Nguyễn Tiến Trung kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị

Phỏng vấn của Daniela Vrbová, phóng viên Đài phát thanh Séc, với Nguyễn Tiến Trung, một tù nhân chính trị mới được trả tự do. Anh Nguyễn Tiến Trung từng du học và tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ  ở đại học INSA, Pháp. Khi còn học ở Pháp, cùng với một số bạn bè của mình, Nguyễn Tiến Trung đã thành lập Tập hợp Thanh niên Dân Chủ. Sau khi về nước, anh tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam rồi bị bắt và bị đưa ra xét xử cùng phiên tòa với Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long tháng 7 năm 2009. Nguyễn Tiến Trung bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế tại địa phương. Ngày 12 tháng 4 năm 2014 Nguyễn Tiến Trung bất ngờ được trả tự do.

Daniela Vrbová: Anh có nghĩ rằng mình sẽ được trả tự do vào tháng 4.2014, hay sự việc xảy ra bất ngờ và không mong đợi?

Nguyen Tien Trung 2014Nguyễn Tiến Trung: Hôm 3 tháng 4 cán bộ quản lý trại giam gọi tôi lên và đưa cho tôi ký một mẫu đơn ân xá nhân dịp ngày lễ 30/4. Tôi nghĩ là mình sẽ được thả vào khoảng 28 hoặc 29 tháng 4. Nhưng sáng 12 tháng 4, khi tôi đang thực hiện những công việc lao động bình thường thì quản giáo đến và bảo tôi dừng làm việc vì chủ tịch nước quyết định ân xá cho tôi. Hoàn toàn là bất ngờ.

(Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nguyễn Tiến Trung có nói chi tiết hơn về việc anh được trả tự do. Từ trại giam, họ đưa anh về bàn giao cho đồn công an khu vực nơi gia đình anh cư trú và từ đồn công an khu vực anh phải gọi xe ôm đi về nhà. Mẹ anh sau đó cũng cho biết, khi thấy anh xuất hiện trước cửa, cả gia đình ngỡ ngàng và không tin đó là sự thật – NC)

Daniela Vrbová: Một số người mà tôi hỏi chuyện, họ đều cho rằng việc trả tự do cho anh và một số người khác cùng đợt chỉ là một chiêu chiến thuật của chính phủ Việt Nam, vì họ đang cần có một tư thế mạnh hơn trong quá trình đàm phán để gia nhập hiệp ước TPP (Trans-Pacific Partnership). Anh có nghĩ như vậy không? Và điều đó có xúc phạm anh không?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi cũng nghĩ rằng sự việc có liên quan với nhau. Cũng như năm 2006, khi chuẩn bị tham gia vào WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), chính quyền Việt Nam dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là từ Hoa Kỳ, họ đã bắt buộc phải trả tự do cho một số tù chính trị. Giờ đây cũng chỉ là những bước đi chiến thuật, giúp họ dễ dàng gia nhập TPP.

Tôi hoan nghênh mọi cố gắng của chính phủ Việt Nam, nhưng việc tiếp tục đàn áp, bắt bớ những người bất đồng quan điểm chính trị hay đàn áp những người hoạt động chính trị càng bộc lộ sự không nhất quán trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Mặc dù nhà nước Việt Nam đã ký Tuyên ngôn Nhân quyền, các cam kết về quyền con người và rất nhiều hiệp định, tuyên bố quốc tế khác nhưng ở trong nước vẫn thường xuyên xảy ra nhiều vụ việc vi phạm về quyền con người cơ bản. Điều này chứng tỏ sự thiếu quyết tâm chính trị và bất ổn trong nhận thức về vấn đề nhân quyền của những người cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam. Tôi mong rằng chính quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị, những người bị bắt giữ, bị kết án và tù đầy bởi những phiên tòa bất công, vô lý. Và chính quyền phải ý thức được việc cải cách và dân chủ hóa đất nước.

Tôi thấy hạnh phúc nhưng cũng thấy buồn vì  còn nhiều đồng nghiệp của tôi trong phong trào dân chủ vẫn bị tù tội. Đáng tiếc, điều đó không chứng tỏ quá trình dân chủ hóa ở đất nước chúng tôi.

Daniela Vrbová: Anh có thể miêu tả lại, nhà tù ở Việt Nam thế nào?

Nguyễn Tiến Trung: Trường hợp của tôi khá đặc biệt, vì đảng cộng sản Việt Nam đưa tôi vào trại cải tạo chứ không phải nhà tù. Tất cả các đồng nghiệp trong phong trào dân chủ của tôi bị đưa đến các trại lao động cải tạo, nơi có những điều kiện giam giữ tồi hơn nhiều. Phòng của tôi có thiết bị vệ sinh và nói chung tương đối sạch sẽ. Trong phòng giam có 2 camera theo dõi và hoạt động liên tục. Tôi được họ đối xử khá tốt và hình như đảng Cộng sản Việt Nam cố gắng chỉ ra rằng họ cũng tôn trọng nhân quyền. Nhưng điều này không đúng cho tất cả mọi trường hợp.

Daniela Vrbová: Tức là anh không bị họ xúc phạm tới nhân phẩm hay bị tra tấn?

Nguyễn Tiến Trung: Bạn bè của tôi bị đưa đến các trại lao động. Những khu trại này cách rất xa thành phố, vì thế việc thăm nuôi của người thân và gia đình rất khó khăn. Điều kiện giam giữ cũng xấu hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam muốn bẻ gãy ý chí của họ. Họ bị những người quản lý trại giam sử dụng các tù nhân hình sự có trong trại giam uy hiếp và hành hung, họ không được biết và không có điều kiện tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Điều kiện giam giữ ở những nơi này là không thể chấp nhận được.

