Lập pháp Mỹ gặp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam

Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam tuần này đã gặp gỡ giới bất đồng chính kiến trong nước để thảo luận về tình hình nhân quyền, vấn đề quan tâm hàng đầu của Washington trong bang giao với Hà Nội.

Thông cáo của văn phòng dân biểu liên bang Alan Lowenthal hôm 7/5 cho biết chuyến đi khởi sự hôm 2/5 tại Sài Gòn với các cuộc tiếp xúc các vị lãnh đạo tôn giáo và các đại diện trong giới thương mại trước khi ra Hà Nội họp với các giới chức trong chính quyền Việt Nam và các nhà hoạt động nhân quyền.

Ở Sài Gòn, đầu tuần này, phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đã đến viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và gặp riêng Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang bị quản thúc tại gia; và nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung, người được phóng thích tháng 4 năm ngoái sau thời gian bị cầm tù với cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.’

Dân Biểu Alan Lowenthal thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. dân biểu Alan Lowenthal đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, đã đệ trình Hạ viện Mỹ Nghị quyết tưởng niệm 40 năm biến cố 30/4.Dân Biểu Alan Lowenthal thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. dân biểu Alan Lowenthal đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, đã đệ trình Hạ viện Mỹ Nghị quyết tưởng niệm 40 năm biến cố 30/4.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối 7/5, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung cho biết chi tiết cuộc gặp với vị dân biểu đã từng bảo trợ mình qua dự án “Bảo Vệ Các Quyền Tự Do” do Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập.

Nguyễn Tiến Trung: Ông Alan Lowenthal và phái đoàn Hạ viện Mỹ đến nói chuyện trong 20 phút. Cuộc gặp diễn ra suông sẻ. Sau đó về nhà, Trung mới biết là số điện thoại của ba Trung bị cắt vì trước đó số của Trung đã bị họ cắt hôm 14/3 tưởng niệm chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma. Sau đó, công an khu vực, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của phường đến nhà hẹn thứ sáu này lên phường trình diện.

VOA: Những trọng tâm đáng chú ý trong cuộc gặp dân biểu Lowenthal là gì?

Nguyễn Tiến Trung: Ông muốn biết quan điểm của Trung về việc Việt Nam gia nhập TPP, rằng trước tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam hiện tại, các dân biểu Mỹ có nên bấm nút đồng ý hay không. Quan điểm của Trung là Trung ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP vì tin rằng mở cửa kinh tế sẽ dẫn tới mở cửa chính trị, đời sống dân càng khá thì ngày càng có nhiều người tham gia dân chủ hơn. Nhưng đồng thời Trung cũng nhấn mạnh với ông Lowenthal là rất cần thiết Việt Nam phải cho phép thành lập công đoàn độc lập.

VOA: Trung đưa ra những đề nghị ra sao trong cuộc tiếp xúc này?

Nguyễn Tiến Trung: Trung cũng nói về việc một số bạn bè bị sách nhiễu. Theo Trung, nên chấm dứt việc này vì không phù hợp với xã hội dân chủ-công bằng-văn minh mà Việt Nam hướng tới. Trung cũng nêu trường hợp hai người bạn chịu án tù lâu năm là Tạ Phong Tần và Trần Huỳnh Duy Thức và mong Hoa Kỳ có thể thúc đẩy phóng thích cho họ. Ngoài ra, Trung cũng đề cập tới các trường hợp của các tù nhân chính trị, tôn giáo khác.

VOA: Trung ghi nhận quan điểm các nhà lập pháp Mỹ thế nào trước các diễn tiến hiện nay trong mối quan hệ Việt-Mỹ?

Nguyen Tien Trung-Lowenthal

Nguyễn Tiến Trung: Trung được biết ý kiến của Trung là một trong những ý kiến ông Lowenthal lắng nghe và sẽ chia sẻ với các đồng nghiệp của ông ở Quốc hội Mỹ để cân nhắc ra quyết định cuối cùng xem có nên để Việt Nam vào TPP hay không.

