Vì sao Việt Nam không hỗ trợ tài chính đưa thi hài 39 nạn nhân về nước?

Vụ việc 39 người Việt Nam được phát hiện chết trong xe container đông lạnh ở hạt Essex, Anh quốc xảy ra tròn một tháng, nhưng hiện thi hài của họ vẫn chưa được đưa về nước.

Đài RFA thực hiện một cuộc phỏng vấn với Luật sư Vũ Đức Khanh, ở Canada để tìm hiểu thêm về các quy định luật pháp quốc tế cũng như trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề liên quan đưa các thi hài của 39 nạn nhân về cho gia đình lo hậu sự.

Trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam

Qua trao đổi trong cuộc phỏng vấn vào sáng ngày 22/11 với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh lên tiếng rằng vụ việc 39 nạn nhân người Việt bị thiệt mạng ở Anh Quốc hôm 23/10 vừa qua không chỉ là thảm kịch của các gia đình nạn nhân mà còn được cho là một thảm họa của cả nước Việt Nam và do đó Chính phủ Hà Nội cần thực hiện đúng trách nhiệm, chiếu theo quy định của luật pháp quốc tế và quy định của luật pháp Việt Nam về vai trò và trách nhiệm của chính phủ đối với công dân Việt Nam.

Luật sư Vũ Đức Khanh nêu ra về mặt công pháp quốc tế thì có nhiều điều ước và thông lệ quốc tế về vai trò và trách nhiệm của một nhà nước, như qua hai Công ước quan trọng là Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Vienna về Quan hệ lãnh sự năm 1963, liên quan trao đổi ngoại giao và những quyền lãnh sự giữa các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc với nhau. Trong hai công ước này có quy định về vai trò của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCNVN) Việt Nam là có trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam ở tại nước ngoài. Luật sư Vũ Đức Khanh nhấn mạnh rằng “Đây là trách nhiệm đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, chứ không phải của công dân hay của bất cứ tổ chức nào”.

Về mặt cơ sở pháp lý tại Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh viện dẫn Điều 75 của Hiến pháp 1992 và Điều 17, khoản 3 của Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước CHXHCNVN có trách nhiệm bảo vệ công dân ở tại nước ngoài và công dân Việt Nam được nhận quyền bảo hộ từ Chính phủ Việt Nam khi họ có vấn đề cần thiết ở tại nước ngoài. Bên cạnh đó, Điều 6 của Luật Quốc tịch cũng có quy định tương tự.

Luật sư Vũ Đức Khanh nhấn mạnh Việt Nam hiện chưa có bộ luật nào quy định rõ ràng việc thực thi trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với công dân ở tại nước ngoài khi cần có sự giúp đỡ của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quy định trong Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký ban hành hồi năm 2007, Luật sư Vũ Đức Khanh chỉ ra rằng trong văn bản này nêu rõ những trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, văn bản của hai Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính quy định cấp ngân sách nhà nước để Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò đối với công dân ở tại nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam cần phải hỗ trợ chi phí

Đài RFA ghi nhận trong văn bản Quy chế về Tổ chức và Hoạt động Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, chiếu theo Điều 7, khoản 2a quy định “tạm ứng kinh phí thanh toán tiền tang lễ, hỏa thiêu, chuyển thi hài, di hài về nước…cho công dân trong các trường hợp khẩn cấp mà đương sự không có khả năng tài chính vào thời điểm đó nhưng có đặc cọc, bảo lãnh của gia đình, tổ chức trong nước về việc hoàn trả các khoản tiền này”.

Chúng tôi đặt vấn đề về quy định vừa nêu với thông tin mới nhất mà Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, vào hôm 21/11 nói với báo giới bên lề Quốc hội là Chính phủ Việt Nam sẽ tạm ứng tiền để đưa thi hài 39 nạn nhân ở Anh về nước và già đình sẽ hoàn trả lại số tiền này cho Chính phủ liệu rằng có sự tương thích phù hợp hay không và được Luật sư Vũ Đức Khanh trả lời rằng:

“Vấn đề này cần được hiểu theo khuôn khổ của tính tổng thể. Dĩ nhiên không phải trường hợp người Việt Nam nào đi ra nước ngoài mà chẳng may bị gặp tai nạn qua đời thì Chính phủ đều phải lo tất cả hết mọi chuyện. Ở đây, tôi muốn đề cập đến vụ việc 39 người là nạn nhân của nạn buôn người và bị chết thảm ở Anh quốc. Đây là một thảm họa và thảm họa đó bắt nguồn từ sự quản lý không chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam. Trách nhiệm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam là làm sao cho tất cả công dân có được đời sống ấm no, hạnh phúc thật sự và được phát triển đồng thời nếu đi ra nước ngoài thì phải hoàn toàn hợp pháp, chứ không phải đi bất hợp pháp hay đi trong các đường dây buôn lậu người để dẫn tới làm những công việc bất hợp pháp đối với các quốc gia khác.”

