Lịch sử phát triển của tài phán hiến pháp

1. Từ xã hội thần dân đến xã hội công dân

Cho đến tận cuối thế kỷ 18, đa phần nhân loại đều sống với thân phận thần dân; họ là tài sản, là nô bộc của các ông vua chuyên chế. Bổn phận của họ là thần phục nhà vua và chính quyền phong kiến, chủ nô nói chung mà không được đòi hỏi một quyền lợi chính trị gì khác1. Nhà vua chỉ có quyền, quyền lực tuyệt đối mà không có nghĩa vụ2 đối với người dân; người dân có nghĩa vụ phục tùng tuyệt đối nhà vua, phục tùng trật tự xã hội do giai cấp phong kiến đặt ra; những điều tốt mà người dân được hưởng là ân đức của nhà vua chứ không phải bản thân họ mặc nhiên được quyền hưởng những điều đó.

Không thể lý giải trật tự vô lý này bằng những lập luận, luân lý thông thường, bằng những logic nội tại của cuộc sống trần gian, những vị vua đã tìm cách lý giải quyền lực của mình từ bên ngoài, thần thánh hóa nguồn gốc quyền lực của mình. Họ đã dựa vào tôn giáo để làm bệ đỡ cho mình. Họ giải thích quyền lực mình có được là do một đấng siêu nhiên từ bên ngoài trao cho, đó có thể là Ngọc Hoàng ở phương Đông hay Thượng đế ở phương Tây, hay thánh Ala của người Hồi giáo. Vì vậy, nhà vua được gọi là “thiên tử”, “thiên hoàng” và thường có vai trò như giáo chủ của một quốc gia. Nếu một dân tộc có vị vua tàn bạo, ngu dốt thì người dân cũng không có quyền nổi dậy, lật đổ nhà vua vì đó là ý chí của Thượng đế, của Ngọc Hoàng. Người dân không nên oán trách Thượng đế hay Ngọc Hoàng đã cử xuống trần gian một ông vua bạo tàn, ngu dốt như vậy mà hãy tự xem xét lại mình. Sỡ dĩ một dân tộc nào đó gặp phải cảnh ngộ này là do trong quá khứ dân tộc đó đã có lỗi lầm, nên thay vì oán trách hay nổi loạn hãy ngoan ngoãn chấp hành hình phạt và sám hối để được Thượng đế cử xuống một vị vua anh minh hơn. Chính vì tìm thấy sức mạnh từ tôn giáo làm bệ đỡ tư tưởng cho sự cai trị chuyên chế nên giai cấp chủ nô, phong kiến đã ra sức củng cố và phát huy tôn giáo; giáo hội và nhà vua thời kỳ Trung cổ đã hợp sức với nhau để cai trị người dân.

Chủ nghĩa duy vật thế kỷ 19 đã đủ sức bóc trần màn lừa bịp trên, thế nhưng chính trị học, luật học của thế kỷ 19 chưa mạnh dạn cắt bỏ hoàn toàn nguồn gốc thần thánh của quyền lực nhà nước. Quan niệm về đấng siêu nhiên là một phản xạ có điều kiện đã được khắc vào trí não loài người từ hơn 2000 năm trước, không dễ gì xóa bỏ, thay đổi, đặc biệt khi mưu toan thay đổi quan niệm này bị nhà cầm quyền cấm đoán. Vì vậy, một vài nhà chính trị học thời kỳ này nghĩ ra một học thuyết mang màu sắc thần thánh nhưng đã khôn khéo giải thích nguồn gốc quyền lực nhà nước từ người dân3. Họ cho rằng, quyền lực nhà nước xuất phát từ đấng siêu nhiên bên ngoài xã hội loài người và Thượng đế đã trao nó cho toàn dân. Để cho tiện hành xử quyền lực đó, toàn dân thỏa thuận trao lại quyền lực đó cho một vị vua và nếu vị vua không tuân theo ý chí của mình thì có thể rút lại sự ủy quyền đó.