VOA: Cuộc gặp giữa Trung với phái đoàn Quốc hội Mỹ diễn ra ít ngày sau khi Tổng thống Obama gặp blogger Điếu Cày tại Tòa Bạch Ốc cũng để trao đổi về nhân quyền Việt Nam, hai sự kiện xảy ra trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ. Trong bối cảnh đó, Trung có suy nghĩ gì?

Nguyễn Tiến Trung: Trung nghĩ đó là cách để chính quyền của Tổng thống Obama thể hiện thái độ với chính quyền Việt Nam rằng Hoa Kỳ luôn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam vì đó cũng là lý tưởng của đất nước Hoa Kỳ. Đó là những hình ảnh mang tính biểu tượng, là thông điệp gửi tới chính quyền Việt Nam.

VOA: Những thông điệp đó, theo Trung, đã đủ hay chưa, hay cần có những mức độ cao hơn, cụ thể hơn nào khác?

Nguyễn Tiến Trung: Quan điểm của Trung là vấn đề dân chủ-nhân quyền phải do chính người dân Việt Nam tự quyết định lấy. Họ có chấp nhận tiếp tục sống dưới chế độ toàn trị, tiếp tục mất quyền công dân, mất quyền làm chủ đất nước của mình nữa hay không. Tùy thuộc người dân Việt Nam có dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình hay không. Chứ còn Mỹ, Châu Âu họ có thể lên tiếng, nhưng sức ép của họ để tạo sự thay đổi thì thật sự rất khó. Vì dù sao họ cũng hành động trên lợi ích của quốc gia họ là ưu tiên chính. Dù họ bảo vệ lý tưởng tự do-dân chủ, nhưng dù sao quyền lợi nước họ vẫn luôn đặt lên hàng đầu.

Trước chuyến đi Việt Nam, dân biểu Alan Lowenthal đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, đã đệ trình Hạ viện Mỹ Nghị quyết tưởng niệm 40 năm biến cố 30/4.

Ông cho biết chuyến thăm nhằm ‘truyền đạt được những tiếng nói, quan điểm, và những sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đến các nhà lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam’ cũng như để ghi nhận những chia sẻ từ giới hoạt động dân chủ tại Việt Nam.

Năm ngoái, ông từng viết thư yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry và Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel đặt vấn đề trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa với giới lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc hội đàm song phương.

Thông cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày 7/5 cho hay trong cuộc gặp gỡ tại Thanh Minh Thiền Viện hôm đầu tuần, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã trình bày về thực trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam và trao cho phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ tập hồ sơ ‘40 năm Đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.’

Trà Mi, theo VOA

***

Hạ nghị sỹ Mỹ gặp giới bất đồng tại VN

Một hạ nghị sỹ Mỹ tháp tùng phái đoàn Quốc hội nước này đến Việt Nam đã có chuyến thăm viếng các nhân vật bất đồng chính kiến như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, ông Nguyễn Tiến Trung và đến viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, thông cáo từ văn phòng vị hạ nghị sỹ này cho biết.

Thông cáo báo chí từ văn phòng Hạ nghị sỹ Alan Lowenthal cho biết ông đã thực hiện những chuyến viếng thăm này ngay trong ngày đầu tiên ông đến Việt Nam – hôm thứ Hai ngày 4/5.

‘Vinh danh tử sỹ Việt Nam Cộng hòa’

Cũng theo thông cáo này thì việc đi viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là ‘ý kiến cá nhân’ của chính ông Lowenthal đề nghị vào lịch trình của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ vì ông ‘muốn đích thân được đến nghĩa trang để tưởng niệm, vinh danh các tử sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như để quan sát tình trạng hiện nay của nghĩa trang’.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là nơi an nghỉ của hơn 16.000 tử sỹ của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thiệt mạng trong cuộc chiến kết thúc 40 năm trước đây. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, nghĩa trang này đã không được coi sóc và bảo dưỡng.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị chính quyền Việt Nam cấm đoán. Trong nhiều năm qua Ngài đã bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện thuộc Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tiến Trung là một cựu tù nhân chính trị bị buộc tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Ông Trung đã được trả tự do hồi tháng Tư năm 2014.

