Giậm chân tại chỗ

Một trong những lĩnh vực được bàn thảo tại quốc hội trong phiên họp toàn thể sáng 7/6 là giáo dục với báo cáo giám sát: “Thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với cơ sở giáo dục đại học” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo nêu một thành tựu thì y như rằng thành tựu ấy lại chính là yếu kém lặp lại ở phần trình bày phần hạn chế. Với phương pháp “một bước tiến một bước lùi” này, tưởng việc điều hành đất nước đang vận động đi lên, hóa ra chỉ giẫm chân tại chỗ.

Thành tựu: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối về giáo dục đại học. Đi liền hạn chế: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành, thiếu đồng bộ và cụ thể. Lại thêm hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của giáo dục đào tạo.

Thành tựu: đầu tư giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở mức cao (20% tổng chi ngân sách nhà nước) và tăng hằng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đi liền yếu kém: năng lực tài chính hạn hẹp của ngân sách nhà nước không cho phép tăng đầu tư để đảm bảo đủ chi phí cho giáo dục đào tạo.

Thành tựu: từ 1998 đến 2009 có 304 trường đại học và cao đẳng được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Đi liền yếu kém: việc thành lập, nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đào tạo đa ngành không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Thành tựu: xã hội hóa giáo dục đại học với việc mở rộng hệ thống trường ngoài công lập, thu hút được nguồn lực xã hội đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Năm 1997, cả nước chỉ có 15 trường đại học ngoài công lập, đến tháng 9/2009 tăng lên 78 trường, gấp 5,2 lần. Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường đại học hoặc cao đẳng. Tổng quy mô đào tạo đại học và cao đẳng năm học 2008 – 2009 là 1,7 triệu sinh viên, tăng 13 lần so với 1987. Đi liền hạn chế: việc mở trường, mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền.

Thành tựu: góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến mạnh vào thời kỳ công nghiệp hoá -hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đi liền hạn chế: hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế. Chất lượng giáo dục đại học nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản bảo đảm chất lượng đào tạo không theo kịp. Đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị kém, suất đầu tư cho sinh viên còn thấp, chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa cao.

Quốc hội nhận định nguyên nhân bao trùm là do trình độ phát triển thấp của kinh tế – xã hội đất nước, nhưng vì sao trình độ phát triển thấp thì không đại biểu nào lý giải. Rõ ràng là một quốc hội làm việc thiếu chức nghiệp, thiếu trách nhiệm với dân, còn né tránh những nguyên nhân sâu xa do việc điều hành toàn bộ nền kinh tế – xã hội để lại những hậu quả lâu dài khó khắc phục.

Cuối báo cáo, quốc hội tiến hành “bốc thuốc” chữa căn bệnh yếu kém kinh niên của giáo dục như sau: đề nghị sớm xây dựng và ban hành Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống, trước mắt ban hành Nghị quyết về giáo dục đại học để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc cơ chế. Hóa ra vì chưa có căn cứ này mà trong 10 năm qua chủ trương cải cách và phát triển giáo dục đã không cần pháp luật, để lại yếu kém nhiều hơn thành tựu mà không có luật nào truy cứu trách nhiệm người đề ra và thi hành. Vì sao quốc hội không công khai bao nhiêu tiền của từ ngân sách đầu tư cho giáo dục chỉ để phục vụ mục tiêu chính trị và “ném tiền qua cửa sổ” mà không nâng cao được chất lượng?

Còn có giải pháp ưu tiên thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn, chỉ mở thêm các trường đại học và cao đẳng công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo. Vậy nguồn ngân sách đầu tư giáo dục từ trung ương ở đâu tính như thế nào? Từ trước đến nay, chính vì giao cho các địa phương tự mở trường đã để lại hậu quả, nay việc mở trường thuộc về các địa phương có tiền của, ngành giáo dục sẽ can thiệp bằng cách nào và hiệu quả đến đâu hay cũng chỉ như thời gian qua?

Thêm giải pháp chính phủ phải báo cáo quốc hội về chủ trương phát triển, lộ trình đầu tư, lộ trình hoạt động và triển vọng tác động tích cực qua liên kết với các trường đại học xuất sắc trên thế giới. Nhưng việc báo cáo, cũng như báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giáo dục tại kỳ họp này, có tác dụng gì nếu chỉ để báo cáo? Về thực tế, tuyệt nhiên không thấy quốc hội đề cập Quy chế học sinh – sinh viên du học nước ngoài, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ xây dựng bốn trường đại học chất lượng cao trên thế giới hay 200 trường đại học hàng đầu châu Á vừa được bình chọn không có trường nào của Việt Nam… Đó là những vấn đề mà chính xác quốc hội đã lờ đi khi không thể giải thích trước sự phản biện của công luận hiện nay.

