Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba

Trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, cách mạng Việt Nam có vẻ là ngọn cờ đầu không chỉ của cuộc đấu tranh giải phóng và chống thực dân ở Thế giới thứ Ba, mà còn là biểu tượng tiên phong của chủ nghĩa quốc tế cộng sản khi chống lại một “đế quốc” và chính thể “tư sản suy đồi”.

Giành được ủng hộ mạnh mẽ của cả phe cộng sản lẫn lực lượng tiến bộ trong Phong trào Không liên kết và cả ở phương Tây, sự sụp đổ của Sài Gòn dường như là lý do để cả thế giới ăn mừng.

Nhưng, 5 năm sau, Cộng hòa XHCN Việt Nam đã dính vào cuộc chiến với Campuchia và chịu các đợt tấn công của Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam đủ sức lật đổ phe Khmer Đỏ tàn ác và đẩy lùi cuộc tấn công từ phương Bắc, Hà Nội bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì những hoạt động quân sự. Phương Tây, cũng như ASEAN, đã đi theo Trung Quốc để cáo buộc Việt Nam là vệ tinh của Liên Xô, nuôi dưỡng xu hướng bành trướng. Kết quả Việt Nam rơi vào hố sâu chính trị sau 1979, và mãi đến 10 năm sau mới bước ra khỏi tình trạng cô lập.

Để hiểu được “sự lên voi xuống chó” của Việt Nam, ta cần đặt cuộc chiến Đông Dương lần Ba trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và quan hệ giữa các nước châu Á cuối thập niên 1970.

Trong thập niên này, các liên minh thay đổi đã tác động mạnh tới diện mạo toàn cầu và khu vực. Bắt đầu bằng chính sách hòa hoãn với Liên Xô và làm thân với Trung Quốc của Nixon, và cùng với chính sách mở rộng chiến tranh sang Campuchia đầu thập niên 1970, quan hệ của Hà Nội với các đồng minh gặp trắc trở. Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu cạnh tranh, thay vì hợp tác, tại Đông Dương.

Dù vậy, nhu cầu đánh Mỹ và các đồng minh trong vùng khiến Hà Nội khi đó phải duy trì hữu hảo với Bắc Kinh và Moscow.

Nhưng sau 1975, không phải mọi vết thương đều lành. Đặc biệt, quan hệ của Việt Nam với các đồng minh Á châu tiếp tục xấu đi vào thời điểm Hà Nội cần bạn nhất. Trước khó khăn chồng chất do sự chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình, Việt Nam không thể chỉ dựa vào Liên Xô mà tìm viện trợ tái xây dựng của Mỹ, nhất là khi hỗ trợ của Trung Quốc giảm bớt. Trong lúc Việt Nam đối diện các vấn đề nội ngoại chồng chất, Khmer Đỏ thôi che dấu tình cảm bài Việt Nam để theo đuổi chính sách thù nghịch cùng lúc với chiến dịch diệt chủng trong nước sau 1975

Lợi dụng quan hệ Việt – Trung xấu đi, chính quyền Pol Pot giáng cú đấm cuối cùng vào liên minh cộng sản Á châu. Trung Quốc cũng lợi dụng mâu thuẫn Xô – Mỹ và lo ngại về sự bành trướng của Liên Xô ở thế giới thứ Ba, để thu phục ủng hộ của phương Tây trong việc trừng phạt Việt Nam. Khác với cuộc chiến chống Mỹ, bộ máy ngoại giao Hà Nội không đấu được với sự công kích của đối phương và sau 1979, Việt Nam hứng chịu sự cô lập quốc tế.

Từ chiến tranh tới hòa bình (1975-77)

Mặc dù giao tranh giữa Mỹ và Việt Nam cộng sản kết thúc năm 1973 và chấm dứt hoàn toàn năm 1975, Washington và Hà Nội tiếp tục cuộc chiến ngoại giao.

Chính quyền Ford đóng băng tài sản Nam Việt Nam ở Mỹ và sau đó áp đặt cấm vận ngày 16.5.1975. Hà Nội thì muốn bình thường hóa thật nhanh chóng với Washington với điều kiện Mỹ đồng ý viện trợ kinh tế như đã cam kết trong Điều khoản 21 của Hiệp định Hòa bình Paris.

Khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nhượng bộ, lấy lý do Việt Nam vi phạm hiệp định từ 1973 tới 1975, Hà Nội dùng vũ khí còn lại trước Washington: bác bỏ quyền tìm kiếm 2000 lính Mỹ mất tích (MIA).

Mặc dù Việt Nam không muốn cắt đứt trao đổi ngoại giao với Washington, họ vẫn bám chặt đòi hỏi viện trợ kinh tế làm điều kiện bình thường hóa và giải quyết vấn đề MIA. Trong thời gian sắp tới bầu cử tổng thống 1976, Ford gia tăng ngôn từ thù địch với Hà Nội, nhấn chìm quan hệ song phương trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống.

Hà Nội quay sang các đồng minh cộng sản. Mùa thu 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn đi Trung Quốc và Liên Xô. Trong khi Trung Quốc la rầy Lê Duẩn vì chính sách ngoại giao, Nga cam kết viện trợ lâu dài cho Việt Nam.

Sau khi giành chính quyền, Pol Pot đuổi dân Việt Nam ra khỏi Campuchia và không chịu thương lượng các vấn đề biên giới với Việt Nam. Vào năm 1976, mặc dù Trung Quốc thân thiện hơn với Campuchia, quan hệ Việt – Trung cũng chưa hoàn toàn đổ vỡ vì Bắc Kinh vẫn thúc giục Campuchia tìm giải pháp ngoại giao về vấn đề biên giới với Việt Nam. Tạm gác khao khát giành lại lãnh thổ Khmer Krom ở miền Nam Việt Nam, Khmer Đỏ tiến hành cuộc cách mạng mà rồi sẽ giết chết hàng triệu người Campuchia.

Từ hòa bình sang chiến tranh (1977-79)

Nhưng sang năm 1977, chính quyền Pol Pot hướng ra bên ngoài và như thế, đã thay đổi không chỉ bức tranh khu vực mà cả quan hệ quốc tế thời cuối Chiến tranh Lạnh.

Tháng Tư 1977, quân Khmer Đỏ đánh sáu tỉnh biên giới Việt Nam. Bắc Kinh cũng gia tăng viện trợ quân sự và ủng hộ chính trị cho Khmer Đỏ. Đáp lại, Việt Nam bắt đầu thắt chặt kiểm soát với người Hoa trong nước, khuyến khích người Hoa nhập tịch và chuyển họ ra khỏi các vùng biên giới. Khi Khmer Đỏ tấn công lần nữa vào tháng Chín, Hà Nội không còn thái độ hòa hoãn mà phản công vào ngày 25.12. Sáu ngày sau, Campuchia từ chối đàm phán và xóa bỏ quan hệ với Việt Nam.

Trong năm 1977, quan hệ với chính quyền Carter có vẻ khấp khởi hy vọng. Phái đoàn Mỹ đầu tiên của Leonard Woodcock đến Việt Nam. Mặc dù Woodcock thuyết phục được Hà Nội hợp tác đầy đủ về vấn đề MIA, nhưng Việt Nam vẫn đòi có cam kết viện trợ trước khi bình thường hóa.


Đặng Tiểu Bình được Tổng thống Mỹ Carter đón tiếp tại Washington đầu năm 1979

Hà Nội tưởng rằng việc công bố cam kết viện trợ bí mật của Nixon sẽ làm mạnh thêm đòi hỏi, nhưng nó lại chỉ càng làm dư luận Mỹ giận dữ. Mặc dù Quốc hội Mỹ không thừa nhận lời hứa của Nixon và cấm mọi viện trợ cho Việt Nam, chính quyền Carter vẫn dự định có thêm hội đàm với Hà Nội đầu năm 1978.

Nhưng năm 1978 chứng kiến sự chấm dứt ngoại giao và chiến tranh mở màn trong lúc các sự kiện khu vực và quốc tế vượt ra ngoài kiểm soát của Hà Nội.

Tháng Hai 1978, lãnh đạo Việt Nam quyết định bảo trợ cho một cuộc tổng nổi dậy ở Campuchia để lật đổ Pol Pot trong khi quân của họ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới phía bắc.

