Doanh nghiệp bị cuốn trong vòng xoáy tham nhũng

Doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng, chịu thiệt hại rất lớn từ tham nhũng những cũng là một trong những tác nhân gây ra tham nhũng, và để giải quyết vấn nạn này rất cần có sự hợp tác của doanh nhiệp.

Tại hội thảo có chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng”, được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 26-3, bà Trần Thị Lan Hương, Cố vấn thể chế Ngân hàng thế giới (WB), cho biết trong vòng xoáy của tham nhũng, doanh nghiệp chính là tác nhân tạo ra tham nhũng nhưng cũng có thể khống chế nó.

“Khi cán bộ công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp, thường doanh nghiệp sẽ đưa hối lộ để giải quyết khó khăn đó và vấn đề cứ như thế mà tiếp diễn theo một vòng xoáy”, bà Hương cho biết.

Kết quả điều tra và khảo sát xã hội học của WB, Thanh tra Chính phủ và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tham nhũng hiện vẫn nghiêm trọng và thủ đoạn ngày một tinh vi hơn.

Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát, có 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng; 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức (đưa hối lộ cho cán bộ công chức để giải quyết vấn đề của họ một cách nhanh chóng); 28% người dân trả chi phí không chính thức và có hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng.

“Thời gian gần đây, việc phát hiện tham nhũng ngày càng giảm. Điều này không có nghĩa là nó đã giảm mà do thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn”, bà Hương cho biết.

Theo ông James Anderson, Cố vấn thể chế WB, tham nhũng là một trong những vấn đề làm suy giảm đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc làm các doanh nghiệp nước ngoài ngại đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định của các tổ chức quốc tế liên quan đến viện trợ vốn cho Việt Nam trong các chương trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, để giải quyết tham nhũng cần có thời gian và đặc biệt doanh nghiệp phải nói không với “chi trả những khoản phí không chính thức”, nghĩa là không đưa hối lộ hay quà biếu cho cán bộ công chức.

Ông Đào Lộc Bình, Chuyên viên tư vấn Công ty luật Lê Hoàng, cho biết chính việc không am tường luật pháp của doanh nghiệp nên cán bộ công chức mới có “cớ” vòi vĩnh, nhũng nhiễu đối với họ. “Tôi đề nghị, các doanh nghiệp nên nhờ đến các văn phòng luật để được tư vấn những vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Như vậy, khi đến làm việc với các cơ quan công quyền sẽ không bị vòi vĩnh nữa”, ông Bình cho biết.

Theo bà Hương, doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau, hình thành hệ thống liêm chính doanh nghiệp và có sự tham gia của Chính phủ giống như mô hình của Malaysia đang thực hiện.

“Tháng 12-2010, các phòng thương mại ở Malaysia đã ký một thỏa ước liêm chính với Ủy ban phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC). Theo đó, các phòng này cam kết khuyến khích những doanh nghiệp thành viên đấu tranh chống tham nhũng”, bà Hương cho biết.

Một số ý kiến cho rằng, cần thiết hình thành các tổ chức (có thu phí và mức phí được công khai) để giải quyết những vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp, như thủ tục cấp phép kinh doanh, thủ tục thuế, xuất, nhập khẩu… Như vậy, tệ nạn tham nhũng của cán bộ công chức với doanh nghiệp sẽ từng bước giải quyết.

Theo  tài liệu tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức thì cuộc khảo sát được tiến hành ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, có 7 tỉnh, thành phố trong diện khảo sát của cuộc khảo sát năm 2005 (gồm Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An và Thừ Thiên Huế) và 3 thành phố mới bổ sung năm 2012 (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng).

Việc lựa chọn 10 tỉnh, thành phố này không phải là ngẫu nhiên mà nhằm mục đích tập trung vào các thành phố lớn và các vùng đô thị của Việt Nam – nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế- xã hội và cũng là những nơi được cho là có nguy cơ tham nhũng cao. Do đó, kết quả khảo sát không đại diện cho tổng thể dân số, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả khảo sát có ý nghĩa rất quan trọng bởi 10 tỉnh, thành phố này chiếm đến 30% dân số cả nước và 65% GDP của cả nước.

Trung Chánh, TBKTSG

Share