CPJ: Việt Nam thuộc diện các nước nhiều rủi ro nhất đối với báo chí 2013

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) trong thông báo hôm qua 06/02/2014, lần đầu tiên đã tính thêm không gian mạng khi công bố danh sách các quốc gia hạn chế tự do báo chí mà tổ chức này gọi là « sự xói mòn sâu sắc về tự do trên internet » – một lãnh vực quan trọng đối với các nhà báo trên toàn thế giới. Việt Nam bị xếp vào danh sách các nước rủi ro nhất cho các nhà báo trong năm 2013, cùng với Ai Cập, Bangladesh, Syria.

Các nước còn lại trong danh sách là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, Liberia, Zambia. Giám đốc điều hành của CPJ, Joel Simon tuyên bố : « Bạo lực và trấn áp tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà báo trên thế giới, nhưng kiểm duyệt trên mạng và giám sát một cách quy mô của chính quyền cũng ngăn trở các luồng thông tin trên toàn cầu ».

Các cơ sở để lập ra danh sách này, trước hết là sự xuống cấp của nhiều chỉ tiêu trong đó có những trường hợp tử vong và kiểm duyệt ở Ai Cập. Kế đến là những quy định mới nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận tại Việt Nam, Nga, Ecuador, Liberia, Zambia ; việc sa thải các nhà báo ở Thổ Nhĩ Kỳ theo lệnh của chính phủ ; bạo lực nhắm vào các phóng viên ở Bangladesh, Nga và tỉ lệ tăng vọt các vụ bắt cóc ở Syria. Cuối cùng là việc đàn áp báo chí trực tuyến tại Nga, Việt Nam và Bangladesh.

Riêng về Việt Nam, theo nhận xét của CPJ, việc trấn áp các blogger bắt đầu từ năm 2008 lại càng tăng lên trong năm 2013. Tại châu Á, Việt Nam đứng hàng thứ hai chỉ sau Trung Quốc về số nhà báo bị giam giữ, trong đó có ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, người được CPJ trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo dẫn ra việc hồi tháng Giêng năm 2013, năm blogger cộng tác thường xuyên với trang tin Dòng Chúa Cứu Thế đã bị lãnh những bản án tù nặng nề cộng với một thời gian quản thúc về các tội danh chống Nhà nước. Đến giữa năm, các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy bị bắt vì các hoạt động viết blog « lạm dụng tự do dân chủ ». Vào tháng 10/2013, Đinh Nhật Uy bị kết án 15 tháng tù treo và một năm quản thúc, còn hai blogger nổi tiếng trên vẫn đang bị giam giữ. Blogger Nguyễn Hoàng Vi bị đánh đập và đối xử thô bạo, còn blogger Lê Anh Hùng bị cưỡng bức đưa vào một cơ sở tâm thần.

Bản thông cáo của CPJ nhận định, do Việt Nam không có báo chí tư nhân, nên không gian mạng là nơi duy nhất để đưa ra các chỉ trích. Các nỗ lực của chính quyền nhằm dập tắt các tiếng nói phê bình được thể hiện trong một nghị định có hiệu lực từ ngày 01/09/2013 nhắm vào các blogger và những người sử dụng mạng xã hội. Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng cấm những người sử dụng internet dẫn liên kết hoặc đưa lại thông tin từ truyền thông quốc tế, hạn chế nội dung mà các công ty nước ngoài được phép đưa lên trang web tại Việt Nam.

Đội ngũ biên tập trang Dân Làm Báo – mà các thành viên đều ẩn danh, trong một email gởi đến CPJ cho biết tất cả đều lo sợ bị bắt giam, và mỗi blogger tại Việt Nam đều phải đối mặt với mối đe dọa này từng ngày, từng giờ. Theo họ, đây là biện pháp được sử dụng nhằm ngăn chận mạng lưới blogger phát triển.

Thụy My, theo RFI

Share