‘Nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình’

Trả lời Quốc hội ngày 25/11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định “nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình”.

Ông nói mặc dù có Nghị định 38 để quản lý, nhưng “chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đặt ra”.

Thủ tướng Việt Nam nói khi chưa có luật, “khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền, đã khó như thế sẽ nảy sinh lung tùng trong quản lý”.

Dưới đây là nguyên văn trả lời của Thủ tướng Việt Nam, được Quốc hội Việt Nam công bố hôm nay:

“Về căn cứ Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình có mấy căn cứ Chính phủ thảo luận đề nghị:

Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp Điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình, như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình, tôi muốn nói ngắn gọn là phải thực hiện Hiến pháp.

Thứ hai, tất cả các vị đại biểu ngồi đây đều thấy rõ trong một thực tế cuộc sống hiện nay của chúng ta có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này. Do đó cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền, đã khó như thế sẽ nảy sinh lung tùng trong quản lý. Từ đó đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.

Thứ ba là trước thực trạng tình hình như vậy, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước cũng đã có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh biểu hiện này. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 để quản lý điều chỉnh hiện tượng này nhưng nghị định của Chính phủ hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, tầm mức như Hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Vì vậy, Chính phủ thấy rằng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật biểu tình. Luật đó phù hợp với Hiến pháp, luật đó phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam chúng ta, luật đó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, luật đó cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân. Với tinh thần như vậy chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ.

Vấn đề tiếp theo các đồng chí nêu là chủ trương của Chính phủ đối với những người biểu thị lòng yêu nước và chủ quyền. Tôi xin trình bày ý kiến cụ thể là chủ trương nhất quán như sau.

Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, của Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, đối với tất cả những việc làm của tất cả mọi người dân của chúng ta thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu đó, mục đích đó đều được trân trọng, đều được hoan nghênh, đều được khuyến khích, đều được biểu dương, khen thưởng thích đáng.

Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và cũng phải buộc xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng với danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng với danh nghĩa bảo vệ chủ quyền mà để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội. Tôi nghĩ với chủ trương nhất quán như thế thì đồng chí, đồng bào chúng ta sẽ ủng hộ.”

Theo BBC


Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét dự Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này

Theo báo chí trong nước, hôm nay, 26/11/2011, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, khóa XIII, Quốc hội Việt Nam đã quyết định sẽ xem xét dự Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này. Hôm qua, khi trả lời chất vấn của các đại biểu, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại đề nghị chính phủ đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa này.

Thủ tướng Việt Nam khẳng định quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng người dân khó thực hiện quyền này vì chưa có luật, chính quyền cũng khó quản lý.

Ông Dũng nhấn mạnh là chính phủ trân trọng, biểu dương các hoạt động, việc làm của người dân vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời cũng cảnh báo nghiêm trị mọi hành động lợi dụng gây phương hại cho đất nước.

Đề nghị xây dựng Luật Biểu tình của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được công luận trong nước đón nhận một cách tích cực. Bởi vì trong kỳ họp lần này, có một hai đại biểu cho rằng chưa cần đến Luật Biểu tình.

Báo chí trong nước và nước ngoài cũng có nhận định đặc biệt về các phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, liên quan đến vấn đề Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau những hành động gây hấn, quyết đoán khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với những vùng có tranh chấp ở Biển Đông, sự im lặng của giới lãnh đạo Việt Nam, các phát biểu theo khuôn mẫu công thức xáo mòn về quan hệ Việt –Trung đã gây bức xúc trong công luận người Việt ở trong và ngoại nước.

Lần này, tại Quốc hội Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai lên tiếng khẳng định Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, vào lúc quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang canh giữ, năm 1974. Ông khẳng định Việt Nam đã liên tục thực hiện quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và từ lâu đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Việt Nam có những bằng chứng trong hồ sơ này.

Lãnh đạo Việt Nam kêu gọi giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và thực thi tuyên bố chung của các bên về ứng xử tại Biển Đông – DOC.

Đức Tâm
Nguồn: RFI

Share