Sang mùa xuân năm ấy, người Hoa bắt đầu chạy khỏi các thành phố và thị trấn của Việt Nam. Ngày 28.6, Việt Nam gia nhập Comecon nhưng vẫn hy vọng có quan hệ tốt hơn với Mỹ.

Không may cho Hà Nội, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Zbigniew Brzezinski, chiến thắng trong cuộc đấu với Ngoại trưởng Cyrus Vance trong câu hỏi bình thường hóa với Việt Nam. Carter đồng ý với Brzezinski rằng bình thường hóa với Hà Nội sẽ gây tổn hại cho quan hệ với Bắc Kinh.

Ngày 3.11, Hà Nội ký hiệp định tương trợ quốc phòng với Moscow (nhắm trực tiếp vào Trung Quốc) và lên kế hoạch tiến vào Campuchia. Ngày 25.12, quân Việt Nam, với hỗ trợ của Liên Xô, vượt đường biên giới phía tây.

Quân Việt Nam giải phóng Phnom Penh ngày 7 tháng Giêng 1979, lật đổ chính thể Khmer Đỏ tàn ác. Nhưng những trận đánh lớn hơn của Hà Nội còn chưa đến.

Vào giữa tháng Hai, Bắc Kinh hiệp lực với các lãnh đạo Asean và Mỹ để trừng phạt và cô lập Việt Nam vì sự xâm lấn và chiếm Campuchia. Mặc dù bác bỏ mọi can dự, Washington bật đèn xanh cho Bắc Kinh tấn công Việt Nam.

Ngày 17.2, Trung Quốc bắt đầu “trừng phạt”, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được mục tiêu buộc Việt Nam đưa quân từ Campuchia về biên giới phía bắc.

Dẫu vậy Bắc Kinh thành công khi cứu tàn quân Khmer Đỏ, lực lượng được cho tá túc ở Thái Lan và cũng thành công trong mô tả Hà Nội như một nước hiếu chiến trên trường quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng
Đại học Kentucky, Hoa Kỳ
Nguồn: BBC

***

Từ ‘môi hở răng lạnh’ đến ‘kẻ thù truyền kiếp’

“Ai ơi chớ vội làm giầu,
Thằng Tây nó tếch, thằng Tầu nó sang”

Câu ca dao đã in dấu trong trí nhớ của tôi từ khi tôi mới biết đọc biết viết.

Phải chăng, đây như lời di chúc của các thế hệ cha ông để lại, dặn dò chúng ta, rằng đất nước Việt Nam luôn bị nhòm ngó bởi người hàng xóm phương Bắc.

Lời dặn dò của cha ông chúng ta đã bị lãng quên trong một giai đoạn dài của lịch sử. Cuộc chiến tranh giành độc lập, rồi cuộc chiến tranh ý thức hệ đã phân chia đất nước, chia rẽ dân tộc khiến chúng ta coi nhẹ một hiểm họa gần kề, luôn rình rập đất nước ta. Hiểm họa đó là ý đồ bành trướng không ngừng của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc.

Chúng ta không phải là những tín đồ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chúng ta không “cầy xới” quá khứ để gây sâu thêm hận thù giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng đường lối ngoại giao của những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã và đang tiến hành đối với Trung Quốc làm những người Việt Nam yêu nước công phẫn và lo ngại thật sự.

Môi hở răng lạnh

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành đôc lập, Việt Nam phải tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc là điều cần thiết. Việc các nước láng giềng phải nhờ cậy nhau khi bị ngoại xâm cũng là việc bình thường. Nhưng những người lãnh đạo ĐCSVN đã bỏ qua những nguyên tắc ngoại giao của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

“Mối tình hữu nghị Việt Hoa,
Vừa là đồng chí, vừa là anh em”

Từ năm 1950, những người “đồng chí”, những người “anh em” Trung Quốc đã hiện diện trong các phái đoàn cố vấn chính trị, quân sự. Họ xâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống chính trị, quân sự, ngoại giao… của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc, các chiến dịch như chỉnh huấn trong quân đội, chỉnh phong trong cán bộ, văn nghệ sỹ, giảm tô, cải cách ruộng đất ở nông thôn đã được tiến hành. Hậu quả là nhiều cán bộ quân đội ưu tú bị loại bỏ, nhiều văn nghệ sỹ tài năng bị triệt hại. Ở nông thôn, cả một tầng lớp nông dân biết tổ chức làm ăn trên đồng ruộng, bị quy một cách oan uổng là phú nông, địa chủ. Họ bị đấu tố, tù đầy, bức hại, bị tịch thu tài sản, ruộng đất, làm cho nền nông nghiệp của miền Bắc suy giảm nghiêm trọng.

