‘Giúp người dân hiểu hơn về chính trị?’

Sáng ngày 18/8 tại Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa đã nhấn nút chính thức khai trương trang tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam – Đại hội XI tại địa chỉ daihoi11.dangcongsan.vn.

Ông Tô Huy Rứa phát biểu nguyên văn như sau: “Đây là kênh thông tin hai chiều, giữa Đảng với nhân dân, thể hiện tính dân chủ của Đảng và Nhà Nước. Phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, thu thập, tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn kiện Đại hội XI. Trang tin sẽ cung cấp những thông tin chính thống có tính định hướng, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch… giúp người dân hiểu biết hơn về chính trị, sáng suốt hơn khi góp ý cho đại hội Đảng. Đặc biệt chú ý tới người lãnh đạo: có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tuân theo và trung thành với đường lối của Đảng…”

Giúp người dân hiểu rõ hơn về chính trị?

Sau khi nghe lời phát biểu của Trưởng ban tuyên giáo TW, để tránh hiểu sai, tôi vào Bách khoa toàn thư mở để định nghĩa rõ lại cụm từ “chính trị”. Theo đó, chính trị là tiến trình mà các nhóm đưa ra quyết định. Mặc dù thuật ngữ này thường được dùng để nói về hành vi của Nhà nước, nhưng chính trị xuất hiện trong tất cả các hoạt động của quần thể con người (và cả nhiều quần thể không phải con người), bao gồm doanh nghiệp, trường học và các tổ chức tôn giáo. Nói như vậy có nghĩa là, hoạt động chính trị là các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng tới các quyết định của Nhà nước, của tổ chức xã hội mà trong đó, mình là một thành viên. Khi đó, hoạt động chính trị không còn là đặc quyền của Nhà nước hay lãnh đạo một tổ chức, mà nó là quyền lợi và nghĩa vụ của toàn dân, của toàn xã hội.”

Đó là quan điểm chính trị hiện đại, trong thời đại dân chủ. Trước đây trong chế độ phong kiến, làm chính trị , trị quốc là công việc chỉ của riêng vua quan phong kiến, trí thức phong kiến. Con dân chỉ biết cam chịu, chấp nhận trước mọi quyết định dù đúng hay sai, dù hay hoặc dở của kẻ cầm quyền. Ngày nay, hầu hết mọi quốc gia đều tự nhận là dân chủ, nhưng thái độ và mối quan tâm đến chính trị của người dân không hẳn đã giống nhau.

Hãy thử đánh giá nội dung ông Tô Huy Rứa phát biểu: một website được dựng lên là Thể hiện tính dân chủ của Đảng và Nhà nước? Đâu là “quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch…” ?

Cuối cùng là “luôn tuân theo và trung thành với đường lối của Đảng…”. Điều này phải chăng ông Tô Huy Rứa cho rằng các ý kiến khác chiều với Đảng đều là“luận điều xuyên tạc của các thế lực thù địch” ?

Trong phát biểu trên, câu mà tôi thấy xuyên tạc nhất là “Giúp người dân hiểu rõ hơn về chính trị” (?!). Xin thưa với ông Tô Huy Rứa rằng người dân chúng tôi cũng rất quan tâm, thậm chí có rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến các vấn đề này. Đúng như nhiều bạn nói, trong bối cảnh đất nước hiện nay mà không quan tâm tới chính trị mới là điều lạ. Ví dụ như khi đi làm giấy tờ ở phường hay xã thì thường bị hạch sách gây khó khăn phiền hà, đi bầu cử thì toàn người của Đảng, người dân khiếu kiện thì bị trù dập, chưa kể đến nạn tham nhũng, lạm quyền… Những vấn đề trên buộc người dân phải quan tâm đến chính trị, bởi nó ảnh trực tiếp đến lợi ích trực tiếp của họ không lúc này thì lúc khác.

