Cảm nghĩ về ngày 30/04

Một dân tộc không đồng lòng hay thiếu đồng thuận là một dân tộc yếu. Hãy để cho ngày 30.04 hàng năm là ngày tưởng niệm về sự chết chóc và tàn ác do chiến tranh gây ra, và hãy để các bên yên lặng và suy ngẫm. Nhà nước Việt Nam nên thể hiện thiện chí bằng hành động thực tế và có ý nghĩa thì mới thuyết phục được người dân, và may ra đóng góp một phần nhỏ trong quá trình thống nhất lòng người.

Phải gọi là ngày gì?

Hồi còn nhỏ, lúc học cấp 1, cấp 2, mỗi khi đến ngày 30/4 thì nhà trường lại tổ chức mít-tinh. Nghe xong bài diễn văn dài thì toàn bộ học sinh được hướng dẫn đi theo đội hình trên đường quốc lộ hay thôn xóm, giơ nắm tay lên trời tung hô: Đả đảo đế quốc Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm, nhiệt liệt chào mừng ngày 30/4…. Hô phải to, phải dứt khoát, rõ ràng cho vừa lòng thầy cô giáo. Hô mà thậm chí không biết tại sao mình và nhiều bạn khác phải hô như vậy.

Sau này lớn lên đôi chút, với tôi ngày 30/4/1975 vẫn là một ngày vui. Vượt lên tất cả những cảm giác chiến thắng hay ê chề của cả hai bên là sự may mắn và vui mừng của dân tộc. Nhờ nó mà không còn cuộc nội chiến thấm máu hàng triệu người, không còn chuyện nồi da xáo thịt, không còn anh em, bà con, bạn bè cầm súng bắn nhau.

Đã có quá nhiều tên gọi cho ngày này của cả “phía bên này” và “phía bên kia”. Dù cho tên gọi ngày này là hay, là dở, là đau buồn, là vui mừng, là cay đắng, là tự hào, là phẫn uất, là hãnh diện, là tiếc nuối, là dứt bỏ, là chê bai, là ca ngợi…haylà gì gì đi nữa thì Ba Mươi Tháng Tư Năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm là sự thật lịch sử.

Chỉ có điều đó là một sự thật lịch sử kỳ lạ nhất thế giới chỉ bởi một lẽ – Ba mươi sáu năm mà hầu như mọi người Việt Nam từ trong cho tới ngoài nước, từ già cho đến trẻ đều nhớ với tâm trạng cũng… lạ nốt!

Không lạ sao! Khi đã gọi là “Ngày Lễ” – mà là lễ lớn của Quốc gia, thì hầu như ai cũng nên vui mừng và cùng tận hưởng; đằng này kẻ vui mừng, người đau xót, kẻ dửng dưng, người đăm chiêu, kẻ hồ hỡi, kẻ xem như dịp nghỉ dài ngày để đi chơi, người xem như ngày giỗ đau buồn!

Ba mươi sáu năm – những người trực tiếp cầm súng của hai bên chiến tuyến đa số đã ra đi và nhiều người tưởng đã quên đi quá khứ đau thương. Nhà nước bây giờ bắt tay làm ăn với ‘kẻ thù’ ngày trước, luôn kêu gọi hòa giải hòa hợp và đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự đầu tư tiền bạc, trí tuệ của một bộ phận người Việt Nam ở ngoài nước – kể cả con của Thủ tướng Chính phủ cũng được phép lấy một Việt kiều là con của “kẻ thù giai cấp”. Vậy thì cũng nên cân nhắc, có kỷ niệm cũng đừng quá phô trương, đừng quá tiêu tốn tiền dân như thế.

Và sự kiện ngày 30/4/1975 cũng cần trả lại đúng nghĩa của nó. Tôi cho rằng đã đến lúc nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề lịch sử và phải xem đó là ngày thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc.

Có nên tổ chức “ăn mừng” không?

Trong sự kiện này, các khái niệm “chiến thắng” hay “giải phóng” quả có sức kích thích cho không ít người nhưng hình như cũng để lại mặc cảm cho một khối lượng người không nhỏ, vì nó đánh đồng một chế độ, một thể chế với một dân tộc, một đất nước. Vào cái ngày đó nếu nói về dân tộc thì dân tộc Việt Nam không có chiến thắng hay thất bại mà bước sang một trang mới, thoát ra khỏi một cuộc nội chiến với những mất mát không dễ gì bù đắp được.

