Hệ lụy của cuộc xung đột Syria ở Châu Á – Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương có thể không nghĩ ngợi gì nhiều về cuộc xung đột ở Syria; tuy nhiên, cuộc nội chiến này còn lâu mới không can hệ gì tới họ. Việc Hoa Kỳ phản ứng trước Syria như thế nào sẽ không khác nhiều so với cách thức mà Washington sẽ phản ứng một khi chiến sự nổ ra trên Biển Đông.

Syria cũng là Châu Á – Thái Bình Dương

SyriaCác nhà lãnh đạo của các nước Châu Á – Thái Bình Dương có thể không suy nghĩ gì nhiều và không nhìn thấy gì ở cuộc nội chiến Syria; tuy nhiên, xin đừng mắc sai lầm, cuộc xung đột này và kết cục của nó sẽ tác động trực tiếp đến những ai đang sống ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Không còn nghi ngờ gì nữa, bất kỳ sự can thiệp nào của Hoa Kỳ vào Syria cũng sẽ trì hoãn chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của họ, trước sự hài lòng của Trung Quốc và sự lo ngại của các đồng minh Hoa Kỳ trong khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán, đặc biệt là trên Biển Đông, có những người tin rằng bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ vào Syria cũng là một sự đánh lạc hướng chú ý không cần thiết, và sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Những người chỉ trích nào vẫn ủng hộ sự “không can thiệp”, với niềm tin rằng Hoa Kỳ nên dứt khoát từ bỏ Trung Đông và thay vì thế, hướng sự chú ý vào Châu Á – Thái Bình Dương, hãy nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Syria cũng là Châu Á – Thái Bình Dương.

Khi xem xét sự can thiệp quân sự tiềm tàng của Hoa Kỳ ở Syria, người ta có thể suy diễn từ những hành động và phản ứng của Washington để hình dung ra một cuộc can thiệp khả dĩ của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là nhằm ứng phó với những tranh chấp biển đảo trên Biển Đông.

Như ở Syria, một khi chiến sự nổ ra trên Biển Đông, Hoa Kỳ cũng không khỏi thấy mình bị cuốn vào. Mặc dù những điểm đặc thù có thể khác nhau, song bầu không khí chính trị ở Washington thì vẫn vậy.

Câu chuyện chính trị của cuộc can thiệp

Hoa Kỳ và đồng minh của họ đang đứng trước một sự thúc bách đạo đức bất khả nghi là can thiệp và lật đổ Tổng thống Al-Assad ra khỏi quyền lực. Sử dụng vũ khí hoá học chống lại nhân dân là một hành động tàn ác và không thể dung thứ ở bất kỳ hoàn cảnh nào; và trong phần lớn trường hợp, nếu không có sự phản đối của Nga và Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), quyền lực pháp lý lẽ ra đã phải được trao cho Hoa Kỳ và đồng minh để họ tiến hành hành động can thiệp.

Như vậy, cơ sở pháp lý không phải là điều khiến Tổng thống Obama phải bận tâm. Hoa Kỳ vẫn sẽ hành động, bất kể có được phép của LHQ hay không. Không hành động, nhắm mắt trước những tội ác mà những kẻ thủ ác đang gây ra ở Syria cũng đồng nghĩa với tội ác. Hoa Kỳ có thể không nhận được sự ủy thác pháp lý từ LHQ để can thiệp; tuy nhiên, họ có trách nhiệm đạo đức để làm điều đó. Ở đây đã có một liên minh quốc tế sẵn sàng và sẵn lòng, và đã có sự đòi hỏi từ nhân dân Syria. Tất cả những gì cần thiết hiện nay là một ai đó đứng ra lãnh đạo.

Câu hỏi cho đến nay là quy mô hành động quân sự của Mỹ. Tổng thống Obama sẽ sẵn lòng đi xa đến đâu trong việc hỗ trợ lực lượng đối lập ở Syria? Oanh kích, tấn công bằng máy bay không người lái và tấn công bằng tên lửa có thể làm suy yếu lực lượng chính phủ, nhưng chừng đó là chưa đủ để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Máy bay và tàu chiến, rốt cuộc, không thể giữ được địa bàn; và chắc chắn cuộc chiến kéo dài này đã làm suy yếu sức mạnh của lực lượng mặt đất của phe đối lập ở Syria.

Không còn nghi ngờ gì, ý nghĩ gửi quân Mỹ tham gia cuộc chiến đã thoáng qua đầu Tổng thống Obma; tuy nhiên, chắc chắn rằng bất kỳ một chiếc quan tài phủ cờ Mỹ nào cũng là cảnh tượng sẽ khiến một Hạ Nghị sỹ hay Thượng Nghị sỹ nào đó phải trả giá bằng chiếc ghế của mình trong kỳ bầu cử tới. Vì thế, sự ủng hộ và chuẩn thuận của Quốc hội là điều khó khăn, ấy là còn chưa nói tới thái độ dè dặt của Tổng thống. Mọi quan chức dân cử ở Washington vẫn còn bị ám ảnh bởi Iraq và Afghanistan, cũng như cái giá tài chính và sinh mạng mà nước Mỹ đã phải gánh chịu.

