Bản đề xuất khung soạn thảo hiến pháp của toàn dân

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Bản Hiến pháp của toàn dân không thể là bản Hiến pháp được thực hiện theo chỉ thị của một đảng chính trị, tổ chức hay cá nhân nào. Đó phải là một bản Hiến pháp được thảo luận rộng rãi bởi toàn xã hội, được các chuyên gia đề xuất các ý tưởng hợp xu thế thời đại, và nhất là cần được Nhân dân phúc quyết thông qua. Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Sản hay bất kỳ một tổ chức nào chỉ góp một trong những tiếng nói đó. Sau khi Ủy ban soạn thảo Hiến pháp hoặc Hội nghị hiến pháp soạn ra một bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đó phải được toàn dân phúc quyết để trở thành bản Hiến pháp chính thức của Quốc gia, gọi là Hiến pháp của toàn dân. 

Đảng Dân Chủ Việt Nam đề nghị Hiến pháp của toàn dân cần phải có các nội dung cơ bản sau: Các điều khoản nhân quyền phù hợp với luật quốc tế và nhu cầu của Việt Nam; Cơ chế tam quyền phân lập để tạo kiểm soát và đối trọng quyền lực giữa các nhánh quyền lực ở Trung ương cũng như giữa Trung ương và địa phương; và một cơ chế bảo hiến với Tòa án Hiến pháp. Trong phạm vi bản đề xuất này, chúng tôi không đề nghị một bản Hiến pháp đầy đủ, mà chỉ đề nghị các nguyên tắc tổ chức nhà nước minh bạch, một bộ khung của các thiết chế dân chủ mà chúng tôi tin rằng sẽ đáp ứng các nhu cầu của đất nước. Việc soạn thảo các điều khoản cụ thể sẽ do cơ quan soạn thảo Hiến pháp tiến hành. Tuy nhiên, chúng tôi có soạn thảo các điều khoản nhân quyền chi tiết. Cách diễn đạt các điều khoản nhân quyền có ảnh hưởng đến cách chúng được giải thích và áp dụng về sau này, do đó chúng cần phải được đề xuất dưới hình thức các điều khoản đầy đủ, làm cơ sở cho các thảo luận và đóng góp ý kiến sau này.

Đảng Dân Chủ Việt Nam chân thành cảm ơn sự cố vấn của giáo sư David C. Williams[i], giáo sư Susan H. Williams[ii] và sự giúp đỡ của Trung tâm Dân chủ Lập hiến, đại học Indiana, Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu các đề xuất Hiến pháp phù hợp với nhu cầu và tình hình Việt Nam.

Xem Phần I: Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp

***

TỔNG QUAN VỀ CÁC QUAN NIỆM CƠ BẢN VỀ HIẾN PHÁP CỦA TOÀN DÂN

Một bản Hiến pháp của toàn dân cần phải là một bản Hiến pháp công minh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, kiến tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp trị về lâu về dài. Tam quyền phân lập để có kiểm soát và đối trọng quyền lực phải là nguyên tắc tổ chức Nhà nước cơ bản của một xã hội dân chủ, pháp trị.

Các thiết chế đang vận hành, cả ở cấp trung ương và địa phương, không dễ để cải cách một sớm một chiều. Vì vậy, bản Hiến pháp được sửa đổi cần phải cân bằng giữa một mô hình lý tưởng và tính thực tế của mô hình đó. Các sửa đổi Hiến pháp cần được xây dựng dựa trên tình hình thực tế, các nhu cầu của đất nước theo nguyện vọng của người dân và ý kiến của các chuyên gia. Một số biện pháp chuyển tiếp có thể cần thiết để các thiết chế có thời gian thích ứng và đào tạo nhân lực đáp ứng với cách vận hành của mô hình mới – nhất là hệ thống Tòa án và chính quyền địa phương.

Để góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội ở Việt Nam hiện nay, bản Hiến pháp của toàn dân cần phải đáp ứng các nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Các điều khoản nhân quyền phù hợp với Công pháp quốc tế, nêu rõ các giá trị của con người và bảo vệ các cá nhân và các nhóm xã hội;

2. Cơ chế tam quyền phân lập để tạo kiểm soát và cân bằng quyền lực, giữa các thiết chế nhà nước trung ương, cũng như giữa trung ương và địa phương. Cơ chế đó phải dung hòa được hai nhu cầu, giữa một bên là sự minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, và một bên là sự nhanh nhạy và hiệu quả của các cơ quan đó. Để Nhà nước thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và biến những nguyện vọng của nhân dân thành chính sách và luật, không một nhánh quyền lực Nhà nước riêng biệt nào hoặc một đảng chính trị nào, thiểu số hay đa số, được độc quyền “chiếm giữ” và nhân danh Nhà nước hoạt động cho lợi ích đảng phái. Để đạt mục tiêu đó, mỗi nhánh của bộ máy Nhà nước phải làm việc để kiểm soát và đối trọng các nhánh còn lại.

3. Một cơ chế thi hành và bảo vệ Hiến pháp – một Tòa án Hiến pháp – để áp dụng các quyền hiến định, giải thích Hiến pháp và đảm bảo sự tôn trọng Hiến pháp của các nhánh quyền lực của chính phủ. Nếu thiếu một cơ chế bảo hiến, bản Hiến pháp sẽ chỉ là những điều luật trong sách vở mà không phát huy được vai trò bảo vệ quyền con người và chống lạm quyền.

***

CƠ CHẾ KIỂM SOÁT VÀ ĐỐI TRỌNG QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

I.Tam quyền phân lập – Cơ chế kiếm soát và cân bằng quyền lực ở Trung ương

Một trong hai nhiệm vụ cơ bản của một bản Hiến pháp của toàn dân là thiết lập một hệ thống quyền lực có kiểm soát và đối trọng. Thay vì tập trung quyền lực trong tay một cơ quan hay một nhóm người, ba quyền lực cơ bản của nhà nước – làm luật, thi hành luật, và phán xử các vụ án dựa theo pháp luật – cần phải được trao gửi vào các cơ quan quyền lực Nhà nước khác nhau. Khi mỗi nhánh quyền lực thực hiện một chức năng khác nhau và theo đuổi những quyền lợi khác nhau, chúng sẽ kiểm soát lẫn nhau và đảm bảo rằng các nhánh còn lại hoạt động trong đúng phạm vi quyền lực của chúng. Trước tiên đó là sự kiểm soát và cân bằng quyền lực ở cấp Trung ương giữa ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tòa án.

A.Ngành Lập Pháp

Nền dân chủ đại diện không có gì mâu thuẫn với nguyên tắc quyền lực tối cao của Nhà nước thuộc về nhân dân. Qua bầu cử tự do và công bằng, nhân dân-cử tri ủy nhiệm cho các đại biểu thay mặt mình quyết định và điều hành quốc gia, nhưng quyền lực của các cơ quan dân cử là có giới hạn. Nhân dân giữ chủ quyền tối cao với quyền bầu cử, trưng cầu dân ý và phúc quyết các vấn đề quốc gia trọng đại. Tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí, bên cạnh các quyền khác, là những điều kiện không thể thiếu để người dân giám sát hoạt động của những người đại diện cho mình quản lý đất nước; và vì vậy, chúng không thể bị hạn chế một cách độc đoán bởi Nhà nước vốn chỉ nắm giữ quyền lực phái sinh.

Quốc hội là cơ quan dân cử đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội cần phải là cơ quan đại diện không chỉ cho cử tri địa phương ở mỗi khu vực bầu cử, mà còn cho các nhóm xã hội nhỏ không phụ thuộc vào giới hạn địa lý như các dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em. Quốc hội cần được bầu lên từ những kỳ bầu cử tự do và công bằng, trong đó ứng viên có quyền tự do ứng cử, các tổ chức chính trị và người dân có quyền tự do đề cử và tự do đi bầu mà không chịu sức ép hay ảnh hưởng của bất kỳ ai hay tổ chức nào. Để bầu cử thực sự tự do công bằng, sự tham gia của nhiều đảng chính trị để cạnh tranh lẫn nhau là cần thiết để người dân có thể chọn ra những đại diện xứng đáng nhất.

Tuy vậy, chúng tôi chia sẻ mối băn khoăn của một số người rằng quá nhiều đảng chính trị sẽ ảnh hưởng đến sự hiệu quả của chính phủ. Do đó chúng tôi đề xuất những cơ chế bầu cử khuyến khích các đảng chính trị lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng trên toàn quốc, cũng như đại diện cho nhiều quyền lợi xã hội khác nhau. Trong nhánh lập pháp cũng cần có “kiểm soát và cân bằng” quyền lực, do đó chúng tôi đề nghị một Quốc hội lưỡng viện đại diện các nguyện vọng, quyền lợi và tiêu chí khác nhau để kiểm soát lẫn nhau.

1.Tổ chức ngành lập pháp

Ngành Lập Pháp – Quốc hội nên bao gồm hai viện – Thượng viện và Nghị viện.

PGS, TS Thái Vĩnh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Hành chính – nhà nước Đại học Luật Hà Nội trong một bài viết đăng tải gần đây trên Tạp chí nghiên cứu lập pháp của Văn phòng Quốc hội, cũng đã đưa ra một đề xuất tương tự về nhu cầu cần có hai viện: “Về cơ cấu tổ chức của Quốc hội, để quy trình làm luật chặt chẽ hơn, cần chuyển Quốc hội từ một viện sang Quốc hội hai viện, bao gồm Thượng viện và Hạ viện […]. Các đại biểu Thượng viện đại diện cho các đơn vị hành chính lãnh thổ cao nhất, theo đó mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 2 Thượng nghị sĩ, ngoài ra Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm 5 đại biểu Thượng viện lấy từ những người có công lao xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, y học, giáo dục hoặc quản trị kinh doanh.”[iii]

Chúng tôi cho rằng đó là một đề xuất hợp lý. Hạ viện sẽ đại diện cho các nguyện vọng trên bình diện quốc gia, trong khi đó Thượng viện đại diện cho nguyện vọng địa phương nơi mà các Thượng nghị sĩ được bầu lên. Nếu Hạ viện là biểu tượng quyền lực của nhánh lập pháp trong việc kiểm soát và cân bằng quyền lực theo hàng ngang – giữa Hành pháp, Lập pháp, Tòa án – thì Thượng viện là biểu tượng cho việc kiểm soát và cân bằng quyền lực theo chiều dọc – giữa Trung ương và địa phương. Hạ viện sẽ là nghị trường chính trị với đại diện các đảng chính trị thảo luận và làm luật. Thượng viện sẽ giám sát và đảm bảo nguyện vọng địa phương được phản ánh đầy đủ trong luật và chính sách. Điều này sẽ giảm thiểu lo ngại của một số người về một nền dân chủ “độc tài của đa số,” bởi ngành lập pháp bao gồm hai viện phục vụ các mục tiêu khác nhau sẽ kiểm soát, đối trọng lẫn nhau, để làm ra các chính sách và luật điều độ và ôn hòa hơn.

Trong phần thảo luận tiếp theo về khung hiến pháp mới, khi sử dụng “Quốc hội,” chúng tôi muốn nói đến cả Thượng viện và Hạ viện trong tư cách ngành lập pháp.

Về việc tổ chức nội bộ của mỗi viện

Trong Hiến pháp 1992, Ban thường vụ Quốc hội có rất nhiều quyền lực. Khi Quốc hội không trong kỳ họp, Ban thường vụ có quyền làm luật, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tuyên bố chiến tranh. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc dân chủ đại diện – các vấn đề quan trọng như vậy cần được Quốc hội trong phiên họp đầy đủ thông qua. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên bãi bỏ cơ quan này mà mỗi viện vẫn có thể hoạt động hiệu quả? Mỗi viện cần nhóm họp thường xuyên hơn bây giờ, ít nhất là từ bốn đến sáu tháng mỗi năm, và cần có cơ chế triệu tập khẩn cấp khi cần thiết. Chủ tịch mỗi viện được bầu lên để điều phối các ủy ban chuyên môn của mỗi viện, cũng như giữa hai viện và với chính phủ. Nội các có thể làm các công việc kết nối và điều hợp khi Quốc hội không nhóm họp. Trong thời đại công nghệ thông tin, các đại biểu có thể giữ liên lạc thường xuyên lẫn nhau và với các cử tri. Ngoài ra còn có các Ủy ban chuyên môn của mỗi viện là nơi thảo luận, soạn thảo các dự luật. Vai trò của ban thường vụ cho mỗi viện là không cần thiết.

Ủy ban các dân tộc thiểu số (Hội đồng dân tộc – HĐDT) là một định chế đặc biệt của hệ thống Hiến pháp hiện nay. “Điểm khác biệt giữa HÐDT và các Uỷ ban của Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của UBTVQH, các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện các chính sách dân tộc. Như vậy, HÐDT không chỉ hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của Quốc hội như các Uỷ ban của Quốc hội mà còn được tham gia vào các hoạt động của Chính phủ khi quyết định các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc.”[iv] Vai trò của Hội đồng dân tộc nên được phát huy và tạo cơ chế thiết thực và hiệu quả hơn trong việc truyền tải tiếng nói của các dân tộc thiểu số vào việc thảo luận và xây dựng các luật, nghị quyết có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Xây dựng một Nhà nước nhân bản, quan tâm thiết thực đến quyền lợi các nhóm thiểu số trong xã hội là điều quan trọng để đảm bảo một quốc gia đoàn kết và vững bền.

2.Hệ thống bầu cử:

Hệ thống bầu cử cho mỗi viện rất quan trọng và cần được thảo luận kỹ lưỡng. Như là một điểm khởi đầu cho các thảo luận sau này, đối với bầu cử Hạ viện chúng tôi đề xuất hệ thống bầu cử Đại diện theo Tỷ lệ (Proportional Representation) với 8 khu vực bầu cử, mỗi khu vực bầu ra 20 đại biểu cho nhiệm kỳ 4 năm, và chỉ những đảng chính trị đạt được ít nhất 6% tổng số phiếu toàn quốc mới giành được ghế. Các dân biểu Hạ viện được bầu cử cho nhiệm kỳ 4 năm.

Hệ thống bầu cử đại diện theo tỷ lệ là một hệ thống bầu cử khuyến khích các đảng chính trị hình thành, củng cố, cũng như tạo cơ hội cho các đảng nhỏ đạt được ghế trong Hạ viện. Mỗi đảng đề ra một danh sách đảng viên ứng cử. Số khu vực bầu cử được ấn định càng rộng, các đảng nhỏ càng có nhiều cơ hội có ứng viên được bầu, đó là lý do tại sao chúng tôi đề xuất tám khu vực bầu cử rộng như nhau, mỗi khu vực sẽ bầu lên 20 đại biểu.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quá nhiều đảng chính trị nhỏ có thể ảnh hưởng đến sự hiệu quả và phản ứng nhanh nhạy của chính phủ. Do đó, chúng tôi cho rằng cần định ra các ngưỡng: không chỉ đạt đủ số phiếu để thắng ghế trong một khu vực bầu cử nhất định, một đảng cần đạt được một tổng số phiếu nhất định trên bình diện quốc gia mới thắng ghế trong một khu vực bầu cử nhất định. Chúng tôi đề xuất một ngưỡng đòi hỏi chỉ những đảng chính trị với một tổng số phiếu trên phạm vi toàn quốc đạt ít nhất 6% số phiếu toàn quốc mới giành được ghế trong Hạ viện. Ngưỡng bầu cử này là động lực thúc đẩy các đảng chính trị vận động rộng rãi trong phạm vi toàn quốc, thay vì chỉ tập trung nhân lực và tài lực để vận động bầu cử trong một khu vực nhất định nào đó để duy trì ghế đại biểu của khu vực đó. Đặt ra yêu cầu về ngưỡng phiếu đó sẽ có lợi cho người dân ở các vùng xa và các khu vực bầu cử nhỏ. Các nhóm xã hội thiểu số cũng sẽ có lợi: chính vì các đảng chính trị cần nhiều phiếu nhất có thể trên bình diện toàn quốc, họ sẽ vận động đến nhiều nhóm xã hội khác nhau, trên nhiều địa phương khác nhau, và nguyện vọng của các nhóm nhỏ đó sẽ được lắng nghe một cách nghiêm túc hơn.