Daniela Vrbová: Anh có cảm nhận thấy hoặc có biết về những ủng hộ quốc tế, hay những sự ủng hộ dành cho anh từ Châu Âu, từ Hoa Kỳ, hay như đài BBC loan tin về trường hợp của anh? Anh có nghĩ những hành động đó chỉ có tác động rất nhỏ?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi đánh giá sự ủng hộ của quốc tế đặc biệt quan trọng, bởi chính quyền Việt Nam trả tự do, ngoài cá nhân tôi, còn có nhiều người hoạt động khác nữa, cùng một thời điểm và cùng không có giải thích. Lúc đầu, trong trại giam, tôi không biết đến những ủng hộ của quốc tế, nhưng sau này gia đình tôi cho biết nhận được rất nhiều thư từ và các bày tỏ ủng hộ. Nhưng khi còn trong tù, tôi không biết được điều đó.

Daniela Vrbová: Hiện anh sẽ còn phải chịu quản thúc 3 năm nữa ở địa phương. Các điều kiện ra sao?

Nguyễn Tiến Trung:Tôi không được đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan chính quyền địa phương đặt điều kiện nếu tôi muốn đi đâu phải làm đơn xin phép và nộp trước cả tuần và tôi chỉ được đi khỏi trong khoảng thời gian nhất định. Và tất nhiên, công an và an ninh họ liên tục theo dõi những hoạt động của tôi, tôi gặp ai và tôi làm gì. Họ ghi lại tất cả nôi dung các cuộc nói chuyện điện thoại của tôi.

Daniela Vrbová: Kể cả buổi nói chuyện này?

Nguyễn Tiến Trung: Vâng, tất nhiên rồi, nhưng tôi không sợ.

Daniela Vrbová: Liệu anh có bị gây khó dễ gì từ buổi nói chuyện này?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi nghĩ là không, nhưng đợi xem sao. Có gì tôi sẽ nói cho chị biết.

Daniela Vrbová: Khi anh bị xét xử và bị đưa đi tù, gia đình và người thân của anh có gặp vấn đề gì với công an?

Nguyễn Tiến Trung: Vâng, các cơ quan an ninh đã nhiều lần cố gắng đe dọa gia đình tôi, bạn bè để họ không tiếp xúc với tôi. Gia đình tôi liên tục nhận được giấy mời lên làm việc ở trụ sở cơ quan công an. Các nhân viên an ninh còn quấy rầy nhiều cách, như dò hỏi về công việc làm ăn của họ.

Daniela Vrbová: Đảng Dân chủ Việt Nam và Tập hợp Thanh niên Việt Nam vì dân chủ hiện nay có kế hoạch gì? Hoạt động của những tổ chức này có bị ngừng do việc anh bị bắt không?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi rất vui có thể nói rằng Đảng Dân chủ Việt Nam và Tập hợp Thanh niên Dân chủ vẫn hoạt động tích cực. Và trong thời gian tôi bị giam giữ thì cả phong trào dân chủ bằng những bước tiến hòa bình vẫn đi về phía trước. Tất cả chúng ta đều biết cải cách triệt để phải dựa trên căn bản dân chủ và phải hướng tới các nguyên tắc nhân quyền. Xây dựng một chính phủ pháp quyền và điều này không chỉ cần thiết với người dân; đó cũng là một trong số trách nhiêm của những người lãnh đạo chính quyền, họ phải bảo đảm được công bằng xã hội. Đảng Dân chủ Việt Nam luôn có ước vọng xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và là đối tác tin cậy ở châu Á. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi đối thoại với chính phủ Việt Nam và trao đổi với người dân và với những đảng phái chính trị khác để cũng cố một chính quyền tôn trọng pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ xã hội Việt Nam xóa bỏ sự độc quyền vô lý, ủng hộ hệ thống chính đảng thật sự.

Daniela Vrbová: Cá nhân anh có kế hoạch riêng tư gì?

Nguyễn Tiến Trung: Tạm thời tôi vẫn bị quản chế. Trong vòng 3 năm bị quản chế tôi sẽ cố gắng học thêm và theo dõi tình hình tiến triển ra sao.

Daniela Vrbová: Trong tương lai anh có đề nghị gì với truyền thông hoặc với các chính khách châu Âu, những người quan tâm tới vấn đề nhân quyền, và làm cách nào để tác động tới tình hình ở Việt Nam?

Nguyễn Tiến Trung: Nhân quyền là một vấn đề tổng quát. Tôi mong rằng chính phủ và chính khách các nước châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và giữ lập trường nguyên tắc trong các vấn đề quan trọng như tăng cường tự do, dân chủ và pháp quyền. Cần phải kiên quyết giữ được những nguyên tắc này trong các cuộc đàm phán quan trọng giữa EU với Việt Nam về tự do thương mại. Nhân quyền không được tách rời khỏi các điều tiên quyết khác. Tôi hoàn toàn ủng hộ các cuộc trao đổi, đối thoại giữa EU và Việt Nam. Tôi hy vọng EU sẽ tiếp tục yêu cầu chính quyền Việt Nam, rằng họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và không những không được bóp nghẹt những quan điểm khác biệt mà còn phải tôn trọng và ủng hộ những quan điểm đó.

Người dịch: Nguyễn Cường– vietinfo.eu

Share