Cách giải thích này đã đặt tiền đề cho người dân có khả năng thay đổi nhà vua nếu như nhà vua bạo tàn và ngu dốt; nó cũng làm cơ sở tư tưởng cho việc sử dụng bạo lực để lật đổ chế độ cũ nếu nó không còn phù hợp, mở đường cho cách mạng tư sản. Cách giải thích duy tâm về nguồn gốc quyền lực nhà nước này tuy không có cơ sở khoa học và tồn tại ngắn ngủi, nhưng đã có tác động làm cho cách mạng tư sản có bước chuyển mạnh mẽ sang giai đoạn thứ hai. Có thể nói, đây là sự vận dụng khéo léo, mang tính thực dụng của các nhà tư tưởng giai đoạn Phục hưng bước sang giai đoạn Khai sáng ở phương Tây.

Đến đầu thể kỷ 19, khoa học kỹ thuật đạt được những thành tựu rực rỡ. Lúc này, người ta dễ dàng chứng minh nguồn gốc của sấm sét không phải từ thần Sấm, cũng như nhiều hiện tượng thần bí khác đều được phơi bày dưới ánh sáng khoa học; người dân bắt đầu giảm lòng tin vào sự tồn tại của Chúa. Chủ nghĩa duy vật ngày càng được chứng minh một cách rõ ràng, mạch lạc, chủ nghĩa duy tâm ngày càng bị thu hẹp nơi trú ẩn. Mặt khác, sự phát triển của khoa học kỹ thuật dẫn đến vai trò của máy móc, nhà xưởng ngày càng quan trọng so với ruộng đất. Vai trò kinh tế của giai cấp tư sản càng lớn mạnh; cách mạng tư sản càng phát triển lên một cấp độ cao hơn, triệt để hơn.

Khi đó, giai cấp tư sản cần đến một học thuyết mới giải thích nguồn gốc quyền lực nhà nước một cách triệt để hơn. Và J.J. Rút-xô bằng tài năng văn học của mình4 đã phát ngôn học thuyết này trong tác phẩm Khế ước xã hội.

J.J. Rút-xô đã cắt đứt nguồn gốc thần thánh của quyền lực nhà nước, mối quan hệ giữa Thượng đế và nhân dân mà chỉ giữ lại đoạn sau: quan hệ giữa nhân dân và nhà nước.

J.J. Rút-xô quan niệm rằng, ở trạng thái nguyên thủy, khi mà cuộc sống con người chưa khác các loài vật khác là bao, thì con người có mọi quyền, kể cả quyền tự do giết người khác, giống như con bò húc nhau thì không phải xin phép, không bị tòa án nào xử. Nhưng nếu mình có quyền tự do giết người khác thì người khác cũng có quyền tự do giết mình. Việc từng cá nhân tiếp tục nắm giữ các quyền tự do nguy hiểm đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình và sự tồn tại của cả cộng đồng, nên con người là loài khôn ngoan đã tìm cách kiểm soát việc tùy tiện hành xử các quyền tự do nguy hiểm đó bằng cách cùng nhau thỏa thuận trao bớt những quyền tự do nguy hiểm đó cho một chủ thể trung gian, đó chính là nhà nước. Như vậy, nhà nước không phải là một sản phẩm tự nhiên, cũng không phải là sản phẩm “thiên định” mà là một sản phẩm nhân tạo5. Sự thỏa thuận này chính là khế ước. Nhưng khế ước này có chủ thể đặc biệt, là tất cả các thành viên cộng đồng đều tham gia vào nên có tên là khế ước xã hội.

Như vậy, học thuyết Khế ước xã hội không những chỉ ra nguồn gốc duy vật của quyền lực nhà nước mà còn khẳng định một cách đầy thuyết phục: nguồn gốc quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân6. Người dân không phải là nô lệ của quyền lực nhà nước mà là chủ thể của quyền lực nhà nước. Người dân sinh ra không phải để phục vụ nhà nước mà nhà nước được nhân dân lập ra để phục vụ lợi ích, nhu cầu của người dân.

Cách mạng tư sản thế kỷ 19 đã biến học thuyết này thành hiện thực, việc nhân dân bỏ phiếu để thành lập nên chính quyền đã trở thành một phong trào ngày càng sâu rộng, lan tỏa trên toàn thế giới chứ không phải chỉ đơn lẻ ở một vài thành phố tự do như thời kỳ Cổ đại và thời kỳ Trung cổ. Từ công dân được dùng để chỉ người dân thay cho từ thần dân từ đấy.

