Đào tạo phổ thông: Một hệ thống giáo dục đầy quan liêu

(Mượn tình trạng giáo dục ở Mỹ để suy ngẫm về hiện trạng giáo dục Việt Nam)

Vào tháng 4 năm 1983, Ủy ban Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Quốc gia [National Commission on Excellence in Education] đã phát hành bản báo cáo có tiêu đề Tổ Quốc lâm nguy A nation at Risk. Theo như những gì được đưa ra trong bản báo cáo, học sinh Mỹ đang có những dấu hiệu kém cỏi và sa sút trong học lực so với các thế hệ trước, hay thậm chí so với những học sinh đồng trang lứa ở các nước khác.  Những sa sút này được phát hiện ở hầu khắp các môn học như toán, lý, hóa, và cả các môn khoa học xã hội. Từ đây, Ủy ban đã kết luật thẳng thừng rằng hệ thống giáo dục của Mỹ đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Kể từ khi xuất bản Tổ quốc lâm nguy, cả nước Mỹ đã tập trung không biết bao nhiêu nguồn lực, cả người và của để giải quyết các vấn đề đã được chỉ ra trong bản báo cáo. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra bởi các nhà giáo dục, chính trị gia, trí thức và truyền thông liên tục đưa tin lên trang nhất ở các tờ báo lớn. Chính phủ đã phải đưa ra nhiều chính sách để đối phó với những áp lực từ nhân dân. Những đợt tài trợ kinh phí từ chính phủ được tăng lên, thời gian học được kéo dài ra, những học sinh yếu kém được chăm sóc một cách đặc biệt hơn để giúp các em theo kịp được với giáo trình.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp được đưa ra đều không mang lại hiệu quả gì nhiều. Điều này cũng dể hiểu vì mọi nổ lực đưa ra để cứu một nền giáo dục sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi mà nền giáo dục đó đã thất bại ngay từ lý tưởng của nó. Xét về mọi khía cạnh: chất lượng đào tạo, giá trị kinh tế và đóng góp cho xã hội thì nó đều quá lạc hậu. Những nhà cải cách đã cố chấp không chịu thừa nhận sự thật là nền giáo dục phổ thông của Mỹ đã không thể cứu vãn được nữa bời vì nó bị chính phủ kiếm soát. Giải pháp chính duy nhất là nước Mỹ cần phải tách biệt giữa nhà nước và trường học, và cho phép giáo dục đào tạo cũng phải được mua bán trên thị trường kinh tế tự do.

Giáo dục đại trà bắt buộc: Một bài toán kinh tế khó tìm lời giải

Trường học công lập, cũng như tất cả những cơ quan ban ngành khác của chính phủ, không thể đánh giá được chất lượng hoạt động của họ một cách chính xác bằng cách dựa vào sự hài lòng của người sử dụng, ở đây là phụ huynh và học sinh. Việc không thể nào tìm được một phương thức đánh giá có độ tin cậy cao đối với trường học cũng như đối với mọi cơ quan của chính phủ khác bởi vì chúng ta không thể tính toán được hoạt động của chúng đang sinh lời hay thua lỗ. Nói một cách ngắn gọn hơn, các cơ quan nhà nước không thể thực hiện được phép tính toán kinh tế.1

Tính toán kinh tế là một quá trình so sánh và tương phản giá trị cơ hội giữa những lựa chọn mà một cá nhân hay tổ chức có thể gặp phải. Đối với một công ty tư nhân hoạt động trong nền kinh tế thị trường, tính toán kinh tế của họ bao gồm sự so sánh và tương phản giữa đầu ra (chi phí) và đầu vào (doanh thu) để có thể đi đến một phương pháp hiệu quả nhất trong việc sử dụng các nguồn lực.

