“Chúng ta cần xem lại chính mình”

Là Việt kiều tại châu Âu, sau khi đọc bài của Ngài Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSND Tối cao trên Lao Động: “Sai sót dù nhỏ cũng liên quan đến số phận của con người” và nhất là khi được tin Nghị Viện châu Âu phán quyết Việt nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo và báo chí, thực sự chúng tôi rất buồn.

Vì sao? Vì nhiều năm qua Quốc hội và nhà nước ta đã có rất nhiều sự cố gắng mở rộng dân chủ và cải thiện nâng cao uy tín của Việt nam trên trường quốc tế, đặc biệt là những cố gắng không mệt mỏi của các ngài Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và các ngài chủ tịch Quốc hội Việt nam Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng phán quyết mà Liên hiệp châu Âu đưa ra lúc này chúng tôi cho rằng phía Việt nam chúng ta cũng cần phải bình tâm xem xét lại chính mình. Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, chúng tôi mạnh dạn góp ý mấy vấn đề sau đây:

Thưa các Ngài, chúng ta thử đặt câu hỏi, trong bối cảnh , Quốc hội và nhà nước ta đang kêu gọi toàn dân chống tham nhũng và các khuất tất tại vụ án PMU18 vvà mới đây nổi lên là vụ đòi quan chức Nhật phải hối lộ tại thành phố Hồ Chí Minh v.v… đang làm nhức nhối không những dư luận nhân dân trong cả nước và chấn động dư luận thế giới thì việc đem các nhà báo và Cán bộ điều tra Công an chống tham nhũng ra tòa là một điều thật không khôn ngoan nếu không nói là trái đạo lý.

Lại nữa, đối với người có công tố cáo và chống tham nhũng thì bị buộc tội, xử tù còn với Nguyễn Việt Tiến tham nhũng và sa đọa, mất phẩm chất, thếu trách nhiệm thì lại được xử trắng án. Đó là việc chưa từng thấy trong pháp lý nước nhà xưa và nay và dù có biện minh kiểu gì cũng không thuyết phục được bất kỳ ai.

Chúng tôi cho rằng việc làm bất chấp dư luận và không thèm đếm xỉa đến hậu quả sau này mà nó gây ra của cơ quan Pháp luật Việt nam đã tạo cơ hội lớn để những thế lực xấu có cơ hội bôi nhọ hạ uy tín của Việt nam, làm mất đi sự thiện cảm của các nuớc đã dành cho Việt nam và không ít là làm uy tín của các vị lãnh đạo nhà nước Đảng, Quốc hội, và nhà nước ta.

Chúng ta nếu xem xét sâu vào vấn đề thì thấy ngay cách hành xử của pháp luật về việc đưa hai nhà báo ra xét xử đã có khuất tất lớn không thể biện minh với dư luận trong và ngoài nước rồi.

Chúng tôi là Việt kiều xa tổ quốc lâu năm còn thấy được việc nhà báo đưa tin gần hai năm đăng tin về tham nhũng được toàn Đảng toàn dân rất hoan nghênh, không hề có ai kiện cáo nay tại sai lại đem ra xử tội họ? Không có người kiện sao lại có phiên tòa được?

Lại nữa, báo chí có quyền lấy tin tại cơ quan điều tra thậm chí trong luật báo chí nhà nước ta còn yêu cầu các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cần thiết cho nhà báo để làm sáng tỏ vụ việc mà lại nói là họ lợi dụng quyền tự do v.v…đưa tội danh bắt một đường, xử một tội danh khác đó không phải là chính nghành luật phạm luật sao?

Dù bằng bất kỳ lý do nào, việc bắt nhà báo đã đăng tin vạch trần tội tham nhũng rồi xử tù họ đã là việc làm không khôn khéo nhất là trong lúc Đảng và Quốc hội, nhà nước ta đang có phong trào chống tham nhũng và quốc tế đang nhìn vào quyết tâm này của Việt nam.

Bước đi thụt lùi

Nhà nước ta có cả một hệ thống tư pháp và luật báo chí đã được hoàn thiện, quốc hội đã thông qua, đó là nhà báo có quyền lấy tin để làm sáng tỏ mọi vấn đề trong đó có tham nhũng và tiêu cực. Vậy việc nhà báo lấy tin từ cơ quan điều tra là phạm pháp sao? Vậy quyền của báo chí ở đâu?

Cho nên việc Liên hiệp châu Âu và nhiều nước khi qua vụ án này đã cho nhà nước ta vi phạm luật báo chí và là bước đi thụt lùi đứng trên hình thức bên ngoài là đúng, đâu có sai? Còn cái bên trong chính là do lối hành xử thiếu khôn ngoan và thận trọng của cơ quan pháp luật Việt nam.

Kính thưa các Ngài! Chúng tôi xa đất nước hơn 20 năm nhưng cũng biết, cơ quan báo chí truyền thông nước cũng có cả một hệ thống lãnh đạo từ Đảng, chi bộ và lãnh đạo quản lý bộ thông tin, đến nghiệp đoàn. Vậy tại sao cơ quan pháp luật đã có tinh thần tôn trọng lắng nghe ý kiến của họ chưa? Lại nữa mỗi tờ báo đều có lãnh đạo báo và ban biên tập báo vậy cơ quan chức Pháp luật đã nghe họ góp ý chưa?

Tất nhiên nhà báo cũng như mọi con người, ai cũng có thiếu sót, có cái chưa tròn trĩnh. Chúng ta có thể góp ý chân thành để cho nhà báo làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn đó mới là điều cần làm, hơn là đem ra hành xử một cách không khoa học và phản cảm, để lại hậu quả lớn cho xã hội như đã trình bày ở trên.

Chúng tôi cho rằng, ngày nào các nhà báo vì chống tham nhũng này còn bị ngồi tù thì ngày đó vết đau này còn nhức nhối, không sao yên bình được, các nhà báo và gia đình họ còn khổ đau, vợ chồng con cái xa biệt và dư luận trong ngoài nước còn nhắc lại nhiều lần, không thể quên.

Chúng tôi dù ở xa đất nước vẫn biết báo chí cũng đau đớn cả nhưng không ai nên tiếng mà thôi, còn nhà báo thì nhiều người đã khóc và ứa máu, chúng tôi cũng vậy và rất nhiều cán bộ Đảng viên, cả nhiều vị có cương vị cao cũng bức xúc và đau xót cả.

Là một Việt kiều, cha ông là Đảng viên lão thành của thời đảng Lao động Việt nam và bản thân tôi đã là người lính cụ Hồ, tôi luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và nhà nước ta mà thành tâm góp ý như vậy vì sao?

Vì Việt kiều không chỉ là một bộ phận không thể thiếu được của đất nước và cũng có quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước như đồng bào thân yêu ở trong nước vậy. Vì thế, những lời góp ý trên đây là sự chân thành có trách nhiệm của chúng tôi. Chúng ta phải xem lại chính mình và xin các Ngài hãy xem lại vụ án này càng sớm càng tốt.


Share