LS Trần Vũ Hải: Pháp luật Việt Nam không cấm lập đảng

Một luật sư có tiếng tại Việt Nam khẳng định Hiến pháp và pháp luật Việt Nam không có điều nào cấm công dân thành lập và tham gia một chính đảng khác ngoài đảng cộng sản.

Luật sư Trần Vũ Hải, người tham gia nhiều vụ án chính trị trong nước, nói các văn bản pháp luật hiện hành cho thấy hoạt động thành lập và tham gia đảng phái chính trị không nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không bị coi là bất hợp pháp.

Theo nghiên cứu của luật sư Hải, pháp luật Việt Nam quy định đảng phái không phải xin phép thành lập và điều lệ đảng không cần sự công nhận của nhà nước.

Ông đã gửi thư cho Quốc hội và các nhà luật học đề nghị cho ý kiến về vấn đề thành lập và tham gia đảng phái ở Việt Nam trong lúc vấn đề này đang được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, giữa những lời kêu gọi thành lập thêm các đảng đối lập với đảng cộng sản Việt Nam để cạnh tranh, kiểm soát lẫn nhau, thúc đẩy dân chủ và phát triển xã hội.

Luật sư Hải kêu gọi nhà chức trách Việt Nam công bố quan điểm rõ ràng về việc có cấm công dân tham gia thành lập đảng phái hay không, nếu không cấm thì cần nêu rõ việc thành lập nên diễn ra thế nào cho phù hợp pháp luật Việt Nam.

Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định đảng cộng sản nắm quyền độc tôn lãnh đạo đất nước.

Trong cuộc phỏng vấn do PhoBolsaTV đăng tải cuối tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố dân chủ không nhất thiết phải đa đảng.

Theo VOA

***

‘Luật Việt Nam không cấm lập đảng mới’

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Dư luận đang quan tâm lời kêu gọi thành lập một đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội, do nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản lâu năm, khởi xướng.

Ông Đằng nguyên là Phó Tổng thư ký Uỷ ban Trung Ương Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân Chủ và Hoà Bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM.

Trò chuyện với BBC Việt ngữ, ông Lê Hiếu Đằng cho biết nhiều đảng viên có tấm lòng rất muốn làm sao cho Đảng thay đổi, và có đảng đối lập làm đối trọng và giám sát là phương thức tốt nhất.

“Nếu cứ hy vọng hão huyền rằng Đảng tự thay đổi thì rất khó vì bây giờ nhà nước Việt Nam đã bị tha hóa và đã trở thành những tập đoàn lợi ích lũng loạn nhà nước rồi. Vì thế họ từ bỏ vị thế của mình là khó.”

“Cần có một xã hội công dân với những tổ chức thực sự thay mặt người dân để giám sát một cách có hiệu quả chính quyền,” ông Đằng nói.

Ông cũng nói rằng việc có một đảng đối lập thực sự cũng là điều bình thường: “Cái chữ đối lập đây không có nghĩa là mình bài bác gì đảng Cộng sản – bản thân tôi là đảng viên đảng Cộng sản lâu năm – và chính điều đó giúp cho đảng một lối thoát.”

Đáp lại trước ý kiến của Giáo sư Vũ Minh Giang rằng “chưa thấy có cơ sở pháp lý nào để cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam, bên cạnh Đảng Cộng sản,” luật sư Lê Hiếu Đằng lập luận rằng chưa có văn bản pháp lý nào cấm đa nguyên đa đảng.

“Trên nguyên tắc pháp lý cái gì nhà nước không cấm thì dân có quyền làm.”

“Người dân có quyền thành lập các đảng, lực lượng chính trị độc lập, song song cùng tồn tại với đảng Cộng sản, chứ không bài bác đảng Cộng sản, và như vậy là phù hợp với luật pháp.”

Ông cũng nói tới vai trò của nhân sĩ trí thức Việt Nam và cho rằng do “thụ động và thủ tiêu đấu tranh nên tình hình mời tồi tệ như hiện nay và đảng Cộng sản muốn làm gì thì làm”.

Theo ông Lê Hiếu Đằng, để thực hiện được việc thành lập một đảng mới cần phải có sự tham gia của nhiều người và cần có một quá trình, không chỉ ngày một ngày hai mà làm được.

“Thực ra bây giờ không có lực lượng nào mạnh bằng đảng Cộng sản. Nếu có bầu cử tự do thực sự thì đảng Cộng sản với hệ thống chính trị của mình tận cơ sở như vậy thì vẫn có thể thắng lợi và vẫn là đảng cầm quyền.

“Như vậy họ có chính danh. Như vậy cũng có một cơ chế dân chủ và lực lượng đối lập trong xã hội công dân sẽ ngày càng phát triển. Tôi nghĩ đây là quy luật phát triển tất yếu ở tất cả các nước mà Việt Nam không thể đi ngược lại,” ông Lê Hiếu Đằng nói.

Theo BBC

Share