Không minh bạch, đừng mơ chống tham nhũng

ại sao tham nhũng sẽ trở thành một trong những vấn đề chính trị cấp bách của thế kỷ 21?

Cockcroft đã hoàn toàn đúng khi cho rằng tham nhũng đang trở thành một căn bệnh mang tính hệ thống sẽ cản trở cho vấn đề quản trị trên thế giới, và gây méo mó sự vận hành của nhà nước nếu không được giám sát đúng mức.

Laurence Cockcroft lo ngại về sự ấm lên toàn cầu. Vâng, như tất cả chúng ta, ông sợ nhiệt độ tăng sẽ gây ra những hậu quả xấu. Nhưng ông cũng quan tâm đến một vấn nạn nữa mà đa số chúng ta có lẽ chưa quan tâm lắm – tức là mối quan hệ giữa biến đối khí hậu và tham nhũng.

Vậy hai thứ trên có thể liên hệ với nhau như thế nào? Thực tế, chúng rất có liên quan. Nhiều hình thức hủy hoại môi trường đi ngược lại với các quy định pháp luật ở nơi hiện trường diễn ra, nhưng những kẻ xâm phạm – như lâm tặc ở những nước như Brazil, Indonesia hay Congo – vẫn thường dùng tiền mua chuộc các nhà quản lý để được “công khai” vi phạm pháp luật.

Một số cơ chế mà cộng đồng quốc tế đang sử dụng để đối phó với biến đổi khí hậu có nguy cơ bị lạm dụng rất lớn. Cơ chế mua bán carbon đã cho thấy khả năng dễ bị gian lận đến mức nào. Các nước giàu đã cam kết chi hàng trăm tỷ USD gây quỹ để giúp các nước nghèo bù đắp chi phí thích nghi với sự ấm lên toàn cầu.

Số quỹ này có khi còn lớn hơn toàn bộ số tiền chi cho viện trợ phát triển. Thực tế đó biến chúng trở thành mục tiêu hấp dẫn cho hành vi hối lộ – đặc biệt khi nhìn vào số tiền tài trợ trong các dự án viện trợ trước đây đã bị thất thoát do tham nhũng.

Cockcroft nói: “Nếu tham nhũng làm suy yếu các quỹ này theo đúng cái cách nó làm xói mòn nhiều chương trình viện trợ, thì nó chính là trở ngại lớn cho việc hạn chế nhiệt độ tăng trong khoảng thấp hơn 2 độ vào năm 2050″.

Theo tác giả, Cockcroft đã hoàn toàn đúng khi cho rằng tham nhũng đang trở thành một căn bệnh mang tính hệ thống sẽ cản trở cho vấn đề quản trị trên thế giới, và gây méo mó sự vận hành của nhà nước nếu không được giám sát đúng mức.

Là một nhà kinh tế học phát triển và từng trên dưới 10 năm công tác tại Nigeria, Cockcroft nằm trong số những thành viên sáng lập tổ chức Minh bạch quốc tế, một cơ quan phi lợi nhuận toàn cầu cung cấp các biện pháp ngăn chặn làn sóng tham nhũng.

Mặc dù tổ chức này vừa kỷ niệm 20 năm thành lập, Cockcroft không lấy đó là lý do ông quyết định xuất bản cuốn sách mới Global Corruption (Tham nhũng Toàn cầu), trong đó ông chỉ rõ những thách thức lớn nhất và kiến nghị một số giải pháp. Ông nói, lý do chính ông viết ra những điều ấy là vì thách thức mà vấn đề tham nhũng đặt ra đang trở nên báo động hơn bao giờ hết.

Những tin tức tuần qua dường như càng chứng minh những điều ông nói là đúng. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi phát biểu tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa diễn ra tại Bắc Kinh đã nói trước các đại biểu tham dự rằng tham nhung có thể đe dọa sự cầm quyền của đảng nếu đảng không thể khống chế vấn nạn.

Nhận định trên được đưa ra gần như không gây bất ngờ sau vụ bê bối nghiêm trọng liên quan đến Bạc Hy Lai, một quan chức có tiếng nói và sự ra đi của ông trong năm nay đã hé lộ nhiều điều về sự lạm dụng quyền lực và ảnh hưởng có lẽ đã thành thói quen.

Trong khi đó, tại Nga, Thổng thống mới mà cũ Vladimir Putin cũng vừa thẳng tay “trảm” Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov sau những cáo buộc vị quan chức thất sủng này đã lợi dụng đặc quyền của mình để thu lợi từ hoạt động thương mại vũ khí của Nga. Serdyukov bị phát hiện đang khiêu vũ với tình nhân tại một ngôi nhà chứa đầy những đồ xa xỉ khi cảnh sát lục soát nhà của người phụ nữ này. Cảnh sát sau đó đã dẫn cô gái này đi. Vụ việc dường như chưa dừng lại ở đó.

Mặc dù vậy, ở Nga, hồ sơ hành động của chính phủ cũng hết sức có lựa chọn. Các kế hoạch cải cách quân đội của Serdyukove đã khiến ông có rất nhiều kẻ thù trong lực lượng vũ trang nước này, do đó, họ đã lợi dụng việc chi tiêu quá đà của ông làm cái cớ để loại bỏ ông. Theo tác giả, những biểu hiện tham nhũng cũng chẳng kém phần nghiêm trọng của các quan chức Nga – chưa kể của các nhân vật đứng đầu tại Giáo hội Chính thống Nga – đều nhận được rất ít hay thậm chí không có phản ứng nào từ phía Kremlin.