2. Từ xã hội công dân đến nhà nước pháp quyền

Học thuyết Khế ước xã hội và cách mạng tư sản đã cắt đứt nguồn gốc thần thánh của quyền lực nhà nước và chuyển xã hội loài người sang xã hội công dân. Thế nhưng từ xã hội công dân đến nhà nước pháp quyền còn một bước khá xa. Nhằm mục đích phục vụ cho cách mạng tư sản, giành quyền lực nhà nước từ tay nhà vua sang nhân dân (mà đằng sau đó là giai cấp tư sản), học thuyết Khế ước xã hội mới chỉ ra nguồn gốc quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do vậy nhà nước phải tuân theo ý chí nhân dân. Nhưng ý chí nhân dân được xác lập, xác định qua những phương thức nào, được biểu hiện ra dưới những dạng cụ thể nào, thì ngoài quyền bầu cử ra, các học giả giai đoạn đầu của cách mạng tư sản chưa chỉ ra cụ thể.

Thừa nhận nguồn gốc quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân dẫn đến người lãnh đạo nhà nước phải do dân bầu, nhưng liệu nhà nước có phải tuân theo luật pháp do chính nhà nước ban hành? Nếu nhà nước phải tuân theo luật thì có phải nhà nước tự đặt ra luật để ràng buộc mình, nhà nước đã tự làm ra sợi xích để trói mình hay không? Mặc dầu những câu hỏi này như là hệ quả tất yếu của cách mạng tư sản, nhưng không phải nó được lý giải một cách đầy đủ ngay từ khi diễn ra cách mạng tư sản. Những câu hỏi này gắn liền với chủ nghĩa lập hiến.

Khi cách mạng tư sản thắng lợi, giai cấp tư sản muốn đoạn tuyệt với mô hình quyền lực vô giới hạn của nhà vua chuyên chế phong kiến, đoạn tuyệt với phương pháp cai trị độc tài như là một hệ quả tất yếu của mô hình quyền lực không bị giới hạn, đã tìm cách xây dựng hiến pháp.

Bản chất của hiến pháp

Hiến pháp không phải là tuyên bố chính trị đơn phương của giai cấp thống trị đối với các tầng lớp xã hội khác. Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì trước hết hiến pháp cũng phải của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp của nhân dân thì ý chí của tất cả mọi người dân đều phải được phản ánh trong hiến pháp; được phản ánh với tư cách là người chủ quyền lực nhà nước chứ không phải là sự chiếu cố, ban phát của nhà nước. Chính vì những lập luận này mà xã hội tư sản đã quan niệm hiến pháp như là một khế ước xã hội. Lời nói đầu của Hiến pháp Masachusetts 1780 – Hiến pháp của một bang thuộc Hoa Kỳ đã ghi như sau “Chúng tôi, nhân dân Massachusetts, thừa nhận, với những trái tim biết ơn, lòng tốt của vị lập hiến vĩ đại của nhân loại ban cho chúng tôi, với sự nhìn xa trông rộng của họ, cơ hội cho chúng tôi ký kết với nhau một khế ước long trọng, rõ ràng, nguyên gốc một cách hoà bình, xem xét kỹ lưỡng mà không có lừa dối, bạo lực, hay sự bất ngờ nào; và hình thành nên một định chế mới của chính quyền dân sự cho chính chúng tôi và sự thịnh vượng; và tận tâm thỉnh cầu vị lập hiến định hướng thiết kế, chúng tôi thoả thuận thiết lập Tuyên ngôn Nhân quyền và Khuôn khổ chính quyền sau đây như là Hiến pháp của Cộng đồng thịnh vượng Massachusetts”7. Như vậy, nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến chứ không phải là nhà nước. Nhân dân “đặt ra hiến pháp”8 chứ không phải là nhà nước đặt ra hiến pháp và “nhân dân ra sức thi hành hiến pháp”9. Vì hiến pháp là của nhân dân nên nó sinh ra không phải để trói buộc người dân, mà để bảo vệ các quyền, lợi ích của nhân dân trong mối quan hệ với nhà nước tốt hơn, mặc dầu nhà nước là một hiện tượng mong muốn của loài người. Nhà nước là một sản phẩm vĩ đại trong văn minh loài người nhưng có lúc nhà nước cũng hung dữ như “con thủy quái”. Các vị vua tàn bạo, những tập đoàn độc tài đã gây ra chết chóc, bóp nghẹt cuộc sống của nhân dân10.