Về lãnh thổ, những người “anh em” Trung Quốc đã dời các cột mốc, sửa đường biên giới đã được ký kết giữa Pháp và nhà Thanh năm 1887. Từ năm1949 đến 1979, Trung Quốc đã lấn chiếm tại 90 điểm trên đường biên giới giữa hai nước với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau. Từ xâm canh, xâm cư đến xâm lấn đất đai, sửa các đường biên giới và in các bản đồ mới, v.v…

Điều hết sức lạ lùng là trước những hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc, những người lãnh đạo ĐCSVN không hề phản đối, không hề thông báo cho người dân biết. Chỉ đến khi mối quan hệ “như môi với răng” đổ vỡ thì cay đắng thay, chúng ta mới được biết đến nó qua các tài liệu do chính nhà nước cộng sản Việt Nam công bố.

Kẻ thù truyền kiếp

Tháng 02/1979, Hà Nội trong tiết xuân, trời mưa phùn và se lạnh. Người dân Hà Nội vừa đón một cái tết với các nhu yếu phẩm từ gạo, thịt, đường đến bột ngọt, nước mắm, chất đốt… đều được phân phối theo tem phiếu, ít ỏi và hiếm hoi. Bù lại những thiếu thốn về vật chất, Hà Nội được mùa hoa. Các vườn hoa của làng hoa Ngọc Hà như những tấm thảm đầy màu sắc của hoa cánh bướm, hoa cúc, hoa lay dơn, hoa hồng, hoa huệ, hoa thược dược, v.v… Trong các gia đình, người Hà Nội còn đang tận hưởng không khí tết và cảm nhận mùa xuân qua những cành đào Nhật Tân dáng thanh tao với những cánh hoa to, sắc hồng nở đều, báo hiệu một mùa xuân mới đã về.

23h ngày 17/02, kết thúc bản tin cuối cùng trong ngày, đài truyền hình Việt Nam đưa tin: quân đội Trung Quốc đã đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam. Người dân Hà Nội và miền Bắc hoàn toàn bất ngờ và kinh ngạc. Đã từ nhiều năm nay trong đầu óc họ hình như đã được thấm nhuần sâu đậm qua tuyên truyền của nhà nước: “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị thắm như vừng đông”. Họ không sao lý giải được tại sao người anh em Trung Quốc lại tấn công chúng ta.

Chúng tôi hàng ngày vẫn đi xe đạp đến cơ quan, ngồi đó nhưng chẳng ai nghĩ đến công việc. Ngoài thông báo tóm tắt đã phát trên truyền hình, nhà nước không hề thông báo sự thật những diễn biến của cuộc chiến. Nhưng những tin tức “ngoài luồng” làm ai nấy đều lo lắng. Quân Trung Quốc đã tiến tới thị xã Lạng Sơn, đi đến đâu chúng bắn giết cả đàn bà trẻ con, hủy diệt làng bản, phá hủy các công trình dân sự như đường xá, cầu cống, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, v.v…

Chúng tôi ngồi phỏng tính từng ngày xem với chiến thuật “biển người” thì bao lâu nữa quân Trung Quốc sẽ đặt chân đến Hà Nội. Tin tức từ những người dân từ các tỉnh biên giới chạy về: quân đội Việt Nam bị quân Trung Quốc áp đảo về số lượng đã tháo lui ở nhiều tuyến trên mặt trận. Không khí chuẩn bị chiến tranh bao trùm khắp Hà Nội. Cán bộ các cơ quan, nhân dân các khu phố thay nhau đi đào phòng tuyến Sông Cầu Bắc Ninh để bảo vệ tuyến ngoài của Hà Nội.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn, trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc họp phổ biến nội bộ, các cơ quan tuyên huấn của đảng và chính quyền đã quay ngoắt 180 độ, tuyên bố: “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam!”.