Trở lại báo cáo thành tựu đi liền yếu kém đã tạo ra tình trạng tiến một bước lùi một bước nói trên: người theo dõi thấy kỳ họp rất sôi nổi, dân chủ, công khai, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục. Nhưng ít ai hay kết quả chỉ là ì ạch nhích lên. Bao nhiêu năm cải cách, giáo dục chỉ càng rối ren là bằng chứng không thể chối cãi. Cứ thế, và không những chỉ có giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác, các kỳ họp quốc hội nhùng nhằng tiến lùi, thành ra giẫm chân tại chỗ. Một quốc hội điều hành như vậy mà đất nước còn hiền tài và còn nguyên khí để khỏi bị tụt hậu mới là điều lạ!

Hà Thủy
Nguồn:
Tiếng Nói Dân Chủ

******

Tham khảo:

Quốc hội thảo luận Báo cáo giám sát chất lượng giáo dục đại học

 

(Chinhphu.vn) –Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra một bức tranh toàn diện về công tác giáo dục đại học hiện nay với những thành tựu và hạn chế cần sớm được khắc phục.

Sáng nay (7/6), Quốc hội đã họp phiên toàn thể nghe Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với cơ sở giáo dục đại học”.

Đây là một nội dung trong Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010. Đoàn giám sát của UBTVQH đã tổ chức khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, bộ, ngành và cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong cả nước, đã thực hiện 3 đợt khảo sát tại 3 vùng miền.

Tăng về số lượng trường

Theo Báo cáo do GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát của UBTVQH trình bày, trong những năm qua GDĐH đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến mạnh vào thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, qua hơn 10 năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về GDĐH. Nhà nước thực hiện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở mức cao (20% tổng chi ngân sách nhà nước) và tăng hằng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa GDĐH đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc mở rộng hệ thống trường ngoài công lập, thu hút được nguồn lực xã hội đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục đại học.

Từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn (từ trường trung cấp chuyên nghiệp lên trường CĐ, từ trường CĐ lên trường ĐH).

Năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 trường ĐH ngoài công lập, đến hết tháng 9/2009 con số này là 78 trường, tăng 5,2 lần.

Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ. Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008 – 2009 là 1,7 triệu sinh viên, tăng 13 lần so với năm 1987. Tỷ lệ SV/số dân năm 1997 là 80 SV/1vạn dân thì đến năm 2009 là 195 SV/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 SV/1 vạn dân.

Thời gian gần đây, Chính phủ và ngành Giáo dục đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ về công tác quản lý giáo dục nên đã tạo được chuyển biến bước đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, được xã hội ủng hộ và tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết tiềm năng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Nhưng chất lượng còn hạn chế

Theo Đoàn giám sát, bên cạnh những thành tựu quan trọng nêu trên, giáo dục đại học nước ta vẫn đang còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, bất cập cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành, thiếu đồng bộ và cụ thể. Việc thành lập, nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đào tạo đa ngành không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc mở trường, mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền.

Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế. Chất lượng giáo dục đại học nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản bảo đảm chất lượng đào tạo không theo kịp.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị kém, suất đầu tư cho sinh viên còn thấp, chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa cao.

Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật

Đề cập đến nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, Báo cáo giám sát cho rằng những bất cập trên có nguyên nhân từ trình độ phát triển thấp của KT-XH nước ta. Bên cạnh đó là năng lực tài chính hạn hẹp của ngân sách nhà nước không cho phép tăng đầu tư để đảm bảo đủ chi phí cho GDĐT…

“Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của GDĐT”, GS. Đào Trọng Thi cho hay.

Qua đợt giám sát này, Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội sớm cho xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục đại học. Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giáo dục đại học sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.

“Trong việc thành lập trường và bảo đảm chất lượng đào tạo, đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn. Chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo”, Báo cáo giám sát nêu rõ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về chủ trương phát triển, lộ trình đầu tư, lộ trình hoạt động và triển vọng tác động tích cực vào nền giáo dục đại học Việt Nam của các trường đại học xuất sắc liên kết giữa Chính phủ ta với Chính phủ các nước Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Lê Sơn
Nguồn: chinhphu.vn

Share