Về bầu cử Thượng viện, các Thượng nghị sĩ sẽ được bầu bởi Hội đồng tỉnh, mà các hội đồng tỉnh được bầu lên qua bầu cử đơn danh, với mỗi khu vực bầu cử bầu ra một đại biểu.[v] Thông thường, hệ thống bầu cử đơn danh – ứng cử viên đạt đa số phiếu sẽ thắng – có xu hướng tạo ra hai đảng chính trị mạnh và với chính sách không quá cực đoan. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng đặc thù của các địa phương ở Việt Nam khiến hệ thống bầu cử này khi được áp dụng sẽ không tạo ra các đảng chính trị quá quyền lực ở địa phương. Khu vực bầu cử cấp tỉnh không phải là lớn, các vấn đề người dân quan tâm là các vấn đề địa phương. Họ có thể tìm đến các lãnh đạo độc lập, có uy tín, hiểu và đáp ứng nguyện vọng của cử tri địa phương, chứ không nhất thiết trông cậy vào tổ chức đảng. Điều này có hai hệ quả có lợi. Thứ nhất, vì bầu cử hội đồng tỉnh tạo cơ hội cho các ứng viên độc lập được bầu, mà Thượng viện được bầu lên bởi hội đồng tỉnh, Thượng viện sẽ không bị chi phối bởi chính trị đảng phái. Giảm thiểu ảnh hưởng của các đảng chính trị đối với Thượng viện cũng là một yếu tố quan trọng cho sự trung lập của việc tổ chức bầu cử, chính vì Thượng viện sẽ có quyền phê chuẩn thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia. Thứ hai, Thượng viện, vì có mối liên hệ chặt chẽ với các hội đồng tỉnh, sẽ thay mặt chính quyền địa phương đóng vai trò kiểm soát và cân bằng quyền lực đối với chính quyền trung ương.

Các ứng cử viên Thượng viện cần trên 35 tuổi. Các thượng nghị sĩ được bầu cho nhiệm kỳ 6 năm. Việc nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ dài hơn hẳn so với nhiệm kỳ của các hạ nghị sĩ là quan trọng để đảm bảo tính liên tục nhất định trong hoạt động nghị trường mỗi khi một Hạ viện mới được bầu lên. Sau 3 năm, một nửa Thượng viện được bầu lại, cũng là để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của Thượng viện. Đối với kỳ bầu cử Thượng viện đầu tiên, Hội đồng bầu cử sẽ rút thăm để xác định số Thượng nghị sĩ sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong 3 năm.

3.Quyền lực của ngành lập pháp

Quyền lập hiến tối cao thuộc về Nhân dân chứ không không thuộc về Quốc hội. Quốc hội cũng không phải là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, mà nhân dân mới nắm chủ quyền tối cao. Hiến pháp nên quy định rõ điều này: quyền lập hiến thuộc về nhân dân qua việc phúc quyết phê chuẩn hiến pháp; và các cơ quan Nhà nước – đại biểu của nhân dân – có vai trò và quyền lực ngang bằng nhau, kiểm soát và đối trọng lẫn nhau.[vi] Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân trong công việc lập pháp, giám sát hoạt động Nhà nước, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp, các quyền của người dân, và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Về cơ bản, Hiến pháp hiện tại và nhiều văn bản pháp luật đã trao cho Quốc hội những quyền lực quan trọng, nhưng việc thực hiện các quyền này vẫn thiếu hiệu quả, do chất lượng đại biểu quốc hội, do hạn chế ngôn luận, do tập quyền vào ngành hành pháp. Trong thời đại mới, các nghị viên và thượng nghị sĩ đều phải là chuyên trách – hoạt động toàn thời gian với tư cách đại biểu nhân dân. Đại biểu Quốc hội sẽ được trả lương toàn thời gian, có văn phòng riêng – một ở địa phương và một ở trung ương, và có bộ máy phụ tá để đảm bảo họ có đủ thời gian và điều kiện làm việc để tập trung vào các công việc tiếp xúc cử tri, theo dõi tình hình chính trị, nghiên cứu dự luật và chính sách, v.v. Đại biểu Quốc hội không cần phải biết tất cả, vì họ có thể tuyển các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau để cố vấn họ trong quá trình lập pháp. Nhân dân cần ở đại biểu Quốc hội những phẩm chất “vì nước vì dân”: tinh thần thượng tôn pháp luật, sự công tâm, khả năng lắng nghe và quan tâm đến cử tri, khả năng đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cục bộ, cũng như thời gian tiếp xúc và làm việc để nâng cao chất lượng đời sống của cử tri.

B.Ngành Hành Pháp

Ngành Hành pháp chịu trách nhiệm thi hành pháp luật, điều hành các công việc quốc gia thường nhật, và định hướng chính sách kinh tế, ngoại giao, quốc phòng của đất nước. Tổ chức ngành Hành pháp là một phần quan trọng và phức tạp trong việc soạn thảo Hiến pháp. Chúng ta trông đợi cơ quan hành pháp nhiều phẩm chất và mục tiêu không phải lúc nào cũng dễ dàng dung hòa.

Trước hết, chúng ta muốn quyền lực của ngành hành pháp bị hạn chế – ở Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ đã tập trung quyền lực vào Thủ tướng – người đứng đầu ngành hành pháp, và trên hết là Bộ chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì vậy hạn chế quyền lực của ngành hành pháp là một mục tiêu của Hiến pháp. Song, mặt khác, chúng ta cũng cần tạo điều kiện cho ngành Hành pháp hoạt động hiệu quả, nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề kinh tế, đối ngoại, quốc phòng.

Chúng ta mong muốn ngành hành pháp minh bạch và gần gũi với người dân, bằng cách tạo ra một cơ chế chính trị cạnh tranh trong đó người dân có tiếng nói quyết định trong việc chọn ra những người lãnh đạo đất nước. Một cơ chế chính trị trong đó tiếng nói của người dân tạo sự khác biệt sẽ thúc đẩy họ tham gia tích cực hơn vào đời sống xã hội, chính trị cũng như tích cực giám sát hoạt động của những lãnh đạo họ bầu ra. Nhưng mặt khác, trong một số lĩnh vực, lãnh đạo một quốc gia có quyền giải quyết các vấn đề một cách kín đáo, chiến lược, để đạt hiệu quả cao và bảo vệ an ninh quốc gia. Dung hòa hai nhu cầu này cũng không phải là điều dễ dàng.

Cuối cùng, chúng ta cần một cơ chế ngăn chặn các xung đột có thể xảy ra ngay trong nhánh hành pháp – giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng – để đảm bảo nhánh hành pháp hoạt động có đối trọng nhưng hiệu quả, bằng cách quy định rõ ràng quyền lực của mỗi cơ quan.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng tôi đề xuất một cơ chế hành pháp với Chủ tịch nước giữ vai trò giám sát và đảm bảo tính minh bạch và trung thực của cả hệ thống chính trị và Thủ tướng là nhân vật thực sự lãnh đạo công việc chính trị của quốc gia. Đó là một cơ chế rất gần với cách tổ chức Hành pháp hiện tại. Điều khác biệt là các quyền lực giao phó cho ngành hành pháp cần dựa trên sự ủy nhiệm rõ ràng bởi cơ chế Hiến pháp và Quốc hội, đồng thời có cơ chế giám sát ngành Hành pháp bởi các ngành khác của quyền lực Nhà nước.

1.Thủ tướng và Nội các

a. Bổ nhiệm Thủ tướng

Lãnh đạo đảng nắm đa số phiếu trong Hạ viện sẽ trở thành Thủ tướng sau kỳ bầu cử Hạ viện tương ứng. Trong trường hợp Chính phủ liên minh, lãnh đạo đảng nắm nhiều ghế trong Hạ viện nhất trong liên minh sẽ trở thành Thủ tướng. Nhiệm kỳ của Thủ tướng trùng với nhiệm kỳ của Hạ viện đã bầu ra Thủ tướng.

b. Quyền lực của Thủ tướng

Thủ tướng đứng đầu nhánh hành pháp. Thủ tướng sẽ lập nội các theo ý muốn mà không cần sự phê chuẩn của Hạ viện. Tuy nhiên, đa số các bộ trưởng phải là thành viên của Hạ viện. Thủ tướng có toàn quyền trong việc bãi nhiệm các bộ trưởng.

Thủ tướng nắm giữ các quyền lực cơ bản của người đứng đầu ngành Hành pháp:

-Đảm bảo việc thi hành các luật và pháp lệnh. Nội các có thể trình các dự thảo luật trước Quốc hội và phối hợp quá trình làm luật. Ngân sách được chuẩn bị bởi Nội các và trình trước Quốc hội để thông qua cho năm thuế tiếp theo.

-Chỉ đạo các chính sách kinh tế quốc gia và quan hệ quốc tế

-Đại diện quốc gia để ký kết các hiệp định và hiệp ước quốc tế, với sự phê chuẩn của Thượng viện.

-Đảm bảo an ninh và trật tự trong nước và an ninh quốc phòng

-Là tổng chỉ huy quân đội. Thủ tướng có thể tuyên bố chiến tranh với sự phê chuẩn của Thượng viện.

-Có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng quyết định đó phải được Quốc hội phê chuẩn cho một thời gian xác định. Nếu Thủ tướng muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp, cần phải được Quốc hội đồng ý. Quốc hội có thể bỏ phiếu để chấm dứt tình trạng khẩn cấp bất kỳ lúc nào. Quy trình tuyên bố, phê chuẩn, kéo dài và chấm dứt tình trạng khẩn cấp cần phải được xác định rõ trong Hiến pháp để hạn chế các lạm dụng về sau.

2.Chủ tịch nước

a. Bầu cử Chủ tịch nước

Chúng tôi cho rằng Chủ tịch nước, bên cạnh các hoạt động ngoại giao tượng trưng, nên có vai trò tích cực hơn trong bộ máy Nhà nước. Chủ tịch nước có thể giữ vai trò trọng tài trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, điều hành việc chống tham nhũng và bảo đảm sự trong sạch của bộ máy tài chính công.

Chúng tôi đề xuất Chủ tịch nước được bầu bởi Thượng viện cho một nhiệm kỳ 6 năm. Chúng tôi không đề xuất bầu Chủ tịch nước qua bầu cử trực tiếp đơn danh hai vòng, như nhiều nước đã làm. Khi nhánh hành pháp có cả Chủ tịch nước và Thủ tướng, cần xác định rõ ràng quyền lực lãnh đạo thuộc về ai. Việc phân chia quyền hành pháp cho cả Chủ tịch nước và Thủ tướng tiềm ẩn những xung đột giữa hai vị trí, và có thể làm đình trệ công việc quốc gia. Xét thấy trong thời điểm hiện tại, Thủ tướng có vai trò chính trị nổi trội hơn Chủ tịch nước, và người dân nhìn vào Thủ tướng như người lãnh đạo chính trị, chúng tôi cho cơ chế Hiến pháp sửa đổi tiếp tục nhìn nhận cách tổ chức đó và cải thiện nó, bằng cách thêm cơ chế chịu trách nhiệm và bảo đảm tính minh bạch của hoạt động hành pháp. Chính vì Chủ tịch nước giữ vai trò giám sát và bảo vệ hiến pháp chứ không phải nhân vật làm ra chính sách và lãnh đạo chính trị, việc bầu cử trực tiếp Chủ tịch nước là không cần thiết. Thượng viện bầu ra Chủ tịch nước là hợp lý, vì Thượng viện cũng có các vai trò tương tự.

b. Quyền lực của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước đại diện Nhà nước trong các nghi lễ ngoại giao. Chủ tịch nước bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao và các thành viên của Hội đồng bầu cử với sự phê chuẩn của Thượng viện.

Chủ tịch nước ban hành các dự luật được Quốc hội thông qua. 15 ngày sau khi luật được thông qua bởi Quốc hội, nếu không đưa ra phủ quyết, Chủ tịch nước có nghĩa vụ phải ban hành luật đó. Chủ tịch nước có quyền phủ quyết các dự luật đó, nhưng cần đưa ra một bản tuyên bố giải thích các lý do thực hiện quyền phủ quyết. Tuy nhiên, cả hai viện có thể vượt qua quyền phủ quyết của Chủ tịch nước với đa số phiếu thuận ở mỗi viện.

Chủ tịch nước sẽ giữ vai trò giám sát và bảo đảm tính minh bạch và trung thực của các hoạt động của Chính phủ. Chủ tịch nước bổ nhiệm thành viên Hội đồng chống tham nhũng và bảo đảm sự trung thực trong các hoạt động về thuế với sự phê chuẩn của Thượng viện. Trong trường hợp Việt Nam thành lập hệ thống thanh tra viên (Ombudsman) theo mô hình Đan Mạch như đã bàn thảo lâu nay, Chủ tịch nước nên là người bổ nhiệm các thanh tra viên cấp cao. Chủ tịch nước có thể yêu cầu các bản báo cáo thường xuyên và công khai về các hoạt động chi tiêu ngân sách và phổ biến người dân được biết.

c. Trách nhiệm chính trị và hình sự

Chủ tịch nước được miễn các truy tố hình sự và dân sự trong khi làm nhiệm vụ. Tuy vậy, trong trường hợp lạm dụng chức vụ một cách thô bạo và hiển nhiên, dưới kiến nghị của 1/3 số tỉnh trưởng hoặc 1/3 thành viên Thượng viện, Thượng viện có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Chủ tịch nước. Chủ tịch mới phải được Thượng viện bầu ra trong vòng một tháng sau khi Chủ tịch nước cũ bị bãi nhiệm.

C.Ngành Tòa án

1. Cần thay đổi quan niệm về vai trò của ngành Tòa án trong tổ chức Nhà nước:

Trong bản đề xuất Hiến pháp này, chúng tôi sử dụng “ngành Tòa án” thay vì “ngành Tư pháp” một cách có chủ ý, để phân biệt hệ thống tòa án và xét xử với Bộ tư pháp là cơ quan phụ trách các vấn đề luật pháp thuộc Chính phủ, cũng như không nhầm lẫn khái niệm tư pháp – thiết chế với tư pháp – hệ thống luật tư “private law.” Quan trọng hơn cả, sử dụng “ngành Tòa án” làm nổi bật vai trò của hệ thống Tòa án như một cơ quan đứng ngang hàng với Hành pháp và Lập pháp trong hệ thống tam quyền phân lập. “Việc thi hành luật là nhiệm vụ của bộ tư pháp thuộc ngành hành pháp, khác hẳn với nhiệm vụ của tòa án là xét xử và diễn giải luật pháp. Hai chức năng này không những khác nhau mà còn đối lập với nhau đứng trên ý niệm phân quyền. Dùng một danh từ có hai nghĩa như thế rất dễ dàng tạo nên sự hiểu lầm.”[vii]

Về ngành Tòa án, cần thay đổi tư duy cho rằng thẩm phán là công chức Nhà nước và là cấp dưới của Chính phủ và Quốc hội. Ngành tòa án cần phải được coi là một cơ quan quyền lực độc lập để tạo đối trọng với các quyền lực chính trị. Quy định trong bản hiến pháp hiện thời là “các thẩm phán chịu trách nhiệm trước Quốc hội” dứt khoát cần phải bãi bỏ. Điều này vi phạm nguyên tắc tổ chức Nhà nước tam quyền phân lập.

Thêm vào đó, về mặt chuyên môn, việc Quốc hội giám sát công việc của tòa án là không thể thực hiện được. Như giáo sư Trần Ngọc Đường đã phân tích: “Hoạt động của Quốc hội là hoạt động mang tính chất chính trị – pháp lý ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, thủ tục nghị trường với sự tranh luận phản biện dân chủ về những vấn đề trọng đại của quốc gia, tác động sâu rộng không những trong nước mà còn cả trên trường quốc tế. Trong khi đó, hoạt động giám sát tư pháp và giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật là những hoạt động chuyên môn kỹ thuật ở tầm vi mô, mang tính chất tài phán theo thủ tục tư pháp và phải thông qua áp dụng pháp luật đối với các sự kiện pháp lý cụ thể. Do vậy, dầu có kêu gọi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động tư pháp và hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong thực tế, hiệu lực và hiệu quả giám sát vẫn thấp nếu không muốn nói là không tiến hành được hoặc tiến hành hình thức.”[viii]

Về hệ thống kiểm sát, nhiều chuyên gia trong nước cũng cho rằng quyền lực của Viện kiểm sát phải được thu hẹp lại trong vai trò công tố viên, thay vì là một cơ quan siêu quyền lực giám sát sự tuân thủ pháp luật của mọi cơ quan Nhà nước, mọi công dân. Nói ngắn gọn lại, tổ chức hệ thống Tòa án và Kiểm sát theo mô hình Sô-viết cũ cần được cải cách theo hướng coi trọng tính độc lập và nghiêm minh của ngành Tòa án. Việc phân chia nhiệm vụ rõ ràng giữa cơ quan điều tra, cơ quan công tố và tòa án xét xử cũng cần phải luật hóa và thực thi.