Kẻ thù truyền kiếp? Đã mấy chục năm nay, ngay cả trước khi xẩy ra cuộc chiến không lâu, những người lãnh đạo ĐCSVN luôn dành cho mối quan hệ láng giềng với người anh em phương Bắc những lời lẽ tốt đẹp nhất: “khăng khít như môi với răng; môi hở răng lạnh”, “núi liền núi, sông liền sông”, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”… Bây giờ đột nhiên trở thành kẻ thù truyền kiếp.

Sau gần một tháng “dậy cho Việt Nam một bài học”, ngày 15/03/1979, quân Trung Quốc rút vế nước, để lại những thị trấn, bản làng hoang tàn, tang tóc.

Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung là một bài học mà cả “người dậy” lẫn “người học” đều muốn cho vào quên lãng. Báo chí thế giới đã gọi một cách mỉa mai và sát thực, đó là cưộc chiến tranh của những người “đồng chí thù địch, anh em thù địch”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại những vùng quân Trung Quốc tràn qua thuộc 6 tỉnh biên giới: 4 thị xã, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện và bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp hầm mỏ, 80.000 ha hoa màu bị phá hủy hoàn toàn. 1,7 triệu người dân bị mất nhà cửa và các phương tiện mưu sinh, 60.000 người chết và bị thương.

Nhìn những thống kê về tội ác do quân đội Trung Quốc gây ra cho nhân dân ta chỉ với thời gian chưa đầy một tháng, chúng ta kinh ngạc và căm phẫn. Tôi cứ ước mong một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có một chính phủ “của dân, do dân, vì dân”. Chính phủ này sẽ đòi hỏi những người lãnh đạo Trung Quốc phải xin lỗi nhân dân ta và đền bù các thiệt hại do quân đội Trung Quốc gây ra, cũng như Trung Quốc đã đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải xin lỗi nhân dân Trung Quốc về những tội ác mà quân đội Nhật Bản đã gây ra cho nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung cẩn phải được tổng kết đầy đủ và công khai về những thiệt hại về người và của, những nguyên nhân của cuộc chiến, rút ra bài học lịch sử cho mối quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc.

Chúng ta sẽ xây dựng một tượng đài để vinh danh và tưởng nhớ các chiến sỹ và đồng bào đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ và biên giới của Tổ quốc Việt Nam?

Khuất tất, nhu nhược

Chúng ta hãy nghe ông Lê Công Phụng, tân đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên thứ trưởng bộ ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán về biên giới và biển với Trung Quốc trả lời trong cuộc họp báo tại Washington ngày 23/01/2008: “Tất cả những người trong đoàn đàm phán đều nhớ lời của vua Lê Thánh Tông đã được lịch sử ghi lại là không ai được quyền nhượng một tấc đất, một cộng cỏ cho ngoại bang… Cuộc đàm phán đã đưa đến kết quả là hai bên phải thương nhượng nhau khoảng 230 km2 và cuối cùng Việt Nam được 113 km2, Trung Quốc được117 km2”.

113/117, ông như một học sinh giải bài toán chỉ đưa ra đáp số mà không có diễn giải, chứng minh. Gíá như ông treo một bản đồ đường biên giới Việt-Trung đã được ký kết tháng 12/1999 bên cạnh bản đồ đường biên giới Việt -Trung theo hiệp định năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh, rồi minh họa, chỉ dẫn và so sánh. Lúc đó lời cam kết của ông mới có sức thuyết phục. Lúc đó mới chứng tỏ ông là người nói có sách, mách có chứng.

Cho đến nay, từ người dân cho đến các đại biểu quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước) chưa ai được đọc các dữ liệu cùng bản đồ kèm theo của hiệp định biên giới năm 1999 và hiệp định vịnh Bắc Bộ năm 2000.

Vậy câu hỏi được đặt ra: Vì sao chính phủ Việt Nam không công khai công bố hai hiêp định đã nói ở trên cùng các bàn đồ kèm theo? Phải chăng có những điều gì đó khuất tất trong quá trình đàm phán và ký kết?

