Những mâu thuẫn trong quá trình xây dựng “kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa”

Trong chương trình thời sự của VTV1 ngày 21/7/2010, phát thanh viên của Ðài truyền hình trung ương đã đọc một đoạn văn trong đó có nội dung như sau, “…Vào thập kỷ cuối của thế kỷ trước, những biến động xã hội dẫn đến sự tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, tuy nhiên phải nói rằng đây chỉ là cuộc khủng hoảng của những mô hình phát triển, chứ không phải là thất bại của CNXH như một hình thái kinh kế – xã hội. Những mô hình phát triển kinh tế trung thành với ý tưởng của CNXH và mang bản sắc riêng vẫn đang phát triển thành công ở Trung Quốc hay Việt Nam. Các nước TBCN cũng đang phải tự điều chỉnh mọi phương diện để tự tồn vong. Biểu hiện là con đường thứ ba hay CNTB màu hồng đang lên ngôi ở một loạt nước Tây Âu…”

Có đúng sự thật?

Hãy khoan đề cập đến cách lập luận lẩn quẩn theo kiểu “con kiến mà leo cây đa” của đoạn văn trên, mà chỉ tập trung vào nội dung: con đường thứ ba nào, CNTB màu hồng nào đang lên ngôi? Và ý nghĩa “bản sắc riêng” của Trung Quốc hay Việt Nam hôm nay là gì? Tìm hiểu thêm, tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam cho phát thanh viên đọc lại đoạn văn này, mà cứ như một máy thu âm được lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều buổi khác nhau.

Chúng ta tạm thời cũng thôi nhắc đến chuyện đúng hay sai của “Chủ nghĩa xã hội khoa học” nữa. Nhưng thử hỏi xem, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hôm nay còn thực sự trung thành được bao nhiêu phần trăm với những “ý tưởng của kinh tế CNXH” mà những nhà cộng sản tiền bối đã vạch ra? Đảng Cộng sản Việt Nam muốn xây dựng CNXH nhưng kinh tế lại theo đường lối TBCN nên mới có một định đề lạ lùng: “Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Lý do để phát triển kinh tế thị trường là cho dân giàu nước mạnh. Muốn hay không chúng ta phải có những mối quan hệ tốt với các nước tư bản, nhất là ba nước Pháp, Nhật, Mỹ từng là kẻ thù của chúng ta. Mà tất cả những nước trên đều là TBCN, nên ghép thêm “định hướng XHCN” là hoàn toàn nghịch lý.

Cũng cùng một quan điểm trên, trong dự thảo nghị quyết Đại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sắp diễn ra và đang được đưa ra cho nhân dân “đóng góp ý kiến”, thì quan điểm bao trùm có tác dụng quyết định đến phương hướng, nhiệm vụ của cả đất nước trong giai đoạn tới vẫn cứ là: “…Đảng, Nhà Nước và nhân dân ta quyết tâm tiến lên con đường XHCN. Lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, xong loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử…”! Hay nói tương tự như Lê Nin hồi đầu thế kỷ trước là “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là cái phòng chờ của chủ nghĩa xã hội”!

Nhưng chúng ta hãy thử hình dung kỹ hơn, nếu đúng là quy luật tiến hóa của lịch sử diễn ra như vậy, thì một ngày nào đó nước ta sẽ từ một nước đang nghèo nàn lạc hậu, sẽ bước lên, trở thành đầu tàu cho việc phát triển kinh tế cho toàn thế giới. Hay nói cách khác là đi đằng đuôi sẽ nhảy phắt lên hàng đầu! Ðể một lần nữa, Việt Nam lại tiếp tục được gánh vác cái “sứ mệnh mà lịch sử giao phó” là dẫn dắt nhân loại tới cái tương lai tươi sáng kia! Cái tương lai mà không hiểu vì sao nhân loại ‘‘chậm hiểu’’ này ngồi mãi trong cái “phòng chờ” ấy nhưng vẫn không chịu nhận ra!