Phải chăng đúng như cụ Phan Chu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước lúc sinh thời đã nói: “So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị, thì ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà lên trị nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn.” Ngẫm lại, dân chúng tôi bây giờ tại Việt Nam đâu khác gì “một đàn dê”. Vậy đã là “một đàn dê” thì nói sao được nữa? Cho nên không cần ông Tô Huy Rứa phải “phổ cập” chính trị cho người dân đâu? Chỉ cần ông chịu lắng nghe ý kiến của dân là được rồi. Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức… hay tất cả những nhà hoạt động dân chủ khác, họ đều quan tâm đến chính trị nhưng chúng ta đã thấy rất rõ những gì đã xảy ra với họ. Bây giờ trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra nhằm “giúp người dân hiểu hơn về chính trị” phải chăng là nghịch lý?

Bàn về chính trị

Khi bàn về chính trị, nhiều người tại Việt Nam – thậm chí cả công an, đảng viên – đều cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, khó nói. Đề tài Lê Công Định là một trong những ví dụ. Khi nhắc đến trong bàn nhậu hoặc trong cuộc trò chuyện, các cán bộ công an tại thành phố Hồ Chí Minh quát lớn rằng, ““chính trị là vấn đề phức tạp và hết sức nhạy cảm, các em không nên quan tâm nhiều làm gì rồi lại bị công an đến hỏi và cho vào tù thì khổ”. Sau đó tất cả đều im, và chuyển qua đề tài khác. Đúng là anh Định có vợ hoa hậu, giàu sang, chức trọng nhưng đừng nói là anh “tham vọng”. Tôi nghĩ những hành động của anh là vì trách nhiệm của bản thân, cho xã hội và sâu sa hơn là cho tương lai của cả một dân tộc. Nếu không có lòng dũng cảm của Lê Công Định, không tư duy được như anh thì hãy xót xa cho một nhân tài của đất nước. Không nữa thì im lặng, những lời lý luận vô căn cứ “thằng cha này khùng thiệt… ” chẳng qua chỉ che đậy sự thiếu hiểu biết về chính trị và tự cho mình là “một con dê” luôn bị dẫn dắt.

Khi mà người dân muốn được bày tỏ thái độ trước những nhiều vấn đề của đất nước thì chỉ duy có một Đảng Cộng Sản mà chẳng có một đảng phái khác bảo vệ quyền lợi của dân chúng trước những vấn đề chính trị tất nhiên sẽ không công bằng. Một xã hội dân sự sẽ đi về đâu nếu không có sự kiểm soát của một tổ chức đối lập? Và tất nhiên, các quyền cơ bản của người dân cũng ngang nhiên bị tướt đoạt mà không có luật pháp nào can thiệp. 

Vì thế khi nào các quyền cơ bản được thật sự thực thi, thì lập tức mọi người sẽ bày tỏ và quan tâm nhiều hơn. Chỉ đơn sơ như vậy mà là một ước mơ của cả dân tộc từ nhiều thập niên qua. Đó là Nhân Quyền.

Nói cách khác, chính trị là luật pháp vì luật pháp can thiệp vào mọi hành vi trong xã hội của cá nhân và tổ chức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mọi xung đột có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra là, luật pháp bảo vệ đa số người dân hay chỉ bảo vệ một nhóm nhỏ có đặc quyền đặc lợi, tức là tính công bằng trong luật có được công khai cho người dân giám sát?.

Một nhà nước chỉ sợ người dân nói đến chính trị khi chính mình “biển thủ chính trị”, nghĩa là cướp đoạt quyền công dân, quyền làm người. Và một nhà nước tìm cách bắt bớ các nhà chính trị khi nào họ ở trong thế yếu, cho dù cầm mọi quyền bính trong tay. Kinh nghiêm mà nói, càng bắt bớ bao nhiêu thì kết cục chính trị càng đến sớm bấy nhiều. “Tức nước vỡ bờ”. “Qui luật muôn đời” như ông Nguyễn Minh Triết thường rao giảng. 

