Các giá trị của tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận là một quyền cơ bản được đảm bảo ở Điều 69 trong Hiến pháp CHXHCN Việt Nam. Nhưng trên thực tế, cho đến lúc này chúng ta vẫn chưa được hưởng trọn vẹn quyền căn bản trên vì kiểm duyệt vẫn tồn tại, không có tự do xuất bản và công dân vẫn bị trừng phạt khi bày tỏ ý kiến của mình.

Tại sao tự do ngôn luận là quan trọng trong đời sống xã hội và trong một nền dân chủ? Tại sao kiểm duyệt là xấu? Bởi vì tự do ngôn luận có những giá trị phục vụ cho đời sống xã hội, cho mỗi cá nhân, nên cần được bảo vệ. Chính phủ không thể ngăn chặn tự do ngôn luận một cách độc đoán và chung chung. Trong loạt bài về Các giá trị của tự do ngôn luận, Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC xin giới thiệu các quan điểm tại sao tự do ngôn luận là cần thiết. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các phản biện khoa học, có lập luận và căn cứ. Tất cả ý kiến mời gửi về họp thư tòa soạn tại contact.phiatruoc@gmail.com

PHẦN I – TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ CUỘC TÌM KIẾM SỰ THẬT

Thuyết sự thật cho rằng tự do ngôn luận góp phần vào việc tìm ra sự thật. Đại diện cho trường phái này là John Stuart Mill với tác phẩm On Liberty[1] (Bàn về tự do) xuất bản năm 1849 và John Milton với Aereopagitica[2] xuất bản năm 1644.

John Stuart Mill – về tự do tư tưởng và tự do thảo luận

Mill cho rằng tự do ngôn luận là cần thiết cho sự lành mạnh tinh thần của nhân loại. Chính tự do tư tưởng, tự do quan điểm và tự do thảo luận quan điểm giúp con người tiến gần đến sự thật. Quan điểm của ông dựa trên bốn lập luận chính: con người luôn có thể sai lầm; một ý kiến dù sai lầm vẫn có thể đóng góp vào việc tìm ra sự thật; sự cạnh tranh và va chạm giữa các ý kiến khác nhau khiến tính đúng đắn của một quan điểm càng thuyết phục hơn; và sự cạnh tranh và va chạm đó bảo vệ sự thật khỏi bị lãng quên hoặc lu mờ.

Tự do ngôn luận là cần thiết vì không ai nắm giữ chân lý. Ngay cả khi chỉ có một người có ý kiến khác biệt trong toàn thể nhân loại, nhân loại không thể ngăn chặn tiếng nói của anh ta, cũng như anh ta, dù quyền lực cách mấy, không thể chặn tiếng nói của toàn nhân loại. Nếu ý kiến khác biệt đó là đúng, ngăn chặn ngôn luận đồng nghĩa với việc đánh đổi sự thật lấy sai lầm. Nếu ý kiến khác biệt đó sai, nhân loại vẫn được lợi khi để người đó lên tiếng, vì sự thật sẽ càng được nhận định sáng tỏ hơn, càng gây ấn tượng sống động hơn khi vượt qua thử thách là đối chọi với sai lầm để sáng tỏ.

Con người luôn có thể sai lầm và không ai độc quyền nắm chân lý. Những mưu toan nhằm hạn chế hoặc dập tắt ngôn luận bắt nguồn từ sự tự mãn về sự bất khả chiến bại, rằng một người hoặc một nhóm người có thể biết chắc chắn mọi thứ. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng niềm tin của một thời đại có thể bị thời đại tiếp theo chứng minh là phi lý, cũng như các ý kiến được coi là ý chí tập thể của một thế hệ có thể bị bác bỏ bởi thế hệ sau.