Các cải cách đang được tiến hành ở Việt Nam hiện nay về hệ thống tòa án, quy chế thẩm phán và hệ thống viện kiểm sát đã cho thấy nhu cầu cấp bách về một ngành Tòa án thực sự độc lập và tự chủ. Trong phạm vi của một bản đề xuất Hiến pháp, chúng tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu về sự bổ nhiệm thẩm phán một cách dân chủ, cũng như thiết lập quy chế tự chủ của ngành Tòa án để bảo vệ sự độc lập của ngành Tòa án đối với các cơ quan chính trị khác.

2. Đảm bảo quy chế độc lập và tự chủ của ngành Tòa án:

Các thẩm phán của Tòa án tối cao và Tòa Hiến pháp được bổ nhiệm bởi Chủ tịch nước với sự phê chuẩn của Thượng viện. Một khi các thẩm phán đã được bổ nhiệm, họ được hưởng nhiệm kỳ suốt đời cho đến tuổi 65. Việc bổ nhiệm các thẩm phán cần dựa trên các tiêu chí chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, chứ không phải đạo đức chính trị hoặc ý thức hệ. Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2002 đã chuyển quyền bổ nhiệm thẩm phán các cấp dưới tới Chánh án tòa án Tối cao. Một cách khác để lựa chọn thẩm phán các cấp dưới là qua thi cử. Một khi các thẩm phán được chọn qua thi cử hoặc được bổ nhiệm, các thẩm phán phải được hưởng quy chế bảo đảm sự độc lập trong khi thi hành nhiệm vụ. Các thẩm phán cần được hưởng lương bổng và trợ cấp hưu trí cao.

Các thẩm phán tuân theo pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật trong quá trình xét xử. Các sai sót về sự việc và giải thích luật đã có các cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm xem xét lại. Các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp hoặc cá nhân đã có hội đồng thẩm phán độc lập phán xét theo quy trình kỷ luật của ngành Tòa án, để đảm bảo là các thẩm phán không bị lệ thuộc hay phải chịu áp lực đến từ cách nhánh quyền lực khác, gây ảnh hưởng đến sự độc lập của họ.

II.Cân bằng và kiểm soát quyền lực giữa Trung ương và địa phương

A.Những cải cách hiện tại và các vấn đề tồn đọng

Từ năm 2001 Việt Nam đã có luật về Phân cấp hành chính. Đó là một chủ trương hợp xu thế thời đại. Tuy nhiên, nguyên tắc dân chủ tập trung khiến trên thực tế hệ thống cấu trúc quyền lực vẫn quy về Trung ương. Chính quyền Trung ương quản lý chặt chẽ hệ thống nhân sự của các bậc hành chính địa phương, mà đỉnh điểm là quyền phê chuẩn và bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của Thủ Tướng. Bên cạnh đó, hệ thống thuế và ngân sách cũng quy về Trung ương.

Mặc dù có sự phân công trách nhiệm và công việc giữa Trung ương và địa phương, nhưng hệ thống phân cấp hành chính như hiện nay khiến chính quyền địa phương hoạt động giống như đại diện của chính quyền Trung ương hơn là đại diện của cử tri và lợi ích địa phương. Cấp tỉnh được hưởng sự tự quản nhất định trong việc phân bổ nguồn thu và quản lý việc chi tiêu của các huyện và xã trong phạm vi lãnh thổ của tỉnh, và vì vậy quyền lực thực sự của chính quyền phân cấp địa phương chỉ nằm ở cấp tỉnh. Do đó cần có cơ chế chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh một cách thực tế và hiệu quả hơn.

Năm 2009, một năm sau khi dự án bầu cử trực tiếp xã không được thông qua, Quốc hội ra nghị quyết thí điểm tại 10 tỉnh việc bãi bỏ hội đồng nhân dân cấp phường và xã. Hội đồng nhân dân các cấp đó sẽ được bổ nhiệm bởi Hội đồng nhân dân cấp cao hơn “trong khi chờ đợi việc bầu cử trực tiếp lãnh đạo địa phương được thiết kế và tổ chức.” Tuy nhiên, thời hạn của việc thí điểm không rõ ràng, mô hình mới được thử nghiệm cho đến khi Quốc hội ra nghị quyết dừng việc đó. Thí điểm này trong một chừng mực nào đó là hợp lý, vì phường và xã là những đơn vị hành chính quá nhỏ. Bãi bỏ hội đồng nhân dân ở các cấp đó có thể giúp giảm chi phí tổ chức bầu cử và trả lương cho đại biểu hội đồng nhân dân thường trực tại các cấp đó. Tuy vậy, đáng lẽ việc thí điểm bãi bỏ Hội đồng nhân dân phải được tiến hành song song, hoặc sau khi tiến hành cải cách về việc bầu trực tiếp chủ tịch xã và tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân cấp tỉnh một cách tự do, công bằng, minh bạch. Bãi bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường và xã trong khi chưa cải thiện tính đại diện và cơ chế chịu trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ tạo khoảng trống trong cơ chế đại điện và bảo vệ quyền lợi của người dân. Thêm vào đó, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, ngoài việc đại diện quyền lợi người dân xã mình, còn nhiều công việc cấp tỉnh để bàn thảo và quyết định. Việc bầu trực tiếp Chủ tịch xã phải được tiến hành trước khi bãi bỏ Hội đồng nhân dân, để có người chịu trách nhiệm trước nhân dân xã quản lý các công việc thường nhật ở xã, trong phạm vi nhiệm vụ và trách nhiệm được phân công bởi chính quyền tỉnh và Trung ương.

B.Các đề nghị cải cách

1. Bầu cử hội đồng tỉnh

Điểm cơ bản trong cải cách tổ chức chính quyền địa phương là thay đổi động lực chính trị để lãnh đạo địa phương cảm thấy vị trí của họ phụ thuộc nhiều vào việc làm hài lòng cử tri địa phương hơn là chỉ lo làm hài lòng lãnh đạo cấp trên. Chúng tôi cho rằng trả lại sự tự do, công bằng cho các cuộc bầu cử địa phương là điều tối cần thiết.

Hội đồng tỉnh nên được bầu ra theo hệ thống bầu cử đơn danh, với mỗi khu vực bầu cử chỉ bầu một đại biểu. Trong chừng mực có thể, địa giới của mỗi khu vực bầu cử nên trùng với địa giới xã. Hệ thống bầu cử này có hai điều lợi. Thứ nhất, mỗi xã đều có đại diện trong Hội đồng nhân dân tỉnh, và chính quyền tỉnh sẽ gần gũi hơn với người dân các xã. Thứ hai, hệ thống bầu cử đơn danh làm giảm xu hướng phụ thuộc vào chính trị đảng phái, bởi vì các đại biểu của cơ quan lập pháp tỉnh phải đáp ứng nguyện vọng của cử tri trong phạm vi địa giới tỉnh, và có khả năng được bầu vì các phẩm chất cá nhân của họ hơn là vì họ là đảng viên của một đảng nào đó.

2. Trao thực quyền cho chính quyền tỉnh

Về chủ tịch tỉnh, Ủy ban pháp luật tháng 6/2010 có đề xuất “giao Thủ tướng điều động, bổ nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên điều động, bổ nhiệm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới.[ix] Chúng tôi cho rằng đề xuất này hoàn toàn không phù hợp trong xu hướng phân quyền về địa phương cũng như tăng cường cơ chế chịu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Giao quyền kiểm soát nhân sự địa phương cho chính quyền Trung ương thực ra là phân quyền nửa vời và về bản chất vẫn là sự tập trung quyền lực về Trung ương. Chính quyền tỉnh, đặc biệt là Hội đồng nhân dân tỉnh, cần nắm quyền quản lý nhân sự. Trao việc quản lý và bổ nhiệm nhân sự của Ủy ban nhân dân mỗi cấp vào tay Ủy ban nhân dân cấp cao hơn và chính quyền trung ương như hiện nay, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khiến các ủy ban nhân dân cấp dưới thực ra là người thừa hành mệnh lệnh của cấp trên, hơn là chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương. Đó là lý do vì sao việc phân quyền về địa phương thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi cử tri địa phương. Nguyên tắc tổ chức này cần phải được bãi bỏ, như là một phần của việc bãi bỏ nguyên tắc dân chủ tập trung.

Chúng tôi đề nghị Chủ tịch tỉnh có thể được bầu trực tiếp, hoặc ít nhất hội đồng nhân dân tỉnh là cơ quan bầu và bãi nhiệm Chủ tịch tỉnh, thay vì cơ quan hành pháp cấp Trung ương. Đồng thời, chính quyền địa phương cần có nguồn thu độc lập để chi tiêu trong việc thi hành các trách nhiệm ấy. Hiện nay hệ thống thuế vẫn quy về Trung ương. Một số học giả đã đưa ra đề xuất cần có nguồn thu nhập độc lập cho chính quyền địa phương, cụ thể là một số nguồn thuế như thuế đất đai sẽ được thu và sung vào ngân sách tỉnh, từ đó hội đồng tỉnh chia về các cấp thấp hơn.

Thêm vào đó, thực quyền phải thuộc về Hội đồng nhân dân do cử tri bầu lên, chứ không phải Ủy ban Nhân dân. Hiện nay, các ủy ban nhân dân, về danh nghĩa là cơ quan chấp hành địa phương, nhưng trên thực tế nắm quyền quyết định và ra chính sách. Ví dụ, quyết định thu hồi đất đai phải thuộc về Hội đồng nhân dân chứ không phải Ủy ban nhân dân như hiện nay. Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực của Ủy ban nhân dân là một trong những nguyên do gây lạm dụng quyền lực, đặc biệt là trong các vấn đề đất đai và quản lý ngân sách.

3. Cấu trúc của các cấp chính quyền địa phương cấp dưới

Cấu trúc của các cấp chính quyền thấp hơn cũng cần được hợp lý hóa. Việc bãi bỏ hội đồng nhân dân cấp huyện và xã trong một chừng mực nào đó là hợp lý, vì thực tế hiện nay các thiết chế này không có vai trò thiết thực và gây tốn kém ngân sách. Tuy vậy chủ tịch xã cần được bầu trực tiếp – cải cách này phải được tiến hành cùng lúc hoặc trước khi thí điểm bãi bỏ hội đồng nhân dân cấp tương đương. Đồng thời, một cơ chế hội đồng nhân dân đặc biệt cho những việc quan trọng của địa phương cần được quy định: cho các vụ việc ảnh hưởng quan trọng đến đời sống của người dân địa phương, và dưới kiến nghị của 1/3 dân cư địa phương, chủ tịch xã phải tổ chức hội đồng nhân dân đặc biệt để biểu quyết về vấn đề đó. Cơ chế này đảm bảo cho người dân địa phương quyền quản lý và lên tiếng trong các công việc quan trọng, trong khi không cần duy trì hội đồng nhân dân thường trực một cách tốn kém. Các công việc thường ngày khác có thể được thi hành và điều hợp bởi văn phòng chủ tịch xã.

***

CÁC ĐIỀU KHOẢN NHÂN QUYỀN

Các điều khoản Nhân quyền là một phần không thể thiếu của các Hiến pháp hiện đại, chính bởi vì Hiến pháp có hai nhiệm vụ chính: thứ nhất, bảo vệ nhân quyền và dân quyền; và thứ hai, thiết lập quyền lực của chính phủ và hạn chế quyền lực đó. Chính vì tình trạng các điều khoản về quyền hiện nay được viết ra một cách mập mờ, tạo kẽ hở cho việc hạn chế quyền của người dân một cách vi hiến, các điều khoản nhân quyền trong tương lai cần được soạn thảo một cách chi tiết, đưa ra các hướng dẫn và tiêu chí rõ ràng trong cách áp dụng và giải thích, để các Tòa án có thể áp dụng được chúng một cách dễ dàng hơn, và các cơ quan công quyền không thể lạm dụng việc giải thích các điều khoản đó trong quá trình thi hành để hạn chế quyền của người dân.

I.Các điều khoản chung về quyền

Các quy định chung về phạm vi áp dụng của các điều khoản nhân quyền được trình bày kế tiếp. Các điều khoản về các quyền mà mỗi người được hưởng có hiệu lực trong các mối quan hệ như thế nào – chỉ trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân hay cả trong mối quan hệ tư nhân? Các điều khoản về quyền chỉ thể hiện khát vọng nói chung, hay chúng có thể được viện dẫn trước tòa án để cưỡng chế thi hành? Dưới những điều kiện như thế nào một quyền con người hay quyền công dân có thể bị hạn chế? Đó là những câu hỏi được giải quyết và làm rõ trong mục các điều khoản chung về quyền, làm thành những hướng dẫn cơ bản trong việc áp dụng các điều khoản nhân quyền.

1. Phạm vi áp dụng

Các quyền được bảo đảm trong Hiến pháp cần được áp dụng cho mọi điều luật và mọi nhánh quyền lực Nhà nước – Lập pháp, Hành pháp, Tòa án và mọi cơ quan Nhà nước ở mọi cấp chính quyền.[x] Không một cá nhân, đảng chính trị hay cơ quan nào được quyền đứng trên pháp luật. Về cơ bản, nhân quyền là các quyền của con người chống lại sự lạm dụng quyền lực của những cá nhân và cơ quan nắm quyền lực Nhà nước. Như bản Tuyên ngôn nhân quyền Pháp 1789 đã ghi, “sự thiếu hiểu biết, sự phủ nhận hay coi thường các quyền con người là nguyên nhân chính của các vấn nạn công cộng và sự tham nhũng của các chính phủ.”[xi]

2. Giá trị pháp lý của các điều khoản về quyền

Các điều khoản về quyền phải thuộc quyền xét xử của ngành tòa án. Nói một cách khác, chúng có thể được áp dụng trong các vụ kiện và tranh chấp pháp lý, chứ không phải chỉ là những tuyên bố trên sách vở. Đó là sự khẳng định giá trị pháp lý của các điều khoản đó, để đối lập chúng với một số tuyên ngôn nhân quyền chỉ có giá trị phản ánh khát vọng xã hội, như bản Tuyên ngôn quyền con người của Pháp năm 1789, vốn trong một thời gian dài không được công nhận như một văn bản có thể được viện dẫn trước tòa.

Một Tòa án Hiến pháp là không thể thiếu để giải thích và áp dụng các điều khoản về quyền đó vào các vụ việc riêng biệt. Việc hạn chế các quyền, nếu cần, phải được quy định rõ ràng và kỹ lưỡng, và tính hợp hiến của các hạn chế đó dứt khoát phải được xác định bởi Tòa án. Mục đích là để chính phủ không thể lạm dụng việc giải thích và áp dụng các điều khoản về quyền để hạn chế chúng. Sự cân bằng giữa các quyền cá nhân và lợi ích chung phụ thuộc vào sự sáng suốt, công minh và độc lập trong nghị án của các thẩm phán. Việc đặt ra các quyền mà không cho người dân được hưởng các quyền đó – như các bản Hiến pháp từ trước đến nay – khiến người dân mất niềm tin vào văn bản Tối cao của đất nước, và mở đường cho sự lạm dụng quyền lực của chính quyền. Một quyết định của tòa án nghiêng về phía những người được hưởng các quyền này không tự bản thân nó mang đến thực phẩm, nhà cửa hay trường học cho người dân, nhưng tòa án có thể đóng một vai trò trong việc đảm bảo rằng các biện pháp thích hợp thực sự đang được thi hành bởi chính phủ để biến các quyền đó dần dần thành hiện thực.