Nhà nước là công cụ bảo vệ, phục vụ nhân dân hay là con thủy quái đối với nhân dân tùy thuộc vào nhân dân quan niệm như thế nào về nhà nước, cách nhân dân kiểm soát, sử dụng quyền lực nhà nước. Một chính quyền được lập ra có thể là do dân, vì dân nhưng nếu không “lắp những sợi dây cương” để kiềm tỏa nó thì lâu dần, nó sẽ tha hóa và chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm người nhất định, lúc đó nó sẽ trở thành con thủy quái. Chính vì vậy, những nhà cách mạng tư sản quan niệm hiến pháp như là bản văn dùng để giới hạn quyền lực nhà nước. Là bản văn giới hạn quyền lực nhà nước nên hiến pháp phải chỉ ra những việc nhà nước phải làm và những việc nhà nước không được làm. Để làm rõ giới hạn quyền lực này, đa phần các dân tộc đã ghi nó thành văn bản; đó chính là hiến pháp thành văn11.

Nhà nước pháp quyền

Khi hiến pháp thành văn được ban hành thì việc thiết lập quyền lực nhà nước phải tuân theo hiến pháp. Nhưng sự vận hành của quyền lực nhà nước có phải tuân theo hiến pháp hay không? Một hành vi của một cơ quan nhà nước trái với hiến pháp có giá trị pháp lý hay không? Một hành vi trái pháp luật của các cơ quan nhà nước có được thừa nhận hay không?

Khi thoát khỏi chế độ quân chủ chuyên chế, không phải ngay tức khắc các dân tộc đều giành được quyền lực về tay nhân dân trên thực tế, mà nhân loại còn gặp phải cản trở từ chế độ quả đầu. Chế độ này dựa trên lý thuyết giám hộ hoặc lý thuyết bạo lực. Lý thuyết giám hộ cho rằng quyền lực nhà nước thuộc về toàn dân, nhưng trình độ dân trí, năng lực của nhân dân không đồng đều nên chỉ có một nhóm nhỏ ưu tú mới có khả năng thực thi quyền lực nhà nước. Nếu trao cho mọi người dân quyền tham gia quản lý nhà nước rộng rãi thì nhân dân có thể quyết định một cách sai lầm. Do vậy, một nhóm nhỏ gồm những thành viên ưu tú của cộng đồng sẽ thay mặt nhân dân điều hành nhà nước, quyết định những việc quan trọng của đất nước. Vì vậy, nếu đại đa số nhân dân không nhận thức được vấn đề của đất nước thì nhóm lãnh đạo ưu tú có thể quyết định trái với ý chí của đa số dân cư; tương tự, việc quan trọng nhưng cơ mật thì cũng không cần hỏi ý kiến dân cư. Với lập luận này, thì trong một số trường hợp nhà nước không phải tuân theo hiến pháp, không phải tuân theo luật pháp nói chung. Nhà nước pháp quyền là thứ xa lạ với những triết gia ủng hộ lý thuyết này.

Còn lý thuyết bạo lực cho rằng quyền lực nhà nước là sản phẩm của việc áp dụng bạo lực của nhóm người này đối với nhóm người khác; luật pháp là sự hợp pháp hóa bạo lực của nhóm người này đối với nhóm người khác. Theo đó, dường như nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước; nhưng nhân dân chia làm hai hạng: hạng nền tảng, cơ bản và hạng không cơ bản. Khi lợi ích của nhóm cơ bản bị đe dọa thì những người cầm quyền không nhất thiết phải tuân theo hiến pháp. Lý thuyết này cũng không có chỗ cho nhà nước pháp quyền.

Như vậy, tiến trình phát triển mô hình nhà nước của nhân loại không phải là một đường thẳng tuyến tính từ mô hình quân chủ độc tài sang mô hình nhà nước pháp quyền ngay, mà có một chút thăng giáng: chế độ quả đầu hay các hình thức ngụy dân chủ khác trước khi bước sang chế độ nhà nước pháp quyền.

Trong các ngôn ngữ khác nhau, có nhiều khái niệm để chỉ nhà nước pháp quyền như: rule of law (tiếng Anh), rechtstaat (tiếng Đức), éta de droit (tiếng Pháp), estado de derecho (tiếng Tây Ban Nha), stato di diritito (tiếng Ý)… Tất cả các khái niệm này đều được dùng để chỉ đến một hiện tượng: nhà nước bị lệ thuộc vào luật, bị đặt dưới luật.