Cũng thật may mắn, các dữ liệu cùng các bản đồ kèm theo của hiệp định năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh được lưu giữ đầy đủ trong các thư viện của Pháp tại Paris. Những trí thức Việt Nam ở hải ngoại thiết tha với đất nước, đã bỏ công sức tìm tòi, tra cứu, đưa ra những số liệu cụ thể cùng bản đồ đường biên giới kèm theo hiệp định này.

Chúng ta không có bản đồ đường biên giới của hiệp định Việt-Trung năm 1999 để so sánh. Nhưng có hai địa danh có thể kiểm chứng được, đó là khu vực Ải Nam Quan thuộc tỉnh Lạng Sơn và thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng.

Tại Ải Nam Quan, cột mốc theo hiệp định năm 1887 cách cổng Ải Nam Quan 100m về phía nam (phía Việt Nam), nay đã bị dời sâu về phía Việt Nam từ 300 đến 400m .Tài liệu do chính phủ Việt Nam xuất bản năm 1979 cũng thừa nhận Trung Quốc đã dời sâu cột mốc này về phía Việt Nam hơn 100m.

Cột mốc số 53 tại khu vực thác Bản Giốc trước đây được ghi rõ là cách thác Bản Giốc 2km .

Như vậy từ trước đến nay thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Viêt Nam. Hiện nay chính ông Lê Công Phụng thừa nhận đường biên giới mới đã cắt ngang thác Bản Giốc.

Vậy chúng ta có thể tin được Việt Nam chỉ thương nhượng cho Trung Quốc 4km2 trên cả chiều dài 700km đường biên giới?

Liệu chúng ta có thể tin được những người lãnh đạo ĐCSVN đã không nhượng cho Trung Quốc dù chỉ là “một tấc đất, một cộng cỏ”?

Trung Quốc đã công khai lộ liễu trong chủ trương bành trướng lãnh hải. Tháng 11/2007 Quốc vụ viện Trung Quốc ra quyết định thành lập huyện Tam Sa, trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Họ không chỉ nhìn Biển Đông với vị trí quan trọng về địa lý cùng những đảo san hô và khu vực đánh cá có sản lượng cao, họ nhìn Biển Đông với trữ lượng dầu hỏa khổng lồ ở dưới đáy biển, trong tương lai không xa nó sẽ cung cấp cho một nước Trung Quốc đói năng lượng trầm trọng, đồng thời cũng là vị trí có tầm quan trọng trong việc kiểm soát đường biển trên Thái Bình Dương.

Trước hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc, học sinh, sinh viên, văn nghệ sỹ… tại Hà Nội và Sài Gòn đã xuống đường biểu tình phản đối và thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc. Không ai có thể phủ nhận được đây là biểu hiện cao cả của lòng yêu nước, là sự phẫn uất và trăn trở tự nhiên của mỗi con dân nước Việt khi nhìn thấy lãnh thổ, cơ đồ dân tộc của cha ông để lại từ mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đang bị ngoại bang xâm chiếm.

Thế nhưng, phản ứng của của chính quyền thật khó hiểu. Các lực lượng an ninh đã ngăn chặn, giải tán các cuộc biểu tình, bắt giam và truy bức những người tham gia, gán cho họ những tội danh như: tụ tập trái phép, thực hiện âm mưu, xúi dục của các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài, v.v…

Bộ ngoại giao đã phản ứng chậm chạp và yếu ớt. Người phát ngôn bộ ngoại giao chỉ lặp đi lặp lại: “Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam…”.

Viết đến đây, tôi nhớ lại những hình ảnh trên vô tuyến truyền hình Việt Nam trong những năm từ 1978 đến 1989. Trong các cuộc họp báo hoặc các cuộc găp gỡ các quan chức ngoại giao nước ngoài, khi được hỏi: “Tại sao quân đội Việt Nam lại chiếm đóng trái phép nước láng giềng Campuchia?”. Từ người phát ngôn đến các thứ trưởng, bộ trưởng ngoại giao… đều trả lời giống nhau. Họ như những người máy được cài đặt cùng một chương trình, với câu trả lời đã soạn sẵn: “Việt Nam không chiếm đóng Campuchia, quân đội Việt Nam đóng ở đó là do yêu cầu của nhân dân Campuchia”.

