Chính đảng và độc đảng

Vừa qua tôi có dịp đọc bài giới thiệu, ý kiến của bạn sinh viên sư phạm về bài giảng của thầy Nguyễn Tất Thịnh và thấy chúng thật hữu ích.

Tại Việt Nam đã từ lâu, khẩu hiệu chiến lược của Nhà nước là tranh đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và được quy định tại điều 3 Hiến pháp 1992. Về phương diện lý thuyết, đây là mục tiêu chính đáng. Nhưng trên thực tế, thể chế chính trị chủ trương độc đảng. Mà chủ trương độc đảng hiển nhiên đi ngược lại mục tiêu tranh đấu vì xã hội công bằng, dân chủ.  Trong xã hội dân chủ, chính đảng là một trong những tổ chức chính trị cạnh tranh phục vụ toàn dân, không phân biệt thành phần xã hội. 

Như vậy, hiểu đúng thế nào là “Chính đảng” là cần thiết, vì các chính đảng là yếu tố cơ bản trong công cuộc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ…

Cũng như Liên, tôi tâm đắc câu nói của thầy Thịnh: “Một Chính Đảng tiến bộ là phải nhận về mình trách nhiệm cao nhất tôn vinh và đặt các Giá trị Đạo đức Xã hội lên Ngai Vàng để phụng sự, chứ không phải là chiếm Ngai Vàng cho chính nó.” Đúng như vậy.  Một đảng chủ trương độc đảng sẽ dễ dẫn đến việc củng cố “ngai vàng”; và những hành động phi pháp để loại trừ các chính đảng khác là điều tất yếu. Chính như vậy, cần nhiều chính đảng đại diện cho các giá trị xã hội khác nhau để đảm bảo công bằng xã hội.

Bài viết của thầy Thịnh miêu tả đặc điểm của chính đảng trong thể chế độc đảng, hơn là một chính đảng nói chung trong cơ chế hướng tới xã hội công bằng.  Trong bài giảng của thầy, đặc điểm tiếp nhận quyền lực từ nhân dân qua bầu cử công bằng không được đề cập rõ.  Thêm vào đó, tập trung cả ba quyền Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp vào tay một chính đảng sẽ tạo ra tình trạng lạm dụng quyền lực, ngược với nguyên tắc xã hội công bằng, dân chủ.

Tóm lại, dù bài giảng của thầy Nguyễn Tất Thịnh dưới đây phản ánh nhiều về tính chất độc đảng hơn là chính đảng, nhưng có nhiều điểm thầy nêu ra thật đáng chú ý.

Nguyễn Hoàng Lan
Sinh viên Luật
Đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam

Liên (sư phạm) giới thiệu bài:

Thưa các bạn sinh viên

Chúng ta học về vai trò của ĐCSVN (một chính đảng) hơi bị… kỹ quá, nhưng phần cần biết lại chưa được học. Thầy Nguyễn Tất Thịnh đã giúp chúng ta.

Chính đảng: Đó là một đảng làm chính trị, với những tính chất giống như thầy Nguyễn Tất Thịnh nêu ra trong bài dưới đây. Nhưng đó là thời kỳ đảng CSVN mới thành lập (rất cần sự ủng hộ của nhân dân) vì có nhiều chính đảng khác cạnh tranh với “đảng ta”.

Thời kỳ sau đó, khi “đảng ta” cướp được chính quyền, bỗng dưng Lịch Sử lại viết rằng các đảng khác đều là… phản động, do vậy bị “đảng ta” tiêu diệt là… phải. Cũng thời kỳ này, tính chất của đảng không còn giống như trước nữa, ở chỗ: “đảng ta” không còn phải cạnh tranh với đảng nào khác. Xin các bạn tự so sánh.