Trong khu vực kinh tế, chi phí và doanh thu liên quan tới hai đại lượng đó là lợi nhuận và thua lỗ. Lợi nhuận cho thấy rằng công ty đang thành công trong việc cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng đánh giá cao hơn so với chi phí mà công ty đã bỏ ra để tạo ra chúng. Thua lỗ cho thấy điều ngược lại. Lợi nhuận chính là một yếu tố cho thấy công ty đang sử dụng những nguồn tài nguyên một cách hiệu quả. Còn thua lỗ cho thấy công ty đang hoang phí nguồn tài nguyên đó và nên áp dụng phương thức sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi không xét tới việc làm ăn lời lãi hay thua lỗ, các công ty tư nhân hoạt động trong một nền kinh tế tự do đều có thể đánh giá được hoạt động của họ trong một giai đoạn nhất định một cách chính xác nhờ những tính toán kinh tế.

Các cơ quan của chính phủ không có khả năng đó. Một vấn đề mang tính cố hữu của các cơ quan này đó là sự bất lực trong việc đánh giá hoạt động thông qua sự hài lòng của khách hàng. Đó là lý do tại sao những cơ quan của chính phủ lại hoạt động dưới các thủ tục có cấu trúc phức tạp được lập ra do các luật định của nhà nước. Một vấn đề thuộc vào bản chất của các cơ quan giáo dục quốc gia là chúng không thể tạo nên được một liên kết nào giữa đầu ra (chi phí) và đầu vào (ngân sách). Không có một mối liên hệ nào giữa những người dân đã bị ép phải đóng thuế để cung cấp tiền cho mọi chi phí giáo dục phát sinh, với sinh viên – những người sử dụng các sản phẩm được tạo ra từ tiền thu từ những người dân ở trên.

Bởi vì một lẽ chúng ta đang tồn tại bên trong và không thể tách rời ra khỏi nền kinh tế tư bản, các nhà chức trách hoàn toàn có thể tính toán và phân bổ được nguồn vốn một cách hợp lý. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước không hoạt động trên nền tảng lỗ lãi, cho nên không có một cách nào để các nhà hoạch định chính sách có thể liên kết những chi phí với ngân sách nhà nước để xem liệu hoạt động của các cơ quan này hiệu quả hay không. Họ không biết được liệu tiền thuế của người dân có được sử dụng hợp lý để giải quyết những nhu cầu cấp bách nhất của xã hội hay không. Các cơ quan nhà nước hoàn toàn không có công cụ tính toán lỗ lãi, một phương pháp cần thiết để đánh giá hiệu quả kinh tế để từ đó đưa ra các thay đổi cần thiết.

Do đó, từ góc độ kinh tế, hệ thống giáo dục phổ thông ở Mỹ được được ví như một con tàu bị lạc giữa biển khơi mà không có la bàn hay các ngọn hải đăng chỉ đường dẫn lối. Chính việc thiếu đi các thông tin để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh tế đã làm cho việc định hướng của con tàu trở nên bất khả thi.

Chính trị, chướng ngại vật trên con đường đi tới giáo dục thực sự

Bởi vì các nhà quản lý giáo dục không thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong ngành thông qua sự hài lòng của người sử dụng, họ đành phải sử dụng các tiêu chí phi kinh tế. Những thang đo phi kinh tế này có thể được gán cho cái mác là tính toán mang tính chính trị. Cũng như mọi cơ quan ban ngành nhà nước khác, hệ thống giáo dục đào tạo của Mỹ không thể thoát ly khỏi những mục đích chính trị, và hoạt động của chúng cũng được đánh giá trên các tiêu chí này. Do đó, những tiêu chí đánh giá giáo dục đã mang nặng tính chủ quan với những mục tiêu xã hội, lý tưởng và chính trị của một nhóm người nhất định trong hệ thống chứ không phải của số đông. Sự thành công hay thất bại của một cơ quan giáo dục phụ thuộc hoàn toàn vào những mục tiêu xã hội, lý tưởng cũng như chính trị mà nó đã đạt được.