Luật sư Vũ Đức Khanh cũng viện dẫn Điều 7, khoản 1b trong văn bản Quy chế về Tổ chức và Hoạt động Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, quy định về các khoản chi không hoàn lại, trong đó “chi cho công dân trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp mà đương sự chứng minh hoàn toàn không còn khả năng tài chính để chi trả và không có thân nhân, tổ chức đứng ra bảo lãnh”.

Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng cần phải hiểu các đương sự đã qua đời và họ không còn khả năng tài chính, cũng như cần đặt vấn đề liệu gia đình của những người này có điều kiện để chi trả cho việc đưa thi hài người thân về nước hay không? Trong trường hợp các gia đình không có điều kiện mà Chính phủ Việt Nam bắt họ phải ký giấy tờ tạm ứng tiền và trả nợ thì phải chăng việc làm này là quá cưỡng ép cho gia đình các nạn nhân không?

Luật sư Vũ Đức Khanh còn trưng dẫn thêm Điều 7, khoản 4 quy định “các khỏan chi phí khác phù hợp với mục đích và quy định của Quỹ do lãnh đạo của Bộ Ngoại giao hoặc giám đốc Quỹ quyết định”, cùng với một số quy định trong Quy chế của Bộ Tài chính. Do đó, Luật sư Vũ Đức Khanh nói rằng trong tổng thể trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có quyền quyết định hoàn toàn trong vấn đề này và phải đệ trình lên Chính phủ cùng nội các để có quyết định cuối cùng.

Luật sư Vũ Đức Khanh khẳng định lại quan điểm của ông rằng vụ việc 39 người Việt thiệt mạng ở Anh quốc là một thảm họa của quốc gia, thảm họa nhân đạo và Chính phủ Việt Nam cần phải làm triệt để đúng theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hôm mùng 7/11 là cần phải làm tất cả những gì Chính phủ Việt Nam có thể làm được để sớm đưa những nạn nhân này trở về với tổ quốc, gia đình và người thân.

Xin được nhắc lại, hãng thông tấn AFP vào ngày 19/11 trích một văn bản chính thức gửi các gia đình nạn nhân cho biết chi phí chuyển một hũ tro cốt về nước là 1.774 đô la, và chi phí chuyển xác là 2.858 đô la. Các gia đình được cho biết là sẽ nhận khoản vay từ chính phủ để đưa tro cốt hoặc thi hài về nước.

Theo RFA

****

Việt Nam chưa nhận thông tin nào về phía Anh sẽ hỗ trợ tài chính cho việc đưa thi hài 39 nạn nhân về nước

Việt Nam chưa nhận được thông báo nào từ Chính phủ Anh trong việc hỗ trợ tài chính để đưa thi hài của 39 nạn nhân người Việt, tử nạn trong xe container đông lạnh ở hạt Essex hôm 23/10, về nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 21/11.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm rằng Việt Nam đang phối hợp với Chính phủ Anh để hoàn tất các vấn đề hậu sự cho các nạn nhân trong thời gian sớm nhất, đúng theo quy định của luật pháp quốc tế và tập quán của hai nước và sẽ thông báo thời gian cụ thể.

Trong cùng ngày 21 tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho báo giới biết Chính phủ Việt Nam sẽ ứng tiền để hỗ trợ các gia đình đưa thi hài người thân về nước và sau đó các gia đình này sẽ hoàn trả tiền lại cho chính phủ.

Hôm 19/11, hãng tin AFP trích một văn bản chính thức gửi các gia đình nạn nhân cho biết chi phí chuyển một hũ tro cốt về nước là 1.774 đô la, và chi phí chuyển xác là 2.858 đô la. Các gia đình được cho biết là sẽ nhận khoản vay từ chính phủ để đưa tro cốt hoặc thi hài về nước.

Trong những ngày vừa qua, một số tổ chức và các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước gây quỹ cũng như quyên góp cho 39 gia đình nạn nhân, chẳng hạn như Tập đoàn Vingroup gửi cho mỗi gia đình nạn nhân số tiền 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng có những lời kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm chi trả tất cả kinh phí cho việc đưa thi hài 39 nạn nhân về nước, như thư ngỏ của Đảng Dân Chủ Việt Nam vừa công bố hôm 20/11.

Những nạn nhân chết trên xe container đông lạnh là những người nhập cư lậu vào Anh, đến từ các tỉnh  Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng, Hải Dương và Thừa  Thiên Huế.

Tòa thánh Vatican, vào hôm 20/11, công bố một video với hình ảnh của Đức Giáo hoàng Fracis cùng lời cầu nguyện cho 39 nạn nhân người Việt Nam.

Theo RFA

Share