Dù vậy, chừng nào cuộc nội chiến ở Syria còn tiếp diễn, chừng nào Al-Assad vẫn còn nắm quyền lực, chừng đó Hoa Kỳ vẫn không thể chú tâm vào những cam kết ở nơi khác của họ. Ở đây có một sự lo ngại rất thực là kho vũ khí của Syria sẽ rơi vào tay những đối tượng bất hảo, chẳng hạn như Al-Qaeda và Hezbollah. Hơn thế, Washington vẫn còn nghi ngại về thành phần của các lực lượng đối lập ở Syria, và liệu những lực lượng này, một khi tiếp quản quyền lực, có chuyển hướng chống lại Hoa Kỳ hay không?

Chỉ các cuộc không kích không thôi thì sẽ không đánh bại được Al-Assad; tuy nhiên, chúng có thể san phẳng chiến trường và đem lại cơ hội mà phe đối lập Syria cần để đánh bại các lực lượng của Al-Assad. Ngược lại, ở đây không có gì đảm bảo rằng lực lượng đối lập Syria, nếu thành công, sẽ không bán bất kỳ thứ vũ khí hoá học hay vũ khí huỷ diệt hàng loạt nào cho kẻ thù của Mỹ. Đây là vấn đề kiểm soát, và nếu thiếu sự kiểm soát trực tiếp – chắc chắn là lựa chọn cuối cùng cho Tổng thống Obama – Syria sẽ còn tiếp tục quấy rầy Mỹ dài dài sau khi chiến cuộc kết thúc.

Nếu Al-Assad không từ bỏ quyền lực thì dường như không có giải pháp ngoại giao nào cho cuộc nội chiến Syria ở thời điểm này cả. Thay vì thế, điều mà người ta có thể hy vọng là một cuộc tấn công quân sự quyết định và áp đảo của Mỹ và đồng minh nhằm vào chính phủ Syria sẽ khuyến khích Nga ngồi vào bàn để đàm phán về một thoả thuận nhằm khôi phục trật tự ở đất nước này. Nga chắc chắn là sẽ đồng ý với bất kỳ một tân chính phủ nào mà họ có thể làm ăn chung được thay vì một chính phủ mà họ không thể.

Sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông

Vậy Syria đại diện cho Châu Á – Thái Bình Dương tới mức độ nào?

Trên nhiều phương diện, một cuộc xung đột trên Biển Đông sẽ đặt ra cho Hoa Kỳ một loạt vấn đề tương tự như cuộc nội chiến ở Syria. Lúc đó, Tổng thống Obama sẽ khó mà nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng để can thiệp vào một cuộc xung đột ở nước ngoài và cách xa biên giới của họ.

Tuy nhiên, bất chấp thái độ chán ngán của công chúng Mỹ đối với chiến tranh và sự do dự của giới lãnh đạo khi gửi quân ra nước ngoài, Hoa Kỳ sẽ và phải can thiệp, nếu chỉ để bảo vệ những lợi ích trong khu vực của họ. Một lần nữa, vấn đề nằm ở chỗ là người Mỹ sẽ sẵn sàng tới đâu và sẽ đi xa đến đâu? Trong khi cuộc nội chiến ở Syria bị giới hạn trong biên giới của nó thì bất kỳ cuộc chiến nào trên Biển Đông cũng sẽ lan ra khắp Đông Nam Á và có lẽ là toàn bộ Châu Á – Thái Bình Dương. Mức độ thương vong có thể sẽ khiến người ta nhụt chí.

Khắc ghi thực tế trên trong tâm trí, các nhà lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương tốt hơn hết là nên ve vãn Hoa Kỳ, nên củng cố vai trò quan trọng của họ trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Đây đơn giản chỉ là chuyện đổi chác. Như một số quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ cũng tỏ ra quan ngại trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Dù vậy, tại sao Hoa Kỳ lại nên cân nhắc quan ngại của những nước đó nếu chính họ lại không sẵn lòng hỗ trợ Hoa Kỳ bên ngoài biên giới nước này? Đối với người Mỹ, họ sẽ chỉ cảm thấy quá dễ dàng khi làm những gì mình muốn và theo cách mình muốn nếu không có sự đóng góp của các nước trong khu vực, trừ phi Washington có lý do để không làm thế.

Thay vì hối thúc Hoa Kỳ rút lui khỏi cuộc xung đột ở Syria, các nước Châu Á – Thái Bình Dương nên sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào của Mỹ/NATO nhằm chống lại chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad, bởi lẽ nếu người Syria không quan trọng với Hoa Kỳ thì liệu người Châu Á – Thái Bình Dương quan trọng đến đâu với họ?

LS Vũ Đức Khanh, Asia Sentinel
Nguyễn Việt Nam dịch / Phía Trước

________

Nguyên bản Anh ngữ của bài đã được đăng trên trang Asia Sentinel. Phiên bản Việt ngữ do dịch giả Nguyễn Việt Nam ở Hà Nội thực hiện.

Share