Đảng Dân chủ Việt Nam: Bản đề xuất khung soạn thảo hiến pháp của toàn dân (V)

Phần 5: Cơ Chế Kiểm Soát Và Đối Trọng Quyền Lực Nhà Nước: Tam Quyền Phân Lập – Cơ Chế Kiếm Soát Và Cân Bằng Quyền Lực Ở Trung Ương- Ngành Tòa Án

1. Cần thay đổi quan niệm về vai trò của ngành Tòa án trong tổ chức Nhà nước:

Trong bản đề xuất Hiến pháp này, chúng tôi sử dụng “ngành Tòa án” thay vì “ngành Tư pháp” một cách có chủ ý, để phân biệt hệ thống tòa án và xét xử với Bộ tư pháp là cơ quan phụ trách các vấn đề luật pháp thuộc Chính phủ, cũng như không nhầm lẫn khái niệm tư pháp – thiết chế với tư pháp – hệ thống luật tư “private law.” Quan trọng hơn cả, sử dụng “ngành Tòa án” làm nổi bật vai trò của hệ thống Tòa án như một cơ quan đứng ngang hàng với Hành pháp và Lập pháp trong hệ thống tam quyền phân lập. “Việc thi hành luật là nhiệm vụ của bộ tư pháp thuộc ngành hành pháp, khác hẳn với nhiệm vụ của tòa án là xét xử và diễn giải luật pháp. Hai chức năng này không những khác nhau mà còn đối lập với nhau đứng trên ý niệm phân quyền. Dùng một danh từ có hai nghĩa như thế rất dễ dàng tạo nên sự hiểu lầm.”[vii]

Về ngành Tòa án, cần thay đổi tư duy cho rằng thẩm phán là công chức Nhà nước và là cấp dưới của Chính phủ và Quốc hội. Ngành tòa án cần phải được coi là một cơ quan quyền lực độc lập để tạo đối trọng với các quyền lực chính trị. Quy định trong bản hiến pháp hiện thời là “các thẩm phán chịu trách nhiệm trước Quốc hội” dứt khoát cần phải bãi bỏ. Điều này vi phạm nguyên tắc tổ chức Nhà nước tam quyền phân lập.

Thêm vào đó, về mặt chuyên môn, việc Quốc hội giám sát công việc của tòa án là không thể thực hiện được. Như giáo sư Trần Ngọc Đường đã phân tích: “Hoạt động của Quốc hội là hoạt động mang tính chất chính trị – pháp lý ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, thủ tục nghị trường với sự tranh luận phản biện dân chủ về những vấn đề trọng đại của quốc gia, tác động sâu rộng không những trong nước mà còn cả trên trường quốc tế. Trong khi đó, hoạt động giám sát tư pháp và giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật là những hoạt động chuyên môn kỹ thuật ở tầm vi mô, mang tính chất tài phán theo thủ tục tư pháp và phải thông qua áp dụng pháp luật đối với các sự kiện pháp lý cụ thể. Do vậy, dầu có kêu gọi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động tư pháp và hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong thực tế, hiệu lực và hiệu quả giám sát vẫn thấp nếu không muốn nói là không tiến hành được hoặc tiến hành hình thức.”[viii]

Về hệ thống kiểm sát, nhiều chuyên gia trong nước cũng cho rằng quyền lực của Viện kiểm sát phải được thu hẹp lại trong vai trò công tố viên, thay vì là một cơ quan siêu quyền lực giám sát sự tuân thủ pháp luật của mọi cơ quan Nhà nước, mọi công dân. Nói ngắn gọn lại, tổ chức hệ thống Tòa án và Kiểm sát theo mô hình Sô-viết cũ cần được cải cách theo hướng coi trọng tính độc lập và nghiêm minh của ngành Tòa án. Việc phân chia nhiệm vụ rõ ràng giữa cơ quan điều tra, cơ quan công tố và tòa án xét xử cũng cần phải luật hóa và thực thi.

Các cải cách đang được tiến hành ở Việt Nam hiện nay về hệ thống tòa án, quy chế thẩm phán và hệ thống viện kiểm sát đã cho thấy nhu cầu cấp bách về một ngành Tòa án thực sự độc lập và tự chủ. Trong phạm vi của một bản đề xuất Hiến pháp, chúng tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu về sự bổ nhiệm thẩm phán một cách dân chủ, cũng như thiết lập quy chế tự chủ của ngành Tòa án để bảo vệ sự độc lập của ngành Tòa án đối với các cơ quan chính trị khác.

2. Đảm bảo quy chế độc lập và tự chủ của ngành Tòa án:

Các thẩm phán của Tòa án tối cao và Tòa Hiến pháp được bổ nhiệm bởi Chủ tịch nước với sự phê chuẩn của Thượng viện. Một khi các thẩm phán đã được bổ nhiệm, họ được hưởng nhiệm kỳ suốt đời cho đến tuổi 65. Việc bổ nhiệm các thẩm phán cần dựa trên các tiêu chí chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, chứ không phải đạo đức chính trị hoặc ý thức hệ. Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2002 đã chuyển quyền bổ nhiệm thẩm phán các cấp dưới tới Chánh án tòa án Tối cao. Một cách khác để lựa chọn thẩm phán các cấp dưới là qua thi cử. Một khi các thẩm phán được chọn qua thi cử hoặc được bổ nhiệm, các thẩm phán phải được hưởng quy chế bảo đảm sự độc lập trong khi thi hành nhiệm vụ. Các thẩm phán cần được hưởng lương bổng và trợ cấp hưu trí cao.

Các thẩm phán tuân theo pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật trong quá trình xét xử. Các sai sót về sự việc và giải thích luật đã có các cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm xem xét lại. Các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp hoặc cá nhân đã có hội đồng thẩm phán độc lập phán xét theo quy trình kỷ luật của ngành Tòa án, để đảm bảo là các thẩm phán không bị lệ thuộc hay phải chịu áp lực đến từ cách nhánh quyền lực khác, gây ảnh hưởng đến sự độc lập của họ.

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

 ———-

Chú thích:

[vii] Nguyễn Xuân Phước, Tản mạn về hai chữ Tư pháp: phải chăng đã đến lúc cần thay đổi một thói quen dùng chữ?, 2005.

[viii] Trần Ngọc Đường, Tiếp tục đổi mới Quốc hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, NCLP, 2010.

Share