II.Các loại quyền

Các văn bản nhân quyền quốc tế thường phân loại các quyền thành 2 loại chính: các quyền dân sự, chính trị; và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong các điều khoản nhân quyền này, chúng tôi phân loại quyền theo ba lĩnh vực của đời sống mỗi người: cá nhân, gia đình và xã hội. Mỗi lĩnh vực này được coi là quan trọng như nhau. Việc đặt ưu tiên cho lĩnh vực nào trong cuộc sống mỗi người là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, chứ không thể bị áp đặt bởi Nhà nước hay Hiến pháp.

Các quyền Tự do Thân thể là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, quyền được đối xử và tôn trọng như một con người trong mọi hoàn cảnh, và quyền được bảo vệ thân thể và tự do thân thể của mỗi cá nhân. Các quyền Dân sự, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa là những quyền chính đáng đảm bảo sự mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân và gia đình của họ, bảo vệ họ khỏi sự can thiệp độc đoán của Nhà nước trong đời sống và trong các mối quan hệ xã hội thường nhật ở nơi làm việc, trong mối quan hệ láng giềng, trong các sinh hoạt xã hội tập thể, v.v.

Các quyền Tự do và Dân chủ bảo đảm quyền làm chủ tinh thần và làm chủ đất nước của người dân. Tuy hai loại quyền đầu thoạt nhìn có liên quan trực tiếp hơn đến đời sống của mỗi người, các quyền Tự do và Dân chủ không vì vậy mà xa rời thực tế: sử dụng các quyền Tự do và Dân chủ có thể giúp người dân ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của chính quyền, tổ chức để tiếng nói của họ có sức mạnh để những yêu cầu của họ được luật hóa và trở thành sự thực. Nếu không có các quyền Tự do và Dân chủ, những vi phạm các quyền Tự do Thân Thể, Dân sự, Kinh tế, Xã Hội, Văn hóa có thể bị che giấu, bị phủ nhận và sẽ khó cho những người có liên quan lên tiếng nói một cách thẳng thắn, phổ biến rộng rãi quan điểm của họ và tổ chức để tạo sức mạnh, để cho đòi hỏi của họ được Nhà nước lắng nghe và thay đổi. Chính vì vậy, cả ba loại nhân quyền đều quan trọng như nhau, là các mặt tương hỗ lẫn nhau của quyền cơ bản nhất – “quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”[xii]

III.Việc áp dụng và giải thích các điều khoản về quyền

Cho dù cả ba nhóm quyền nêu trên có ý nghĩa và vai trò quan trọng như nhau trong đời sống của mỗi cá nhân, mức độ can thiệp của Nhà nước đối với sự thực thi các quyền đó có sự khác biệt. Chúng tôi xem các quyền Tự do Thân thể là các quyền căn bản – chúng không thể bị hạn chế dưới bất kỳ hình thức nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào bởi Chính phủ mà không có một điều Luật và một bản án của Tòa. Các quyền Dân sự, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa không phải là các quyền tuyệt đối mà mỗi người dân được hưởng ngay lập tức. Đó là những quyền đòi hỏi chính phủ phải tôn trọng và ban hành các biện pháp phù hợp trong khả năng có thể để tạo điều kiện cho các quyền đó dần thành hiện thực. Các quyền Tự do và Dân chủ là những quyền căn bản đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng và không được can thiệp vào việc thực thi các quyền đó. Tuy nhiên, các quyền này có thể bị hạn chế khi có những lợi ích quốc gia chính đáng khác – nhưng các tiêu chí của việc hạn chế quyền phải rõ ràng. Bản Hiến pháp có nêu rõ các tiêu chí mà Tòa án phải xét đến khi phán xét tính hợp hiến của các hạn chế nhân quyền đó. Việc đưa ra các tiêu chí cơ bản này không hạn chế quyền giải thích Hiến pháp của Tòa án. Đó là những tiêu chí được chắt lọc qua quá trình xét xử của các Tòa Hiến pháp quốc tế và được công nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế có liên quan. Nền tài phán hiến pháp còn non trẻ ở Việt Nam nhất định sẽ cần học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế có sẵn đó. Việc ghi rõ các tiêu chí đó trong bản Hiến pháp và tạo đồng thuận xã hội về các tiêu chí đó qua phúc quyết sẽ tạo cơ sở cho tòa Hiến pháp áp dụng chúng một cách dễ dàng hơn.

1. Quyền Tự do Thân thể

Chúng tôi xếp các quyền tố tụng hình sự vào nhóm các quyền tự do thân thể – vì không ai có thể bị giam cầm mà không có một bản án có hiệu lực pháp luật bởi Tòa án có thẩm quyền sau quá trình xét xử tôn trọng các quyền tố tụng đó. Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy bộ luật tố tụng hình sự vi phạm trắng trợn các quyền hiến định, và thường xuyên bị biến thành công cụ của các thế lực chính trị (political manipulation), đến mức các quyền mỗi người được hưởng trong quá trình tố tụng và xét xử cần được nâng lên thành mức hiến định, để bảo vệ chúng khỏi ý chí chính trị vốn thất thường.

Nói một cách khác, quyền tự do thân thể không có nghĩa là không ai phải chịu giam cầm. Nó có nghĩa là không ai có thể bị tước đoạt tự do một cách độc đoán và không được hưởng các quyền tố tụng trong quá trình xét xử để đảm bảo quy trình điều tra và xét xử được công minh.

2. Các quyền Dân sự, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa

Đó là các quyền mà theo tiêu chuẩn quốc tế bắt buộc Nhà nước phải tiến hành các biện pháp phù hợp để dần dần hiện thực hóa các quyền đó. Nếu các quyền tuyệt đối cấm Nhà nước tiến hành các hành động như tra tấn hay nô lệ, và các quyền cơ bản đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng sự thi hành các quyền đó bởi người dân, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa không chỉ yêu cầu Nhà nước phải tôn trọng mà còn phải hành động để biến các quyền đó thành hiện thực. Ví dụ, quyền của trẻ em được hưởng giáo dục tiểu học miễn phí đòi hỏi chính sách này phải được thông qua và thi hành bởi chính phủ. Một quyết định của tòa án nghiêng về phía những người được hưởng các quyền này không tự bản thân nó mang đến quyền lợi vật chất cho người dân, nhưng tòa án có thể đóng một vai trò trong việc đảm bảo rằng các biện pháp thích hợp thực sự đang được tiến hành bởi chính phủ để biến các quyền đó dần dần thành hiện thực.

3. Quyền của các dân tộc thiểu số

Chúng tôi tách riêng các quyền của các dân tộc thiểu số vào một mục riêng, để bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các quyền này. Trước hết, các dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền tuyệt đối và cơ bản mà hiến pháp và công ước quốc tế về quyền của người bản địa đã công nhận. Sau đó, một số quyền cơ bản của các dân tộc thiểu số được nhấn mạnh trong Hiến pháp – điều này không có nghĩa phủ nhận các quyền không được nêu ra, vì điều khoản ngay ở trên đã khẳng định các dân tộc thiểu số được hưởng các quyền của người bản địa được nhìn nhận trong các văn bản nhân quyền quốc tế.

Ngay về mặt tư duy, chúng ta cần phải bãi bỏ quan niệm rằng các dân tộc thiểu số là “lạc hậu,” và cần phải tôn trọng sự khác biệt trong tập quán và văn hóa của họ. Quyền sở hữu đất đai cho các hoạt động văn hóa và cộng đồng của họ cần phải được tôn trọng – những phần đất đai của cộng đồng thiểu số chiếm hữu bởi Nhà nước cần phải được trả lại cho các nghi lễ và sinh hoạt cổ truyền. Quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng và các nghi lễ, tập tục truyền thống và các quyền khác của các dân tộc thiểu số cần được tôn trọng, cụ thể hóa qua những cơ chế cụ thể để đảm bảo các quyền đó.

Trong bản đề xuất các điều khoản nhân quyền, chúng tôi có đề nghị các quyền văn hóa, đặc biệt là quyền của các dân tộc thiểu số theo đúng tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế; đồng thời, đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng và ban hành chính sách cụ thể để tạo điều kiện thi hành các quyền đó.

4. Các quyền Tự do và Dân chủ

Các quyền Tự do và Dân chủ là những quyền có nhiều xu hướng bị hạn chế một cách độc đoán bởi các nhà cầm quyền, vì đó là những quyền tạo sức mạnh đối trọng cho xã hội dân sự và các lực lượng chính trị đối lập. Những quy định mập mờ như “Công dân được hưởng quyền… theo quy định của pháp luật” tạo kẽ hở cho Nhà nước hạn chế quyền của người dân thông qua các bộ luật vi hiến. Vì vậy, các điều khoản về các quyền này cần rõ ràng, để thuận lợi cho những cá nhân, đoàn thể trong xã hội được hưởng và thực thi những quyền đó.

Lấy ví dụ về quyền tự do tôn giáo. Một câu tuyên bố chung chung “mọi người đều có quyền tự do tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng” là không đủ. Dựa vào kinh nghiệm của các nước khác, vào niềm tin chung của nhân loại và căn cứ vào các xâm phạm của Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo đã từng diễn ra, chúng tôi tin rằng điều khoản về các quyền tôn giáo cần phải được ghi chi tiết và quy định các điều đảm bảo cụ thể cho các quyền đó. Điều khoản về quyền tự do tôn giáo có thể được soạn thảo như sau:

1.Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, suy nghĩ, đức tin và chính kiến. Quyền này bao gồm quyền thờ phụng, thực hành, giảng dạy và truyền bá tôn giáo của họ; quyền tổ chức thành các nhóm và hội đoàn tôn giáo; và quyền sở hữu và quản lý tài sản và tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

2.Các luật mang tính áp dụng chung và không bị thúc đẩy bởi các động cơ chống lại một nhóm tôn giáo có thể giới hạn tự do tôn giáo chỉ khi sự giới hạn đó cân xứng với mục đích của chính phủ như được thể hiện trong luật và không còn biện pháp nào ít hạn chế hơn để đạt được mục đích đó.

3.Chính phủ không được thiết lập bất kỳ một tôn giáo nào hoặc thiên vị một hay một vài tôn giáo hơn các tôn giáo khác. Chính phủ chỉ có thể giúp đỡ các thiết chế tôn giáo cho các mục đích thế tục và sự giúp đỡ này phải được đề xuất một cách công bằng đến mọi thiết chế, tôn giáo hoặc không tôn giáo, phục vụ cho cùng một mục đích đó.

4.Các buổi lễ tôn giáo có thể được tổ chức ở các trụ sở Nhà nước hoặc các trụ sở có sự đài thọ của Nhà nước, với điều kiện các nghi lễ này tuân thủ các quy định đặt ra bởi chính quyền,việc tiếp cận và cơ hội sử dụng các trụ sở đó được quy định nên một cơ sở công bình và không phân biệt, và rằng việc tham gia các buổi lễ đó là miễn phí và tự nguyện.

5. Các tiêu chuẩn để phán xét tính hợp hiến của sự giới hạn các quyền

Như đã nói ở trên, các quyền Tự do Dân chủ có thể bị hạn chế trong các trường hợp việc thực thi các quyền tự do dân chủ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích chính đáng khác. Tuy vậy, các hạn chế này phải được ban hành trong một điều luật do Quốc hội thông qua và được thiết kế một cách hạn hẹp để vừa đủ phục vụ mục đích chính đáng có liên quan. Tính hợp hiến của các điều luật hạn chế quyền cơ bản có thể bị thách thức trước một tòa án có thẩm quyền. Tiêu chí để tòa án phán xử tính hợp hiến hay vi hiến của một điều luật hạn chế quyền cơ bản được quy định ngay trong bản Hiến pháp, trong một điều khoản chung về “hạn chế quyền”:

“Các quyền trong chương này chỉ có thể bị giới hạn bởi một điều luật mang tính áp dụng chung và trong phạm vi một sự giới hạn được cho là hợp lý và có thể chấp nhận được (reasonable and justifiable) trong một xã hội dân chủ lấy các giá trị phẩm giá con người, bình đẳng và tự do làm nền tảng, sau khi đã cân nhắc các yếu tố xác đáng, bao gồm:

a.Bản chất của quyền liên quan

b.Sự quan trọng của mục đích của việc hạn chế quyền đó

c.Bản chất và phạm vi của sự hạn chế

d.Mối tương quan giữa biện pháp được dùng và mục đích của việc hạn chế; và

e.Liệu có một sự hạn chế nào ít ảnh hưởng hơn đến quyền đó mà vẫn đạt được mục đích theo đuổi?”

Liệt kê các tiêu chí cho việc cân nhắc giữa quyền và lợi ích là một hướng dẫn cần thiết cho toà án. Đó là những tiêu chí đúc kết từ kinh nghiệm quốc tế mà nền tư pháp non trẻ của Việt Nam có thể học tập và phát triển thêm cho phù hợp tình hình thực tế ở Việt Nam.

Lấy một ví dụ về sự hạn chế quyền tự do ngôn luận vì lý do “an ninh quốc gia,” không phải cứ viện dẫn “an ninh quốc gia” nói chung là Chính phủ có toàn quyền ngăn chặn người dân thực thi các quyền cơ bản của mình. Trước hết, sự hạn chế quyền cơ bản phải được ghi nhận rõ ràng trên giấy trắng mực đen trong một điều luật do Quốc hội thông qua. Thứ hai, sự hạn chế phải được tòa án phán xử là “hợp lý và chấp nhận được” trong một xã hội dân chủ. Nếu sự hạn chế đó bị thách thức trước tòa án, đầu tiên, thẩm phán phải đánh giá bản chất của quyền bị hạn chế – đó là một quyền tuyệt đối, cơ bản hay quyền kinh tế, xã hội. Nếu đó không phải là một quyền tuyệt đối, tòa án có thể tiếp tục đánh giá mục đích của sự hạn chế – liệu mục đích đó có quan trọng đến mức phải hạn chế quyền con người hay không. Nếu mục đích của việc hạn chế được chấp nhận, thẩm phán sẽ đánh giá bản chất và chừng mực của sự hạn chế, để đảm bảo là phạm vi của sự hạn chế vừa đủ để đạt được mục đích, và ngoài sự hạn chế này ra không có phương cách nào tối ưu hơn để đạt được mục đích đó. Chỉ khi nào biện pháp hạn chế quyền được tuyên bố hợp hiến bởi Tòa án sau khi đã cân nhắc tất cả các tiêu chí hiến định, sự hạn chế quyền mới có thể được duy trì, và các cá nhân, đoàn thể bị ảnh hưởng bởi sự hạn chế đó mới có thể chấp nhận sự hạn chế là chính đáng.

***

Trên đây là những nét cơ bản về cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực và Các điều khoản nhân quyền  mà một bản Hiến pháp của toàn dân cần có. Để các quy định và cơ chế đó phát huy hiệu quả trong thực tế, dư luận và nhiều chuyên gia trong nước đã nêu bật nhu cầu cần có cơ chế bảo hiến. Thảo luận về cơ chế bảo hiến, như vậy, là một phần quan trọng trong việc soạn thảo bản Hiến pháp mới.

Tòa án Hiến pháp – cơ chế bảo hiến

Cơ chế tam quyền phân lập đòi hỏi quyền giải thích và áp dụng các điều khoản Hiến pháp, phán xét tính hợp hiến của các văn bản và hành động của Nhà nước (gọi chung là “bảo hiến) thuộc về ngành Tòa án, chứ không thể thuộc về Quốc hội như trong cơ chế tập trung dân chủ. Câu hỏi đặt ra là nhiệm vụ bảo hiến nên được trao cho hệ thống tòa án sẵn có, đặc biệt là Tòa án Tối cao, hay một thiết chế đặc biệt riêng biệt. Chúng tôi tin rằng một cơ quan chuyên biệt về giải thích và bảo vệ hiến pháp là phù hợp hơn trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Hệ thống tòa án của Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh, sẽ cần có thời gian để cải thiện và đào tạo nguồn nhân lực đủ phẩm chất và chuyên môn cho sự độc lập và nghiêm minh của tòa án. Do đó, một tòa án Hiến pháp riêng biệt với các luật gia và thẩm phán có uy tín, với quy chế hoạt động độc lập, được bổ nhiệm và phê chuẩn bởi các đại biểu thực sự do dân bầu ra, sẽ là cách hay nhất để có một cơ chế độc lập và được người dân tin cậy trong việc bảo vệ Hiến pháp và các quyền hiến định ngay từ đầu.