Chính quyền có quyền lực để hạn chế ngôn luận, với lý do bảo vệ người dân khỏi các quan điểm độc hại và sai lầm. Thế nhưng, một quan điểm chính thống là đúng vì trụ vững qua các cuộc tranh cãi và thách thức là một chuyện. Một quan điểm được cho là đúng vì các ý kiến trái chiều bị ngăn chặn lại là chuyện khác. Một chính phủ tự cho mình đúng thì cần phải để quan điểm đó được cọ xát và thử thách với các ý kiến khác nhau trong xã hội. Sự tự do tuyệt đối trong việc phủ nhận và tranh cãi một ý kiến là điều kiện cần để ý kiến đó được cho là đúng và chuyển biến thành hành động. Không còn con đường nào khác để con người – với những khả năng có hạn – có thể đảm bảo họ đúng.

Điều kiện này cũng đúng với các quan điểm cá nhân. Tại sao sự phán xét của một cá nhân xứng đáng được tin cậy? Bởi vì anh ta cởi mở với các phê bình về quan điểm và hành vi của  anh ta. Bởi vì anh ta thực sự lắng nghe tất cả các ý kiến chỉ trích có thể có, để có thể tận dụng được các phần đúng trong các chỉ trích đó, và, khi có dịp, có thể giải nghĩa cho anh ta cũng như cho người khác sự sai lầm trong những gì đã từng là sai lầm. Bởi vì anh ta hiểu rằng rằng cách duy nhất để một người tìm cách tiếp cận sự hiểu biết tổng thể về một chủ đề là lắng nghe tất cả những gì có thể được nói về chủ đề đó bở vì tất cả mọi người, với tất cả các ý kiến đa dạng, và học hỏi mọi phương cách để nhận định về chủ đề đó với tất cả các khả năng của trí óc. Đó là cách duy nhất để một người uyên bác đạt được sự thông thái của mình. Ngay kể cả khi chúng ta không đạt được sự hoàn hảo trong hiểu biết, chúng ta đã làm tất cả trong khả năng giới hạn của con người cho phép, bởi chúng ta đã không chối từ Sự thật bất kỳ một cơ hội nào để tiếp cận với chúng ta.

Đối với những cá nhân có quan điểm khác biệt, thiểu số và không chính thống, đàn áp và dập tắt tiếng nói của họ không chỉ là một điều xấu cho họ, mà còn là một tai họa cho chính chúng ta. Khi ngăn chặn các tiếng nói đổi mới, dù các ý kiến có táo bạo và khó nghe đến mấy, cái giá chúng ta phải trả cho sự “ổn định” tri thức chính là hi sinh sự can đảm về tinh thần của trí tuệ con người, vì rằng chúng ta từ bỏ yếu tố giúp trí tuệ được mở mở mang và mạnh mẽ hơn: “dám” suy xét một cách tự do và táo bạo về các chủ đề lớn lao nhất.

Tự do ngôn luận cần thiết cho sự thật, vì sự thảo luận thường xuyên về một quan điểm được thừa nhận là đúng sẽ giữ cho sự thật đó sống động, chứ không phải là một giáo điều chết. Tước bỏ sự thách thức và bảo vệ sự thật một cách liên tục qua thảo luận là biến một quan điểm đúng thành một định kiến ràng buộc trí óc, một niềm tin không được củng cố bằng lý luận. Đó không phải là cách mà sự thật được nắm bắt bởi một con người có lý trí. Đó không phải là nắm bắt sự thật. Sự thật trong trường hợp chẳng là gì khác ngoài một điều mê tín tình cờ níu bám được vào các ngôn từ diễn đạt một sự thật khác.

