Đảng Dân chủ Việt Nam: Bản đề xuất khung soạn thảo hiến pháp của toàn dân (IV)

Phần 4: Cơ Chế Kiểm Soát Và Đối Trọng Quyền Lực Nhà Nước: Tam Quyền Phân Lập – Cơ Chế Kiếm Soát Và Cân Bằng Quyền Lực Ở Trung Ương – Ngành Hành Pháp

Ngành Hành pháp chịu trách nhiệm thi hành pháp luật, điều hành các công việc quốc gia thường nhật, và định hướng chính sách kinh tế, ngoại giao, quốc phòng của đất nước. Tổ chức ngành Hành pháp là một phần quan trọng và phức tạp trong việc soạn thảo Hiến pháp. Chúng ta trông đợi cơ quan hành pháp nhiều phẩm chất và mục tiêu không phải lúc nào cũng dễ dàng dung hòa.

Trước hết, chúng ta muốn quyền lực của ngành hành pháp bị hạn chế – ở Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ đã tập trung quyền lực vào Thủ tướng – người đứng đầu ngành hành pháp, và trên hết là Bộ chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì vậy hạn chế quyền lực của ngành hành pháp là một mục tiêu của Hiến pháp. Song, mặt khác, chúng ta cũng cần tạo điều kiện cho ngành Hành pháp hoạt động hiệu quả, nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề kinh tế, đối ngoại, quốc phòng.

Chúng ta mong muốn ngành hành pháp minh bạch và gần gũi với người dân, bằng cách tạo ra một cơ chế chính trị cạnh tranh trong đó người dân có tiếng nói quyết định trong việc chọn ra những người lãnh đạo đất nước. Một cơ chế chính trị trong đó tiếng nói của người dân tạo sự khác biệt sẽ thúc đẩy họ tham gia tích cực hơn vào đời sống xã hội, chính trị cũng như tích cực giám sát hoạt động của những lãnh đạo họ bầu ra. Nhưng mặt khác, trong một số lĩnh vực, lãnh đạo một quốc gia có quyền giải quyết các vấn đề một cách kín đáo, chiến lược, để đạt hiệu quả cao và bảo vệ an ninh quốc gia. Dung hòa hai nhu cầu này cũng không phải là điều dễ dàng.

Cuối cùng, chúng ta cần một cơ chế ngăn chặn các xung đột có thể xảy ra ngay trong nhánh hành pháp – giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng – để đảm bảo nhánh hành pháp hoạt động có đối trọng nhưng hiệu quả, bằng cách quy định rõ ràng quyền lực của mỗi cơ quan.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng tôi đề xuất một cơ chế hành pháp với Chủ tịch nước giữ vai trò giám sát và đảm bảo tính minh bạch và trung thực của cả hệ thống chính trị và Thủ tướng là nhân vật thực sự lãnh đạo công việc chính trị của quốc gia. Đó là một cơ chế rất gần với cách tổ chức Hành pháp hiện tại. Điều khác biệt là các quyền lực giao phó cho ngành hành pháp cần dựa trên sự ủy nhiệm rõ ràng bởi cơ chế Hiến pháp và Quốc hội, đồng thời có cơ chế giám sát ngành Hành pháp bởi các ngành khác của quyền lực Nhà nước.

1.Thủ tướng và Nội các

a. Bổ nhiệm Thủ tướng

Lãnh đạo đảng nắm đa số phiếu trong Hạ viện sẽ trở thành Thủ tướng sau kỳ bầu cử Hạ viện tương ứng. Trong trường hợp Chính phủ liên minh, lãnh đạo đảng nắm nhiều ghế trong Hạ viện nhất trong liên minh sẽ trở thành Thủ tướng. Nhiệm kỳ của Thủ tướng trùng với nhiệm kỳ của Hạ viện đã bầu ra Thủ tướng.

b. Quyền lực của Thủ tướng

Thủ tướng đứng đầu nhánh hành pháp. Thủ tướng sẽ lập nội các theo ý muốn mà không cần sự phê chuẩn của Hạ viện. Tuy nhiên, đa số các bộ trưởng phải là thành viên của Hạ viện. Thủ tướng có toàn quyền trong việc bãi nhiệm các bộ trưởng.

Thủ tướng nắm giữ các quyền lực cơ bản của người đứng đầu ngành Hành pháp:

-Đảm bảo việc thi hành các luật và pháp lệnh. Nội các có thể trình các dự thảo luật trước Quốc hội và phối hợp quá trình làm luật. Ngân sách được chuẩn bị bởi Nội các và trình trước Quốc hội để thông qua cho năm thuế tiếp theo.

-Chỉ đạo các chính sách kinh tế quốc gia và quan hệ quốc tế

-Đại diện quốc gia để ký kết các hiệp định và hiệp ước quốc tế, với sự phê chuẩn của Thượng viện.