Lúc bấy giờ, các quốc gia dân chủ và giầu có phương tây không còn phương sách nào khác là cấm vận kinh tế, tẩy chay về ngoại giao. Việt Nam trở thành một quốc gia bị cô lập với thế giới, kinh tế suy sụp. Một đất nước với sáu bẩy chục triệu dân, đói khổ và thiếu thốn mọi thứ. Cho đến khi sức dân gần như cạn kiệt, cùng với sức ép mạnh mẽ của thế giới, những người lãnh đạo ĐCSVN không còn con đường nào khác là rút quân đội chiếm đóng Campuchia về nước.

Giờ đây để ngụy biện cho sự nhu nhược của mình, các quan chức nhà nước giải thích rằng: “Mít tinh, biểu tình chẳng giải quyết được gì, ngoại giao là việc của nhà nước”.

Sông núi, đất nước ,biển và hải đảo là tài sản thiêng liêng nhất của cả dân tộc, mọi công dân có quyền biểu tình, mít tinh để biểu lộ quyết tâm chống xâm lươc và bảo vệ tải sản thiêng liêng đó. Ngày nay cả thế giới sử dụng mít tinh, biểu tình ôn hoà để thay thế cho đấu tranh bằng bạo lực. Đối với dân tộc Việt Nam chúng ta, nó còn có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước trong lớp trẻ, để họ sẵn sàng bảo vệ đất nước khi có kẻ thù xâm lược. Nhân dân Việt Nam đã hơn một lần tin tưởng vào tài năng ngoại giao của Đảng, chính họ là nạn nhân của sự cả tin và phó thác số phận của mình cho đảng.

Kết luận

Hơn 900 năm trước đây, bên bờ sông Như Nguyệt, giữa đêm khuya vang lên giọng sang sảng của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền bờ cõi Nam Việt và cảnh báo giặc Tống xâm lược:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tạm dịch:

Núi sông Nam có vua Nam Việt
Trên sổ trời riêng biệt phân minh
Sao ngươi xâm phạm, nghịch binh
Chờ coi ngươi sẽ tan thành hư không

Lời thơ của Lý Thường Kiệt đã vang vọng khắp non sông, khích lệ quân dân ta đánh tan quân Tống xâm lược, giữ nguyên bờ cõi Nam Việt.

Trong lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, dân tộc ta còn biết bao anh hùng như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyên Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung …, với lòng yêu nước nồng nàn và trí thông minh tuyệt vời, không sợ người hàng xóm phương Bắc đất rộng người đông, đã huy động được sức mạnh dân tộc, đánh bại các đạo quân xâm lược của họ.

Ngày nay, nguy cơ xâm lược từ phương Bắc vẫn còn đó. Còn nguy hiểm hơn khi Trung Quốc hiện vẫn là một quốc gia độc tài toàn trị, quyền bính nằm trong tay một vài kẻ đứng đầu đảng cộng sản, với tư tưởng bành trướng và tham vọng trở thành siêu cường của thế giới, Trường Sa và Hoàng Sa chắc chưa phải là đích cuối cùng của họ.

Với một đường lối ngoại giao nhu nhược;

Với một nền kinh tế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới;

Với một quân đội lo “làm ăn kinh tế” giỏi hơn “làm quân sự”;

Chúng ta sẽ làm gì, nếu một mai ở người hàng xóm phương Bắc xuất hiện một “Đặng Tiểu Bình bis”, với một lý do nào đó, muốn “dậy cho Việt Nam bài học thứ hai”, không phải bằng chiến thuật “biển người” năm xưa, mà bằng những vũ khí hiện đại, một quân đội tinh nhuệ của một siêu cường?

Câu trả lời đang bỏ ngỏ dành cho những người lãnh đạo ĐCSVN.

Và tất nhiên, là tiếng chuông báo động cho tất cả những người Việt yêu nước, thương nòi và những ai chỉ vì miếng ăn đút miệng hay sợ hãi mà thờ ơ và vô trách nhiệm trước sự đe doạ đối với Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Đinh Minh Đạo
Nguồn: ĐCV

Warszawa, Ba Lan, 04/2008

 

Share