Diễn đàn Singapore tìm kiếm phương án cho quần đảo Trường Sa

Để giải quyết được các tranh chấp trên Biển Đông, các bên tranh chấp không đơn thuần chỉ dựa vào luật pháp quốc tế là đủ.

Vào ngày 31 tháng Năm vừa qua, đại diện các nước chủ yếu trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương lại gặp nhau tại Singapore trong khuôn khổ cuộc Hội đàm Shangri-La. Diễn đàn 3 ngày về an ninh này được tổ chức hàng năm do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies–IISS) chủ tọa từ năm 2002, và các chủ đề được đề cập khá rộng từ an ninh trong khu vực lẫn ngoài khu vực. Do đó, có lẽ không mấy ai ngạc nhiên khi lịch trình hội đàm năm nay là nhằm tìm phương án tránh các mâu thuẫn trên biển.

Không cần phải bàn cãi nhiều, các tranh chấp và mâu thuẫn trên biển cũng như trên đất liền đang mang tới các mối đe dọa cho nền hòa bình và an ninh của cả khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Tâm điểm của những mẫu thuẫn này chính là tình trạng bất ổn định và khó lường trước tại Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa hiện đang được một số quốc gia tranh giành. Những mâu thuẫn và tranh chấp không chỉ mới nổ ra tại khu vực này mà trong thực tế thì nó đã xảy ra từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, khi mà khu vực châu Á–Thái Bình Dương ngày càng thể hiện một vị thế quan trọng trên chính trường thế giới và phát triển kinh tế thì những đòi hỏi nhằm giải quyết các xích mích ở đây trở nên cần kíp hơn bao giờ hết.

Theo đuổi các phương án ngoại giao và chính trị mà chẳng đi được tới đâu, Philippines cuối cùng đã cầu viện tới Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật biển (ITLOS) và tòa án quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp của họ đối với Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã từ chối thẳng thừng và thậm chí còn không công nhân những phương án giải quyết về mặt pháp lý theo luật quốc tế, và do đó từ bỏ quyền lợi có được năm đại diện của chính Trung Quốc trong buổi điều trần.

Tuy nhiên, dù Trung Quốc vắng mặt thì chiến thắng về mặt pháp lý của Philippines còn xa mới có thể chắc chắn được; và trong trường hợp này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một điều đáng chú ý được rút ra từ chính vấn đề Biển Đông, đó là luật quốc tế phải còn rất lâu mới có được sự hoàn hảo.

Hạn chế luật pháp quốc tế

Muốn giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông này bằng luật quốc tế thì phải đối mặt với những chướng ngại vật không thể vượt qua. Rào cản thứ nhất đối với Philippines là quyền hạn của ITLOS trong việc xử lý các tranh chấp. Chướng ngại vật thứ hai là việc thi hành các quyết định của tòa án quốc tế trong thực tế. Thậm chí khi Philippines đạt được một chiến thắng về mặt pháp lý, ai hoặc cái gì sẽ ngăn cản Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác trong việc vi phạm quyết định của ITLOS? Khi mà ở mỗi quốc gia chúng ta đều có lực lượng cảnh sát đảm nhiệm việc thi hành án, thì hiện nay không hề có một lực lượng như thế đối với luật pháp quốc tế.

Nếu như không màng tới kết quả của việc Philippines cầu viện tới tòa án quốc tế, giả định rằng Trung Quốc không màng đếm xỉa gì tới thẩm quyền của ITLOS, ít có khả năng những quốc gia khác sẽ tìm kiếm giải pháp từ luật án quốc tế vì cơ chế thi hành án yếu kém của tổ chức này.

Nếu luật pháp quốc tế thất bại trong việc giải quyết các mâu thuẫn này, một phương án diễn ra trong hòa bình cho chúng sẽ phụ thuộc vào các quốc gia có liên quan và toàn bộ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, khi nhìn lại tiến độ chậm chạm trong việc giải quyết các mẫu thuẫn này trong thời gian vừa qua, thật khó có thể dự đoán được liệu tình hình có thể khởi sắc hơn không. Tuy nhiên, cũng không phải vô ích khi chúng ta thử đặt ra giả thiết và xem xét các lựa chọn mà các nước tranh chấp và cộng đồng quốc tế đang có.

