Nguyên tắc cơ bản chính trị

 

1. NƯỚC VIỆT NAM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

– Nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền.

– Quyền làm chủ đất nước thuộc về nhân dân, không thuộc về cá nhân, tổ chức hay chính đảng nào.

– Quyền làm chủ đất nước (quyền bầu cử và ứng cử, quyền phúc quyết hiến pháp và các vấn đề hệ trọng của đất nước); quyền làm chủ đất đai; quyền kinh tế tư nhân của nhân dân phải được hiến định và luôn luôn được nhà nước bảo vệ.

2. Ý DÂN LÀ NỀN TẢNG CỦA QUYỀN LỰC

– Ý dân thể hiện qua lá phiếu.

– Bầu cử tự do và công bằngi là điều kiện tiên quyết của xã hội công bằng, uy tín chính trị, cầm quyền chính danh.

– Quyền lực nhà nước do nhân dân thỏa thuận trao cho thông qua hiến pháp dân chủii.

3. BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI

– Phát triển xã hội dân sựiii lành mạnh, bình đẳng kinh tế tư nhân, thúc đẩy cơ hội tiến thân bình đẳng cho toàn dân.

– Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, tòa án độc lập, không một cơ quan, đoàn thể hay cá nhân nào đứng trên pháp luật.

– Việt Nam cần có luật lập hộiiv, trước hết là để hợp thức đảng cầm quyền. Các chính đảng hoạt động theo quy định của pháp luật. Một đảng độc quyền chính trị là chuyên quyền, đứng trên pháp luật.

4. NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

– Quyền lực hiến pháp là tối thượng, cao hơn quyền lực nhà nước.

– Hiến pháp dân chủ nhất thiết là nền tảng của nhà nước pháp quyền.

– Tự do, dân chủ, nhân quyền thực thi theo nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, thể hiện qua luật pháp quốc gia và phù hợp với công pháp quốc tế.

 

______________________

 

Chú thích [i-iv]:

[i] Bầu cử độc đảng là áp đặt, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm quyền không chính danh. Cần thấy rõ, không có bầu cử công bằng trong chế độ một đảng và cũng không có tình trạng một đảng chuyên quyền trong xã hội có chế độ bầu cử công bằng. Bầu cử công bằng và chế độ một đảng là hai chủ trương trái ngược nhau. Một đảng chính trị khoảng 5% dân số nhưng lại ngăn chặn quyền chính trị của đại đa số thành phần trong xã hội là điều không thể giải thích về phương diện đạo đức xã hội và bầu cử công bằng. Trong chế độ một đảng thì hội đồng bầu cử bị điều hành bởi một đảng cho nên việc chọn lựa ứng cử viên, cũng như quy trình giám sát và kiểm phiếu không thể vô tư, trung thực, việc bỏ phiếu của nhân dân chỉ là hình thức. Nói cách khác, việc lựa chọn các vị trí lãnh đạo là do một đảng quyết thay vì do nhân dân bầu. Bầu cử tự do và công bằng là bầu cử của mọi thành phần xã hội, quyền tự ứng cử của công dân được tôn trọng trên thực tế, và đi bầu hay không là quyền của công dân, không bị ép buộc.

[ii] Khác với hiến pháp của một đảng chuyên quyền, hiến pháp dân chủ là hiến pháp của toàn dân. Đó là hiến pháp được thông qua qua thủ tục soạn thảo của nhiều thành phần xã hội và được nhân dân phúc quyết (tức là trưng cầu dân ý bằng hình thức bỏ phiếu trước khi nhà nước ban hành). Hiến pháp hiện hành tại Việt Nam là hiến pháp của một đảng, không phải hiến pháp của toàn dân. Việc ban hành hiến pháp của một đảng đồng nghĩa với tình trạng cầm quyền không được nhân trao quyền. Một thực tế quan trọng cần lưu ý, trong thể chế cộng hoà dù theo chủ nghĩa hay tư tưởng chính trị nào thì đất nước nhất thiết cũng phải có một bản hiến pháp dân chủ với cơ chế nhà nước minh bạch, và điều hành xã hội bằng pháp luật.

[iii] Để xây dựng, phát triển xã hội dân chủ, công bằng tại Việt Nam, có thể xác định ngoài hai trụ cột kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, trụ cột thứ ba chính là xã hội dân sự. Xã hội dân sự đòi hỏi quyền tự do cá nhân và bình đẳng giữa các đoàn thể phải được bảo đảm. Hiện nay Mặt trận Tổ quốc, một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiểm soát tất cả các đoàn thể xã hội. Các đoàn thể trong xã hội dân sự lành mạnh không thể bị chi phối hoặc điều hành bởi một đảng vì đảng chính trị cũng chỉ là một thành phần trong xã hội dân sự. Xã hội dân sự không lành mạnh thì không thể xây dựng nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.

[iv] Trước hết, cần xác định rõ một đất nước có chế độ chính trị một đảng độc quyền hiển nhiên là bất công. Đây là bất công lớn nhất, là nguồn gốc của nhiều bất công xã hội cần phải điều chỉnh. Chính vì đảng cầm quyền không muốn ngưng thao túng chính trường nên đã không quan tâm đến sự cần thiết của luật lập hội. Không có luật lập hội có nghĩa là không đáp ứng nhu cầu đa đảng của xã hội và đồng thời không chấp nhận bình đẳng xã hội. Đảng không thể hợp thức khi nhà nước chưa có luật lập hội, và độc đảng rõ ràng trực tiếp chống lại mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ.

© Đảng Dân chủ Việt Nam – www.ddcvn.info

 

Share