Hòa thượng Thích Quảng Độ được cho là đã trình bày với ông Lowenthal về ‘thực trạng đàn áp’ đối với giáo hội do Ngài lãnh đạo và kêu gọi Hoa Kỳ ‘hỗ trợ cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam’.

Về phần mình, ông Nguyễn Tiến Trung đã nhấn mạnh với Hạ nghị sỹ Lowenthal ‘về nhu cầu tạo thêm sự quan tâm của thế giới đối với tình trạng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam’, theo thông cáo.

Ông Trung từng được Hạ nghị sỹ Lowenthal nhận đỡ đầu trong chương trình ‘Bảo vệ các Quyền Tự do’ do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Quốc hội Hoa Kỳ thành lập.

‘Cuộc gặp chính thức’

Trao đổi với BBC về nội dung cuộc gặp, ông Nguyễn Tiến Trung cho biết đây là ‘một cuộc làm việc chính thức chứ không phải cuộc gặp gỡ cá nhân’.

“Ông Lowenthal dẫn đầu phái đoàn gồm sáu, bảy người đến gặp tôi và nói rõ rằng đây là phái đoàn của Hạ nghị viện Mỹ,” ông Trung nói và cho biết cuộc gặp đã diễn ra tại một quán cà phê trong khoảng 20 phút.

Ông Trung cũng cho biết hai ông đã trao đổi về việc Hoa Kỳ có nên đồng ý cho Việt Nam gia nhập TPP, tức Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay không.

“Quan điểm của tôi là các dân biểu Mỹ nên bỏ phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP vì sự mở cửa về kinh tế sẽ dẫn đến mở cửa về chính trị,” ông Trung kể lại, “Nhưng tôi cũng nói là phía Mỹ nên kèm theo yêu cầu Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân trước các vị chủ tư bản.”

“Những ý kiến của tôi là một kênh để ông tham khảo và cân nhắc trước khi ông quyết định có bỏ phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP hay không,” ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho biết ông đã trình bày với ông Lowenthal về tình trạng những nhà hoạt đông dân chủ ở Việt Nam ‘bị sách nhiễu’.

“Một số bạn không thể thuê nhà được vì vừa dọn đến thuê thì chủ nhà bị an ninh dọa dẫm nên không dám cho thuê nữa,” ông nói, “Một số không kiếm được việc làm vì đi xin việc thì có người đến chặn phá. Ngày lễ thì không được di chuyển tự do do an ninh lo sợ có biểu tình hay sao đó.”

“Ông Lowenthal có hứa sẽ làm việc với chính quyền Việt Nam,” ông Trung cho biết.

‘Quyết định là ở người dân Việt Nam’

Theo lời ông Trung thì ông đến cuộc gặp với phái đoàn Mỹ không gặp trở ngại gì nhưng sau đó ông đã bị ‘cảnh sát khu vực, đại diện Mặt trận Tổ quốc đến nhà và gọi điện hỏi xem tôi đi đâu’.

Ông Trung nói rằng ông ‘không hy vọng gì nhiều về sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động dân chủ’ mặc dù có sự quan tâm của phía Hoa Kỳ.

“Họ (chính quyền) vẫn trấn áp thôi nhưng hạn chế bắt bớ và làm những việc khác để hạn chế các nhà hoạt động,” ông nói.

“Tôi cũng nêu quan điểm thẳng thắn với phía Hoa Kỳ rằng vấn đề dân chủ của Việt Nam thì cuối cùng người quyết định chính là người dân Việt Nam,” ông Trung nói, “Còn nếu người dân Việt Nam không dám lên tiếng về việc mình bị mất quyền làm chủ như vậy thì dù Mỹ hay châu Âu cũng không thể nào lên tiếng giúp đỡ Việt Nam được.”

Sau Thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn nghị sỹ Hoa Kỳ sẽ đến Hà Nội và dự kiến ‘sẽ gặp một số nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam cũng như một số nhà hoạt động nhân quyền’.

Theo BBC

Share