Đảng Dân chủ Việt Nam giới thiệu đề xuất soạn thảo hiến pháp của toàn dân

Việt Nam đã có lịch sử lập hiến hơn nửa thế kỷ qua, nhưng hiện nay người dân vẫn chưa được hưởng các quyền công dân trong một Nhà nước pháp trị. Năm 1946 Quốc hội khóa I đã thông qua bản hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là bản hiến pháp đầu tiên, thể hiện nền dân chủ của toàn dân: thiết lập cơ chế tam quyền phân lập, tuyên bố các quyền con người, và đặc biệt quy định quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân, chủ quyền tối cao của đất nước. Tuy nhiên, sau khi được thông qua, Hiến pháp 1946 đã không được ban hành và triển khai áp dụng vào đời sống xã hội. Hiến pháp 1946 đã bị bãi bỏ sau đó và bị thay thế bằng những bản Hiến pháp khác, trong đó không một Hiến pháp nào được người dân phúc quyết thông qua.

Ngày nay, đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, một mặt tiếp tục ca ngợi các giá trị của Hiến pháp 1946, mặt khác lại né tránh nghĩa vụ áp dụng các giá trị đó vào thực tế. Cho đến nay, Việt Nam đã ba lần thay thế và sửa đổi hiến pháp, nhưng nội dung của chúng vẫn xa rời nguyên tắc dân chủ pháp trị. Các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đã sao chép rập khuôn lý luận và mô hình tập trung dân chủ Xô-Viết cũng như mô hình pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, lấy nghị quyết làm mệnh lệnh, xem hiến pháp và pháp luật là công cụ của giai cấp thống trị chứ không xuất phát từ nguyện vọng nhân dân và quyền tự quyết dân tộc. Chính vì thế, mô hình Nhà nước và pháp luật hiện hành đã không những không thể đưa xã hội thoát khỏi bất công, tụt hậu, mà còn tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng. Những rối ren mâu thuẫn từ lý luận đến điều hành thực tế đã khiến nước Việt bị các nước trong khu vực cũng như trên thế giới bỏ lại phía sau.

Hiến pháp hiện hành là cương lĩnh của đảng Cộng sản mượn danh nghĩa Quốc hội và Nhà nước để thông qua, chứ không phải Hiến pháp của toàn dân. Yếu tố độc quyền chính trị bao trùm cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tòa án, nên trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đã tạo ra nhiều mâu thuẫn giữa hiến pháp, luật pháp và thi hành luật. Trong đó, pháp luật được thông qua và áp dụng nhiều khi tùy tiện và vi hiến. Không ít chủ trương và chỉ thị được Đảng và Nhà nước ban hành mà không tính đến hiến pháp. Ngoài ra, việc Đảng hay ngành hành pháp can thiệp vào việc xử án của Tòa án không phải là ngoại lệ mà việc thường ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm quyền độc lập xét xử. Tòa án cùng pháp luật xa rời cuộc sống, không bảo vệ nông dân nên mới có dân oan, không bênh vực công nhân nên công nhân không được đình công chống bóc lột, không trừng trị nghiêm khắc đảng viên có chức có quyền vi phạm pháp luật nên không đẩy lùi được tham nhũng quan liêu, không phân biệt rõ pháp trị và đảng trị nên dễ lợi dụng giữa lý và tình, không tổ chức bầu cử công bằng nên mới có tình trạng cán bộ bất tài, vô trách nhiệm và xa rời quần chúng. Quyền lực không đối trọng tất yếu dẫn đến toàn quyền, lạm quyền và tham nhũng, biến các giá trị dân chủ mà đáng ra toàn xã hội được hưởng trở thành những hô hào khấu hiệu và hình thức.

Hiến pháp 1992 dù đã sửa đổi bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng trong việc mở đường phát triển cho đất nước. Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, nhiều yêu cầu mà Việt Nam cần tuân thủ khó có thể triển khai với khung pháp lý hiện hành. Với quốc tế, Việt Nam cần thực hiện đầy đủ các công ước đã cam kết với Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong quan hệ với các nước ASEAN và trong khu vực, Việt Nam cũng cần tuân thủ các nguyên tắc chung. Về kinh tế thị trường, Việt Nam buộc phải tuân thủ hệ thống pháp lý của quốc tế và WTO. Về chính trị, Việt Nam cần tôn trọng các giá trị dân quyền, nhân quyền; đồng thời thực thi dân chủ và quản trị minh bạch bằng cách đặt đảng chính trị và nhà nước dưới pháp luật song song với việc chấp nhận bình đẳng chính trị trong xã hội.

Hiến pháp 1992 vẫn còn thiếu tính hợp thức để tồn tại do chưa được người dân phúc quyết thông qua. Hiến pháp là khế ước xã hội mà nhân dân thỏa thuận trao quyền cho nhà nước, là tuyên bố long trọng về nhân quyền và dân quyền của nhân dân, là văn bản tối cao kết tinh khát vọng của toàn dân và bản sắc dân tộc. Vì các lý do đó, quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân là điều kiện nhất thiết, là nền tảng của bản hiến pháp. Một nhà nước chân chính phải có khả năng tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền phúc quyết thay vì để quyền căn bản này bị khuynh loát.

Hiến pháp tiến bộ là nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ. Dù theo chủ nghĩa hay tư tưởng chính trị nào, đất nước cũng cần phải có Hiến pháp dân chủ với một cơ chế Nhà nước minh bạch và điều hành xã hội bằng pháp luật. Một Hiến pháp dân chủ phải là Hiến pháp của toàn dân, được nhân dân đồng thuận thông qua và áp dụng vào cuộc sống.

Không một tổ chức hay cá nhân nào có thẩm quyền làm ra bản Hiến pháp, nhưng mỗi đoàn thể hay cá nhân có quyền bày tỏ và thảo luận những suy nghĩ về điều luật tối cao này của đất nước. Cùng với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết muốn góp phần vào sự phát triển của dân tộc và chấn hưng đất nước, Đảng Dân Chủ Việt Nam xin công bố bản “Đề nghị bản Hiến pháp của toàn dân cho Việt Nam”, gồm 2 phần:

Phần I: Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp

Phần II: Bản đề xuất khung Hiến pháp của toàn dân với các điều khoản về quyền con người

Chúng tôi mong đón nhận ý kiến góp ý và thảo luận của các chuyên gia, trí thức và toàn thể nhân dân.
Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình

Share