Nếu một sự thật không được liên tục thảo luận, thách thức hoặc bảo vệ, không chỉ các căn cứ của sự thật đó mà cả ý nghĩa của nó cũng sẽ bị lãng quên. Bởi vì, có nhiều sự thật mà con người ta chỉ có thể hiểu thấu khi bản thân họ trải nghiệm để cảm nhận được sự thật đó. Nhưng còn hơn thế, sự hiểu cặn kẽ đó sẽ khắc sâu vào tâm trí với ấn tượng mạnh mẽ hơn nếu người đó quen với việc nghe thấy các ý kiến ủng hộ và phản đối của những người đã hiểu quan điểm ấy. Xu hướng chết người của con người là ngừng ngẫm nghĩ về một điều gì đó khi không còn gì nghi ngờ về nó nữa – đó chính là nguyên do của một nửa những sai lầm của của con người.

Có một lý do nữa khiến sự đa dạng trong ngôn luận và quan điểm là một điều có lợi. Thông thường, không phải chỉ có sự va chạm giữa các quan điểm sai và các quan điểm đúng mới góp phần làm sự thật được hiểu sâu hơn và cảm nhận sâu hơn. Trên thực tế, các lý thuyết đối lập với nhau thường chia sẻ với nhau một phần sự thật. Các quan điểm không đồng thuận khác luôn là cần thiết để bổ sung các khía cạnh còn chưa được khám phá của sự thật. Sự thật, trong các vấn đề thực tế nhất của đời sống, phần nhiều là sự dung hòa và tổng hợp các quan điểm đối lập nhau, và rằng rất ít người, dù học vấn cao, có khả năng và sự công minh để điều chỉnh một quan điểm cho đúng đắn hơn. Vì vậy, sự thật chỉ có thể được đạt tới qua một tiến trình đấu tranh giữa những người năng nổ bảo vệ cho các quan điểm khác nhau.

Như vậy, trong quan điểm của Mill, tự do tư tưởng và tự do bày tỏ tư tưởng là cần thiết để tiến gần đến chân lý, vì ai cũng có thể có quan điểm sai lầm, vì sự va chạm giữa các quan điểm trái ngược nhau sẽ chỉ làm cho chân lý, một khi được tìm ra, thuyết phục hơn. Liên tục thảo luận, thách thức, bảo vệ một quan điểm đúng đắn sẽ khiến quan điểm đó là một sự thật sống động được chứng tỏ qua lý trí, và sự thật đó, thay vì chỉ là một giáo điều cứng nhắc được lặp đi lặp lại vì nghĩa vụ, sẽ được mỗi người cảm nhận một cách sâu sắc hơn và tin tưởng hơn.

John Milton – về vấn đề kiểm duyệt và tự do xuất bản

Lý do thường được đưa ra để biện hộ cho kiểm duyệt là nỗi lo về những tư tưởng xấu xa có thể lan rộng. Milton cho rằng, trong trường hợp đó, tất cả những kiến thức và các vấn đề còn được tranh cãi sẽ bị ngăn cấm, các tác phẩm tiên phong nhất sẽ không bao giờ có cơ hội được đọc và thảo luận. Thế nhưng, chính những quan điểm mới và gây tranh cãi đó lại thường xuyên là những quan điểm đúng đắn hơn cả và được lịch sử chứng minh. Thêm vào đó, những điều được cho là xấu có thể được lan rộng bằng hàng ngàn phương cách khác ngoài sách vở. Kiểm duyệt những chủ đề được coi là “xấu” không phải là cách để làm điều xấu ngừng tồn tại trong xã hội. Những người kiểm duyệt sẽ làm thế nào để kiểm soát hàng ngàn hàng vạn những cách thức truyền tải thông tin trong cuộc sống xã hội đa dạng đây? Kiểm duyệt những đề tài “xấu” không làm cho một người xấu trở nên tốt đẹp hơn, cũng như tước đoạt toàn bộ của cải của một người tham lam không vì vậy mà làm họ bớt tham lam hơn.