Nhà nước phải tuân theo luật vì luật chính là hiện thân của ý chí nhân dân. Không nên hiểu một cách đơn giản là đạo luật do nghị viện, sắc lệnh do nguyên thủ quốc gia ban hành là thể hiện ý chí của nghị viện hay vị nguyên thủ đó. Từ luật trong cụm từ “Nhà nước bị đặt dưới luật” không phải là một quy phạm, một loại văn bản quy phạm cụ thể, càng không phải là bản văn chứa đựng quy phạm do nghị viện ban hành với tên gọi là luật. Mà “luật” ở đây được hiểu là quy phạm có tính bắt buộc; nó phải được hiểu trong từng quan hệ cụ thể. Quốc hội có thể ban hành một đạo luật trái với nghị định của chính phủ, chính phủ có thể ban hành một nghị định trái với nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh bởi vì nghị định không có hiệu lực ràng buộc quốc hội, nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh không có giá trị ràng buộc đối với chính phủ.

Khi cách mạng tư sản hoàn toàn thắng lợi thì các nhà chính trị học, luật học bắt đầu chuyển trọng tâm chú ý sang việc chống lại sự lạm quyền từ chính nhà nước tư sản và tư tưởng về nhà nước pháp quyền được hình thành một cách rõ nét. Thành tựu của chủ nghĩa lập hiến là đã vạch ra ranh giới giữa quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội, chỉ ra sự cần thiết phải giới hạn quyền lực nhà nước, chỉ ra biên giới của giới hạn đó. Để bảo vệ ranh giới này, phải có các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cả từ bên trong và bên ngoài. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài như bầu cử, quyền tự do ngôn luận và sức mạnh của báo chí, quyền tự do lập hội và sức mạnh của xã hội dân sự, quyền tự trị của các cộng đồng. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong gồm cơ chế tam quyền phân lập và kìm chế đối trọng, hệ thống đảng phái, các cơ quan thanh tra và đặc biệt, bằng hoạt động của các tòa án. Xin đề cập đến một trong cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong: cơ chế tài phán hiến pháp, được đánh giá là quan trọng thứ hai sau cơ chế tam quyền phân lập và kìm chế đối trọng12.

3. Tài phán – một hoạt động tất yếu trong nhà nước pháp quyền

Vi phạm pháp luật từ phía cơ quan nhà nước và các cơ chế ngăn chặn

Trong nhà nước pháp quyền thì “nhà nước bị đặt dưới pháp luật”. Nhà nước pháp quyền có khả năng tồn tại trên thực tế khi “nhà nước bị đặt dưới pháp luật” không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải có cơ chế giám sát hành vi vi phạm luật từ phía các cơ quan nhà nước; phải có một cơ chế để tìm ra và kết luận hành vi nào của các cơ quan nhà nước là trái pháp luật và áp dụng các chế tài đối với hành vi đó. Do vậy, hoạt động bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước là một vấn đề tất yếu trong nhà nước pháp quyền.

Vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan nhà nước cũng thường xảy ra giống như vi phạm pháp luật từ phía công dân, vì nhà nước là một thực thể nhân tạo, đằng sau mỗi cơ quan nhà nước là những con người cụ thể. Bản chất của quyền lực nhà nước gắn liền với bản chất con người. Mà “lòng đam mê quyền lực và danh vọng là những ước muốn vô hạn của con người”. Vì thế, khi có quyền lực, con người thường có xu hướng lạm quyền. Quyền lực trở thành một khát vọng. Đó là một rủi ro vô cùng nguy hiểm cho việc bảo đảm các quyền con người. Hơn thế nữa, cho dù con người trong một lý tưởng, với những điều kiện sống tốt nhất, có lý tính, kỷ luật và sự lương thiện, thì con người vẫn có những đặc tính khác như lòng đam mê, sự cố chấp và lòng tham. Madison đã viết: “Hiến pháp là sự phản ánh tính nhân bản, tức là kiểm soát mọi sự lạm dụng quyền lực của chính quyền. Nhưng, chính quyền sẽ làm gì ngoại trừ điều quan trọng nhất là phản ánh tính nhân bản? Nếu con người là những thiên thần, thì sẽ không cần một chính phủ. Nếu các thiên thần được cai trị, thì cũng chẳng cần sự kiểm soát nào, từ bên trong hay bên ngoài đối với quyền lực. Trong việc thiết kế một chính quyền, trong đó có sự quản lý của con người đối với con người, thì điều khó khăn nhất nằm ở chỗ: Điều đầu tiên là chính phủ phải có khả năng quản lý xã hội; và điều tiếp theo là chính phủ phải có khả năng để quản lý được bản thân mình”13.

Vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan nhà nước cũng không kém phần nguy hiểm so với vi phạm pháp luật từ phía công dân. Nếu quyền lực nhà nước không bị kiểm soát, hành vi vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan nhà nước không bị xét xử, áp dụng chế tài, thì vì lợi ích của mình, nhóm đầu sỏ sẵn sàng hy sinh lợi ích của cả dân tộc, đưa dân tộc đến chỗ diệt vong hoặc ít ra là kéo lùi lịch sử văn minh của dân tộc. Vi phạm pháp luật có thể đến từ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp.

Ý thức được điều này, từ thời phong kiến đã có các cơ chế khiếu nại14 đối với các hành vi vi phạm pháp luật của quan lại. Nhưng trong cơ chế giải quyết khiếu nại này, người giải quyết khiếu nại không có sự độc lập đủ cần thiết đối với các đương sự của việc khiếu nại, nên không bảo vệ tốt các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Vì thế, nhà nước tư sản ở giai đoạn đầu đã thành lập ra các tòa hành chính để xem xét các vi phạm của các cơ quan hành chính; và thiết lập tòa phúc thẩm, tòa phá án để sửa chữa những sai lầm của tòa án cấp dưới.

Nhưng một hành vi của cơ quan nhà nước trực tiếp xâm phạm hiến pháp sẽ không thuộc thẩm quyền của tòa hành chính; việc ban hành một đạo luật trái với hiến pháp cũng không thuộc thẩm quyền xét xử của tòa hành chính. Việc ngăn chặn các hành vi vi phạm này phải bằng một cơ chế khác: Tài phán hiến pháp.

Tài phán hiến pháp, phòng hiến và bảo pháp

Một đạo luật của nghị viện, nghị định của chính phủ được ban hành phù hợp với hiến pháp thì hành vi trái với đạo luật, nghị định đó cũng gián tiếp vi phạm hiến pháp. Tuy nhiên, hành vi này thuộc đối tượng của bảo pháp. Bảo pháp là một hiện tượng phát triển rất sớm, tất cả các nhà nước thừa nhận nguyên tắc pháp chế đều thừa nhận, và ở các mức độ khác nhau, xây dựng các cơ chế bảo pháp. Theo chúng tôi, tài phán hiến pháp chỉ nhằm chống lại các hành vi trực tiếp xâm phạm hiến pháp15 từ phía các cơ quan nhà nước.

Có quan niệm cho rằng, tài phán hiến pháp còn bao gồm việc chống lại các hành vi của một công dân trực tiếp xâm phạm hiến pháp, ví dụ: công dân A tước đoạt tính mạng trái pháp luật của công dân B thì công dân A đã vi phạm quy định của hiến pháp về quyền bất khả về tính mạng của công dân. Theo chúng tôi, trong trường hợp này nhà nước đã không hoàn thành bổn phận: phải bảo đảm các quyền tự do của công dân trong hiến pháp không bị xâm phạm. Có thể xem các quyền tự do này như là đơn đặt hàng của nhân dân đối với nhà nước mà nhân dân đã trả thuế cho đơn đặt hàng này. Hiến pháp chỉ điều chỉnh nội dung đơn đặt hàng này (hiến pháp là luật công, điều chỉnh mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước). Còn thuần túy quan hệ giữa hai công dân với nhau không thuộc đối tượng điều chỉnh của hiến pháp; nếu hiến pháp có nhắc đến thì đó chính là bổn phận của nhà nước phải bảo vệ các quyền đó; hiến pháp không trực tiếp quy định việc trừng phạt công dân, mà để hoàn thành bổn phận này thì hiến pháp trao quyền cho nhà nước ban hành những đạo luật, nghị định… quy định về việc này.