Chỉ có điều trước khi được hưởng cái hạnh phúc “viễn vong” ấy, thì dân tộc ta vẫn phải trải qua “những bước quanh co”, vẫn phải “đẩy mạnh hơn con đường kinh tế định hướng XHCN”. Trong đó có công tác xuất khẩu lao động sang các nước “Tư bản đang giẫy chết”! Và phải làm sao để những chiếc “vòi bạch tuộc” ở chính quốc kia “cơ bản hoàn thành” việc hút cạn kiệt sức lực dân ta thì lúc ấy “xét về thực chất” nhân loại đã có chủ nghĩa xã hội!

Trong hội nghị về xuất khẩu lao động ngày 15/12/2009 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố rằng “… Xuất khẩu lao động là một chiến lược trước mắt và lâu dài… Năm 2009 Việt Nam đã xuất khẩu được 91.000 lao động. Mục tiêu mà Quốc hội đặt ra thực hiện năm 2010 sẽ là 100.000 người.”

Sự mâu thuẩn?

Dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa là [tác giả] phản đối việc xuất khẩu lao động. Bởi vì có khi đây là cứu cánh cuối cùng của nhiều gia đình Việt Nam hôm qua và hôm nay. Chính lý lịch của ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang – Nông Quốc Tuấn (vừa mới “bất ngờ” lên ngôi thôi, nghe đâu là con của Nông Đức Mạnh?) cũng ghi rõ rằng từ tháng 9 năm 1981 đến cuối năm 1988 ông Tuấn là “công nhân xuất khẩu lao động” tại Singwitz, thuộc Cộng hoà Dân chủ Đức cũ. Điều đó cũng đủ nói lên tầm quan trọng của việc xuất khẩu lao động!

Nhưng ở đây, tôi muốn nói lên sự mâu thuẩn giữa quan điểm của Ðảng Cộng sản Việt Nam với thực tiễn cuộc sống. Chính môi trường chính trị đã và đang diễn ra trên đất nước ta mới là nguyên nhân sâu xa, khiến cho những người lao động Việt Nam phải chịu muôn vàn đắng cay ở ngay trong nước cũng như khi ra nước ngoài. Ai không tin điều này xin tìm hiểu thêm tình trạng của những người công nhân Việt Nam trên các nước Trung Đông như Quatar, các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất (AUE), Ả Rập Sê-út…mà báo chí trong nước gần đây cũng có đăng tải. Hoặc tìm hiểu thêm rất nhiều ví dụ khác đã phát sinh trong các xí nghiệp do người Hàn Quốc, Ðài Loan…làm chủ ở Việt Nam hiện nay. Hay tình trạng “tình nguyện” làm dâu xứ người của nhiều cô gái Việt Nam cũng được xem như là một loại xuất khẩu lao động “biến tướng”. Trước đây, khi đất nước còn trong vòng đô hộ của thực dân Pháp, rất nhiều dân nhân lương thiện cùng tấm long nhiệt huyết với cách mạng đã không ngại gian khổ và quyết dấn thân cho con đường “tiến lên CNXH”. Tất cả những điều được cho là “phi XHCN” thuộc mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều bị bao vây, ngăn chặn, thậm chí còn bị bức hại trên quy mô toàn hệ thống. Tức là mọi điều kiện cho “cuộc thực nghiệm” những ý tưởng của CNCS đều đã được thỏa mãn với khả năng cao nhất có thể.

Thế nhưng một khi đã “tận nhân lực” đến vậy mà kết cục vẫn là sự sụp đổ của tất cả các nước Ðông Âu và Liên Xô, thì vấn đề là phải lật ngược những “hòn đá tảng” kia lên xem ở bên dưới đó là cái gì?

