Góp ý sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam có thật sự dân chủ?

Lần đầu tiên trong lịch sử, việc góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 được chính quyền Việt Nam đưa đến từng hộ gia đình.

Cách làm có vẻ rất dân chủ, nhưng liệu người dân có đủ quyền tự do, hiểu biết để góp ý cho hiến pháp.

Góp ý cho xong

Chị Mai Thanh, sống tại ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM kể: Chiều ngày 09/03, ông tổ phó dân phố tới từng gia đình phát bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 và phiếu góp ý, kèm lời nhắn hai ngày sau thu lại.

Giữa cái ấp đa số dân lao động chân tay, vợ chồng chị làm báo được xem trí thức, do vậy bà con mang đến nhờ gia anh chị bày cách góp ý. Vợ chồng chị giải thích, không góp ý cũng có ai bắt bớ gì đâu. Lời giải thích ấy không làm những người chưa hiểu đủ an tâm.

Anh Chung Văn Nhi, công nhân ngành may, sống tại ấp 3 nói: “Tôi cố gắng đọc bản hiến pháp bên dân phố đưa cho nhưng cũng không hiểu gì, thôi ghi đại chữ ‘Đồng ý’ rồi đưa lại cho xong chuyện”. Không chỉ anh Nhi, đa số các gia đình tại ấp 3 đã ghi “Đồng ý” khi góp ý.

Vợ chồng chị Mai Thanh, ghi: “Do không hiểu nên không dám góp ý. Ban soạn thảo nên lắng nghe những góp ý tâm huyết của các vị trí thức, luật sư, giáo sư am hiểu. Hiến pháp phải xây dựng để thật sự đem lại sự hạnh phúc, tự do, phát triển cho người dân”.

Giải thích về việc vợ chồng chị không thể ghi “Đồng ý” như nhiều gia đình khác, chị Mai Thanh bày tỏ: “Góp ý như suy nghĩ thực sự của mình liệu có được lắng nghe, cũng không thay đổi được gì. Nói thật chỉ thiệt thân.”

Anh Vũ Quốc Tú (blogger Uyên Vũ) sống tại phường 2, quận Bình Thạnh, Sài Gòn lại chọn cách góp ý khác. Anh Tú cho biết: “Gia đình tôi được cán bộ phường đưa cho một bản góp ý. Ngày họ đến nhận tôi sẽ in bản góp ý sửa đổi hiến pháp của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN), ký tên và ghi gia đình có cùng ý kiến với bản này”.

Dân chủ và tự do

Việc góp ý sửa đổi hiến pháp đang được chính quyền Việt Nam triển khai đến từng hộ gia đình. Nhìn qua về hình thức không khác một cuộc trưng cầu dân ý ở các nước dân chủ, nhưng liệu người dân Việt Nam có thực sự tự do để góp ý.

“Dân chủ phải đi đôi với người dân có hoàn toàn tự do để nói lên suy nghĩ, hiểu biết của mình, nếu không chỉ là dân chủ giả hiệu”, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội nói lên nhận định của mình. Ông Vinh nói: “Nếu không đồng ý với bản sửa đổi hiến pháp nên can đảm ghi ‘Không đồng ý’. Và có thể tham khảo góp ý của 72 nhân sĩ trí thức, hoặc của HĐGM VN.”

Trước khi bản sửa đổi hiến pháp 1992 công bố cho người dân góp ý, ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập dự thảo hiến pháp đã phát biểu với đông đảo báo giới, “không có vùng cấm khi nhân dân góp ý sửa hiến pháp”. Tuy nhiên sau đó ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã quy kết: “Góp ý cho hiến pháp đòi bỏ điều 4, đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội là suy thoái đạo đức, tư tưởng.”

Ở một đất nước Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối, can thiệp đến từng ngóc ngách đời sống. Sau lời phát biểu đầy tính răn đe liệu còn người dân nào dám nói thật lòng khi góp ý không hợp với chính quyền.

Nhà nước và nhà thờ

Hưởng ứng lời kêu gọi góp ý sửa đổi hiến pháp, đầu tháng 3 vừa rồi, đại diện HĐGM VN đã nộp bản góp ý cho ban soạn thảo. Tuy nhiên bản góp ý của các vị lãnh đạo tinh thần hơn 6 triệu người Công giáo trong nước xem ra đã không được nhà nước hoan nghênh.

Tài liệu, vận động người dân góp ý cho sửa đổi hiến pháp được chính quyền với cán bộ khu phố, tổ, ấp, thôn đã phát đến tận gia đình. Thời gian mỗi gia đình đọc, suy nghĩ, góp ý cho tương lai đất nước chỉ trong vài ngày ở một công việc xa lạ. Góp ý như thủ tục, không cần chất lượng, nhiều người “đồng ý” càng tốt.

Khác với cách làm của chính quyền, tại Nhà thờ Kỳ Đồng, trong thánh lễ ngày 12/03, cha xứ Giuse Hồ Đắc Tâm đã hướng dẫn giáo dân cách góp ý sửa đổi hiến pháp và ông khuyên: “Đừng đặt bút ký vào điều mình không hiểu, có thể làm hại người khác và bản thân. Điều nào không hiểu nên bàn hỏi với người mình tin tưởng. Những ai đã hiểu nên giải thích cho người chưa hiểu, để có nhiều người tham gia vào lợi ích chung. Nhà thờ đã phát cho những người tham dự thánh lễ bản góp ý của HĐGM VN.”

Cha Tâm giải thích: “Chính quyền kêu gọi góp ý, nhưng hiểu biết của người dân về hiến pháp còn hạn chế, không biết phải góp ý thế nào. Nhà thờ hướng dẫn để việc góp ý được hiệu quả, vượt qua áp lực, nỗi sợ hãi. Bản góp ý của HĐGM VN với người Công giáo là hướng dẫn về tinh thần, đạo đức, tuy nhiên phụ thuộc vào hiểu biết mỗi người.”

Võ Thắng, Radio Australia

Share