Tác giả, thầy Nguyễn Tất Thịnh, viết bài này có lẽ thuộc loại “gan cóc tía”. Thầy dạy ở Học viện hành chính quốc gia mà dám viết bài vạch rõ đảng ta là phi nghĩa, với câu: Một Chính Đảng tiến bộ là phải nhận về mình trách nhiệm cao nhất tôn vinh và đặt các Giá trị Đạo đức Xã hội lên Ngai Vàng để phụng sự, chứ không phải là chiếm Ngai Vàng cho chính nó.

Ngay khi mở đầu, thầy đã đề nghị chúng ta tự đối chứng, với câu: “Các Bạn đối chứng tốt hơn khi nhìn nhận Chính Đảng như các bạn lựa chọn và mong muốn. Điều đặc biệt là cho thấy mỗi Công dân đều có cơ hội có thể tham gia vào đó…”

Dưới đây là nguyên văn bài của thầy Thịnh:

Chính Đảng và suy nghĩ của Chúng Ta

Nguyễn Tất Thịnh
Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
12/02/2009

Tại sao tôi viết bài này? Lại viết từng từng mục có vẻ như ‘Sách Giáo Khoa’… Nhưng không phải vậy! Tôi không thể viết lại những điều mà vô vàn sách nghiên cứu về Chính trị đã từng được các học giả trong ngoài nước viết. Tôi muốn một cách rất ngắn gọn, súc tích, Bạn đọc nhận Chân ra một Chính Đảng, với các khía cạnh ( Chính trị / Kinh tế / Xã hội ) đúng đắn và lương thiện như một Xã hội tiến bộ cần phải có, cần phải tôn trọng…

Các Bạn đối chứng tốt hơn khi nhìn nhận Chính Đảng như các bạn lựa chọn và mong muốn. Điều đặc biệt là cho thấy mỗi Công dân đều có cơ hội có thể tham gia vào đó… :

1. Chính Đảng là gì?

a. Tập hợp một nhóm người có cùng chí hướng Xã hội trong một tổ chức pháp nhân được Hiến Pháp thừa nhận

b. Mục tiêu cải cách xã hội, biện pháp chính trị, nguyên tắc Điều lệ là tối cao

c. Mấu chốt là một cách hợp Hiến giành được quyền lực tham gia vào hệ thống quản lý Nhà nước điều hành Quốc gia.

2. Tại sao muốn tham gia lãnh đạo xã hội phải có một Chính Đảng?

a. Vì là Tổ chức phản ánh mức độ cao nhất ý chí nhằm đến các lợi ích xã hội, bởi vậy được xã hội thừa nhận ở mức cao nhất về vai trò và quyền lực Nhà nước

b. Vì phải có Cương lĩnh, làm bệ phóng cho đại biểu của mình có ghế trong Quốc hội, từ đó hợp thức, hiện thực được chính Cương lĩnh đó

c. Nhờ Chính đảng, mới có vị thế chính trị chính thống, tương tác và đối trọng với hệ thống quyền lực hiện hành cao nhất

3. Năm phương pháp thực hành cơ bản của một Chính Đảng

a. Giương lên Sứ Mệnh tiên phong xã hội, như Tôn chỉ xuyên suốt một thời kì lịch sử, đồng thời xây dựng hình ảnh Lãnh tụ mang tính ( Dân tộc + Xã hội + Quốc tế )

b. Đưa ra Chủ thuyết hành động chính trị và trình diện những ‘gương mặt ưu tú nhất’ trong Ban Lãnh đạo có khả năng hiện thực hóa

c. Chương trình hành động cải cách Xã hội từng giai đoạn với tính đúng đắn nhất và với ý chí, trách nhiệm chính trị cao nhất

d. Khẩu hiểu tạo lòng tin với mọi lực lượng Quốc nội và Quốc tế, tập trung sức mạnh của Lập Pháp + Hành Pháp + Tư Pháp để có khả năng hành động tối đa

e. Xây dựng liên minh các tổ chức hợp pháp trong Xã hội trong nhằm chia sẻ, củng cố và làm vững mạnh quyền lực lãnh đạo của Chính Đảng.

