Nguyên tắc cơ bản để chống tham nhũng

Ngược với nguyên tắc trong hình sự: cơ quan tố tụng không tìm được bằng chứng kết tội, bị can vô tội. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, dứt khoát phải quán triệt nguyên tắc: ai cũng có thể bị tham nhũng tác động mà biến chất, hư hỏng.

Đầu thập niên 1990, chúng ta đã rất sai lầm trong việc hình thành cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, các đơn vị sản xuất kinh doanh của Nhà nước. Đó là việc (theo hướng dẫn từ cấp trên) giám đốc phải kiêm luôn chức danh trưởng ban chống tham nhũng.

Trong khi đó, ở phần lớn trường hợp thực tế, cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cũng như cấp trên chủ quản biết rất rõ người tham nhũng tệ hại nhất trong đơn vị lại chính là giám đốc (!). Thế thì làm sao chống tham nhũng? Vì vậy, việc hình thành những ban chống tham nhũng như đã nói ở trên không giảm thiểu chút nào tham nhũng, tiêu cực, trái lại còn tạo điều kiện cho tham nhũng tiến triển thêm nặng do có bình phong che chắn là ban chống tham nhũng.

Nhìn ra thế giới, các phương tiện thông tin đại chúng không ít lần loan tin tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, phó thủ tướng… của nước này, nước kia có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù trước khi chấp chính, những người này lên án gay gắt tham nhũng (có người thành thật, có người giả dối. Ở những người thành thật lên án tham nhũng, quyền lực tạo điều kiện cho tham nhũng đã phát huy tác động khi họ lên chấp chính).

Trung Quốc, nước láng giềng có thể chế chính trị tương tự VN, đã nhiều lần công khai và đưa ra xét xử những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực của quan chức chóp bu cỡ Bộ Chính trị (vụ ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng bị kết án 16 năm tù về tội nhận hối lộ là một ví dụ). Việc họ làm như vậy không hề làm mất uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trái lại nhân dân Trung Quốc và thế giới thêm tin tưởng và đánh giá cao nỗ lực chống tham nhũng của Đảng Cộng sản và guồng máy chính trị Trung Quốc. Nếu cho rằng chỉ có quan chức chóp bu nước ngoài mới tham nhũng, ở ta không thể có chuyện ấy thì liệu có duy ý chí, thiếu khách quan và không thực tế?

Xin chớ đánh giá tác hại của tham nhũng chỉ ở những số liệu tài chính, vật chất điều tra, khám phá được. Những ai đã từng sống ở thời kỳ các hợp tác xã nông nghiệp trước đây đều biết rõ: chủ nhiệm HTX tham ô 10 tấn thóc, làm xã viên chán nản, mất lòng tin, sinh biếng nhác mà giảm năng suất lao động, gây thất thu nhiều trăm tấn thóc. Tham nhũng cản trở rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội là theo nguyên lý ấy.

Vì vậy, trước quốc nạn tham nhũng hiện nay, rất cần một thiết chế chống tham nhũng khả thi hơn, phải thể hiện được nguyên tắc: tham nhũng không chừa bất cứ ai, ai cũng có thể sa ngã do tham nhũng, tiêu cực.

Võ Văn Tạo
Nguồn: Tuổi Trẻ

Share