Nếu những người đầu tiên đón nhận các tác phẩm mới là những người uyên bác và thông thái, và nếu cho rằng họ cũng sẽ là những người đầu tiên truyền bá những sai lầm và xấu xa (nếu có) trong các tác phẩm đó, tại sao chúng ta có thể đặt niềm tin vào những người thực hiện kiểm duyệt, trừ phi chúng ta cho rằng, hoặc họ tự nhận rằng họ là những người thông thái và uyên bác hơn hết thảy những người khác, rằng họ không bao giờ sai lầm và không bao giờ có thể bị mua chuộc? Thế nhưng, Milton tin rằng một người thông thái có thể tìm thấy những giá trị từ những điều tưởng như vô dụng, trong khi những kẻ điên rồ vẫn luôn là điên rồ kể cả khi họ có những cuốn sách hay nhất hoặc chẳng có cuốn sách nào. Vậy tại sao chúng ta tước đoạt từ những người thông thái những điều có lợi cho sự khôn ngoan của họ, trong khi tìm cách ngăn chặn những kẻ điên rồ khỏi những thứ không hề là vật cản khiến họ điên rồ hơn. Việc kiểm duyệt như vậy sẽ chẳng mang lại lợi ích mong muốn. Sự thật tự bản thân nó khéo léo và tài tình hơn bất kỳ phương tiện hoặc phương pháp nào có thể được sử dụng để ngăn chặn nó.

Đặt giả thuyết rằng kiểm duyệt có thể đạt được mục tiêu là ngăn chặn những điều “xấu” lan tràn trong xã hội. Trong trường hợp này, đồng thời với việc ngăn chặn điều “xấu,” kiểm duyệt sẽ phải quét sạch những điều tốt – vì chúng luôn là hai mặt của cùng một vấn đề. Con người học được những điều tốt đẹp từ những trải nghiệm sai lầm. Tạo hóa làm ra mọi vật với các khía cạnh trái ngược nhau là vì như vậy.

Như vậy, trong quan điểm của Milton, kiểm duyệt là một điều phản tự nhiên và điên rồ – vì kiểm duyệt sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu nó mong muốn, hoặc nó đạt được mục tiêu với cái giá phải trả là những điều tốt đẹp trong xã hội cũng sẽ bị kiểm duyệt như một hệ luỵ. Sự thật, cùng tự do, sẽ tài tình và khéo léo vượt qua mọi phương cách âm mưu ngăn chặn nó.

Thanh Thủy
© Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC

 


Phần II – Quyền tự do ngôn luận: Tự do ngôn luận và dân chủ

Trong số báo 40, Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC đã đăng kỳ đầu tiên của loạt bài về Tự do ngôn luận – Tự do ngôn luận và cuộc tìm kiếm sự thật. Trong số này, PHÍA TRƯỚC giới thiệu phần 2 – Tự do ngôn luận và thể chế dân chủ: Tại sao khi nói dân chủ là nói đến tự do ngôn luận; và tại sao một nền “dân chủ” kiềm hãm và kiểm duyệt thì tiếng nói của người dân không thể được gọi là dân chủ thực sự, mà chỉ có thể là một nền dân chủ “giả hiệu”?

Bài viết này giới thiệu quan điểm của Alexander Meiklejohn (1872-1964), một nhà triết học người Mỹ, đồng thời là nhà quản trị đại học và một người cổ vũ cho tự do ngôn luận. Những đoạn trích dẫn dưới đây được lấy ra từ bài phát biểu của ông trong buổi điều trần trước tiểu ban về Quyền Hiến định của Hạ viện Mỹ năm 1955, trong đó ông giải thích ý nghĩa của Tu chính hiến pháp thứ nhất về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo.

Tuy quan điểm được viết trong bối cảnh nước Mỹ, một nền dân chủ lâu đời, nhưng trong thời điểm hiện nay khi các nhân sĩ trí thức đang kêu gọi trả lại thực chất quyền làm chủ của người dân, các triết lý của Meiklejohn có nhiều điều đáng suy ngẫm và áp dụng cho Việt Nam.