Những cán bộ quản lý tại cơ quan giáo dục các cấp với động lực chính trị hoặc lý tưởng sẽ nổ lực để sử dụng quyền lực của họ một cách tối đa khi còn được chính quyền cho phép để đạt được mục tiêu cấp trên giao xuống. Họ sẽ tìm cách moi được càng nhiều ngân sách càng tốt bằng cách sử dụng nhiều hơn số vốn được cấp mỗi năm, nhằm xây dựng một hình ảnh quan trọng trong xã hội, làm cho mọi người tưởng rằng cơ quan đó cần thiết đối với cuộc sống. Họ sẽ tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng và do đó sẽ đạt được nhiều quyền lực cũng như uy tín hơn so với những cơ quan khác mà họ đang cạnh tranh. Họ sẽ sử dụng những quyền lực có được từ chức vụ của họ để áp đặt những giá trị chủ quan lên xã hội. Trừ khi có sự cần thiết về chính trị, họ sẽ không chú yếu nhiều tới những người khách hàng mà họ đáng lẽ ra phải quan tâm: phụ huynh và học sinh. Họ không có động cơ kinh tế trong các quyết định của họ, mà hoàn toàn là ý thức cá nhân mang tính chính trị và lý tưởng nắm vai trò quyết định.

Quá trình tính toán nặng tính chính trị này là không thể tránh khỏi. Khi một tổ chức bị mất đi sự liên kết giữa lợi nhuận và chi phí, khi mà nó không còn nằm trong ảnh hưởng tới từ bên ngoài, thì nó trở nên bị ảnh hưởng bởi chính từ bên trong. Và càng có nhiều quyền hạn được trao vào tay để thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội hay lý tưởng thì nó càng trở nên tự ý bấy nhiêu. Những phong trào chỉnh đốn chính trị hiện đại và ủng hộ một nên giáo dục lấy đầu ra làm chuẩn chính là các kết quả tất yếu tới từ những hành động với động cơ chính trị của các nhà giáo dục cùng mục tiêu xã hội hóa cả một thế hệ những người trẻ không một chút hoài nghi nhằm xây dựng lại một xã hội theo chủ nghĩa quân bình thông qua hệ thống giáo dục phổ cập bắt buộc. Giáo dục bị điều khiển bời chính phủ dễ dàng trở thành một quá trình tẩy não phục vụ cho mục đích của nhóm người cầm quyền.

Tuy nhiên không phải tất cả hay thậm chí không phải hầu hết giáo viên nào trong hệ thống giáo dục phổ thông cũng có động cơ liên quan tới lý tưởng hoặc chính trị. Phân lớn trong số họ cảm thấy hài lòng từ sự giảng dạy và muốn hoàn thành công việc của họ một cách tốt đẹp. Nhưng điều tương tự không hề đúng với những cán bộ giáo dục ở cấp độ quốc gia, tiểu bang hay chính quyền địa phương. Thật đáng buồn là những nhà quản lý giáo dục này và những hiệp hội giáo viên đều nắm quyền sinh sát đối với phụ huynh và học sinh. Họ có thể giữ vững chiếc ghế của họ bởi vì họ có khả năng kiểm soát khung đào tạo và đưa ra quy định cho tiêu chuẩn giảng dạy, điều đó làm giảm đi sự cạnh tranh cũng như tính sang tạo trong giáo dục đào tạo. Tính độc quyền trong giảng dạy cho phép họ truyền bá lý thuyết của họ mà không gặp phải một sự chất vấn nào. Bất cứ một ý kiến nào dính dáng tới việc cho phép giáo dục được tự do hoạt động trong nền kinh tế thị trường đều đe dọa tơi sự miễn truy tố trách nhiệm của họ trước người sử dụng: phụ huynh và học sinh. Họ không muốn có bất cứ một cái gì được mang ra dạy lại hoặc chống đối lại với học thuyết của họ.

Giải pháp duy nhất: Tự do cho giáo dục

Để có thể lấy lại sự trung thực trong học thuật, phát huy năng lực từng cá nhân, đảm bảo sự tự do trong học tập, và xây dựng một môi trường học tập lành mạnh cho học sinh, chúng ta cần phải xóa bỏ cơ chế độc quyền trong giáo dục và thiết lập sự tách biệt giữa nhà nước và nhà trường. Các cán bộ quản lý và giáo viên phải cạnh tranh với nhau trong một nền kinh tế thị trường tự do về ý tưởng. Người dân phải xem xét giáo dục chính xác với bản chất của nó: một sản phẩm kinh tế có thể được mua và bán tự do trên thị trường dựa vào những đánh giá khách quan và ưu thích của người sử dụng sản phẩm giáo dục: phụ huynh cũng như học sinh.