Bảo đảm quy chế độc lập của các Thẩm phán Hiến pháp

Tòa Hiến pháp nên có bảy thẩm phán, bổ nhiệm bởi Chủ tịch nước và phê chuẩn bởi Thượng viện. Các ứng cử viên cho vị trí thẩm phán Hiến pháp cần thỏa mãn các điều kiện sau: trên 40 tuổi; có 10 năm kinh nghiệm làm việc như luật sư, thẩm phán, giáo sư luật hoặc làm việc trong ngành luật pháp.

Các thẩm phán hiến pháp sẽ được hưởng nhiệm kỳ cả đời cho đến tuổi 65. Sau khi rời vị trí thẩm phán trong Tòa Hiến pháp, họ cần được hưởng lương hưu xứng đáng, và không được phép đảm nhiệm bất kỳ vị trí hoạch định chính sách hay ra quyết định chính trị nào trong chính phủ sau khi rời Tòa Hiến pháp. Tuy nhiên, họ có thể tham gia dạy học hoặc tham gia một số hoạt động phục vụ xã hội. Các quy định này nhằm đảm bảo các thẩm phán Hiến pháp có thể yên tâm tập trung vào công việc của họ, mà không bị áp lực từ chính phủ vì bị phụ thuộc lợi ích trong quá trình làm việc tại Tòa hiến pháp cũng như khi đã về hưu.

Xây dựng tính chính danh cho Tòa án Hiến pháp

Nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã đưa ra một nhận xét thực tế về việc tạo cơ chế bảo hiến: “Lập ra một thiết chế không khó, cái khó là tạo uy tín cho nó vận hành. Tạo uy tín cũng không khó nếu để cho tòa án Hiến pháp cứ phép nước thi hành. Nhưng […] chúng ta chưa có thói quen ấy. Sẽ có những nhân vật quan trọng chưa quen với việc có những việc quan trọng được quyết định mà… không hỏi ý mình. Nếu tòa án Hiến pháp mà cũng phải xin ý kiến thì sẽ trở thành một thiết chế tồn tại lơ lửng, không đủ uy tín cho nó hoạt động.”[xiii] Song song với việc lập ra Tòa án Hiến pháp, chúng ta cần những gì khác để tòa Hiến pháp đó thực sự phát huy vai trò bảo vệ Hiến pháp và nền pháp trị?

Việc tiếp cận Tòa Hiến pháp (access to court) cần được mở rộng, đặc biệt là đến người dân. Có ba phương cách để đưa một vụ việc ra trước tòa án. Thứ nhất, theo yêu cầu của các tòa án phổ thông hoặc các bên tranh tụng. Trong trường hợp đó, Tòa Hiến pháp là cơ chế chứng nhận (certification mechanism) việc giải thích và áp dụng các vấn đề liên quan đến Hiến pháp: Tòa án cấp dưới khi gặp phải vấn đề về áp dụng và giải thích Hiến pháp cần tạm ngưng vụ án, gửi câu hỏi đến Tòa Hiến pháp. Thứ hai, 20% đại biểu của cả hai viện hoặc Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước có thể không thừa nhận tính hợp hiến của một bộ luật sau khi nó được ban hành. Thứ ba, 3 chủ tịch tỉnh, hoặc 3 Hội đồng tỉnh có thể bỏ phiếu để đưa một vấn đề về Hiến pháp ra trước Tòa Hiến pháp.

Có hai mô hình tài phán hiến pháp: mô hình “bắt buộc” (hard judicial review) – các cơ quan nhà nước và công dân phải tuân thủ và chấp hành bản án của Tòa án Hiến pháp; và mô hình “cố vấn” (soft judicial review) – các quyết định của Tòa án Hiến pháp chỉ mang tính chất tham khảo, cố vấn để từ đó các cơ quan công quyền hành xử hợp hiến hơn, nhưng họ không bị bắt buộc phải chấp hành các quyết định đó. Vì nhu cầu tôn trọng Hiến pháp và cần có một thiết chế để đảm bảo việc tôn trọng hiến pháp đó đã trở nên cấp thiết, chúng tôi đề xuất mô hình tài phán Hiến pháp bắt buộc trong đó các quyết định của Tòa Hiến pháp phải được tuân thủ bởi các cơ quan công quyền và cá nhân. Đó chỉ là bước khởi đầu. Quyền lực thực sự của các bản án còn phụ thuộc vào sức mạnh của các lập luận pháp lý làm nền tảng cho quyết định đó, và vì vậy, phụ thuộc nhiều vào năng lực và sự công minh của chính các thẩm phán hiến pháp. Các thẩm phán Hiến pháp cần ý thức được vai trò của họ trong nền pháp trị, giữ thái độ trung dung, nhưng cũng đồng thời tôn trọng thẩm quyền của các nhánh quyền lực khác, để tạo sự dung hòa trong hoạt động của các nhánh quyền lực khác nhau. Bên cạnh đó, uy tín cần được xây dựng trong một thời gian đủ dài chứ không chỉ đến từ một điều khoản trong Hiến pháp.

Việc quy định Tòa Hiến pháp có quyền giải thích và áp dụng các điều khoản về nhân quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc gây dựng uy tín cho Tòa án. Chỉ khi nào Tòa Hiến pháp đứng về phía công lý và bảo vệ nhân dân khỏi các vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực, tòa Hiến pháp mới nhận được sự ủng hộ sâu rộng trong quần chúng. Uy tín của Tòa Hiến pháp được xã hội dân sự công nhận sẽ là sự bảo vệ Tòa khỏi các áp lực của các cơ quan chính trị. Báo chí và các hội đoàn xã hội sẽ góp phần bảo vệ sự độc lập và vô tư của thiết chế đó, lên tiếng phanh phui và lên án kịp thời các ý định can thiệp của các nhánh quyền lực chính trị.

Nhìn chung, phải đặt bản Hiến pháp và cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong một bức tranh chính trị toàn cảnh thì mới có những biện pháp và thái độ phù hợp cho sự hiệu quả của chúng. Tòa án Hiến pháp chỉ có thể vận hành theo đúng chức năng của nó nếu nó được độc lập, làm đúng chức năng hiến định, và tôn trọng các nhánh quyền lực Nhà nước còn lại, cũng như được các nhánh quyền lực đó và xã hội dân sự tôn trọng.

Bản Hiến pháp do chúng ta – công dân của một đất nước – cùng làm ra để kiến tạo nền tảng cho đời sống cộng đồng hòa thuận, tự do, thịnh vượng. Chúng ta long trọng đặt ra các điều luật cơ bản này, nghiêm túc trong việc thi hành chúng và lấy chúng làm thước đo trong các mối quan hệ xã hội. Bản Hiến pháp là thiêng liêng, không phải vì tự bản thân câu chữ, mà là vì những tri thức, khát vọng và niềm tin mà chúng ta đặt vào đó. Đó là những tri thức, kinh nghiệm, niềm tin và khát vọng được đúc kết qua chặng đường lịch sử tuy hào hùng nhưng đau thương của thế kỷ 20: rằng quyền lực không đối trọng là mối đe dọa có thực cho công cuộc kiếm tìm tự do và hạnh phúc của mỗi người dân, cũng như là rào cản cho công cuộc xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và nhân bản. Hiểu được căn nguyên của vấn đề, cái chúng ta cần hiện nay là quyết tâm và đoàn kết để tiến hành những cải cách cần thiết vì lợi ích của toàn dân tộc.

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

***

phụ lục – Bản đề xuất CÁC ĐIỀU KHOẢN Nhân quyền chi tiết

Vì việc soạn thảo các điều khoản nhân quyền có ảnh hưởng đến cách chúng được giải thích và áp dụng, chúng tôi đề xuất các điều khoản nhân quyền chi tiết để làm nền tảng cho sự thảo luận về sau. Vì có nhiều khái niệm và ý tưởng được mượn từ Công luật Quốc tế và các Tuyên ngôn nhân quyền của các nước khác, chúng tôi đề xuất các điều khoản nhân quyền dưới dạng song ngữ. Chúng tôi mong nhận được ý kiến các chuyên gia để bản dịch được hoàn thiện hơn, với ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng hơn mà vẫn truyền đạt đầy đủ nội hàm của nhiều khái niệm mà chúng ta vẫn cần thời gian để trải nghiệm và áp dụng vào hoàn cảnh của nước ta.

RIGHTS PROVISION

CÁC ĐIỀU KHOẢN NHÂN QUYỀN

Section 1 – General provisions
Mục 1 – Các quy định cơ bản

Article : Enjoyment of rights

All persons shall enjoy all rights and liberties enshrined by the Constitution and the law. The State must respect and guarantee the exercise of these rights.

The enumeration of certain rights in the Constitution does not negate or reduce the significance of other human rights.

Điều: Sự hưởng các quyền

Tất cả mọi người có các quyền và tự do nhìn nhận bởi Hiến pháp và pháp luật.

Nhà nước phải tôn trọng và đảm bảo sự thực thi các quyền này.

Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không hàm ý phủ nhận hay coi nhẹ tầm quan trọng của các nhân quyền khác.

Article: Application of rights

1.The rights in this chapter apply to all law and bind the legislature, the executive, the judiciary and all organs of the state at all levels of government.

2.A provision in this chapter binds a natural or juristic person other than the government if, and to the extent that, it is applicable, taking into account the nature of the rights at issue and the nature of any duty imposed by the rights.

3.A juristic person is entitled to the rights in this chapter to the extent required by the nature of the rights and the nature of that juristic person.

Điều: Áp dụng các quyền

1. Các quyền trong chương này áp dụng cho mọi luật và ràng buộc cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, tòa án, và mọi cơ quan nhà nước ở mọi cấp chính quyền.

2. Một điều khoản trong chương này ràng buộc một người hay một pháp nhân không thuộc chính quyền nếu, và trong phạm vi rằng, trong trường hợp điều đó được áp dụng, bản chất của các quyền có liên quan và bản chất của nghĩa vụ mà quyền đó áp đặt lên người khác được cân nhắc thấu đáo.

3. Một pháp nhân được công nhận các quyền trong chương này trong phạm vi bản chất của các quyền và đặc tính của pháp nhân cho phép.

Article: Limitation of rights

1.The rights in this chapter may be limited only in terms of law of general application to the extent that the limitation is reasonable and justifiable in an open and democratic society based on human dignity, equality and freedom, taking into account all relevant factors, including

a.The nature of the right;

b.The importance of the purpose of the limitation;

c.The nature and extent of the limitation;

d.The relation between the limitation and its purpose; and

e.Less restrictive means to achieve the purpose.

2.Except as provided in subsection (1) or any other provision of this Constitution, no law may limit any right entrenched in this chapter.

Điều: Giới hạn các quyền

1. Các quyền trong chương này chỉ có thể bị giới hạn bởi một điều luật mang tính áp dụng chung và trong phạm vi một sự giới hạn được cho là hợp lý và có thể chấp nhận được trong một xã hội dân chủ vốn lấy các giá trị phẩm giá con người, bình đẳng và tự do làm nền tảng, sau khi đã cân nhắc các yếu tố xác đáng, bao gồm:

f.Bản chất của quyền liên quan

g.Sự quan trọng của mục đích trong việc hạn chế quyền đó

h.Bản chất và phạm vi của sự hạn chế

i.Mối liên quan giữa biện pháp hạn chế và mục đích của việc hạn chế; và

j.Phương tiện ít hạn chế nhân quyền nhất để đạt được mục đích theo đuổi.

2. Trừ các trường hợp được quy định ở khoản (1) hoặc một điều khoản khác trong bản Hiến pháp này, không luật nào có thể giới hạn các quyền được minh định trong chương này.

Article: Equality rights

1.All persons are equal before the law, and have the right to the equal protection and benefit of the law.  No one shall enjoy preferred status or greater influence in any dealings with the government by reason of office, achievement, wealth or public prominence.

2.Neither the state nor any person may discriminate directly or indirectly against anyone on any ground that violates the dignity of the person, including the following grounds, singly or in combination: race, gender, sex, pregnancy, marital status, ethnic or social origin, language, color, sexual orientation, age, disability, religion, conscience, belief, culture, or birth.

3.National legislation must be enacted to prevent and prohibit such discrimination.  Legislative and other measures designed to promote the achievement of equality by protecting or advancing persons, or categories of persons, disadvantaged by discrimination shall not constitute a violation of this Article.

Điều: Các quyền bình đẳng

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền hưởng sự bảo vệ và các lợi ích từ pháp luật một cách công bằng. Không ai được hưởng quy chế ưu ái hoặc nhiều ảnh hưởng hơn trong quan hệ với chính phủ vì chức vụ, thành tích, sự giàu có hoặc sự nổi tiếng.

2. Chính phủ và các cá nhân không thể phân biệt đối xử một cách trực tiếp hay gián tiếp đối với bất kỳ đối tượng nào trên các căn cứ vi phạm phẩm giá của người đó, bao gồm các căn cứ sau, riêng biệt hoặc kết hợp: chủng tộc, giới tính, dục tính, tình trạng mang thai, tình trạng hôn nhân, xuất xứ dân tộc hay xã hội, ngôn ngữ, màu da, khuynh hướng giới tính, tuổi tác, tình trạng tàn tật, tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin, văn hóa hay dòng dõi.

3. Pháp luật quốc gia phải được ban hành nhằm ngăn chặn và cấm phân biệt đối xử. Các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác được thiết kế nhằm thúc đẩy đạt được quyền bình đẳng bằng cách bảo vệ hoặc thúc đẩy sự tiến bộ của các cá nhân hoặc các nhóm xã hội vốn bất lợi vì quá khứ phân biệt đối xử không được coi là vi phạm điều khoản này.

Article: Interpretation of rights

Insofar as it is consistent with the language and purpose of the text, the provisions regarding rights and liberties in this Constitution shall be implemented and interpreted in consistency with international conventions and treaties on human rights which Viet Nam has ratified.

Điều: Giải thích các quyền

Các điều khoản về quyền và tự do trong Hiến pháp này được thực hiện và giải thích một cách phù hợp với các hiệp định và công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn, trong chừng mực phù hợp với ngôn ngữ và mục đích của văn bản.

Article: Right to fundamental fairness

The state must always conform to fundamental fairness in any action affecting a person.  The state’s procedures must be fundamentally fair, and the substance of any state action must be fundamentally fair.  This provision applies to all state actions, including but not limited to the actions of the executive, legislature, judiciary, military, and administrative agencies.

Điều: Quyền được sự công bằng cơ bản

Nhà nước phải luôn luôn phải tuân thủ sự công bằng cơ bản trong bất kỳ hành động nào ảnh hưởng đến một cá nhân. Các thủ tục Nhà nước về cơ bản phải công bằng, và nội dung của bất kỳ hành động nào của Nhà nước về cơ bản phải công bằng. Quy định này áp dụng cho tất cả các hành động của Nhà nước, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hành động của cơ quan hành pháp, lập pháp, tòa án, quân đội, và các cơ quan hành chính.

Article: Justiciability of rights

Every provision in this chapter shall be justiciable.  When a person believes that his or her rights under this chapter have been violated, he or she has the right to challenge the action affecting his rights in a competent court.  If the court finds that the rights have been violated, the court must order appropriate relief.

Điều: Phạm vi tài phán của các điều khoản nhân quyền

Tất cả các điều khoản nhân quyền này thuộc phạm vi tài phán của Tòa án. Khi một người tin rằng quyền của mình trong chương này bị vi phạm, người đó có quyền thách thức hành động ảnh hưởng đến quyền lợi của mình trước một tòa án có thẩm quyền. Nếu tòa án thấy rằng các quyền đã bị vi phạm, tòa án phải ra lệnh sự bồi thường thích hợp.

Section 2 – Natural Rights to Human Dignity and Bodily Freedom
Phần 2 – Các Quyền Tự Nhiên về Phẩm Giá Con Người và Tự Do Thân Thể

Article: Right to life

Every person has the right to life, liberty and security of person.

Điều: Quyền được sống

Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền an toàn thân thể.

Article: Right against slavery

No person shall be held in slavery or involuntary servitude. Slavery and the slave trade shall be prohibited in all their forms.

Điều: Quyền chống lại chế độ nô lệ

Không ai có thể bị giam giữ trong tình trạng nô lệ hay nô dịch cưỡng bức. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ phải bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức.

Article: Right to dignity

No person shall be subjected to torture or to cruel, inhuman or degrading treatment or punishment.

Điều: Quyền nhân phẩm

Không ai có thể bị tra tấn hoặc bị đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ cấp.