Meikeljohn cho rằng điều khoản về tự do ngôn luận trong hiến pháp không chỉ đơn giản là một điều luật thể hiện lý tưởng chung chung hay lý thuyết sáo rỗng. Đó là sự bảo vệ rất cụ thể và thực tế cho quyền tự quyết và tự cai trị của nhân dân – nền tảng cơ bản của một nền dân chủ. Từ phân tích thế nào là dân chủ và tự do chính trị, Meiklejohn giải thích những bảo vệ mà tu chính Hiến pháp thứ nhất đảm bảo cho chủ quyền của nhân dân.

Miekeljohn cho rằng dân chủ là sự “tự kiểm soát” của người dân đối với cuộc sống của họ. Đó là sự tự do lựa chọn và tự chủ trong các quyết định về các công việc chính trị xã hội. Một khi quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp, nó trở thành một cam kết thiêng liêng của công dân một nước trong thực thi tự do chính trị. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử nước Mỹ, vốn giành quyền độc lập tự chủ và thoát khỏi sự cai trị của nền quân chủ Anh quốc. Những thế hệ lập quốc đầu tiên nghi ngờ quyền lực chính trị sẽ xâm lấn quyền tự do và độc lập của họ, do đó là vì sao bản Hiến pháp ra đời để hạn chế quyền lực của Chính phủ liên bang và khẳng định các quyền cơ bản của người dân Mỹ mà các quyền lực chính trị không được xâm phạm.

Trước hết, quyền tự do ngôn luận bảo đảm quyền của nhân dân chống lại những đàn áp chính trị.

“Bản Hiến pháp bảo vệ quyền tự do của nhân dân chống lại sự xâm phạm của cơ quan lập pháp. Quyền tự do đó không phải là ‘quyền tự do cá nhân’ được ban phát cho các công dân từ một hành động của cơ quan Lập pháp. Đó cũng không phải là nguyên tắc tự do ngôn luận trừu tượng bắt nguồn từ một quy luật của Tự nhiên hay của Lý trí.

Quyền tự do đó, một khi được ghi trong Hiến pháp, là biểu đạt của một thoả thuận chính trị cơ bản rằng, nhân dân Mỹ cần cai trị chính họ, như là một phương sách cuối cùng. Để hiểu được ý nghĩa của quyền đó, vì vậy, chúng ta cần phải đào sâu vào những nền tảng cơ bản nhất của tiến trình tự cai trị.

Chúng ta sẽ tìm thấy ở đó sự thật là một khi con người cai trị chính họ, đó chính là họ – chứ không phải ai khác – cần thông qua các phán xét về chính sách công. Và điều đó có nghĩa rằng trong các cuộc thảo luận quần chúng, các ý tưởng thiếu khôn ngoan cũng như khôn ngoan, các ý tưởng nguy hiểm cũng như an toàn, của người Mỹ hay không phải của người Mỹ, tất cả cần phải được lắng nghe. Bất kỳ lúc nào các công dân, người đáng lẽ phải ra quyết định về một vấn đề nào đó, bị từ chối sự tiếp cận với các thông tin, ý kiến, sự nghi ngại, sự thiếu tin tưởng, hoặc các chỉ trích có liên quan đến vấn đề đó, kết quả sẽ là những quyết định thiếu suy nghĩ, thiếu cân bằng cho lợi ích chung.

Tu chính Hiến pháp thứ nhất được làm ra là để chống lại sự cắt xén đó của tiến trình suy nghĩ của cộng đồng. Đó là một điều khoản mà không phải cơ quan lập pháp, không phải cơ quan hành pháp, không phải toà án, cũng không phải cả ba cơ quan đó hành động cùng nhau, có quyền vô hiệu hóa. Chúng ta, những công dân Mỹ, đã cùng nhau quyết định rằng trong chính trị, chúng ta tự do.”

Bác bỏ ý kiến cho rằng quyền tự do ngôn luận đôi khi có thể đe dọa an ninh quốc gia, và rằng khi hai lợi ích này va chạm nhau, chính phủ cần phải cân bằng hai lợi ích đó.