Một Chính Đảng tiến bộ là phải nhận về mình trách nhiệm cao nhất tôn vinh và đặt các Giá trị Đạo đức Xã hội lên Ngai Vàng để phụng sự, chứ không phải là chiếm Ngai Vàng cho chính nó

Dưới đây là Tổng kết thêm của tôi về Thuật Chính trị:

 

Và sau đây là ý kiến về bài viết trên (ý kiến của anh Bùi Quốc Lộc):

Định nghĩa của tác giả quá chung chung!

Xin có mấy câu hỏi nhỏ như sau:

1. Nếu một tổ chức không được Hiến pháp thừa nhận, như các Đảng Cộng sản trong thời kỳ hoạt động bí mật trước khi giành được chính quyền, và nếu các đảng đó giành được quyền lực bằng con đường không hợp Hiến, như bằng bạo lực cách mạng, thì phải chăng đó không phải là Chính Đảng theo định nghĩa của tác giả?

Vậy thực ra tác giả muốn nói đến Chính đảng trong hệ thống xã hội nào?

2. “Mục tiêu cải cách xã hội, biện pháp chính trị, nguyên tắc Điều lệ là tối cao” – câu này chưa rõ ý lắm. Rút cục thì cái gì là tối cao: mục tiêu, biện pháp hay Điều lệ? Không lẽ cả ba cái đó đều là tối cao? Nếu mục tiêu là tối cao, thì biện pháp phải phục vụ mục tiêu, bất kể tốt xấu chăng? Còn “biện pháp là tối cao” thì phải hiểu thế nào?

Hình như các đảng Dân chủ, Cộng hòa ở Mỹ không có cái Điều lệ Đảng như ta vẫn hiểu. Đảng viên của họ chỉ đơn giản nói: Tôi theo đảng Cộng hòa, thế là thành đảng viên. Là đảng viên cộng hòa, họ vẫn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ như thường. Khi nào chán, họ lại tuyên bố họ không theo đảng đó nữa. Phải chăng hai đảng đó không phải là Chính đảng?

3. “Một Chính Đảng tiến bộ là phải nhận về mình trách nhiệm cao nhất tôn vinh và đặt các Giá trị Đạo đức Xã hội lên Ngai Vàng để phụng sự” – câu này nghe rất trừu tượng!

Trách nhiệm của Chính đảng chỉ liên quan đến các Giá trị đạo đức xã hội thôi sao? Nghe giống chức năng của các tổ chức tôn giáo, giáo dục quá!

Giá trị đạo đức xã hội là phạm trù mang tính tương đối, lịch sử, và không phải bao giờ cũng có sự đồng thuận trong xã hội. Đảng tư sản cho rằng kinh doanh dựa trên thuê mướn lao động là việc bình thường, là tốt đẹp. Đảng cộng sản cho rằng làm như thế là bóc lột, tuy sự bóc lột này trong những giai đoạn nhất định thì cũng có mặt tiến bộ của nó đối với sự phát triển xã hội. Vậy một chính đảng sẽ phải tôn vinh giá trị đạo đức xã hội nào ở đây?

Một số đảng chấp nhận việc phá thai, ly hôn, coi đó là quyền tự quyết của con người đối với vận mạng mình. Một số đảng khác lại kịch liệt phản đối. Vậy Chính đảng của tác giả sẽ phải cư xử thế nào đây?

Từ quan điểm duy vật lịch sử mà xét, quan niệm về Chính đảng của tác giả xem ra có phần thiếu tính giai cấp, thiếu tính lịch sử. Nó mang hơi hướng của ý thức hệ tư sản. Có thể tôi chưa hiểu thấu đáo ý của tác giả chăng?

Rất mong được tác giả chỉ bảo thêm.

Nguồn: chungta.com.vn

Share