Cũng cần chỉ ra rằng các vụ bê bối tham nhũng không chỉ xảy ra ở những nước bị phương Tây cho là độc đoán. Công chúng Brazil cũng đang hồi hộp theo dõi vụ việc hàng chục quan chức chính phủ của cựu tổng thống còn đang rất được lòng dân Luiz Inácio Lula da Silva vừa bị xét xử và buộc tội do những dính líu trong kế hoạch mua lá phiếu quy mô lớn được biết đến là mensalão (tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là “khoản chi lớn hàng tháng”). Tại Indonesia, Ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia đang phải lao vào một trận chiến lịch sử với lực lượng cảnh sát nổi tiếng mục nát của nước này. Còn tại Ấn Độ, các nhà hoạt động cũng đang gây dựng trở lại một chiến dịch toàn quốc chống nạn hối lộ đang quá tràn lan và nhiều người coi đây là trở lực chính đối với tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề đó, ngay cả ở Mỹ – nơi nhiều người dân đang hân hoan sau cuộc bầu cử đầy gay cấn – cũng có những băn khoăn về mối quan hệ ngày càng gắn bó mật thiết giữa tiền bạc và chính trị, từ các khâu vận động cho tới các tài trợ chính trị bất chính. (Theo tác giả, ngay cả một số cách làm không đứng đắn nhất, xét một cách nghiêm túc, vẫn không được Mỹ xếp vào loại hành vi tham nhũng bởi chúng được pháp luật cho phép).

Cockcroft ghi nhận cuộc chiến chống tham nhũng thành công nhất đang diễn ra tại những nơi nhỏ bé như Singapore và Hồng Kông, nơi các nhà lãnh đạo đã xây dựng được các thể chế mạnh chống tham nhũng cũng như thấm nhuần cho người dân tinh thần chống tham nhũng đích thực, chứ không phải giả tạo. Nhưng những bài học của họ vẫn khó có thể áp dụng hiệu quả vào những nơi tham nhũng đã “di căn” như Nga hay Indonesia.

Nhưng ông cũng nhìn thấy những tia hy vọng khi người dân trên toàn thế giới ngày càng ý thức được hơn về quy mô của vấn đề. Trong Chiến tranh lạnh, người ta không sẵn sàng coi đó là một dịch bệnh toàn cầu, bởi một phe còn chưa dám nhìn nhận thẳng thắn vấn đề trong khi một phe thì e ngại việc đụng chạm vào điểm yếu của những đồng minh độc tài trong cuộc đối đầu với Liên Xô sẽ gây phức tạp trong liên minh. Nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đầy ấn tượng trong hai thập niên qua đã khiến cho tham nhũng trở nên nghiêm trọng đến mức không thể thờ ơ – cũng như khó phát hiện hơn.

Cockcroft gợi ý, các chiến dịch chống tham nhũng tốt nhất nên tập trung vào một số khu vực chủ chốt. Trước hết, chính phủ và nhà tài trợ cần phải xác định, quy mô của khu vực phi chính thức trong nhiều nền kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng. Cần tạo cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp công khai và hợp pháp hóa các hoạt động.

Tiếp đến, như các ví dụ tại Mỹ và Ấn Độ đã chỉ ra, các quy định về tài trợ chính trị bị bóp méo có thể để lại những hậu quả rất lớn, khi các đảng phái chính trị thường trả công cho các nhà tài trợ bằng cách thay đổi các quy định hay trao cho họ những hợp đồng hậu hĩnh. Cockcroft cũng nhấn mạnh, cần phải đánh giá đúng mối liên hệ giữa chính trị gia với tội phạm có tổ chức ở nhiều khu vực trên thế giới.

Nhưng cõ lẽ, phương thuốc hữu hiệu nhất vẫn là công khai hóa. Các phóng viên trên khắp thế giới cần phải luôn sẵn sàng đưa ra ánh sáng những hành vi sai trái. Truyền thông xã hội cũng đang trở thành một kênh quan trọng giúp phát hiện những kẻ nhận hối lộ.

Cuối cùng, điều quan trọng là cần phải nhớ rằng các giải pháp chống tham nhũng luôn tồn tại, và chúng có thể phát huy hiệu quả khi người dân và nhà hoạch định chính sách đều có thể làm chủ ý chí chính trị. Nhận hay đưa hối lộ là một việc làm không thể tránh khỏi ở một số nền văn hóa nên có ý kiến cho rằng chống lại nó là một việc làm vô ích. Nhưng xin hãy đừng để trí tuệ lười biếng như vậy. Cockcroft chỉ ra: “Văn hóa không cố định ở mọi thời điểm. Văn hóa luôn vận động”. Cho dù ở những nơi tham nhũng đã trở thành đại dịch, vẫn luôn có những người luôn sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống tham nhũng. Có lẽ, đã đến lúc, chúng ta – những người còn lại – cần chung tay góp sức dẹp tan vấn nạn này.

Trâm Anh theo FP, trích từ TVN

Share