Article: Freedom and security of the person

Every person has the right to freedom and security of the person, which includes the right

1. not to be deprived of freedom arbitrarily or without just cause;

2. to be free from all forms of violence from either public or private sources;

3. to security in and control over his or her body.

Điều: Tự do và an toàn con người

Mọi người đều có quyền tự do và an toàn con người, trong đó bao gồm quyền

1. Không bị tước đoạt quyền tự do một cách tùy tiện hoặc không có lý do chính đáng.

2. Được tự do khỏi mọi hình thức bạo lực bắt nguồn từ công quyền hay tư nhân.

3. Được an toàn và kiểm soát cơ thể của mình.

Article: Criminal process rights

1.Every person who is arrested for allegedly committing an offense has the right

a.To remain silent;

b.To be informed promptly of the right to remain silent and of the consequences of not remaining silent;

c.Not to be compelled to make any confession or admission that could be used in evidence against that person;

d.To be brought before a court as soon as reasonably possible, but not later than

i.48 hours after the arrest; or

ii.The end of the first court day after the expiry of the 48 hours, if the 48 hours expire outside ordinary court hours or on a day which is not an ordinary court day;

e.At the first court appearance after being arrested, to be charged or informed of the reason for the detention to continue, or to be released; and

f.To be released from detention if the interests of justice permit, subject to reasonable conditions.

2. Every person who is detained, including every sentenced prisoner, has the right

a.To be informed promptly of the reason for being detained;

b.To choose, and to consult with, a legal practitioner, and to be informed of this right promptly;

c.To have a legal practitioner assigned to the detained person by the state and at state expense, if substantial injustice would otherwise result, and to be informed of this right promptly;

d.To challenge the lawfulness of the detention in person before a court and, if the detention is unlawful, to be released;

e.To conditions of detention that are consistent with human dignity, including at least exercise and the provision, at state expense, of adequate accommodation, nutrition, reading material, and medical treatment; and

f.To communicate with and be visited by that person’s

i.Spouse or partner;

ii.Next of kin;

iii.Chosen religious counselor;

iv.Chosen medical practitioner; and

v.Legal counsel.

3.Every person accused of a crime has a right to a fair trial, which includes the right

a.To be informed of the charge with sufficient detail to answer it;

b.To have adequate time and facilities to prepare a defense;

c.To a public trial before an impartial judge in an ordinary court;

d.To have the trial begin and conclude without unreasonable delay;

e.To be present when being tried;

f.To choose, and be represented by, a legal practitioner, and to be informed of this right promptly;

g.To have a legal practitioner assigned to the accused person by the state and at state expense, if substantial injustice would otherwise result, and to be informed of this right promptly;

h.To be presumed innocent, to remain silent, and not to testify during the proceedings;

i.To adduce and challenge evidence;

j.Not to be compelled to give self-incriminating evidence;

k.To be tried in a language that the accused person understands or, if that is not practicable, to have an interpreter, provided at state expense, who will interpret the proceedings in that language;

l.Not to be convicted for an act or omission that was not an offense under either national or international law at the time it was committed or omitted;

m.Not to be tried for an offense in respect of an act or omission for which that person has previously been either acquitted or convicted;

n.To the benefit of the least severe of the prescribed punishments if the prescribed punishment for the offense has been changed between the time that the offense was committed and the time of sentencing; and

o. Of appeal to, or review by, a higher court.

4.Whenever this section requires information to be given to a person, that information must be given in a language that the person understands.

5.Evidence obtained in a manner that violates any right in this chapter must be excluded if the admission of that evidence would render the trial unfair or otherwise be detrimental to the administration of justice.

Điều: Các quyền tố tụng hình sự

1. Mỗi người bị bắt giữ vì vì bị cáo buộc phạm tội có quyền

a. Giữ im lặng;

b. Được thông báo kịp thời về quyền giữ im lặng và những hậu quả của việc không giữ im lặng;

c. Không bị bắt buộc phải thực hiện bất kỳ sự thú tội hoặc chấp thuận nào có thể bị sử dụng trong các bằng chứng chống lại người đó.

d. Được đưa ra trước tòa án sớm nhất một cách hợp lý có thể, nhưng không trễ hơn:

i. 48 giờ sau khi bắt giữ, hoặc

ii. sự kết thúc của ngày tòa án đầu tiên sau khi hết hạn 48 giờ, nếu 48 giờ hết hạn ngoài giờ làm việc thông thường của tòa án hoặc vào một ngày không phải là một ngày làm việc của tòa án.

e. Vào ngày ra toà đầu tiên kể từ khi bị bắt, được biết quyết định bị truy tố, hay được thông báo lý do tiếp tục tạm giam, hoặc được trả tự do; và

f. Được trả tự do khỏi tạm giam nếu các quyền lợi công lý cho phép, dưới các điều kiện hợp lý.

2. Mỗi người bị giam giữ, bao gồm cả tù nhân đã bị tuyên án, có quyền

a. Được thông báo kịp thời về lý do bị giam giữ;

b. Được lựa chọn, và được tham khảo ý kiến với một chuyên viên pháp lý, và được thông báo kịp thời về quyền này;

c. Được một chuyên viên tư vấn pháp lý phân công bởi Nhà nước với chi phí của Nhà nước tới người bị giam giữ, nếu những bất công đáng kể sẽ xảy ra nếu không có tư vấn pháp lý; và được thông báo kịp thời về quyền này;

d. Được thách thức tính hợp pháp của việc giam giữ trước tòa án và, nếu việc giam giữ là trái pháp luật, được trả tự do;

e. Được hưởng điều kiện giam giữ phù hợp với phẩm giá con người, bao gồm ít nhất điều kiện tập thể dục và cung cấp, với chi phí của nhà nước, nơi ở, dinh dưỡng, tài liệu đọc, và điều trị y tế phù hợp; và

f. Được liên lạc với và thăm hỏi bởi

i. Vợ/chồng hoặc người phối ngẫu;

ii. Thân nhân;

iii. Tư vấn vấn tôn giáo do người bị giam giữ lựa chọn;

iv. Chuyên viên y tế do người bị giam giữ lựa chọn; và

v. Tư vấn pháp lý.

3. Mỗi người bị cáo buộc phạm tội có quyền được xét xử công bằng, trong đó bao gồm quyền

a. Được thông báo về các cáo buộc với đầy đủ chi tiết để trả lời;

b. Có đủ thời gian và điều kiện để chuẩn bị bào chữa;

c. Được hưởng một phiên xử công khai trước một thẩm phán công minh trong một tòa án thông thường;

d. Được hưởng một phiên tòa bắt đầu và kết thúc mà không có sự trì hoãn bất hợp lý;

e. Được có mặt tại phiên xử;

f. Được lựa chọn, và được đại diện bởi một chuyên viên pháp lý, và được thông báo kịp thời về quyền này;

g. Được một chuyên viên tư vấn pháp lý phân công bởi Nhà nước với chi phí của Nhà nước tới bị cáo, nếu những bất công đáng kể sẽ xảy ra nếu không có tư vấn pháp lý; và được thông báo kịp thời về quyền này;

h. Được coi là vô tội, và giữ im lặng, và không phải làm chứng trong quá trình tố tụng;

i. Được dẫn chứng và thách thức bằng chứng;

j. Không bị bắt buộc cung cấp các chứng cứ tự buộc tội mình;

k. Được xét xử trong ngôn ngữ mà bị cáo hiểu hoặc, nếu điều này không thực hiện được, được có một thông dịch viên, cung cấp với chi phí nhà nước, để dịch quá trình tố tụng vào ngôn ngữ đó;

l. Không bị kết tội cho một hành vi hoặc một sự thiếu sót nào không phải là một tội danh trong luật quốc gia hay luật quốc tế tại thời điểm hành vi được thực hiện hoặc bỏ qua.

m. Không được xét xử một hành vi phạm tội đối với một hành động hoặc thiếu sót nào mà người đó trước đây đã được tha bổng hoặc đã bị kết án;

n. Được hưởng hình phạt ít nghiêm khắc nhất trong số các sự hình phạt được quy định nếu như khung hình phạt được thay đổi giữa thời gian phạm tội và thời gian tuyên án; và

o. Được kháng cáo, hoặc được một tòa án cấp cao xem xét lại vụ án.

4. Khi nào điều khoản này yêu cầu thông tin phải được cung cấp cho một người, thì thông tin đó phải được cung cấp trong một ngôn ngữ mà người đó hiểu.

5. Bằng chứng thu được bằng một cách thức vi phạm bất kỳ quyền nào trong chương này phải bị loại bỏ nếu việc chấp nhận bằng chứng đó sẽ làm phiên tòa không công minh hoặc gây phương hại đến quản trị công lý.

Section 3 – Civil, Economic, Social and Cultural Rights
Phần 3 – Quyền Dân Sự, Kinh tế, Xã hội và Văn Hóa
Section 3.1 – Civil Rights
Phần 3.1 – Các Quyền Dân Sự

Article: Citizenship rights

No citizen may be deprived of citizenship

Điều: Các quyền công dân

Không một công dân nào có thể bị tước các quyền công dân.

Article: Legal process rights

Every person has the right to due course of law.  When a person has a dispute that can be resolved by the application of law, he or she has the right to bring that dispute to a court or, where appropriate, a different independent and impartial tribunal.  The court or tribunal shall adjudicate such disputes according to the law in a fair public proceeding.

Điều: Quyền được hưởng các quy trình pháp luật

Mọi người đều có quyền được hưởng sự bảo vệ của pháp luật. Khi một người có một tranh chấp có thể được giải quyết bằng việc áp dụng pháp luật, người đó có quyền đưa tranh chấp ra tòa án hoặc, khi phù hợp,  một tòa án độc lập và công minh khác. Các tòa án phải xét xử các tranh chấp đó theo pháp luật trong một quy trình công bằng.

Article: Right to property

1.All citizens have the right to own private property.  The national legislature may pass legislation to specify the property rights of non-citizens.

2.No one may be deprived of property except in terms of law of general application and no law may permit arbitrary deprivation of property.

3.The state may take private property only when the state demonstrates that the taking

a.Is for a public use;

b.Is motivated by a good faith concern to serve the common good;

c.Is carried out through a procedure that allows full consultation and participation by all affected parties; and

d.Provides full compensation.

4.The state must take reasonable legislative and other measures to foster conditions which enable citizens to gain access to land on an equitable basis.

Điều: Quyền sở hữu

1. Mọi công dân có quyền sở hữu tài sản tư nhân. Cơ quan lập pháp có thể thông qua luật xác định quyền sở hữu tài sản của những người không phải là công dân.

2. Không ai có thể bị tước quyền sở hữu ngoại trừ trường hợp quy định bởi một bộ luật có phạm vi áp dụng chung và không bộ luật nào có thể cho phép tước đoạt tài sản một cách độc đoán.

3. Nhà nước chỉ có thể lấy tài sản tư nhân khi Nhà nước chứng minh được việc đó

a. để cho việc sử dụng công cộng.

b. được thúc đẩy bởi động cơ chân thành phục vụ lợi ích chung.

c. được thực hiện thông qua một quy trình cho phép sự tham vấn và tham gia đầy đủ của mọi bên có liên quan; và

d. cung cấp bồi thường đầy đủ.

4. Nhà nước phải có các biện pháp lập pháp hợp lý và các biện pháp khác để thúc đẩy những điều kiện cho phép công dân được tiếp cận đất đai trên cơ sở công bằng.

Article: Right to privacy

Every person has the right to privacy, which includes the right to be free from:

1.Unreasonable searches of his or her person, home, or property ;

2.Unreasonable seizure of his or her possessions;

3.Unreasonable violation of the privacy of his or her communications.

Quyền: Quyền riêng tư

Mọi người đều có quyền riêng tư, trong đó bao gồm quyền được tự do khỏi:

1. Sự lục soát bất hợp lý trên cơ thể, trong nhà, hay tài sản;

2. Sự thu giữ tài sản sở hữu một cách bất hợp lý;

3. Sự vi phạm một cách bất hợp lý sự riêng tư về thông tin liên lạc.

Article: Rights to travel

1.Every person has the right to travel freely within the boundaries of the country and to reside in any part of the country.

2.Every person has the right to leave the country.

3.Every citizen has the right to a passport and the right to return to the country.  Neither the state nor any person may discriminate against a citizen solely because he or she has exercised the rights in this Article.

Điều: Quyền tự do đi lại

1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại trong địa giới của đất nước và tự do cư trú tại bất kỳ đâu trên đất nước.

2. Mọi người đều có quyền rời khỏi đất nước.

3. Mọi công dân có quyền sở hữu hộ chiếu và có quyền trở về nước. Nhà nước cũng như bất kỳ người nào không được phân biệt đối xử một công dân chỉ vì người đó đã thực hiện các quyền tại điều khoản này.

Article: Right to marry

1. Every person who has reached the age of 18 has the right to marry the partner of his or her choice.

2. There shall be no restriction on marriage on the basis of class, race, ethnicity, national origin or citizenship, religion, handicap, or sexual orientation.

3. No person may be coerced into marriage against his or her will.

Điều: Quyền kết hôn

1. Mọi người đã đạt 18 tuổi có quyền kết hôn với người họ lựa chọn.

2. Không một giới hạn nào được áp đặt lên hôn nhân trên cơ sở giai cấp, chủng tộc, sắc tộc, nguyên quán quốc gia hay quốc tịch, tôn giáo, khuyết tật, hoặc khuynh hướng tính dục.

Article: Rights to family life

1.Every person shall have the right to make autonomous decisions regarding whether or not to have children and how to raise their children.

2.The state shall have the power to remove children from the care of their parents or guardians only when there is a substantial risk to the physical or emotional health or safety of the child.

3. When a child is removed from the care of his or her parents or guardians, the state must

a. provide alternative care in a form as closely resembling family care as is consistent with the needs of the child and

b. provide the child and parents or guardians with services designed to allow the reunification of the family at the soonest possible time.

4. The rights of parents or guardians to continuing contact and relationship with their children may be terminated by the state only when the state demonstrates in a court that

a. the parent or guardian is neglecting the child; or

b. the parent or guardian is abusing the child physically, sexually, or emotionally or is intentionally or negligently allowing other persons to do so.

Điều: Quyền hưởng cuộc sống gia đình

1. Mọi người có quyền độc lập ra quyết định về việc có hay không có con và làm thế nào để nuôi dạy con cái của họ.

2. Nhà nước có quyền tách rời trẻ em từ sự chăm sóc của ba mẹ hay người giám hộ chỉ khi có một nguy cơ đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần hoặc sự án toàn của trẻ.

3. Khi một đứa trẻ bị tách khỏi sự chăm sóc của cha mẹ hay người giám hộ, Nhà nước phải

a. cung cấp sự chăm sóc thay thế dưới một hình thức gần với sự chăm sóc của gia đình và phù hợp với nhu cầu của trẻ; và

b. cung cấp cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ các dịch vụ được thiết kế để cho phép sự đoàn tụ gia đình một cách sớm nhất có thể.

4. Các quyền của cha mẹ và người giám hộ được tiếp tục liên lạc và giữ quan hệ với con cái của họ chỉ có thể bị chấm dứt bởi Nhà nước khi Nhà nước chứng minh được trước tòa án rằng:

a. Phụ huynh hoặc người giám hộ thờ ơ với đứa trẻ; hoặc

b. Phụ huynh hoặc người giám hộ lạm dụng đứa trẻ về thể chất, tình dục, hoặc tình cảm, hoặc có chủ đích hoặc vô ý cho phép người khác làm như vậy.

New Article: Rights of Children

1. Every child has the right

a. to a name and nationality from birth;

b. to family or parental care, or to appropriate alternative care when removed from the family environment;

c. to basic nutrition, basic health care, and social services;

d. to be protected from maltreatment, neglect, abuse, or degradation;

e. to be protected from exploitative labor practices;

f. not to be required or permitted to perform work or provide services that

1. are inappropriate for a person of that child’s age; or

2. place at risk the child’s well-being, education, physical or mental health or spiritual, moral, or social development;

g. not to be detained, except as a measure of last resort, in which case, in addition to the rights the child enjoys under Article – above, the child may be detained only for the shortest appropriate period of time and has the right to be

1. kept separately from detained persons over the age of 18 years; and

2. treated in a manner, and kept in conditions, that take account of the child’s age;

h. to have a legal practitioner assigned to the child by the state, and at state expense, in civil proceedings affecting the child, if substantial injustice would otherwise result; and

i. not to be used directly in armed conflict and to be protected in times of armed conflict;

j. not to be required or permitted to marry before the age of 18 and not to be coerced into marriage.

