Hội thảo về nhân quyền tại Đại học George Washington

Thực trạng nhân quyền, đặc điểm môi trường chính trị ở Việt Nam, cũng như những hạn chế của chính phủ Hà Nội đối với quyền sử dụng Internet và những tiếng nói bất đồng đã là đề tài của một buổi hội thảo tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliot, thuộc Đại học George Washington, ở thủ đô Hoa Kỳ hôm 14/1/2010. Trà Mi tham dự và có bài tường trình chi tiết.

Diễn giả chính buổi hội thảo mang tên Phiên tòa “phản động”: những nhà đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam, và môi trường sinh hoạt blog là giáo sư Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Sigur thuộc Đại học George Washington, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về Việt Nam, người đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế Việt Nam và cũng vừa trở về từ Việt Nam sau một năm nghiên cứu theo chương trình tài trợ của quỹ Fulbright-Hays dành cho các giảng viên.

Giáo sư McHale nhấn mạnh buổi hội thảo có liên hệ tới những gì đang diễn ra tại Việt Nam, giữa lúc các phiên xử 4 nhà bất đồng chính kiến trong đó có luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung sắp diễn ra, đại hội Đảng lần thứ 11 sắp tới, và tình hình siết chặt kiểm soát Internet của chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo nhận xét của ông, trong những năm gần đây, tình trạng dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam đã có những bước thụt lùi mà biểu hiện rõ nhất là trong năm 2009.

Để dẫn chứng cho nhận xét này, giáo sư McHale liệt kê những sự kiện lớn trong năm qua gây chú ý dư luận bao gồm các vụ tranh chấp liên quan đến tôn giáo, mối quan hệ Việt-Trung, những tranh cãi về dự án bauxite Tây Nguyên, tệ nạn tham nhũng, và việc nhà nước tăng cường kiểm soát các trang mạng xã hội. Thực trạng này, theo ông, đã khơi dậy sự bất bình, bất đồng chính kiến từ chính những người dân trong nước, chứ không phải do những thành phần ở hải ngoại xúi giục như chính phủ Việt Nam vẫn thường lên án.

Diễn giả đặc biệt lưu ý rằng những ý kiến bất đồng và đòi hỏi cải cách giờ đây không phải là những người có khuynh hướng chống cộng thuộc thế hệ trước bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, mà chính là thành phần trẻ sinh trưởng sau chiến tranh.

Về phiên xử các nhà bất đồng chính kiến Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long sẽ diễn ra trong tháng này, diễn giả McHale lý luận họ là những trí thức trẻ cổ võ một cách ôn hòa cho những giá trị được tôn trọng trên toàn cầu và đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam trong khi chính phủ Hà Nội khẳng định những người này bị bắt vì vi phạm pháp luật. Hà Nội tố cáo những người này có các bài viết và lập đảng chống nhà nước, nhưng theo giáo sư McHale, họ chỉ nêu lên những phương cách ôn hòa để đối diện với bạo quyền và phục hoạt Đảng Dân chủ từng tồn tại ở Việt Nam từ 1944-1988.

Trả lời phỏng vấn Ban Việt Ngữ đài VOA, giáo sư McHale nhấn mạnh:

“Những người này bị truy tố tội lật đổ chính quyền. Nếu Việt Nam lý luận như vậy, họ phải trưng ra những bằng chứng rõ ràng cụ thể. Bản cáo trạng chỉ quy tội chung chứ không chứng minh được những người này xúi giục lật đổ chính quyền ra sao hoặc có những hành động lật đổ như thế nào. Những gì họ làm là bày tỏ ý kiến ôn hòa, đòi hỏi cải cách để tiến bộ. Nhìn về lâu về dài, nhà nước Việt Nam đang ở trong một thế yếu, những tranh luận tại Việt Nam ngày càng mạnh và nhiều, Đảng Cộng sản không thể nào quay trở lùi như thời gian những năm 90. Hà Nội phải nhìn thẳng vào thực tế.”