Meiklejohn khẳng định: “Đó là một niềm tin đúng mực và không thiên vị khi cho rằng, trong một xã hội nguyện theo đuổi sự tự cai trị, xét về lâu về dài, sẽ không bao giờ có chuyện an ninh quốc gia bị đặt vào vòng hiểm nguy vì sự tự do của nhân dân. Bất kể những được hay mất tức thì, những nguy hiểm cho sự an toàn của chúng ta bắt nguồn từ đàn áp chính trị bao giờ cũng nghiêm trọng hơn những nguy hiểm cho sự an toàn bắt nguồn từ tự do chính trị. Đàn áp luôn là ngu xuẩn. Tự do luôn là khôn ngoan. Đó là một niềm tin, một niềm tin thử nghiệm, mà chúng ta, người Mỹ, đã cam kết thực hiện.”

Meiklejohn còn viện dẫn lịch sử phương Tây, để nêu bật rằng mỗi khi những nhà cai trị tìm cách biện minh cho sự đàn áp của họ, an ninh công cộng luôn là cái cớ được đưa ra. Nhưng đó là thời quân chủ chuyên chế hay quốc giáo lên ngôi. Trong một đất nước mà người dân tự cai trị và tự quyết định vận mệnh của họ, sự biện minh đó không còn cơ sở để được chấp nhận nữa.

Ngoài chức năng ngăn chặn tiêu cực, quyền tự do ngôn luận còn có mặt tích cực trong việc thúc đẩy các quyền và trách nhiệm chủ động của các công dân tự do. Quyền lực tối cao thuộc về nhân dân; tất cả quyền lực chính trị, dù đã ủy quyền hay không, thuộc về nhân dân. Những người nào nắm quyền lực chính trị, chẳng qua nhân dân đã “cho mượn” quyền lực ấy. Nhân dân được cai trị, một cách trực tiếp hay gián tiếp, bởi chính họ.

Trong quá trình ủy quyền quyền lực cho các ngành lập pháp, hành pháp hay tòa án, nhân dân giữ lại quyền cơ bản nhất của mọi quyền lực: đó là quyền bỏ phiếu, quyền lựa chọn qua hành động chung, những đại biểu được tín nhiệm để giao phó một phần quyền lực. Để nắm trọn ý nghĩa của quyền này, cần hiểu rõ những gì người ta làm khi bỏ phiếu và cách mà họ bỏ phiếu. Để quyết định chọn ứng viên nào, cử tri cần cân nhắc và quyết định các vấn đề chính sách công.

Meiklejohn viết: “Khi chúng ta bỏ phiếu, chúng ta làm nhiều hơn là chỉ chọn một số người để đại diện chúng ta. Chúng ta đồng thời phán xét những biện pháp họ đề xuất xem chúng khôn ngoan hay ngớ ngẩn. Qua đó, chúng ta lên kế hoạch cho phúc lợi quốc gia. Tu chính Hiến pháp thứ nhất bảo vệ chính những hoạt động ‘phán xét’ đó, qua sự đảm bảo sự tự do khỏi can thiệp của lập pháp […]. Sự phán xét các vấn đề chung, dù riêng lẻ hay theo nhóm, phải được tự do, độc lập, và phải là của chính chúng ta. Nó phải được thực hiện bởi chúng ta chứ không phải ai khác.

Thứ hai, chúng ta phải được tự do và độc lập một cách bình đẳng khi bày tỏ, tại điểm bỏ phiếu, các kết luận, niềm tin, mà sự phán xét của chúng ta mang đến. Sự kiểm duyệt suy nghĩ của chúng ta, sự cưỡng ép lá phiếu của chúng ta, bị nghiêm cấm bởi Tu chính Hiến pháp thứ nhất.”