2. A child’s best interests are of paramount importance in every matter concerning the child.

3. In this Article, “child” means a person under the age of 18 years.

Điều: Quyền của trẻ em

1. Trẻ em có quyền

a. Được đặt tên và có quốc tịch khi chào đời;

b. được hưởng sự chăm sóc của gia đình hoặc cha mẹ, hoặc sự chăm sóc thay thế thích hợp khi bị tách khỏi môi trường gia đình;

c. được hưởng chế độ dinh dưỡng cơ bản, chế độ an sinh xã hội cơ bản, các dịch vụ xã hội;

d. được bảo vệ khỏi sự ngược đãi, bỏ bê, lạm dụng, hoặc hạ thấp nhân phẩm;

e. được bảo vệ khỏi các hình thức lao động bóc lột;

f. không bị yêu cầu hoặc cho phép thực hiện các công việc hoặc cung cấp các dịch vụ

1. không phù hợp với người ở độ tuổi của đứa trẻ; hoặc

2. gây tổn hại đến hạnh phúc, giáo dục, sức khỏe thể chất và tinh thần, hoặc sự phát triển về tâm linh, đạo đức hoặc xã hội của đứa trẻ;

g. không bị giam giữ, ngoại trừ như một cứu cách cuối cùng, và trong trường hợp này, ngoài các quyền trẻ em được hưởng theo điều — ở trên, trẻ chỉ có thể bị giữ trong khoảng thời gian hợp lý ngắn nhất có thể và có quyền được

1. giam giữ tách biệt với những người bị giam khác trên 18 tuổi; và

2. được đối xử theo một cách, và giữ trong điều kiện, đã tính đến độ tuổi của trẻ;

h. có một chuyên viên pháp lý phân công bởi nhà nước, với chi phí của nhà nước, trong tố tụng dân sự ảnh hưởng đến trẻ, nếu bất công đáng kể sẽ diễn ra nếu không có luật sư; và

i. không bị sử dụng trực tiếp trong xung đột vũ trang và được bảo vệ trong xung đột vũ trang;

j. không bị yêu cầu hoặc cho phép kết hôn trước 18 tuổi và không bị cưỡng ép hôn nhân.

2. Những lợi ích tốt nhất cho trẻ là điều quan trọng nhất trong mọi vấn đề liên quan đến trẻ.

3. Trong điều khoản này, “trẻ” có nghĩa là một người dưới 18 tuổi.

Section 3.2 – Economic, Social and Cultural Rights
Phần 3.2 – Các Quyền Kinh Tế, Xã hội và Văn hóa

Article: Labor relations

1. Every person has the right to fair labor practices.

2. Every worker has the right

a. to form and join a trade union;

b. to participate in the activities and programmes of a trade union; and

c. to strike.

3. Every employer has the right

a. to form and join an employers’ organization; and

b. to participate in the activities and programmes of an employers’ organization.

4. Every trade union and every employers’ organization has the right

a. to determine its own administration, programs, and activities;

b. to organize; and

c. to form and join a federation.

5. Every trade union, employers’ organization, and employer has the right to engage in collective bargaining.  The national legislature may enact legislation to regulate collective bargaining.

Điều: Quan hệ lao động

1. Mọi người đều có quyền hưởng các thực hiện lao động công bình.

2. Mọi người lao động có quyền

a. thành lập và gia nhập nghiệp đoàn

b. tham gia vào các hoạt động và chương trình của nghiệp đoàn;

c. đình công.

3. Mọi chủ sử dụng lao động có quyền

a. thành lập và gia nhập một tổ chức của những chủ sử dụng lao động; và

b. tham gia vào các hoạt động và chương trình của một tổ chức của những chủ sử dụng lao động.

4. Mọi nghiệp đoàn và mọi tổ chức của những chủ sử dụng lao động có quyền

a. quyết định hệ thống quản lý, chương trình và hoạt động của chính họ;

b. tổ chức; và

c. thành lập và gia nhập một liên đoàn.

5. Mọi nghiệp đoàn, tổ chức của chủ sử dụng lao động, và chủ sử dụng lao động có quyền tham gia vào các thương lượng tập thể. Cơ quan lập pháp quốc gia có thể ban hành pháp luật để điều tiết thương lượng tập thể.

Article: Rights of workers

1. Every citizen has the right to choose his or her trade, occupation, or profession and place of work freely.  The practice of a trade, occupation or profession may be regulated by law.

2. Every person has the right to fair working conditions that do not endanger the health of the worker or his or her family.

3. Every person has the right to a fair wage.

4. Every woman worker has the right to reasonable pregnancy and child-birth leave.

5. Every worker who is the caretaker for a child has the right to reasonable parental leave upon the birth, adoption, or illness of the child.

6. The national legislature shall pass legislation to provide for the implementation and enforcement of these rights.

Điều: Quyền của người lao động

1. Mọi công dân có quyền tự do lựa chọn thương nghiệp, công việc, hoặc nghề nghiệp và nơi làm việc của mình. Việc thực hành thương nghiệp, công việc hoặc nghề nghiệp có thể được điều tiết bởi pháp luật.

2. Mọi người có quyền hưởng điều kiện lao động công bình mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe của người lao động hoặc gia đình họ.

3. Mọi người có quyền hưởng mức lương hợp lý.

4. Mỗi người lao động nữ có quyền hưởng thời kỳ nghỉ phép hợp lý để mang thai và sinh con.

5. Mọi người lao động có trẻ để trông nom có quyền hưởng kỳ nghỉ phép phụ huynh hợp lý cho việc sinh con, nhận con nuôi, hoặc khi trẻ đau ốm.

6. Cơ quan lập pháp quốc gia sẽ ban hành pháp luật quy định việc thực hiện và thực thi các quyền này.

Article: Education

1. Every person has the right

a. to a free basic education and

b. to higher education, which the state, through reasonable measures, must make progressively available and accessible.

2. Every person has the right to receive education in the official language or languages of his or her choice in public educational institutions where that education is reasonably practicable.

3. Every citizen has the right to establish and maintain, at his or her own expense, independent educational institutions that

a. do not discriminate on the basis of race;

b. are registered with the state; and

c. maintain standards equal to standards at comparable public educational institutions.

Điều: Giáo dục

1. Mọi người có quyền

a. hưởng một nền giáo dục cơ bản miễn phí và

b. hưởng một nền giáo dục đại học và cao học mà nhà nước, qua việc ban hành các biện pháp hợp lý, cung cấp và mở rộng sự tiếp cận một cách lũy tiến.

2. Mọi người có quyền nhận một nền giáo dục trong ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ mà họ lựa chọn trong các cơ sở giáo dục công nơi một nền giáo dục như vậy có thể thực hiện được một cách hợp lý.

Article: Housing

1. Every person has the right to have access to adequate housing.

2. The state must take reasonable legislative and other measures, within its available resources, to achieve the progressive realization of this right.

3. No person may be evicted from his or her home, or have the home demolished, without an order of court made after considering all the relevant circumstances.  No legislation may permit arbitrary evictions.

Điều: Nhà ở

1. Mọi người có quyền tiếp cận nhà ở thích hợp.

2. Nhà nước cần ban hành các biện pháp lập pháp và các biện pháp hợp lý khác, trong nguồn lực sẵn có của nó, để đạt được sự thực hiện luỹ tiến của quyền này.

3. Không ai có thể bị đuổi khỏi nhà của mình, hoặc để nhà bị phá hủy, mà không có lệnh của tòa án ban hành sau khi đã xem xét tất cả các tình tiết có liên quan. Không luật pháp nào có thể cho phép sự đuổi khỏi nhà ở một cách độc đoán.

Article: Health care

1. Every person has the right to have access to health care services, including reproductive health care.  The state must take reasonable legislative and other measures, within its available resources, to achieve the progressive realization of this right.

2. Every person has the right to make autonomous decisions regarding his or her own health care, including reproductive health care.

3. Every person has the right not to be subjected to medical or scientific experiments without his or her informed consent.

Điều: Chăm sóc sức khỏe

1. Mọi người có quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhà nước phải có các biện pháp lập pháp và các biện pháp hợp lý khác, trong nguồn lực sẵn có, để đạt sự thực hiện lũy tiến của quyền này.

2. Mọi người có quyền tự đưa ra các quyết định về chăm sóc sức khỏe của mình, kể cả chăm sóc sức khỏe sinh sản.

3. Mọi người có quyền không bị làm đối tượng thí nghiệm y tế hoặc khoa học nếu không có sự đồng thuận dựa trên đầy đủ thông tin.

Article: Food, water and social security

1. Every person has the right to sufficient food, water and social security.

2. The state must take reasonable legislative and other measures, within its available resources, to achieve the progressive realization of each of these rights.

Điều: Lương thực, nước và an sinh xã hội

1. Mọi người có quyền có đủ lương thực, nước và an sinh xã hội.

2. Nhà nước phải ban hành các biện pháp lập pháp và các biện pháp hợp lý khác, trong nguồn lực sẵn có, để đạt sự thực hiện lũy tiến của mỗi quyền đó.

Article: Environmental Rights

1.Every person has the right

a. to an environment that is not harmful to his or her health or well-being; and

b. to have the environment protected, for the benefit of present and future generations, through reasonable legislative and other measures that

1. prevent pollution and ecological degradation;

2. promote conservation; and

3. secure ecologically sustainable development and use of natural resources while promoting justifiable economic and social development.

2. Any development project with environmental impact, initiated by or requiring the approval of any state agency, must be carried out through a procedure that provides full opportunity for consultation and participation by all affected parties.  Any person who believes that he or she has been denied such an opportunity, may challenge the procedure in a court and the court may order the development project to be delayed until such opportunity is provided.

3. The national legislature shall enact legislation to implement and enforce the rights in this Article.

Điều: Quyền môi trường

1. Mọi người có quyền

a. sống trong một môi trường không có hại cho sức khỏe và thể chất của mình; và

b. được sống trong một môi trường được bảo vệ, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, qua các biện pháp lập pháp và các biện pháp hợp lý khác

1. ngăn ngừa ô nhiễm và sự suy thoái sinh thái;

2. thúc đẩy bảo tồn; và

3. đảm bảo sự phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững về mặt sinh thái song song với sự phát triển hợp lý về kinh tế và xã hội.

2. Mọi dự án phát triển có tác động môi trường, khởi xướng hoặc được phê chuẩn bởi cơ quan nhà nước, phải được tiến hành qua một quy trình cung cấp đầy đủ cơ hội tham vấn và tham gia của tất cả các bên bị ảnh hưởng. Bất kỳ người nào tin rằng họ đã bị từ chối cơ hội đó có quyền thách thức quy trình đó tại tòa án và tòa án có thể yêu cầu trĩ hoãn dự án phát triển cho đến khi cơ hội đó được cung cấp.

3. Cơ quan lập pháp quốc gia cần ban hành pháp luật về thực hiện và thi hành các quyền trong Điều này.

Article: Cultural Rights

1.Every person has the right to take part in cultural life, including, but not limited to, the right to freedom indispensable for artistic, creative activities and scientific research.

2.Cultural groups have the right to maintain, control, protect and develop their intellectual property over such cultural heritage, traditional knowledge, and traditional cultural expressions.

3.The State shall respect and take necessary measures to promote full realization of those rights.

Điều: Quyền văn hóa

1. Mọi người có quyền tham dự vào đời sống văn hóa, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, quyền tự do không thể thiếu cho các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

2. Các nhóm văn hóa có quyền duy trì, kiểm soát, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của họ trên di sản văn hóa, kiến thức truyền thống và các biểu hiện văn hóa truyền thống đó.

3. Nhà nước tôn trọng và ban hành các biện pháp cần thiết để thúc đẩy sự thực hiện đầy đủ của các quyền đó.

Section 3.3 – Rights of the Ethnic Minority Peoples
Phần 3.3 – Quyền của các dân tộc thiểu số

Article: General provision

Ethnic minority peoples have the rights to the full enjoyment, as a collective and as individuals, of all human rights and fundamental freedoms as recognized in the Constitution and other International human rights instruments to which Vietnam is a signatory.

In addition, ethnic minority people enjoy the specific rights of indigenous people, as enshrined by the subsequent provisions. The enumeration of those following rights shall not be interpreted as neglection of other specific rights of indigenous people.

Điều: Điều khoản chung

Các dân tộc thiểu số có quyền được hưởng đầy đủ, với tư cách tập thể hay các cá nhân, tất cả các quyền con người và tự do cơ bản như ghi nhận trong Hiến pháp và trong văn bản nhân quyền quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết.

Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền đặc biệt của người bản địa, như được ghi ở các điều khoản tiếp theo. Việc liệt kê các quyền sau đây không hàm ý phủ nhận khác quyền đặc biệt khác của người dân bản địa.

Article: Right to autonomous administration of internal affairs

The ethnic minority community has the right to

1. promote, develop and maintain their institutional structures and their distinctive customs, spirituality, traditions, procedures, practices and, in the cases where they exist, juridical systems or customs, in accordance with international human rights standards.

2. enjoy autonomy in matters relating to their internal and local affairs, as well as ways and means for financing their autonomous functions.

3. determine their own identity or membership in accordance with their customs and traditions. This does not impair the right of ethnic minority individuals to obtain citizenship status.

Điều: Quyền tự trị hành chính các công việc nội bộ

Cộng đồng dân tộc thiểu số có quyền

1. thúc đẩy, phát triển và duy trì cơ cấu tổ chức, các tục lệ, tâm linh, truyền thống, thủ tục, thói quen đặc thù của họ, và hệ thống hoặc tục lệ pháp lý riêng biệt trong trường hợp chúng tồn tại, phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

2. tự chủ trong các vấn đề liên quan đến công việc nội bộ và địa phương, cũng như các cách thức và phương tiện tài chính cho các công việc tự trị của họ.

3. xác định bản sắc hoặc tư cách thành viên của họ, phù hợp với phong tục và truyền thống của họ. Điều này không ảnh hưởng đến quyền nhận quy chế công dân của các cá nhân người dân tộc thiểu số.

Article: Right of control over their resources

Ethnic minority communities have the right to

1. the lands, territories and resources which they have traditionally owned, occupied or otherwise used or acquired. The State shall give legal recognition and protection to these lands, territories and resources. Such recognition shall be conducted with due respect to the customs, traditions and land tenure systems of the ethnic minority concerned.

2. the conservation and protection of the environment and the productive capacity of their lands or territories and resources. The State shall establish and implement assistance programs for ethnic minority people for such conservation and protection, without discrimination.

Điều: Quyền kiểm soát tài nguyên

Cộng đồng dân tộc thiểu số có quyền

1. trên vùng đất, lãnh thổ và tài nguyên mà họ có truyền thống sở hữu, ở hoặc sử dụng hay giành được bằng cách khác. Nhà nước phải đưa ra sự công nhận và bảo vệ pháp lý đối với các vùng đất, lãnh thổ và tài nguyên đó. Sự công nhận phải được tiến hành với sự tôn trọng cần có đối với các phong tục, truyền thống và hệ thống sở hữu đất đai của dân tộc thiểu số có liên quan.

2. về sự bảo tồn và bảo vệ môi trường và năng lực sản xuất của các vùng đất hoặc vùng lãnh thổ hoặc tài nguyên của họ. Nhà nước cần thiết lập và thực hiện các chương trình hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số cho việc bảo tồn và bảo vệ đó, mà không đuợc phân biệt đối xử.

Article: Right to cultural diversity

Ethnic minority people have the right to

1. revitalize, use, develop and transmit to future generations their histories, languages, oral traditions, philosophies, writing systems and literatures, and to designate and retain their own names for communities, places and persons.

2. manifest, practise, develop and teach their spiritual and religious traditions, customs and ceremonies; the right to maintain, protect, and have access in privacy to their religious and cultural sites; the right to use and control of their ceremonial objects.

3. maintain, control, protect and develop their cultural heritage, traditional knowledge and traditional cultural expressions, as well as the manifestations of their sciences, technologies and cultures, including human and genetic resources, seeds, medicines, knowledge of the properties of fauna and flora, oral traditions, literatures, designs, sports and traditional games and visual and performing arts.