Do vậy sẽ thật là nhẫn tâm và độc ác với những ai ở Việt Nam, đến hôm nay mà vẫn còn mưu toan đem cả dân tộc ra để thực nghiệm tiếp những ý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Bằng cách đó họ đã làm cái công việc giống như của tầng lớp vua quan phong kiến nhà Nguyễn gần 2 thế kỷ trước: luôn trung thành một cách mù quáng với Khổng Tử, Mạnh Tử. Một lòng một dạ hướng về “Thiên triều”, để rồi đất nước đã bỏ lỡ chuyến tàu văn minh công nghiệp xuất phát từ phương Tây, dân tộc tiếp tục chìm đắm trong đói nghèo lạc hậu, và sau đó là bị người Pháp đô hộ gần 100 năm.

Có điều là những vua quan nhà Nguyễn xưa thì thực sự tin rằng “cái bọn Phú Lang Sa, bọn Tây Phương kia là man di mọi rợ”. Khác với nhiều người trong tầng lớp vua quan thời nay, dù chẳng còn mảy may tin gì vào các cụ Mác, Lê nữa, nhưng cứ vờ vờ vịt vịt để đánh lừa cả một dân tộc. Họ chính là những người luôn tìm cách chơi trò “đạo đức” với nhân dân. Miệng luôn nói rằng lấy dân làm gốc, nhưng thực chất là họ chỉ muốn lấy gốc làm “thớt” để tha hồ chặt chém! Ðây mới chính là điểm khác nhau lớn giữa người xưa và người nay cần phải nhìn và hiểu rõ.

Đương nhiên tôi không có ý nói đến những người cộng sản chân chính mà tôi luôn kính trọng. Đó là các tướng Chu Văn Tấn, Trần Độ, Võ Nguyên Giáp… Đó là các ông Nguyễn Hộ, Kim Ngọc… Đó là các sĩ quan, cựu chiến binh Trần Dũng Tiến (Hà Nội), Trần Anh Kim (Thái Bình ), Lê Trí Tuệ (Sài Gòn), Vũ Cao Quận (Hải Phòng)… Trong giới trí thức văn nghệ sĩ là các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Phùng Quán, Lữ Phương… Thực tế thì đa số họ đã mất, và nếu còn sống cũng đều thuộc tầng lớp bị trị, không thể dễ dàng “cựa quậy” được.

Thực tế hiện nay, trong bốn nước XHCN còn lại, thì chính hai nước Cu Ba và Bắc Triều Tiên mới thực sự là trung thành với những ý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin hơn cả. Nhưng đời sống hôm nay của nhân dân hai nước này khó khăn như thế nào ai tất cả chúng ta đều thấy rõ.

Còn với Trung Quốc và Việt Nam, động lực chính làm nên sự chuyển biến tích cực trong những năm qua là do sự vận hành của cơ chế thị trường, dựa trên căn bản sự tư hữu về tư liệu sản xuất. Là sự tiếp nhận nguồn vốn và công nghệ, mà chủ yếu là đến từ các nước TBCN, chứ không phải là xuất phát từ “quyền làm chủ tập thể XHCN của nhân dân lao động” (cái điều mà cả hai dân tộc đã buộc phải lao vào xây đắp bao năm trời, tốn biết bao mồ hôi công sức, kể cả cơ man nào là máu và nước mắt. Nhưng rồi cuối cùng thất bại vẫn hoàn thất bại).

Những năm qua tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của cả hai nước đều đạt khá cao (từ 6 đến 15% mỗi năm), nhưng đây là điều bình thường đối với những nước mới bước vào giai đoạn phát triển. Ðiều này 30-40 năm về trước, các nước trong khu vực cũng đã trải qua khi họ được tiếp nhận nguồn vốn và công nghệ của Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng cùng với thời gian, tỷ lệ trên sẽ giảm dần theo quy luật của thị trường. Rất nhiều người đã bị nhầm lẫn về tính “ưu việt” này. Một sự nhầm lẫn tương tự và cũng rất phổ biến là nếu lại đi so sánh mức sống chung của nhân dân hay của bản thân mình hôm nay với thời kỳ trước đổi mới. Thậm chí còn là trước…Cách mạng tháng Tám năm 1945 (!) rồi lấy đó làm sự hài lòng.