-Đảm bảo an ninh và trật tự trong nước và an ninh quốc phòng

-Là tổng chỉ huy quân đội. Thủ tướng có thể tuyên bố chiến tranh với sự phê chuẩn của Thượng viện.

-Có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng quyết định đó phải được Quốc hội phê chuẩn cho một thời gian xác định. Nếu Thủ tướng muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp, cần phải được Quốc hội đồng ý. Quốc hội có thể bỏ phiếu để chấm dứt tình trạng khẩn cấp bất kỳ lúc nào. Quy trình tuyên bố, phê chuẩn, kéo dài và chấm dứt tình trạng khẩn cấp cần phải được xác định rõ trong Hiến pháp để hạn chế các lạm dụng về sau.

2.Chủ tịch nước

a. Bầu cử Chủ tịch nước

Chúng tôi cho rằng Chủ tịch nước, bên cạnh các hoạt động ngoại giao tượng trưng, nên có vai trò tích cực hơn trong bộ máy Nhà nước. Chủ tịch nước có thể giữ vai trò trọng tài trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, điều hành việc chống tham nhũng và bảo đảm sự trong sạch của bộ máy tài chính công.

Chúng tôi đề xuất Chủ tịch nước được bầu bởi Thượng viện cho một nhiệm kỳ 6 năm. Chúng tôi không đề xuất bầu Chủ tịch nước qua bầu cử trực tiếp đơn danh hai vòng, như nhiều nước đã làm. Khi nhánh hành pháp có cả Chủ tịch nước và Thủ tướng, cần xác định rõ ràng quyền lực lãnh đạo thuộc về ai. Việc phân chia quyền hành pháp cho cả Chủ tịch nước và Thủ tướng tiềm ẩn những xung đột giữa hai vị trí, và có thể làm đình trệ công việc quốc gia. Xét thấy trong thời điểm hiện tại, Thủ tướng có vai trò chính trị nổi trội hơn Chủ tịch nước, và người dân nhìn vào Thủ tướng như người lãnh đạo chính trị, chúng tôi cho cơ chế Hiến pháp sửa đổi tiếp tục nhìn nhận cách tổ chức đó và cải thiện nó, bằng cách thêm cơ chế chịu trách nhiệm và bảo đảm tính minh bạch của hoạt động hành pháp. Chính vì Chủ tịch nước giữ vai trò giám sát và bảo vệ hiến pháp chứ không phải nhân vật làm ra chính sách và lãnh đạo chính trị, việc bầu cử trực tiếp Chủ tịch nước là không cần thiết. Thượng viện bầu ra Chủ tịch nước là hợp lý, vì Thượng viện cũng có các vai trò tương tự.

b. Quyền lực của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước đại diện Nhà nước trong các nghi lễ ngoại giao. Chủ tịch nước bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao và các thành viên của Hội đồng bầu cử với sự phê chuẩn của Thượng viện.

Chủ tịch nước ban hành các dự luật được Quốc hội thông qua. 15 ngày sau khi luật được thông qua bởi Quốc hội, nếu không đưa ra phủ quyết, Chủ tịch nước có nghĩa vụ phải ban hành luật đó. Chủ tịch nước có quyền phủ quyết các dự luật đó, nhưng cần đưa ra một bản tuyên bố giải thích các lý do thực hiện quyền phủ quyết. Tuy nhiên, cả hai viện có thể vượt qua quyền phủ quyết của Chủ tịch nước với đa số phiếu thuận ở mỗi viện.

Chủ tịch nước sẽ giữ vai trò giám sát và bảo đảm tính minh bạch và trung thực của các hoạt động của Chính phủ. Chủ tịch nước bổ nhiệm thành viên Hội đồng chống tham nhũng và bảo đảm sự trung thực trong các hoạt động về thuế với sự phê chuẩn của Thượng viện. Trong trường hợp Việt Nam thành lập hệ thống thanh tra viên (Ombudsman) theo mô hình Đan Mạch như đã bàn thảo lâu nay, Chủ tịch nước nên là người bổ nhiệm các thanh tra viên cấp cao. Chủ tịch nước có thể yêu cầu các bản báo cáo thường xuyên và công khai về các hoạt động chi tiêu ngân sách và phổ biến người dân được biết.

c. Trách nhiệm chính trị và hình sự

Chủ tịch nước được miễn các truy tố hình sự và dân sự trong khi làm nhiệm vụ. Tuy vậy, trong trường hợp lạm dụng chức vụ một cách thô bạo và hiển nhiên, dưới kiến nghị của 1/3 số tỉnh trưởng hoặc 1/3 thành viên Thượng viện, Thượng viện có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Chủ tịch nước. Chủ tịch mới phải được Thượng viện bầu ra trong vòng một tháng sau khi Chủ tịch nước cũ bị bãi nhiệm.

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

Share