Giáo sư McHale nói những lời chỉ trích và ý kiến phản biện sẽ góp ích cho sự phát triển và vì thế, nhà nước Việt Nam cần phải chấp nhận để tiến bộ. Ông cho rằng thời kỳ mà Việt Nam được xem là có tự do ngôn luận nhất là giai đoạn từ năm 1936-1939, dưới thời thuộc địa Pháp. Lúc ấy, người dân, đặc biệt là ở miền Nam, được quyền tự do xuất bản báo chí tư nhân. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, giờ đây với sự góp mặt của công nghệ thông tin và áp lực quốc tế, Việt Nam đã có một chút cởi mở hơn so với chừng 20 năm trước. Số lượng báo chí tăng, truyền thông được phép khai thác các thông tin về tham nhũng ở cấp thấp, nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.

Vẫn theo lời ông McHale, nhiều đề tài tưởng chừng được nhà nước cho phép bàn trên báo chí như tham nhũng hay vấn đề chủ quyền, tuy nhiên, khi người dân phản ứng mạnh mẽ thì nhà nước liền tay đàn áp. Điển hình là đã có một số phóng viên, tổng biên tập, và blogger gặp rắc rối.

Giáo sư McHale nói sự bùng nổ các phương tiện thông tin như web hay blog đã giúp người dân Việt Nam mở mang tầm nhìn và lên tiếng đòi hỏi tự do nhiều hơn, khiến cho những nỗ lực kiểm soát của chính phủ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hà Nội giờ đây chủ yếu lo ngại về những xu hướng đối kháng trong nước hơn là những thành phần chống cộng mà họ cho là thù nghịch.

Ông McHale phát biểu: “Đây là một vấn đề đau đầu cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cổ võ chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, và giờ đây chính tinh thần chủ nghĩa dân tộc là động lực của những tiếng nói bất đồng trong nhân dân về các vụ như dự án bauxite Tây Nguyên hay vấn đề chủ quyền lãnh hải.”

Trong các ví dụ diễn giả McHale đưa ra để chứng minh việc Hà Nội ngăn chặn quyền tự do thông tin và Internet của người dân có vụ trang web về bauxite ở Việt Nam của giáo sư Nguyễn Huệ Chi và trang mạng Talawas ở Châu Âu bị tin tặc tấn công.

Mới đây, website của Cao trào Nhân bản ở Bắc Mỹ cũng đã bị tin tặc phá hoại. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đại diện tổ chức cho biết:

“Tháng 8/2009 Tổng cục kỹ thuật Bộ Công an ra chỉ thị phải ngăn chặn 8 website trong đó có trang web của Cao trào Nhân bản. Chúng tôi có nguyên văn bản chỉ thị đó, nói rằng cần ngăn chặn các trang web có nội dung xấu, bao gồm Facebook, Cao trào nhân bản, trang bauxite..v.v.. Kể từ đó, họ liên tục tấn công website của chúng tôi. Hôm 11/1, website đó hoàn toàn không sử dụng được nữa.

Sự ngăn cản những website như thế nghĩa là nhà cầm quyền Cộng sản muốn bịt miệng tất cả những tiếng nói dân chủ, tự do. Nhưng với phương tiện mới bây giờ, chúng tôi nghĩ họ sẽ thất bại. Điều họ cần làm là cải thiện nhân quyền, kinh tế, chính trị ở Việt Nam hơn là lo ngăn chặn, phá hoại những website có tính thông tin đại chúng mang lại những nguồn tin trung thực cho đồng bào trong nước. Hiện nay họ rất cần những thông tin đó.”

Trà Mi tường trình từ Washington.
Nguồn: VOA

***

THUYẾT TRÌNH VỀ ĐỐI KHÁNG CHÍNH TRỊ

Vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến gần đây là chủ đề buổi thuyết trình của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Shawn McHale tại Đại học George Washington hôm 14/01.

Nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm, hiện là Giám đốc Trung tâm Sigur Nghiên cứu châu Á của Đại học George Washington, muốn giải thích vụ bắt giữ năm nhà hoạt động gần đây bộc lộ những gì về nhà nước, truyền thông và xã hội dân sự ở Việt Nam.

LS Lê Công ĐịnhMùa hè năm ngoái, năm người – gồm các ông Lê Công Định, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung – bị chính quyền bắt giữ, ban đầu với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Sau đó, cáo trạng chống lại họ được tăng nặng lên, thành tội lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Ông Trần Anh Kim đã bị tòa ở Thái Bình kết án 5 năm 6 tháng tù giam hôm 28/12, trong khi bốn người còn lại dự kiến sẽ được đưa ra tòa trong tháng Giêng 2010.

Những người cổ vũ cho xã hội dân sự với hy vọng nó sẽ dẫn tới dân chủ hóa ở Việt Nam, đã cho rằng những vụ trấn áp đối lập của bảy tháng qua là sự thụt lùi đáng lo ngại.

Đã có giải thích rằng nguồn cơn sự việc là Đảng Cộng sản phải đối diện nhiều thách thức – khủng hoảng kinh tế thế giới, dự án bauxite bị phản đối bởi những người lo ngại Trung Quốc và cho rằng chính phủ mềm yếu trước yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, tranh cãi tôn giáo, lo ngại về chất lượng giáo dục và vấn nạn tham nhũng. Từ góc nhìn này, trấn áp là phản ứng của một nhà nước độc đảng lo ngại mất quyền lực.

Tiến sĩ Shawn McHale bắt đầu câu chuyện bằng việc nhìn lại sự trỗi dậy của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Không gian công và blog

Nhà nghiên cứu lịch sử này nhận xét giai đoạn tự do nhất của không gian công cộng ở Việt Nam là 1936-39, khi miền Nam Việt Nam “cũng tự do như Pháp”.

Tuy vậy ông lưu ý, thời đó chỉ có khoảng 15-20% người Việt được học hành – con số đó ngày hôm nay đã là 90%.

“Từ góc nhìn lâu dài, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể để biến chính trị trở nên bao hàm toàn diện hơn và không gian công sinh động hơn. Về tôn giáo, nhà nước đã tinh vi hơn, và vì thế không còn thiên kiến phản tôn giáo như trong quá khứ.”

“Trong thập niên vừa qua, không gian công đã nở rộ. Báo chí trở nên thú vị hơn. Nhưng càng lúc những tác nhân thay đổi càng đến từ bên ngoài Đảng Cộng sản. Hôm nay, sự độc quyền của Đảng về thông tin chính trị, kinh tế, vốn quá rõ ở năm 1990, đã bị bẻ gãy.”

Ông nhìn nhận xã hội dân sự Việt Nam vẫn không phải là Thái Lan hay Nam Hàn, vì tại đây không có các tổ chức thực sự độc lập với Đảng Cộng sản. Nhưng cho dù các tổ chức phi chính phủ vẫn chịu nép uy của chính quyền, thì Đảng cũng ngày càng bớt khả năng kiểm soát các thảo luận chính trị và kinh tế.

Tiến sĩ Shawn McHale đồng ý rằng internet đã khiến nhiệm vụ kiểm duyệt của chính quyền ngày càng khó khăn.

“Trong quá khứ, Đảng Cộng sản có thể dễ dàng gièm pha qua báo in đa số nhà chỉ trích, thường là người Việt chống cộng ở hải ngoại. Ngày nay, nhiều sự bất mãn dường như đến từ bên trong – ngay cả từ những cá nhân tự xem mình đảng viên ‘cấp tiến’”.

“Mạng giờ đây là điểm tranh chấp phức tạp, mà ở đó sự phê phán chính phủ ngày càng công khai.”