Thay lời kết

Ngày nay dân tộc ta hoàn toàn có đủ điều kiện để chọn lại đường đi cho đất nước mình. Chắc chắn cả dân tộc cùng chọn sẽ tốt hơn một người hoặc một lực lượng chính trị nào đó chọn cho chúng ta. Nếu những ai đang nắm thực quyền trong Ðảng Cộng sàn Việt Nam vẫn tìm đủ mọi cách để cố bám víu đến cùng vào sự duy nhất của Đảng, thì chính họ đang chống lại cả một dân tộc và trào lưu dân chủ mới trên thế giới. Kể cả việc phản bội lại chính những đồng chí cũ của mình hiện còn sống, cùng biết bao người đã ngã xuống trên khắp các nẻo đường mặt trận.

Ngay với Mác và Ăng Ghen họ cũng không phải là những người trung thành, bởi vì cả hai ông lúc sinh thời, ít ra cũng đã đều thừa nhận sự tồn tại của những đảng công nhân khác bên cạnh đảng cộng sản. “…Những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hiệp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước…” “…những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác…” (trích Tuyên Ngôn Ðảng Cộng sản 1848 – phần II). Trong thực tiễn, tất cả các Ðảng Cộng sản ở các nước XHCN đều đã cố tình nhập chúng lại làm một, và mọi người Việt Nam hôm nay đang cùng với thế giới tiến bộ bền bỉ đấu tranh tách cho được nó ra. Ðể sao cho trong tương lai gần, trên chính trường của một nước Việt Nam mới, chẳng những chỉ có các đảng công nhân mà còn có các đảng khác nữa, theo sự đòi hỏi của cuộc sống sinh động.

Tôi nghĩ rằng mong muốn của tôi cũng giống như của biết bao người Việt Nam khác là được góp một phần công sức – dù nhỏ – nhằm chuyển biến được căn bản tình hình đất nước trong ôn hòa, không một tiếng súng, để đưa nước ta hòa nhập tốt vào thế giới đang biến đổi mạnh mẽ. Sự hòa nhập về kinh tế tự bản thân nó đã chứa đựng những điều kiện tự nhiên cho sự hòa nhập về chính trị và ngược lại; giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ và biện chứng để thúc đẩy hoặc kìm hãm lẫn nhau. Ðiều đó tùy thuộc vào khả năng tận dụng hay bỏ lỡ của mỗi quốc gia.

Nếu đất nước vẫn phải tiếp tục chịu đựng tình cảnh như hiện nay, đó chính là sự hòa tan trong đau đớn, tủi nhục. Và do vậy cơ hội mà thời đại mới đang mở ra cho dân tộc ta có thể rút ngắn được phần nào khoảng cách đã bị tụt hậu quá xa so với thế giới. Với các nước trong khu vực Ðông Nam Á (ASEAN) – những nước mà phần lớn trước Cách Mạng Tháng 8 đều có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam, cũng sẽ bị tiêu tan. Nếu tình hình diễn ra đúng như vậy thì trách nhiệm ấy, những người bảo thủ hiện đang nắm thực quyền trong Ðảng Cộng sản Việt Nam hôm nay sẽ phải trả lời trước dân tộc và lịch sử trong nay mai khi dân tộc ấy chuyển mình. Chính họ và không ai khác lại một lần nữa cố tình bỏ lỡ chuyến tàu văn minh trí tuệ mà lẽ ra dân tộc đã được hưởng sớm hơn.

Với lịch sử và dân tộc, họ là tội phạm chứ không phải là nạn nhân! Nền dân chủ thực sự cho Việt Nam dẫu phải trải qua những gian nan thử thách, nhưng nhất định cuối cùng dân tộc cũng sẽ giành được. Vì quy luật muôn đời của con người là cùng tắc biến, biến tắc thong – không có điều gì bị dồn nén đến cùng cực mà không biến và một khi đã biến thì ắt sẽ thông!

Share