Nguồn vốn cho hoạt động giáo dục từ tiền thuế của người dân phải được thay thế bởi nguồn tiền bỏ ra từ người sử dụng. Giáo dục phải được cung cấp và sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu của những người dùng độc lập, và phải được bày bán trên thị trường ở một mức giá có tính cạnh tranh cao. Kết quả đánh giá nền giáo dục phải được xem xét duy nhất thông qua những hành động mua và sử dụng hay từ chối một cách tự nguyện từ các người dùng, chứ không thể được đánh giá qua những can thiệp đầy động cơ chính trị của quan chức hoặc các nhà quản lý giáo dục. Thêm nữa, giáo dục phải là tự nguyện. Nếu học sinh hay các bậc phụ huynh không muốn sử dụng những thông tin hay kiến thức được cung cấp bởi các doanh nghiệp giáo dục trên thị trường, thì cứ để nó như vậy. Theo một cách tự nhiên, một số người sẽ không muốn được giáo dục mà chỉ muốn tự do khám phá. Ngoài ra, việc giáo dục tự nguyện sẽ làm giảm tính bạo lực trong học đường. Những học sinh có quyết tâm theo học vì những động lực kinh tế hay tri thức sẽ tận dụng hiểu quả những gì được dạy trên trường. Trách nhiệm về hành vi của các học sinh sẽ được đảm bảo. Hơn nữa, những trường học hoạt động trong một nền kinh tế tự do sẽ có động cơ mạnh mẽ để cung cấp chất lượng giáo dục tốt cho học sinh ở một mức giá phải chăng. Nếu như một trường học không đưa ra được những chương trình học nghiêm ngặt cũng như một giáo trình đầy đủ thì những học sinh của họ sẽ không có được sự chuẩn bị tốt để có thể cạnh tranh với những học sinh tới từ các trường khác. Do đó, trường này có thể sẽ mang tiếng tồi và dẫn đến việc ít các học sinh lựa chọn học ở đây đi, làm cho nguồn thu của trường giảm xuống và trường đó rất có thể sẽ phải tái cơ cấu.  Ngược lại, nếu một trường cung cấp chất lượng giáo dục tốt sẽ thu hút nhiều sinh viên tới học và lại càng ăn nên làm ra. Trong cả hai trường hợp, một phép tính toán kinh tế trên phương diện lời lỗ sẽ giúp cho các trường học đánh giá chính xác được hiệu quả hoạt động của họ dựa vào nhu cầu của người dùng.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giáo dục sẽ xóa sạch những luận điệu sai lệnh và những học thuyết lỗi thời. Các thứ nhố nhăng, vô giá trị mà hiện nay đang tràn ngập trong hệ thống giáo dục phổ thông sẽ không thể tôn tại được trong một môi trường vận hành bởi quy luật kinh tế luôn hướng tới sự thật và sự hoàn hảo. Học sinh sẽ không còn bị giới hạn trong những lý thuyết chính trị và lý tưởng chủ quan tới từ giáo viên cũng như các nhà quản lý giáo dục nữa. Thay vào đó, giáo viên và các nhà chức trách liên quan sẽ phải cung cấp một nên giáo dục có giá trị cho sinh viên và trong một môi trường học tập lành mạnh, nếu không thì họ sẽ phải kiếm việc khác mà làm.

Người Mỹ phải nhận ra rằng sự tách biệt giữa nhà trường và nhà nước cũng quan trọng không kém sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Chỉ khi đó thì các học sinh của chúng ta mới có thể trải nghiệm được một nền giáo dục da dạng, một sự trưởng thành trong tri thức và một học đường không bạo lực. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể được tự do thoát khỏi hệ thống giáo dục đầy quan liêu như bây giờ.

Việt Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Thomas E. Lehman
, The Freeman

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013

Share