Chìa khóa mở cửa tương lai châu Á

Trong lúc nền kinh tế phương Tây phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, hợp tác khu vực, thương mại và phát triển bên trong Châu Á mạnh mẽ hơn sẽ xác định tương lai của khu vực này.

Trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã trở nên ngày càng hội nhập với phần còn lại của thế giới, sự phát triển nhanh chóng của châu Á chủ yếu do xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, khi huyết mạch kinh tế chính của thế giới hướng về phía đông, hội nhập nội-khu vực tại châu Á vẫn còn tụt hậu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây và suy thoái kinh tế đang nhanh chóng thay đổi động lực đó. Thật vậy, khi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ và EU, vẫn còn khó lường, thị trường khu vực đang trở nên hấp dẫn hơn giữa các nước châu Á, làm bật lên tầm quan trọng của việc tăng cường hội nhập. Mặc dù có những thách thức, xu hướng hội nhập khu vực này sẽ tiếp tục trong năm 2013.

Hiện nay, hơn một nửa thương mại thế giới diễn ra giữa các thành viên của các hiệp định thương mại khu vực, và châu Á cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, ở châu Á, cũng như ở các nơi khác trên thế giới, hội nhập khu vực thường không đồng đều. Trong khi khu vực Đông Nam Á đang củng cố các nỗ lực hội nhập kinh tế của mình thông qua Dự thảo Cộng đồng Kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho năm 2015, với các kế hoạch tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tận dụng sự phát triển của các nước láng giềng (chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ), và tăng tốc các biện pháp tạo thuận lợi thương mại thông qua một chiến lược thị trường duy nhất, Nam Á vẫn còn yếu ớt trong hội nhập thông qua Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) cả về kinh tế và chính trị.

Chủ nghĩa khu vực, chứ không phải là chủ nghĩa bảo hộ, có thể giúp giảm nhẹ sự bất ổn toàn cầu.

Trong thực tế, châu Á có lý do để lạc quan về năng lực của thương mại khu vực nhằm bù đắp cho thị trường yếu ở Mỹ và Liên minh châu Âu và giảm tổn thương trước những cú sốc bên ngoài. Trong năm 2012, các nhà lãnh đạo có viễn kiến trong khu vực Đông Nam Á nói rằng họ hết sức lạc quan về Cộng đồng Kinh tế ASEAN so với tất cả các hiệp định thương mại khu vực khác ở châu Á. Thật vậy, trong khi hợp tác kinh tế Đông Á hầu như vừa mới được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường, thì khu vực Đông Nam Á thông qua ASEAN đã có những bước tiến đáng kể trong việc chính thức hóa khu vực này như là một thị trường và cơ sở sản xuất. Thương mại nội-khu vực và thương mại với Trung Quốc hiện nay chiếm hơn 37% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, tăng từ khoảng 26% vào năm 2000. Đồng thời, thương mại với Mỹ đã giảm từ 20% năm 2000 xuống còn 10% năm 2011, và thương mại với EU từ 15% xuống 11% cùng kỳ.

Mặt khác, tiến bộ đối với mục tiêu của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tới năm 2020 thuộc Liên minh kinh tế Nam Á vẫn còn tương đối chậm. Mặc dù thương mại nội-khu vực ở Nam Á gần đây đã vượt qua con số 2 tỷ đô-la sau khi thực hiện đầy đủ các Hiệp định Tự do Thương mại Nam Á, nó chỉ chiếm có 5% tổng khối lượng thương mại của khu vực, so với  22% của ASEAN và 55% của EU. Tuy nhiên, Nam Á đã có những bước tiến nhằm hội nhập với phần còn lại của châu Á. Ví dụ, trong khi chỉ có 1,3% các vùng miền của Nam Á giao dịch trong tiểu khu vực này, thì có đến 56,3% đi tới Đông Á. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn còn tồn tại đối với thương mại trong tương lai của Nam Á giữa các vùng miền của nó.

Khi hội nhập kinh tế trong khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng để giúp ngăn chặn và vượt qua những cú sốc kinh tế toàn cầu. Trước khi có giải pháp vào phút chót để cứu nước Mỹ khỏi rơi xuống “vách đá tài chính, Ủy ban xã hội Liên Hiệp Quốc về châu Á và Thái Bình Dương đã cảnh báo rằng nếu Mỹ sụp đổ, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho khu vực châu Á, giảm tăng trưởng xuống còn 2,2% ở một số nước. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế của các nước phát triển, các nước châu Á cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của họ và tận dụng tính hiệu quả và nhu cầu ngày càng tăng mà thương mại khu vực mang lại.

Tránh bẫy thu nhập trung bình
Trong khi thương mại là một phần quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực, nó vẫn chỉ là một phần của thách đố. Để tránh “bẫy thu nhập trung bình” đáng sợ khi mà các quốc gia đạt được mức thu nhập nhất định nhưng vẫn còn mắc kẹt ở đó), thì các quốc gia châu Á phải ưu tiên các khía cạnh khác của hội nhập khu vực, bao gồm:
– Đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế và chính trị của châu Á. Để giải quyết vấn đề này, ASEAN gần đây đã thành lập Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN, được tài trợ bởi các quốc gia thành viên cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á và cổ phần tư nhân, huy động các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng.

– Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển kỹ năng. Một công bố gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á nói rằng “mức độ hội nhập kinh tế sâu hơn cần thiết cho sự phát triển bền vững đang kêu gọi hợp tác khu vực về phát triển kỹ năng.” Hợp tác đó có thể mang hình thức của chiến lược “giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề” (TVET) trong khu vực và tiểu khu vực, chẳng hạn như việc tạo ra khuôn khổ xác định chất lượng khu vực và quốc gia và khuyến khích các cam kết quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như sản xuất có tay nghề cao.

– Hợp tác trong đổi mới công nghệ và nghiên cứu. Các quốc gia thành viên ASEAN đã có những bước hướng tới sự hợp tác này thông qua Sáng kiến Krabi, khuyến khích sự hợp tác trong khu vực về nhiều vấn đề khoa học và công nghệ, từ công nghệ xanh và an ninh lương thực, đến khai thác các công nghệ mới như truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội để phát triển và đổi mới.

Giải quyết các thách thức kinh tế xã hội và môi trường

Không nên xem hợp tác trong khu vực châu Á chỉ như một phương tiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đó còn là một cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế xã hội và môi trường rộng lớn hơn mà khu vực này đang phải đối mặt. Ví dụ, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao quyền lực kinh tế cho phụ nữ trong khu vực. Các nữ chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý nữ ở châu Á thường không có quyền tiếp cận các cơ hội kinh doanh ngang bằng với nam giới. Tuy nhiên, thông qua các nhóm như Ủy ban về Phụ nữ của ASEAN và Hội nghị chuyên đề Doanh nghiệp của Nữ giới Nam Á (SAWES), thì họ có thể hình thành mạng lưới khu vực mà tạo cơ sở để họ tiếp cận thông tin và có các tiếp xúc cần thiết để điều hành một doanh nghiệp và bênh vực những thay đổi trong các lãnh vực mà tiềm năng của họ còn bị kiềm chế. (Đọc thêm về sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á cho các mạng lưới này.)

Hợp tác khu vực cũng sẽ được tích hợp với việc quản lý tác động của các vấn đề môi trường, chẳng hạn như sự khan hiếm nước, sản xuất và phân phối, năng lượng, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và phục hồi. Xây dựng và thực hiện các thỏa thuận công bằng và thực tế về chia sẻ và bảo tồn nguồn nước là rất quan trọng, với các hệ thống sông như sông Mekong, sông Indus, và sông Hằng, mà tất cả đều chảy băng qua các biên giới quốc gia và vô cùng cần thiết cho sinh kế của người dân địa phương. Trong mấy năm qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã nếm trải 70% các thảm họa thiên nhiên của thế giới. Điều này đã dẫn đến một sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với các diễn đàn và các chương trình khu vực nhằm đối phó và quản lý thiên tai thông qua việc chia sẻ thông tin, cũng như những nỗ lực lập kế hoạch hợp tác quản lý thiên tai. Quản lý và chia sẻ dữ liệu và sử dụng các công cụ công nghệ thông tin tiên tiến để cung cấp dự báo kịp thời và chính xác hơn, thông tin liên lạc, và phản ứng đối phó cũng được khảo sát trên quy mô khu vực để giảm thiểu tác động của các thiên tai đó.

Mặc dù thương mại và đầu tư nội-khu vực lớn hơn cho thấy một cơ hội hợp lý về “cánh cửa tiếp theo” cho các nền kinh tế châu Á, thì sự chuyển biến này luôn xuất hiện kèm những thách thức. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và EU, Châu Á sẽ cần phải thay đổi cấu trúc của thương mại khu vực này từ chỗ tập trung vào nguyên liệu, hay bán thành phẩm chuyển sang nâng cao chuỗi giá trị. Một thách thức khác sẽ là đảm bảo cho các nước châu Á nhỏ hơn, nghèo hơn cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng tương tác khu vực. Cuối cùng, chủ nghĩa nội-khu vực chỉ có thể thành công nếu các thực thể trong khu vực nuôi dưỡng liên kết và hợp tác với các khu vực khác.

Tuy nhiên, thách thức quan trọng hơn hết vẫn là làm sao cho hợp tác khu vực có lợi cho người dân châu Á. Ý chí chính trị và các cam kết thể chế đối với hội nhập khu vực dựa trên năng lực và lợi ích của cá nhân, xã hội dân sự, và các doanh nghiệp sẽ đi đầu và tạo sức sống cho khái niệm này.

Nguyễn Quang dịch   / trích từ Phía Trước
Véronique Salze-Lozac’h, Nina Merchant-Vega, Katherine Loh, and Sarah Alexander The Diplomat

Véronique Salze-Lozac’h là giám đốc của Quỹ Châu Á về các chương trình phát triển kinh tế có trụ sở tại Bangkok, Nina Merchant-Vega là trợ lý giám đốc, Katherine Loh là cán bộ chương trình cao cấp, và Sarah Alexander là thành viên chương trình của Các chương trình phát triển kinh tế. Bài viết này ban đầu xuất hiện trên Blog “Tại châu Á” của Quỹ Châu Á.

Share