Nhận định cơ bản (2009)

Nhận định cơ bản về hiện tình đất nước và đề nghị các bước giải quyết

Bản Tuyên Bố Quan Điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam công bố tại Hà Nội ngày 1 tháng 9 năm 2008 đã nhận được sự đồng thuận của nhiều thành phần xã hội. Sau khi lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, hôm nay Đảng Dân chủ Việt Nam đưa ra nhận định và đề nghị các bước giải quyết một số bức xúc của xã hội, vốn vẫn còn tồn tại lâu nay, cho dù nền kinh tế quốc gia đã có những chuyển biến khá hơn. 

I. Quốc nạn tham nhũng vẫn tồn tại và không ngừng gia tăng

Đại diện Chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hợp Quốc năm 2003 và Kế Hoạch Hành Động Chống Tham Nhũng của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) và Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế (OECD) năm 2004. Cả hai văn bản quốc tế này đều đã có hiệu lực từ nhiều năm nay. Nhưng đến nay, Việt Nam mới chỉ phê chuẩn thi hành Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc.

Tiếp theo hàng loạt các sắc lệnh, pháp lệnh chống tham nhũng từ năm 1945, Luật Phòng Chống Tham Nhũng đã được ban hành năm 2005 nhưng đến nay cũng vẫn chưa được tích cực thi hành. Ví dụ việc khai báo tài sản của cán bộ Nhà nước theo quy định của bộ Luật đó vẫn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.

 Tham nhũng tại Việt Nam là quốc nạn dai dẳng từ lâu nay, là nỗi bức xúc của cả xã hội, làm mất uy tín chế độ đối với quốc dân và quốc tế. Muốn chống tham nhũng hữu hiệu, cần minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan công quyền. Báo chí được tự do thông tin trung thực và tòa án được độc lập xét xử là hai công cụ không thể thiếu. Nhưng đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào là Nhà nước sẽ thực hiện các cải cách cần thiết trong cả hai lãnh vực trọng yếu này.

II. Vấn đề pháp luật tại Việt Nam

Theo báo Pháp luật TPHCM, “ngày 11-2-2009, Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi với sự chủ trì của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã tổng kết năm năm thi hành BLTTHS năm 2003. Nhận định chung là bên cạnh những mặt tích cực của BLTTHS hiện hành, vẫn còn nhiều bất cập, thiếu thực tế, không khả thi. Gần một nửa BLTTHS có vướng mắc, cần được hoàn thiện để đạt tới mục tiêu tăng cường tính dân chủ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp, vừa giúp cho hoạt động tố tụng tốt hơn vừa nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.” Và theo tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp của Văn phòng Quốc hội: “hệ thống pháp luật của chúng ta có quá nhiều loại văn bản qui phạm pháp luật, làm cho khi nhìn vào thì như lạc vào mê cung, hết sức rắc rối, chằng chịt, phức tạp, chồng chéo, thì làm sao người dân có thể hiểu và thực hiện được. Tiếp nữa là thực trạng luật được ban hành có quá nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ, các Bộ, ngành để rồi sau đó phải chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn và hầu như người thực thi chỉ cần biết đến thông tư, nghị định, vô hình chung đã vô hiệu hoá luật. Điều đó trái với tinh thần luật là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất.”

Những bất cập này của nền pháp chế đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong việc thi hành luật pháp: Việc bắt oan, xử oan vẫn còn phổ biến; nhiều vụ khiếu kiện không được giải quyết ổn thỏa. Sự bất bình đẳng trước pháp luật đã khiến hệ thống tư pháp thất bại trong việc bảo vệ quyền và quyền lợi của người dân.

Điều đó có nguyên nhân sâu xa là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản và Nhà nước, cả về cơ chế chính trị, tư pháp lẫn hệ thống văn bản, gây lẫn lộn về tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Cho nên, Nhà nước cần phải xây dựng một nền tư pháp thật sự độc lập và vận hành trong sáng. Tòa án không thể là một cơ quan thừa hành chỉ thị của chính phủ hay đảng phái nào.

III. Vấn đề chính phủ không đáp ứng nguyện vọng của người dân

Một chính phủ bền vững phải dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Chính phủ không thể bền vững nếu dựa vào thế lực ngoại bang để cầm quyền. Việc chính phủ đơn phương ký kết với ngoại bang khai thác quặng mỏ bô-xít ở Tây nguyên và tuyên bố đó là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước,” bất chấp tất cả, là ngược với ý dân. Việc ngăn cản và bắt giam người dân phản đối vấn đề ngoại bang xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, như trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay, là những động thái trấn áp quyền và nghĩa vụ lên tiếng của người dân trước việc nước. Những việc đó không nên tiếp tục nếu muốn thực hiện đoàn kết dân tộc để bảo vệ Tổ quốc và phát triển quốc gia. Việt Nam đang cần một chính phủ biết lắng nghe và có trách nhiệm. Hãy đáp ứng nguyện vọng của nhân dân!

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2009

Ban Thường vụ Trung ương
ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM


 Tham khảo: Quan Điểm của Đảng Dân Chủ Việt Nam

Xem bằng PDF


Share