Góc nhìn khác về bản án Lê Quốc Quân

Hôm 2/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 30 tháng tù giam với luật sư Lê Quốc Quân vì tội trốn thuế theo điều 161, khoản 3, Bộ Luật Hình sự (BLHS).

Ngoài ra, Tòa còn tuyên phạt bổ sung công ty của ông Quân theo điều 161, khoản 4 (BLHS) số tiền phạt là 1.290.450.394 đồng, đồng thời bắt công ty truy nộp cho ngân sách nhà nước 645.225.197 đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã trốn trong 2 năm 2010 và 2011.

Phản ứng dư luận

Le Quoc Quan-2Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội lập tức lên tiếng với thông cáo như sau: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại”.

Thông cáo cho biết thêm: “Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế”.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ (Việt Nam) hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng mạng lề trái của Việt Nam cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và không chậm trễ.

Riêng cá nhân tôi thì cho rằng với bản án này, thay vì cải thiện thành tích nhân quyền tồi tệ để đáp ứng nguyện vọng của người dân và cộng đồng bè bạn quốc tế thì một lần nữa chính phủ Việt Nam lại minh chứng với mọi người rằng họ không hề tôn trọng nhân quyền và cũng không cần quan tâm đến những “quan ngại sâu sắc” của các đối tác, bạn bè của Việt Nam, cho dù đó có là một đối tác có tầm chiến lược và mối quan hệ “đối tác toàn diện” với Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ chú trọng trao đổi về khía cạnh pháp lý: Liệu Tòa án TP Hà Nội có xử đúng người, đúng tội không?

Luật sư Lê Quốc Quân vô tội?

Như chúng ta đã biết luật sư Lê Quốc Quân bị tòa tuyên án theo điều 161, khoản 3, BLHS vì tội Trốn thuế. Điều này được quy định nguyên văn như sau: “Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Điều khoản này chỉ quy định là phạm tội trốn thuế với một số tiền cụ thể hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì sẽ phải chịu một hình phạt cụ thể.

Khoản 3 này không nói gì đến chủ thể của việc phạm tội. Điều đó dẫn đến câu hỏi: Ai là “chủ thể có tư cách pháp nhân” của sự phạm tội này, cá nhân hay tổ chức, vì chúng ta ai cũng đều biết rằng chỉ có những người hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân đầy đủ trước pháp luật mới có trách nhiệm hình sự và hoặc dân sự trước pháp luật.

Khoản 3, điều 161 không quy định cụ thể về chủ thể của sự phạm tội.

Trong khi khoản 1 và 4 của điều 161 lại quy định rõ ràng là “người phạm tội” phải chịu hình phạt cụ thể cho trách nhiệm hình sự của mình.

Khái niệm “người” trong hai điều khoản nêu trên không thể nào nhầm lẫn được. Không có lý do gì các đại biểu Quốc hội Việt Nam lại đánh đồng khái niệm “người” với các “tổ chức, đoàn thể, hội đoàn” được mặc dù tất cả đều có tư cách pháp nhân như nhau trước pháp luật.

Xin nhắc lại rằng ông Quân là một trong ba thành viên sáng lập công ty Giải pháp Việt Nam (GPVN). Tư cách pháp nhân của ông Quân và của hai người đồng sáng lập hoàn toàn khác với tư cách pháp nhân của công ty GPVN.

Câu hỏi đặt ra là ông Quân hay công ty của ông Quân bị truy tố về tội trốn thuế?

Nếu là ông Quân thì điều 161 khoản 3 không thể áp dụng cho ông Quân vì điều này không có chủ thể của sự phạm tội rõ ràng như điều 161 khoản 1 và 4 có quy định đến khái niệm “người”.

Nếu các nhà lập pháp có ý định muốn chỉ rõ “người phạm tội” trong điều khoản này thì tại sao họ không viết rõ như điều 161 khoản 1 và 4? Họ là những người làm luật thì họ có toàn quyền cơ mà.

Việc không quy định cụ thể chủ thể của phạm tội ở khoản 3 này có lẽ các nhà lập pháp muốn để ngỏ để hiểu rằng đó là các “tổ chức” có tư cách pháp nhân ví dụ như công ty của ông Quân chẳng hạn chăng? Vì thế, nếu như công ty của ông Quân phạm tội thì ông Quân vô tội.

Đi xa hơn, có người lý luận rằng ông Quân là lãnh đạo có quyền nhất trong công ty của ông nên việc công ty của ông phạm tội, ông phải là người chịu trách nhiệm hình sự với tư cách lãnh đạo. Đáng tiếc, quan điểm này hiện vẫn còn đang tranh cãi ở Việt Nam.

Luật pháp hiện hành ở Việt Nam chưa thống nhất là có nên quy trách nhiệm hình sự của công ty cho lãnh đạo của công ty hay không.

Nhà nước pháp quyền chuẩn mực Việt Nam?

Một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền chuẩn mực là xử đúng người, đúng tội.

Các quy định về tội danh cũng như về đối tượng chịu quyền tài phán của pháp luật phải rõ ràng, minh bạch và được công bố rộng rãi. Khi luật pháp chưa rõ ràng thì nhà nước không thể và cũng không nên lạm quyền, chèn ép người dân.

Nhà nước, thông qua Quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất có thẩm quyền làm luật, có thể gần như muốn viết luật như thế nào cũng được, trong khi đó, người dân thì không.

Cho nên, để tái lập cán cân công lý, tòa án nhất thiết phải độc lập và bảo vệ công lý, lẽ phải cho người dân. Nếu như pháp luật chưa rõ thì cần phải làm sáng tỏ; nếu như điều gì đó mà luật pháp chưa hoặc không quy định cụ thể thì tòa án thay vì kết án người dân, nên đề nghị quốc hội làm luật quy định cụ thể hơn vì người dân hầu như không có cơ hội làm việc này.

Trong trường hợp của ông Quân, điều 161, khoản 3, BLHS không quy định cụ thể về chủ thể của sự phạm tội.

Cho nên, ông Quân có thể là người vô tội.

Thay vì vội vàng kết án ông Quân, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, đang ở mức sơ thẩm, có thể tuyên bố ông Quân trắng án và kiến nghị lên Tòa phúc thẩm hoặc trình thẳng lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến giải thích về chủ thể của sự phạm tội theo quy định của điều khoản nói trên.

Nếu làm được như thế không những đã giúp chính phủ Việt Nam giải tỏa được rất nhiều áp lực từ mọi phiá, mà còn làm ấm lòng nhiều người dân Việt Nam, tạo cho họ thêm niềm tin vào nền công lý của nhà nước pháp quyền chuẩn mực Việt Nam.

Chắc ông Quân sẽ kháng án và hy vọng Tòa phúc thẩm sẽ có những bước chuyển đổi ngoạn mục nhưng phù hợp với nguyện vọng của người dân và thời đại.

LS Vũ Đức Khanh, BBC

Share