4. the dignity and diversity of their cultures, traditions, histories and aspirations which shall be appropriately reflected in public education and public information.

5. establish and control their educational systems and institutions providing education in their own languages, in a manner appropriate to their cultural methods of teaching and learning.

Điều: Quyền về sự đa dạng văn hóa

Người dân tộc thiểu số có quyền

1. khôi phục, sử dụng, , phát triển và chuyển giao cho các thế hệ tương lai lịch sử, ngôn ngữ, truyền thống truyền khẩu, triết lý, hệ thống chữ viết và văn học của họ, và chỉ định và giữ lại tên riêng của họ cho các cộng đồng, địa điểm và người.

2. biểu hiện, thực hành, phát triển và giảng dạy truyền thống , phong tục và nghi lễ tâm linh và tôn giáo của họ; quyền duy trì, bảo vệ và tiếp cận trong riêng tư các địa điểm tôn giáo và văn hóa của họ; quyền sử dụng và kiểm soát các vật dụng nghi lễ của họ.

3. duy trì, kiểm soát, bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, tri thức truyền thống và biểu hiện văn hóa truyền thống, cũng như các biểu hiện của khoa học, công nghệ và văn hóa của họ, bao gồm nguồn nhân lực và di truyền, hạt giống, thuốc, kiến thức về các đặc tính của động vật và thực vật, truyền khẩu truyền thống, văn chương, sáng chế, thể thao và các trò chơi truyền thống và nghệ thuật hình ảnh và biểu diễn.

4. về phẩm giá và sự đa dạng của văn hóa, truyền thống, lịch sử và nguyện vọng của họ. Chúng cần được thể hiện một cách thích hợp trong giáo dục công và thông tin đại chúng.

5. thiết lập và kiểm soát hệ thống giáo dục và các cơ sở giáo dục giảng dạy bằng ngôn ngữ riêng của họ, theo cách thức phù hợp với phương pháp giảng dạy và học tập của nền văn hóa của họ.

Article: Right to be free from arbitrary interference and unfair treatment by the State

1.The State shall not violate ethnic minotirity peoples’ rights as they are enshrined in the Constitution and in international instruments of human rights.

2.The State shall consult and cooperate in good faith with the ethnic minority peoples concerned through their own representative institutions in order to obtain their free, prior and informed consent before adopting and implementing legislative or administrative measures that may affect them.

3.The State shall provide effective mechanisms for prevention of, and redress for:

a.Any action which has the aim or effect of depriving them of their integrity and distinct peoples, or of their cultural values or ethnic identities;

b.Any action which has the aim or effect of dispossessing them of their lands, territories or resources;

c.Any form of forced population transfer which has the aim or effect of violating or undermining any of their rights;

d.Any form of forced assimilation or integration;

e.Any form of propaganda designed to promote or incite racial or ethnic discrimination directed against them.

Điều: Quyền tự do khỏi sự can thiệp độc đoán và đối xử bất công bởi nhà nước

1. Nhà nước không được vi phạm quyền của các dân tộc thiểu số khi chúng được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn kiện quốc tế về quyền con người.

2. Nhà nước cần tham khảo ý kiến và hợp tác một cách chân thành với các dân tộc thiểu số có liên quan thông qua các thiết chế đại diện của họ để nhận được sự đồng thuận của họ – một sự đồng thuận tự nguyện, trước khi khởi sự, với đầy đủ thông tin – trước khi thông qua và thực hiện các biện pháp lập pháp và hành chính có thể ảnh hưởng đến họ.

3. Nhà nước cần cung cấp các cơ chế hữu hiệu cho việc phòng chống và khắc phục cho:

a. bất kỳ hành động nào có mục đích hoặc tác dụng làm mất đi sự toàn vẹn và riêng biệt dân tộc, hoặc bản sắc dân tộc và giá trị văn hóa của họ;

b. bất kỳ hành động nào có mục đích hoặc tác dụng làm tước quyền sở hữu đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ;

c. mọi hình thức cưỡng ép giao dân với mục đích hay tác dụng vi phạm hoặc phá hoại các quyền của họ;

d. mọi hình thức đồng hóa hoặc hội nhập cưỡng ép;

e. mọi hình thức tuyên truyền được thiết kế để thúc đẩy hoặc xúi giục kỳ thị chủng tộc hoặc dân tộc nhắm tới họ.

Section 4 – Political Rights
(Democracy and Liberty’s Rights)

Article: Rights of conscience

Every person has the right to freedom of thought, conscience and religion; this right includes the freedom to change his or her religion or belief and the freedom to hold opinions without interference.

Phần 4 – Các Quyền Chính Trị

(Các Quyền Dân Chủ và Tự Do)

Điều: Quyền lương tâm

Mọi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm sự tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và tự do quan điểm mà không bị can thiệp.

Article: Religious rights

1.All persons have the right to freedom of conscience, religion, thought, belief and opinion.  This right includes the right to worship, practice, teach, and proselytize their religion; the right to organize with others into religious groups and associations; and the right of such groups to own and manage property and to engage in economic enterprises.

2.Laws of general applicability that are not motivated by animus against a religious group may restrict the freedom of religion only if the restriction on the freedom is proportionate to the government purpose served by the law and there are no less restrictive means available to achieve that purpose.

3.The government may not establish a particular religion or favor one or more religions over others.  Government aid to religious institutions must serve a secular purpose and must be offered on an equitable basis to all institutions, whether religious or not, that serve that purpose.

4.Religious observances may be conducted at state or state-aided institutions, provided that those observances follow rules made by appropriate public authorities, that access to and opportunity to use such institutions is provided on a non-discriminatory and equitable basis, and that attendance at such observances is free and voluntary.

Điều: Quyền tôn giáo

1. Mọi người có quyền tự do lương tâm, tôn giáo, tư tưởng, niềm tin và ý kiến. Quyền này bao gồm quyền thờ phụng, thực hành, giảng dạy và truyền bá tôn giáo của họ; quyền tổ chức với những người khác thành cái nhóm và hội đoàn tôn giáo; và quyền của các nhóm đó về sở hữu và quản lý tài sản và tham gia vào các doanh nghiệp kinh tế.

2. Luật pháp với phạm vi áp dụng chung, không bị thúc đẩy bởi động cơ chống lại một nhóm tôn giáo có thể hạn chế tự do tôn giáo chỉ khi sự hạn chế đó cân đối với mục đích của chính phủ được phục vụ bởi luật đó và không có phương cách nào ít hạn chế hơn để đạt được mục đích đó.

3. Chính phủ không được thành lập một tôn giáo cá biệt hoặc ủng hộ một hoặc một số tôn giáo hơn những tôn giáo khác. Hỗ trợ của chính phủ cho các cơ sở tôn giáo phải phục vụ một mục đích thế tục và phải được cung cấp trên cơ sở bình đẳng cho tất cả các cơ sở, tôn giáo hay không tôn giáo, có cùng mục đích đó.

4. Nghi lễ tôn giáo có thể được tiến hành tại các cơ sở nhà nước hay các cơ sở được hỗ trợ bởi nhà nước, với điều kiện là các nghi lễ đó tuân thủ các quy định đặt ra bởi cơ quan công quyền thích hợp, và rằng việc tiếp cận và cơ hội sử dụng các cơ sở đó được cung cấp trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng, và rằng sự tham dự các nghi lễ đó là tự do và tự nguyện.

Article: Political Rights

1.All qualified citizens have the right to vote and to stand for public office in elections that are free and fair and conducted by secret ballot.

2.No one shall be disqualified from voting except on the grounds that

a.The person is not yet 18 years of age;

b.The person is currently incarcerated for a serious crime;

c.The person has been adjudged mentally incompetent by a legally authorized body;

d.The person is not a citizen of Vietnam;

e.The person has established exclusive permanent residence outside of Vietnam;

f.The person does not reside in the geographical constituency of Vietnam in which he or she wishes to vote.

3.All citizens have the right to participate in the government through all peaceful means, including but not limited to petition, referendum and initiative, public comment and discussion, and political party activity.

Điều: Các quyền chính trị

1. Mọi công dân đủ tư cách có quyền bầu cử và ứng cử cho các chức vụ công trong các cuộc bầu cử tự do, công bằng và bỏ phiếu kín.

2. Không ai có thể mất tư cách bỏ phiếu, trừ các trường hợp

a. Người chưa đến 18 tuổi;

b. Người đang bị giam giữ vì phạm tội nghiêm trọng;

c. Người đã được phán xử thiếu năng lực tâm thần bởi một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp.

d. Người không phải là công dân Việt Nam;

e. Người đã thiết lập nơi thường trú duy nhất ngoài Việt Nam;

f. Người không cư trú trong một đơn vị bầu cử địa lý của Việt Nam nơi họ mong muốn bỏ phiếu.

3. Mọi công dân có quyền tham gia chính phủ thông qua tất cả các phương cách ôn hòa, bao gồm, nhưng không hạn chế ở, gửi kiến nghị, trưng cầu dân ý và sáng kiến, ý kiến và thảo luận đại chúng, và hoạt động đảng chính trị.

Article: Rights of free expression

1.Every person has freedom of expression, which includes:

a.Freedom to receive or impart information or ideas;

b.Freedom of the press and all media;

c.Freedom of artistic creativity; and

d.Academic freedom and freedom of scientific research.

2.The right in subsection 1 does not include:

a.Advocacy of hatred that is based on race, ethnicity, national origin, class, gender or religion;

b.Incitement to imminent violence;

c.Speech that causes unjustified damage to personal reputation or privacy;

d.Speech which is offensive to public sensibilities because of its sexual explicitness, use of personal epithets, or use of obscene and vulgar language.  No speech shall, however, be excluded from protection under this subsection on the basis of the ideas or information it expresses.

Điều: Quyền tự do ngôn luận

1. Mọi người có quyền tự do ngôn luận, trong đó bao gồm

a. Tự do tiếp nhận hay truyền đạt thông tin hoặc ý tưởng.

b. Tự do báo chí và tất cả các phương tiện truyền thông

c. Tự do sáng tạo nghệ thuật; và

d. Tự do học thuật và tự do nghiên cứu khoa học.

2. Quyền tại khoản 1 không bao gồm

a. Tuyên truyền vận động hận thù dựa trên chủng tộc, sắc tộc, nguồn gốc quốc gia, giai cấp, giới tính hoặc tôn giáo;

b. Kích động bạo lực sắp xảy ra tức thì;

c. Phát biểu gây thiệt hại không bào chữa được tới uy tín cá nhân hoặc riêng tư cá nhân.

d. Phát biểu xúc phạm đến sự nhạy cảm của công chúng vì diễn đạt tình dục, sử dụng các tính ngữ cá nhân, hoặc sử dụng ngôn ngữ khiêu dâm và thô tục. Tuy vậy, không phát biểu nào bị loại trừ khỏi sự bảo vệ của điều khoản này vì ý tưởng và thông tin chúng diễn đạt.

Article: Rights of assembly and association

1.Every person has the right, peacefully and without arms, to assemble, to demonstrate, to picket, and to present petitions for all purposes, including but not limited to political, economic, cultural, religious, and personal.

2.Every person has the right to form associations of all kinds, including but not limited to political parties, trade unions, and religious groups.

Điều: Các quyền hội họp và lập hội

1. Mọi người có quyền, trong ôn hòa và phi vũ trang, hội họp, biểu tình, đình công, và đưa kiến nghị cho mọi mục đích, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, các mục đích chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và cá nhân.

2. Mọi người có quyền thành lập các loại hội đoàn, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, các đảng chính trị, nghiệp đoàn, và các nhóm tôn giáo.

Article: Right to information

1.Every citizen has the right of access to any information

a.held by the state, except insofar as it would create a substantial and immediate threat to national security or violate another person’s constitutional rights or statutory rights that are fundamental to the dignity of the person.

b.held by another person that is required for the exercise or protection of any constitutional or statutory rights, except insofar as providing that information would violate another person’s constitutional rights or statutory rights that are fundamental to the dignity of the person.

2.Any citizen denied access to requested information shall have the right to petition a court for release of the information. The court shall order the government or private party to supply the information to the court and having examined such information, the court shall order the release of the information except in so far as the court independently determines that the disclosure of the concerned information meets the standards in subsection 1, above.

3.The national legislature shall enact legislation to give effect to this right and may provide for reasonable measures to alleviate the administrative and financial burden on the state.

4.The state must make available for disclosure all lawfully classified state secrets after a period of 25 years from the date of their original classification.

Điều: Quyền thông tin

1. Mọi công dân có quyền tiếp cận bất kỳ thông tin nào

a. nắm giữ bởi nhà nước, trừ khi điều đó gây ra mối đe dọa đáng kể và ngay lập tức đến an ninh quốc gia hoặc vi phạm các quyền hiến định hoặc quyền luật định vốn làm nền tảng cho phẩm giá của một người khác.

b. nắm giữ bởi một người khác mà việc bảo vệ các quyền hiến định và luật định đòi hỏi, trừ khi việc cung cấp thông tin đó vi phạm các quyền hiến định và luật định cơ bản cho nhân phẩm của một người khác.

2. Bất kỳ công dân nào bị từ chối tiếp cận thông tin yêu cầu có quyền kiến nghị một tòa án để phát hành thông tin đó. Tòa án cần yêu cầu chính phủ hoặc đương sự tư nhân cung cáp thông tin cho tòa án và sau khi kiểm tra thông tin đó, tòa án ra lệnh phát hành thông tin, trừ khi một tòa án độc lập xác định rằng việc công bố thông tin liên quan đáp ứng các tiêu chuẩn tại khoản 1 ở trên.

3. Cơ quan lập pháp quốc gia ban hành pháp luật để quyền này có hiệu lực và có thể cung cấp các biện pháp hợp lý để giảm bớt gánh nặng hành chính và tài chính cho nhà nước.

4. Nhà nước cần để các bí mật quốc gia, được phân loại một cách hợp pháp sẵn sàng cho việc công bố sau một thời hạn 25 năm kể từ ngày phân loại ban đầu.

______________

Xem bằng PDF

 

Xem thêm:



[i] Giáo sư David C. Williams tốt nghiệp thủ khoa khoa Luật khóa 1985 tại trường đại học Harvard, là giáo sư xuất sắc về luật Hiến pháp, luật của các nhóm Thổ dân Mỹ, thiết kế Hiến pháp cho các nước đa sắc tộc, và Tu chính thứ 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ tại đại học Indiana, Hoa Kỳ.

[ii] Giáo sư Susan H. Williams tốt nghiệp á khoa khoa Luật khóa 1985 tại trường đại học Harvard, là giáo sư xuất sắc về Luật Hiến pháp, Bình đẳng giới, Tu chính Hiến pháp thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ và Luật Sở hữu tại đại học Indiana, Hoa Kỳ.

[iii] Thái Vĩnh Thắng, Sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, 2010.

[iv] Xem thêm Trần Ngọc Đường, Tiếp tục đổi mới Quốc hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, NCLP, 2010.

[v] Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn ở phần dưới.

[vi] Xem thêm Trần Ngọc Đường, Tiếp tục đổi mới Quốc hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, NCLP, 2010.

[vii] Nguyễn Xuân Phước, Tản mạn về hai chữ Tư pháp: phải chăng đã đến lúc cần thay đổi một thói quen dùng chữ?, 2005.

[viii] Trần Ngọc Đường, Tiếp tục đổi mới Quốc hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, NCLP, 2010.

[ix] Vietnamnet, Đề xuất sửa Hiến pháp từ năm 2011, 2010.

[x] Các quyền cũng có thể được áp dụng trong mối quan hệ giữa các bên dân sự – sự áp dụng này được gọi là “theo hàng ngang.” Ví dụ, các quyền lao động có thể được áp dụng trong mối quan hệ tư nhân giữa chủ công ty và công nhân. Câu hỏi đặt ra là phạm vi của việc áp dụng quyền theo hàng ngang được hạn chế ở mức độ nào để quyền của một bên không xâm phạm vào quyền của một bên khác.

[xi] “believing that the ignorance, neglect, or contempt of the rights of man are the sole cause of public calamities and of the corruption of governments…” http://avalon.law.yale.edu/18th_century/rightsof.asp

[xii] Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

[xiii] SGTT, Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Lộc – Tinh thần Hiến pháp, 2007.

Share