Ông dẫn ra cuộc tranh luận quanh chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và cũng lưu ý một số trang web như Talawas hay Bauxitevietnam.info mới đây đã bị tê liệt vì các cuộc tấn công mạng.

‘Những người yêu nước’

Sau khi nhìn lại tiến trình phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam, tiến sĩ Shawn McHale đi vào chủ đề chính của buổi thuyết trình: vụ bắt giữ và sắp đưa ra xử nhóm hoạt động gồm Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung (người bị bắt cùng đợt, ông Trần Anh Kim đã ra tòa ở Thái Bình hồi cuối tháng 12).

Diễn giả người Mỹ xem “toàn bộ các bị can là người Việt Nam yêu nước”.

“Những người này tự xem mình là người ‘cấp tiến’. Họ chia sẻ nhiều giá trị với các thành viên của giới tinh hoa tiến bộ mới.”

Ông lưu ý Hiến pháp Việt Nam khẳng định các quyền về tự do do báo chí, lập hội, tự do tư tưởng, nhưng nhà nước đã luôn hạn chế các quyền này bằng câu nói công dân phải hoạt động “trong khuôn khổ pháp luật”.

Cáo trạng ban đầu với những người này là tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhưng tiến sĩ Shawn McHale cho rằng cáo trạng này có vấn đề vì nhiều người Việt vẫn được chỉ trích nhiều chính sách của nhà nước. Vì thế tội danh của họ bị đưa lên thành nặng hơn – tội “lật đổ”. Để chứng minh các bị cáo đã vượt ra ngoài “khuôn khổ pháp luật”, dường như cách dễ nhất là đặt hành động của Lê Công Định và bốn người kia vào một âm mưu tập thể, không còn chỉ là sự mơ tưởng về một nước Việt Nam mới và khác mà đã là cố gắng lật đổ nhà nước.

Diễn giả cũng lưu ý sự buộc tội của chính phủ một phần dựa trên các hoạt động diễn ra bên ngoài Việt Nam – ví dụ cáo buộc nói Lê Công Định đã tiếp xúc với “khủng bố” ở Mỹ hay tham dự khóa học ở Pattaya, Thái Lan.

Khi đọc cáo trạng, có cảm tưởng phần lớn bằng chứng lấy từ các trang web hải ngoại và từ trao đổi email. Nhiều email lại là đặt ở các máy chủ nước ngoài, ví dụ Gmail. Và chính phủ Việt Nam “chưa bao giờ giải thích làm thế nào họ có thể, một cách hợp pháp, tiếp cận nguồn tài liệu này”.

Sử gia người Mỹ kết luận: “Tôi tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang học nhầm bài học từ lịch sử. Thiên An Môn và Sự sụp đổ Bức tường Berlin đã làm Đảng tỉnh ra. Họ không muốn lặp lại sai lầm tương tự. Họ không muốn có phong trào dân chủ ở Việt Nam.”

Bài học “đúng đắn” từ lịch sử, vị tiến sĩ đặt vấn đề, lại có thể là bài học Nhật Bản sau chiến tranh, mà theo ông, đã khai mầm một xã hội dân sự sôi động cùng chung sống với chủ nghĩa chuyên chế.

“Tại Nhật, các trí thức cho rằng nhiệm vụ của họ là ‘kỷ luật’ nhà nước thông qua sự phê phán, nhưng họ không thách thức quyền căn bản của nhà nước được cai trị.”

“Đa số người Việt không phải là các nhà hoạt động dân chủ. Họ muốn nhìn thấy trách nhiệm giải trình. Họ tin những kẻ tham nhũng phải bị trừng phạt. Họ tin chính phủ cần hành động theo quyền lợi của nhân dân.”

“Để giải quyết những vấn đề đó, chính phủ Việt Nam có thể nên bớt tập trung vào các nhà dân chủ, để chú ý hơn nguồn gốc của sự bất mãn: những hành động của chính Đảng Cộng sản.”

Nguồn: BBCVietnamese

 

Share