Nhưng, cụ thể hơn nữa, những hoạt động phán xét và cân nhắc mà điều khoản về tự do ngôn luận muốn bảo vệ khỏi kiểm duyệt và cưỡng ép là gì? Những tiến trình nào của tri thức qua đó những con người tự do cai trị một quốc gia, và vì thế cần được bảo vệ khỏi những can thiệp bên ngoài.

Meikeljohn cho rằng có ba hoạt động chính. “Thứ nhất, khi chúng ta cố gắng đi đến một quyết định về những vấn đề ảnh hưởng đến phúc lợi chung, thường thường chúng ta tìm đọc về những suy nghĩ và niềm tin của những người khác có liên quan đến các vấn đề đó. Các văn bản đó thường được tìm thấy trong các tài liệu hoặc báo chí, và trong các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại. Cử tri có thể tìm thấy trong nguồn tri thức bao la của ý tưởng và sự việc, của khoa học và giả tưởng, của thơ và văn, của niềm tin và sự nghi ngại, của nhận thức và mục tiêu, của thông tin và lý luận… những yếu tố sẵn sàng hữu dụng giúp cho tiến trình quyết định của họ.

Thứ hai, chúng ta – những cử tri, thực hiện việc suy nghĩ, không phải chỉ bằng việc đọc và suy ngẫm cá nhân, mà còn qua những buổi thảo luận riêng tư hay công cộng trong những hội đoàn năng động. Chúng ta suy nghĩ cùng nhau cũng như suy nghĩ riêng lẻ. Và trong không gian này, qua hoạt động nhóm cùng những người tâm đầu ý hợp, qua những tranh cãi cùng những tâm trí đối lập, chúng ta lập đảng, thông qua cương lĩnh, tiến hành vận động, tổ chức họp hành, để qua đó những loạt ý tưởng này hay những ý tưởng khác có thể thắng thế, để những biện pháp này hay biện pháp kia có thể bị đánh bại.

Và thứ ba, khi ngày bầu cử cuối cùng đến gần, cử tri, khi đó được coi là đã có quyết định trong đầu, phải biểu đạt quyết định đó qua lá phiếu. Sau tấm rèm của phòng bỏ phiếu, một mình và độc lập, cử tri ra quyết định của anh ta. Anh ta hành động như một đấng chủ quyền, một trong những lãnh đạo của đất nước anh ta. Dù trên thực tế chúng ta có thể sao lãng, nhưng trên lý thuyết, hành động đó chính là tự do của chúng ta.”

Như vậy, quyền tự do ngôn luận là điều kiện cần cho một nền dân chủ được thực thi và quyền làm chủ của người dân được đảm bảo. Nói một cách ngắn gọn, nhân dân trao quyền cho những người lãnh đạo cho dân bầu ra, nhưng vẫn giữ chủ quyền tối cao và tiếng nói cuối cùng. Không thể lấy lý do an ninh quốc gia để hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhân dân, vì những nguy hiểm gây ra bởi sự dập tắt chính kiến còn lớn hơn những nguy hiểm có thể xảy đến khi người dân thực thi quyền tự do.

Quyền tự do ngôn luận là thiêng liêng, vì nó bảo vệ việc tiếp cận những thông tin phong phú và đa chiều, việc hội họp và lập đảng, quá trình bỏ phiếu độc lập và tự do qua người dân thực hiện quyền tự do chính trị và làm chủ của mình. Đó là lý do tại sao một nền dân chủ không có quyền tự do ngôn luận chỉ có thể là một nền dân chủ giả hiệu.

T.T.
© 2010 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC

Tham khảo: Alexander Meiklejohn, Testimomy on the Meaning of the First Amendment presented on November 14, 1955, to the Hennings Senate Sub-Committee on Constitutional Rights, authorized by the Senate Committee on the Judiciary, reprinted in Political Freedom (Meiklejohn, 1960).

Đọc Phần I trong số 40 – Tự do ngôn luận – Tự do ngôn luận và cuộc tìm kiếm sự thật

Đọc thêm …

 

Share