Có quan niệm còn cho rằng, hoạt động đề nghị nghị viện xem xét lại một dự luật mà theo quan điểm của Hội đồng Nhà nước của Pháp là trái hiến pháp trước khi đạo luật đó được Tổng thống công bố cũng là hoạt động tài phán hiến pháp. Chúng tôi cho rằng, hoạt động này có phần nào giống như hoạt động của các ủy ban thẩm tra các dự luật mà thôi, vì trước khi Tổng thống công bố thì nó vẫn chưa trở thành một đạo luật có thể đem thi hành, mà chỉ mới là dự luật nên hành vi vi phạm hiến pháp của nhà nước sắp xảy ra nhưng vẫn chưa xảy ra – và nên gọi nó là phòng hiến. Còn cơ chế tài phán hiến pháp chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm hiến pháp đã xảy ra.

Các cơ chế tài phán hiến pháp

Tùy bối cảnh chính trị, lịch sử khác nhau, các quốc gia trên thế giới trao quyền tài phán hiến pháp cho hoặc là cơ quan tư pháp (các nước thuộc mô hình Hòa Kỳ), hoặc là cơ quan phi tư pháp (một số quốc gia trong thời gian quá độ) hoặc cả hai nhóm cơ quan này đều thực hiện quyền tài phán hiến pháp nhưng có phân định thẩm quyền xét xử.

TS. Võ Trí Hảo – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc Hội)

___________

(1) Sự lệ thuộc này thể hiện ở phương ngôn của người phương Đông như “Vua bảo bầy tôi chết là bầy tôi phải chết. Bầy tôi không chết là bầy tôi bất trung”.

(2) Nghĩa vụ ở đây hiểu theo nghĩa là “một nghĩa vụ pháp lý mà khi chủ thể mang nghĩa vụ không hoàn thành thì có thể bị áp dụng các biện pháp chế tài” chứ không phải hiểu theo nghĩa trách nhiệm.

(3) Những học thuyết dạng này chỉ tồn tại ở phương Tây mà không thấy trong tư tưởng phương Đông giai đoạn thế kỷ 18, 19.

(4) Những thành tố, tư tưởng của học thuyết Khế ước xã hội đã được Thomas Hope và John Locke xây dựng nhưng J.J. Rút-xô đã tổng hợp nó và thể hiện học thuyết này thành công rực rỡ. Vì vậy, người ta thường gắn liền học thuyết này với tên tuổi của J.J.Rút-xô.

(5) Luật học phương Tây xem nhà nước là một “pháp nhân công quyền”.

(6) Từ “nhân dân” tại thời điểm J.J. Rút-xô đưa ra học thuyết Khế ước xã hội, cũng như đến tận nửa đầu thế kỷ 20 chưa bao gồm tất cả người dân đến tuổi trưởng thành.

(7) Xem toàn văn Hiến pháp Massachusetts 1780 tại http://www.nhinet.org/ccs/docs/ma-1780.htm

(8) Xem lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam 1946: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”.

(9) Xem lời nói đầu Hiến pháp Việt Nam 1980: “Toàn thể nhân dân Việt Nam… ra sức thi hành Hiến pháp…”.

(10) Những tội ác lớn nhất trong thế kỷ 20 đều liên quan đến việc lạm dụng quyền lực nhà nước: Hít-le, Khơ me đỏ, Apacthai, Pinoche…

(11) Một số ít dân tộc vẫn không có hiến pháp thành văn, như: Anh, NiuDi-lân, Israel.

(12) Cũng có thể nói rằng, tài phán hiến pháp là một hệ quả tất yếu, một hoạt động tiếp theo thể hiện của cơ chế tam quyền phân lập và kìm chế đối trọng.

(13) James Madison, Federlist Papers No. 51, Independent Journal ngày 6.2.178 (http://www.constitution. org/fed/ federa51.htm)

(14) Một số triều đình phong kiến Trung Quốc, thành lập một nơi tương tự như trụ sở tiếp dân bây giờ, ở đó, vào những ngày nhất định, người dân có thể đánh trống kêu oan.

(15) Ở các quốc gia chấp nhận mô hình bảo hiến cụ thể (tức chỉ chấp nhận việc bảo hiến thông qua các vụ việc cụ thể), một vụ án trở thành vụ án hiến pháp khi công dân viện dẫn đến hiến pháp như là nguồn cuối cùng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Công dân chỉ được viện dẫn đến hiến pháp khi các văn bản quy phạm có hiệu lực pháp lý thấp hơn không bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của anh ta.

 

Share