Điều đã thấy rõ trong hai năm qua khi chính quyền trung ương và các thành phố cấm dân biểu tình thì dấy lên phong trào “người dân lên tiếng” rộng khắp ở mọi lãnh vực – từ tôn giáo, môi trường, đời sống, và đỉnh điểm hiện nay là “chính sách lớn’ của Đảng về bauxite, về Biển Đông – như một thách thức chính trị quan trọng nhất trước thềm Đại hội XI.

Thay lời kết!

Theo tôi nghĩ, sở dĩ ở Việt Nam người dân thường né tránh chuyện chính trị vì xã hội bị chia thành ba tầng lớp sau đây:

1. Nghèo và không đủ trình độ nên không có điều kiện tiếp xúc với thông tin. Họ chỉ biết về xã hội qua “báo chí quốc doanh” nên thấy xã hội mình đang sống là tuyệt vời, dân chủ… một xã hội chỉ tồn tại hai khái niệm là “của dân, do dân” và phần còn lại là những kẻ phản quốc.
2. Không nghèo (phải nói là giàu) và có trình độ. Thường thị họ cho rằng tội gì hắt đổ bát cơm mình đang ăn hoặc đang được ăn nhờ chế độ “dân chủ, của dân ….”
3. Những nhà hoạt động dân chủ, hay tầng lớp trí thức vừa lên tiếng lập tức sẽ “vi phạm điều 79, 88 Bộ Luật hình sự”

Vấn đề là giải quyết bài toàn này như thế nào để cho tất cả cùng hiểu biết về chính trị. Tôi xin mạn phép đưa ra một vài ý kiến để mọi người cùng tham khảo.

Nhóm 1: Đây là nhóm rất khó “cải tạo”. Vì nhu cầu của họ là “miếng ăn”, chứ không phải là “chính trị”. Họ không thể hiểu được rằng, chính trị có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của họ. Chẳng hạn như giá xăng tăng, kẹt xe, cúp điện… hay những vấn đề nhỏ nhoi khác xung quanh cuộc sống đời thường, tất cả đều do một quyết định “chính trị”.

Vấn đề là chúng ta phải tuyên truyền, bằng cách hướng dẫn cho họ đọc được và hiểu được các thông tin trên các trang mạng trung lập, không phải “báo chí quốc doanh”, dần dần hy vọng họ sẽ hiểu ra và tỉnh thức.

Nhóm 2: Phải tuyên truyền cho họ hiểu và biết quan tâm đến đời sống của tầng lớp thua kém hơn mình, không phải vì lương tâm hay lòng xót thương, mà còn vì chính lợi ích của bản thân. Cải tạo xã hội, nâng cao mức sống và đạo đức chung của xã hội, chính là để có một môi trường sống tốt hơn cho chính họ.

Nhóm 3: Đây là cực kỳ quan trọng, vì họ có tinh thần “giác ngộ” cao nhất. Vấn đề đòi hỏi phải có những con người phải biết hi sinh, dấn thân vì tương lai của đất nước. Chẳng hạn như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức… và tất cả những nhà hoạt động dân chủ trong cũng như ngoài nước. Và trong quá trình đấu tranh, phải khôn khéo để đối đầu với cái xấu, cái sai, cái ác… của đất nước hiện đang đối mặt.

Cụ thể hơn ở trong nước mấy năm qua đã có những “ánh sáng cuối đương hầm” như Khối 8406, Tờ nguyệt san Tổ Quốc, nhóm boxitvn.net, v.v… Và còn rất nhiều các hoạt động âm thầm khác của các tổ chức, hầu mong cho đất nước sớm bặt kịp chuyến tàu văn minh thế giới và người dân sẽ hít thở được bầu không khí dân chủ tự do.

Chỉ cần mỗi người dân Việt Nam chúng ta – trong cũng như ngoài nước – có tinh thần trách nhiệm của một người dân Việt, với truyền thống yêu nước nồng nàn, thì “bài toán” trên không khó để giải quyết.

Đan Quỳnh
Hà Nội – 19.8.2010

Share