân công công tác cho từng đảng viên, công tác phát triển đảng viên, kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng viên, thu, nộp đảng phí.

4. Chi bộ họp mỗi tháng một lần. Bầu cử (bầu cử Chi bộ, bầu cử ở Tổ) mỗi năm một lần.

Chương VII: BÁO CÁO

Điều 22

1. Chi bộ đảng có nhiệm vụ báo cáo lên xã bộ mỗi tháng một lần, ngay sau khi sinh hoạt đảng diễn ra. Báo cáo bất thường có thể vào bất cứ thời điểm nào.

2. Xã bộ có nhiệm vụ báo cáo lên Quận bộ 2 tháng một lần ngay sau khi sinh hoạt đảng diễn ra. Báo cáo bất thường có thể vào bất cứ thời điểm nào.

3. Quận bộ có nhiệm vụ báo cáo lên Tỉnh bộ, Tỉnh bộ có nhiệm vụ báo cáo lên Khu bộ, Khu bộ có nhiệm vụ báo cáo lên Xứ bộ, Xứ bộ có nhiệm vụ báo cáo lên Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương 3 tháng một lần ngay sau các cuộc họp thường kì diễn ra. Báo cáo bất thường có thể vào bất cứ thời điểm nào.

4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đảng bộ cấp Trung ương phải tổng kết báo cáo cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng thời lập biên bản tường trình xuống đảng bộ cấp dưới về tình hình hoạt động của đảng cũng như các biện pháp, chủ trương hay các chính sách thích đáng để phát triển Đảng và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Chương VIII: BAN KIỂM TRA

Ðiều 23

1. Trưởng ban Kiểm tra Trung ương do Ban Thường vụ Trung ương Đảng bầu cử.

2. Ban Kiểm tra có một Trưởng ban, một hay nhiều Phó Trưởng ban và một số ủy viên.

3. Trưởng ban Kiểm tra đề cử ủy viên Ban Kiểm tra cho mỗi cơ sở Đảng và phải thông qua trưởng cơ sở Đảng liên hệ.

Ðiều 24

1. Trưởng ban Kiểm tra thành lập Hội đồng kỷ luật để giải quyết mọi vi phạm của các đảng viên từ cấp ủy viên Trung ương Đảng trở lên. Thành phần Hội đồng kỷ luật phải được thông qua Ban Thường vụ Trung ương Đảng duyệt xét.

2. Kiểm tra tổ chức đảng các cấp khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Ðảng, các nguyên tắc sinh hoạt của Ðảng, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Ðảng.

3. Giám sát cấp ủy viên, quản lý và tổ chức đảng các cấp về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương.

4. Giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại trong Ðảng theo đúng thẩm quyền. Nếu không đủ thẩm quyền phải đề nghị Ban Kiểm tra có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền giải quyết.

5. Kiểm tra tài chính các cấp đảng bộ.

Ðiều 25

Ban Kiểm tra có quyền yêu cầu các tổ chức đảng và các đảng viên thuộc cấp đảng bộ đó báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.

Điều 26

Đảng viên có quyền tố cáo và khiếu nại các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng ở bất kỳ cấp đảng bộ nào lên ủy viên Ban Kiểm tra cấp đảng bộ đó và Ban Kiểm tra cấp Trung ương.

Chương IX: KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Ðiều 27

Tổ chức đảng và đảng viên có thành tích được khen thưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Ðiều 28

1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.

2. Hình thức kỷ luật:

2.1) Ðối với tổ chức đảng: phê bình, cảnh cáo, giải tán.

2.2) Ðối với đảng viên: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Ðiều 29: Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm

1. Chi bộ và đảng bộ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên vi phạm trong chi bộ và đảng bộ cơ sở đó.

2. Ban Thường vụ cấp ủy quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp đảng bộ cấp trên quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp và cấp trên.

3. Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên trừ các đảng viên là uỷ viên của Ban Chấp hành Trung ương và các đảng viên đang là Chủ tịch Tỉnh bộ.

4. Ban Kiểm tra Trung ương thành lập Hội đồng kỷ luật để giải quyết các vi phạm của đảng viên ở cấp ủy viên Trung ương Đảng hoặc đảng viên đang là Chủ tịch Tỉnh bộ.

5. Ðảng viên bị kỷ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được đề cử hay ứng cử vào các cấp bộ của đảng.

Ðiều 30: Thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm

1. Cấp đảng bộ cấp trên trực tiếp quyết định khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng cấp dưới.

2. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Trường hợp tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm thì cấp đảng bộ hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên quyết định các hình thức kỷ luật theo thẩm quyền, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đó.

4. Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.

Ðiều 31

1. Ðảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, nhận các hình thức kỷ luật.

2. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên cấp đảng bộ cấp trên quyết định.

3. Đảng viên hoặc tổ chức đảng có quyền khiếu nại lên Ủy ban kiểm tra hoặc cấp bộ cao hơn về quyết định kỷ luật mà đương sự nhận thấy không hợp lý.

4. Chậm nhất ba tháng đối với các cấp địa phương, sáu tháng đối với cấp trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại biết.

5. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kỷ luật.

Chương X: TÀI CHÍNH

Điều 32

Tài chính của đảng bao gồm đảng phí; đóng góp của đảng viên, của các cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước.

Điều 33

Tài chính của Đảng được sử dụng cho các hoạt động đảng; quỹ khen thưởng và kỷ luật; quỹ từ thiện; quỹ tranh cử.

Điều 34

Ban Chấp hành Trung ương quy định đảng phí và phân bố quỹ đảng phí cho các cấp đảng.

Điều 35

Các Chi bộ Đảng sẽ nhận trực tiếp đảng phí sinh hoạt từ Phó Chủ tịch phụ trách tài chính xã.

Điều 36

1. Các ủy viên tài chính có trách nhiệm báo cáo mức thu, chi lên cấp đảng bộ tương đương 3 tháng một lần.

2. Các ủy viên tài chính phải kết hợp với ủy viên kiểm tra cấp đảng bộ tương đương thanh tra tài chính cấp đảng bộ đó.

Chương XI: TU CHÍNH ĐIỀU LỆ ĐẢNG

Điều 37

Cho đến khi Đảng được tự do hoạt động, Ban Thường vụ Trung ương Đảng có thể tu chính điều lệ Đảng, với điều kiện phải có ít nhất hai phần ba số ủy viên Ban Thường vụ Trung ương chấp thuận. Sau khi Đảng được tự do hoạt động, chỉ có Đại hội Đại biểu toàn Đảng mới có quyền tu chính Điều lệ Đảng, với điều kiện phải có ít nhất hai phần ba số đại biểu tham dự và chấp thuận.

_______

Bản Điều lệ này tu chính từ bản Điều lệ Đảng ban hành ngày 9 tháng 9 năm 2007.

Bản Điều lệ này đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng Dân Chủ Việt Nam thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 9 tháng 9 năm 2008.

BAN THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM

 

__________________________________________________________________________________________

Chú thích:

† Thời gian tạm thời không quá sáu (6) tháng kể từ ngày gia nhập.

 

Xem bằng PDF

 

 

 

 

Share