Tìm kiếm các phương án thay thế

Vì tình hình cấp bách của vấn đề, cộng đồng quốc tế có thể thiết lập một lực lượng cảnh sát biển nhằm giám sát các hoạt động trên biển tại khu vực Biển Đông. Lực lượng này sẽ không bao gồm những thành viên tới từ chính các quốc gia có liên quan tới các tranh chấp, mà thay vào đó là một bên thứ ba. Tuy nhiên, khó khăn dành cho phương án này là việc tìm kiếm các quốc gia vừa có khả năng cung cấp một lực lượng như vậy mà lại vừa sẵn sàng làm việc đó một cách tình nguyện. Thêm nữa, các quốc gia tranh chấp cần có lòng tin vào tính công bằng và độ tin cậy của lực lượng này và từ đó cho phép lực lượng này được thực hiện nhiệm vụ của họ. Nhìn vào tình hình bất định của Biển Đông không khỏi khiến chúng ta phải nghi ngờ việc lực lượng cảnh sát biển quốc tế có thể vẫn phải hoạt động cho tới khi mọi xích mích được giải quyết ổn thỏa.

Một phương án khác được đưa ra khi mà phương án lực lượng cảnh sát biển không thể trở thành hiện thức, đó là bỏ qua mọi tuyên bố chủ quyền và cùng nhau khai thác các nguồn tại nguyên trong khu vực tranh chấp (đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa). Khó khăn trong phương án này nằm ở sự bất bình đẳng trong khả năng khai thác, khi mà phần đông các nước không thể nào đọ lại được với Trung Quốc, một quốc gia với sức mạnh kinh tế và quân sự nổi trội và do đó sẽ có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Và như thế, một nước như Brunei sẽ bị nằm ở thế yếu.

Nếu các nghi vấn về chủ quyền vẫn không thể vượt qua, các quốc gia tranh chấp ít nhất cần tìm kiểm một phương án Modus Vivendi tạm thời (tạm ước chính trị – một thỏa thuận giữa các bên khi mà họ đồng ý trong bất đồng), để có thể bỏ qua mọi khác biệt mà tập trung vào giải quyết các vấn đề và tìm được tiếng nói chung. Khi đối mặt với một mẫu số chung nhỏ nhất, hy vọng rằng chí ít chúng ta cũng đạt được một vài tiến trình nào đó. Tuy nhiên, nếu thậm chí phương án này còn dẫn tới thất bại thì khó có khả năng rằng mâu thuẫn ở Biển Đông có thể giải quyết trong tinh thần ôn hòa được.

Không có viên đạn bạc

Mặc dù khó có khả năng có một phương án giải quyết cho những tranh chấp ở Biển Đông được tìm thấy tại cuộc Hội đàm ở Shangri-La, diễn đàn này cũng có thể cung cấp các cơ hội cho những quốc gia liên quan được thảo luận các vấn đề một cách thoải mái mà không phải chịu những giới hạn từ các luận điểm chính trị.

Mang tới những vấn đề nổi cộm tại diễn đàn lần này chính là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam cũng là một trong những nước có tranh chấp với Trung Quốc không chỉ ở quần đảo Trường Sa mà cả quần đảo Hoàng Sa. Có thể dễ dàng đoán được rằng Thủ tướng sẽ chia sẻ những suy nghĩ của ông về các tranh chấp trong khu vực và kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế hỗ trợ việc giải quyết các vấn đề này một cách yên bình.

Trong khi sẽ không có một phương án đơn độc và dễ dàng nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, việc ngồi không chẳng làm gì hiển nhiên không phải là câu trả lời. Hội đàm Shangri-La lần này có thể không mang tới câu trả lời mong muốn cho các bên đang có tranh chấp về biển và lãnh thổ, nhưng nó sẽ cho phép các quốc gia liên qua chia sẻ những mối lo ngại, những suy nghĩ và biết đâu có thể lát sẵn con đường dẫn tới một phương án giải quyết trong hòa bình.

Việt Khôi chuyển ngữ, Phía Trước
Vũ Đức Khanh, Asia Sentinel

© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Share