Đúng là có sự kiện quan trọng thì cũng cần phải có tổ chức kỷ niệm. Nhưng ở ta, hầu như năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên, từ trung ương đến địa phương, các ngành các cấp đều tham gia kỷ niệm, càng làm to càng vui, càng nghĩ ra nhiều lễ hội, nhiều lý do để kỷ niệm càng tốt. Tóm lại, càng tiêu tốn nhiều tiền thì càng thích.

Sự kiện vui thì chúng ta kỷ niệm hoành tráng. Vậy những sự kiện không vui thì có được Nhà nước kỷ niệm hay nhắc lại không? Cả ngàn năm bị phương Bắc đô hộ; những ngày bị Pháp chiếm đóng; nạn đói năm 1945 làm chết gần 2 triệu người Việt; chính sách cải cách ruộng đất 1953-1955; việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa; những người con nước Việt anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương trong các cuộc chiến tranh với Khơ-me đỏ và chiến tranh biên giới với Việt-Trung 1979; sự kiện binh lính và ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc giết hại… Và còn nhiều lắm.

Tôi nghĩ không nên thể hiện theo kiểu “ăn mừng”, vì ý nghĩa ăn mừng của một triệu người bên này là ngày buồn của một triệu người bên kia (nói theo ý của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Xin hãy để cho ngày 30.04 hàng năm là ngày tưởng niệm về sự chết chóc và tàn ác do chiến tranh gây ra, hãy để các bên yên lặng và suy ngẫm. Đó là tình người giản dị nhất, nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam thật tâm nghĩ:

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.” – (Hồ Chí Minh)

Nên thể hiện thiện chí hòa giải, hòa hợp dân tộc

Năm nay, hình như các chính khách Việt Nam nói nhiều về hòa giải và hòa hợp. Nhưng thật ra, các chính khách Việt Nam hơi chậm, họ đi sau một số người Việt ở hải ngoại, những người đã nói đến cụm từ này từ 15 năm trước. Chẳng giới chính khách chậm, mà còn nói một đường làm một nẻo. Chẳng hạn như một đằng thì nói toàn những ý tưởng nặng tình dân tộc, nhưng một mặt khác thì vẫn quen thói sỉ nhục và xỉ vả những người thất trận.

Không nói đâu xa, bà Nguyễn Phương Nga – Phát Ngôn nhân Bộ Ngoại giao, miệng thì nói hòa hợp, nhưng miệng khác thì nói: “Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền …”. Thật khó tin đó là ngôn ngữ của nhà ngoại giao, đại diện cho cả một Nhà nước. Ông Thiệu dù sao vẫn là tổng thống; tại sao không gọi với tính tôn trọng mà gọi tên người ta trỗng không hàm ý như khinh thị. Lại còn những bài báo đây đó dùng những từ như “ngụy”, “bọn”, “bè lũ”, “tay sai” (ai là tay sai?), v.v… Đến nay mộ của thân phụ và thân mẫu của ông Thiệu bị bỏ hoang, trong khi thời trước 1975 mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ ông cụ Hồ) ở Cao Lãnh thì được bảo vệ và chăm sóc rất tốt, rất tình người.

Một dân tộc không đồng lòng hay thiếu đồng thuận là một dân tộc yếu. Nhìn sang Hàn Quốc mà thấy ngậm ngùi cho mình. Trước đây, miền Nam Việt Nam cũng gần hay tương đương với họ, mà nay thì ta đang nhìn họ như đứa trẻ mơ ước làm người lớn. Tổng thống người ta biết tha thứ cho cựu tổng thống đã lầm lỡ, còn bên ta thì kẻ té ngựa bị đày đọa cho chết, và nếu chưa chết thì thành thân tàn ma dại. Dã man! Như vậy thì làm sao mà kêu gọi người ta quên quá khứ (mà thật ra, không ai có thể quên quá khứ). Trong khi chính sách này, phát biểu nọ kêu để lại quá khứ ở phía sau nhưng phần mình thì khư khư ôm lấy thù hận, mà còn tỏ ra miệt thị người ta!
Phải hòa giải. Đó là điều cần phải làm ngay.

Thiết nghĩ, Nhà nước Việt Nam nên thể hiện thiện chí bằng hành động thực tế và có ý nghĩa thì mới thuyết phục được người dân, và may ra đóng góp một phần nhỏ trong quá trình thống nhất lòng người.

Có như vậy, may ra Việt Nam mới trở thành một đất nước giàu mạnh.

Huế, 28/4/2011

Nguyễn Thu Hà và nhóm sinh viên ở Huế
Theo Tiếng Nói Dân Chủ

Share