Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lẽ phải và lòng người

Trong đời sống đương đại đầy thăng trầm và náo động này, có một sự kiện mà “dư âm” của nó còn đọng lại trong những ai vốn nặng lòng với quốc sử. Đó là hội thảo về “Các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam” mà theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Liệu đã có một chuyển đổi cơ bản hay chỉ là sự rộ lên của những nhận thức mới trên một lĩnh vực rất nhạy cảm- sử học. Bài viết này cho Thư Thăng Long- Hà Nội, như tác giả tự nhận “là một thu hoạch nhỏ của một người đã theo dõi và can dự vào một quá trình”…

Thời điểm lịch sử và đất Thanh Hoá- “quý hương”

Có một yếu tố “tâm linh” về thời điểm cuộc hội thảo này được tổ chức, đó là cách đây đúng bốn thế kỷ rưỡi (450 năm) đã có một sự kiện đặc biệt: Mùa đông năm 1558, vâng mệnh triều đình (nhà Lê) chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi .

Thanh Hoá là “quý hương”(vùng đất Hà Trung), nơi hiện có Gia Miêu ngoại trang là quê hương của các chúa, các vua Nguyễn, và rất đông đảo những thế hệ người dân xứ Thanh tham gia vào công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc liên tục nhiều thế kỷ tiếp theo…Trên vùng đất này đã từng có một di tích kiến trúc hoành tráng, do chính vị vua khởi triều là Gia Long xây dựng để ghi nhận vùng đất phát tích ra các chúa và triều Nguyễn cũng mới “biến mất” hoàn toàn cách đây đúng ba thập kỷ.

Đó là lý do vì sao sự đánh giá về các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn lại diễn ra ở Thanh Hoá, do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động đề nghị Hội Sử học VN phối hợp đồng tổ chức cho dù chúng ta biết rằng nói đến sự nghiệp của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, không thể không nói đến vùng Thuận Hoá, xứ Quảng và lục tỉnh Nam Bộ trong đó Phú Xuân- Huế đã trở thành thủ phủ Đàng Trong và kinh đô của Vương triều Nguyễn cho đến giữa thế kỷ XX (1945) .

Sự đánh giá lại của đời sống đương đại dường như cũng đáp ứng lòng mong mỏi của người dân đất Thanh Hoá- “quý hương”. Họ vẫn tự hào mảnh đất này là nơi sản sinh ra vị vua khai sáng triều Lê (từng đựoc tôn vinh là “vị tổ trung hưng thứ hai” sau Ngô Vương quyền theo đánh giá của Phan Bội Châu).

Sự đánh giá công bằng, khách quan của đời sống đương đại sẽ làm sáng tỏ vai trò của các chúa Nguyễn, chúa Trịnh và các vị vua triều Nguyễn vốn một thời mang nặng mặc cảm gắn liền với những biến động tiêu cực như chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài, thù địch và tiêu diệt “cách mạng” Tây Sơn, đàn áp khởi nghiã nông dân và cuối cùng là “cõng rắn cắn gà nhà”, bán nước rồi làm tay sai cho thực dân đô hộ. Bối cảnh chính trị của cuộc cách mạng “phản đế- phản phong” cùng lập trường đấu tranh giai cấp và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã kéo dài sự đánh giá một sắc màu tiêu cực về nhà Nguyễn.

Lịch sử trung đại đầy bi kịch, ẩn trắc và tất yếu

Cái căn cốt nhất của sự đánh giá vị thế các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn là việc nhận thức lại về một thời kỳ lịch sử mang tính chất bản lề với hai nội dung quan trọng. Đó là sự hoàn thiện lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi (Nam tiến) và xác lập chủ quyền dân tộc, với cả một tầm nhìn lớn ra đại dương của ông cha chúng ta.

Những đội Hoàng Sa được các chúa Nguyễn lập, tấm bản đồ “Đại Nam Nhất thống toàn đồ” vẽ dưới thời vua Minh Mạng là những bằng chứng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.Vai trò của các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và triều Nguyễn cho đến nửa đầu thế kỷ XIX đã để lại một di sản thiêng liêng mà thời đại ngày nay chúng ta đang kế  thừa là không gian lãnh thổ của một quốc gia thống nhất.

Đó còn là quá trình chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX qua thế kỷ XX. Đây là thời kỳ mà nước Việt chúng ta từng bước thoát dần ra khỏi “thế giới Trung Hoa” truyền thống, tiếp cận và giao thoa với nhiều nền văn hoá ở phía Nam (chịu ảnh hưởng của văn hoá hải đảo Đông Nam Á và Ấn Độ), tiếp xúc với văn minh phương Tây, đương đầu với chủ nghĩa thực dân phương Tây để rồi trở thành thuộc địa của Pháp.

Đây cũng chính là giai đoạn lịch sử bi kịch, đầy ẩn trắc. Bên cạnh những yếu tố tiêu cực dễ thấy, kết cục bằng một thời kỳ mất nước, thì hàng loạt những tác động khách quan vào sự phát triển của dân tộc, nghiễm nhiên như là sự chuẩn bị  từng bước cho công cuộc hội nhập vào trào lưu phát triển của thế giới hiện đại sau này. Trong đó có cả những hệ tư tưởng chính trị hiện đại cũng như các phương thức sản xuất tiến tiến hơn, tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập với thế giới ngoài Trung Hoa (đầu thế kỷ XX) cho đến hội nhập với toàn cầu mà thời đại chúng ta đang chứng kiến.

Về lý thuyết, sự đánh giá dừng lại ở thế kỷ XIX tức là thời kỳ Việt Nam (Đại Nam) còn là một quốc gia tự chủ (vì triều Nguyến còn tồn tại đến 1945). Nó đặt ra một loạt những vấn đề lịch sử hệ trọng như vì sao chúng ta không có được một cuộc cải tổ như Nhật Bản? Mất nước có phải là một tất yếu?

Công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân bên cạnh bản chất một nền cai trị của chủ nghĩa thực dân, có những thúc đẩy sự tiến bộ do tác động của những giá trị của một nền văn minh đang phát huy thế mạnh đối với toàn cầu. Trả lời những vấn đề lịch sử này cũng góp phần đánh giá toàn diện và biện chứng hơn các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn.

Về thực tiễn, rõ ràng, không nghiên cứu và nhìn nhận trên một tinh thần khách quan khoa học giai đoạn lịch sử này, chúng ta không thể nhận thức được chính mình, những di sản mà lịch sử đương đại đang kế thừa hay đang khắc phục. Người ta thường dễ xúc cảm bởi sự công bằng thì giá trị ấy cũng đang là một nhu cầu của xã hội, vì một nguyên lý là không công bằng với quá khứ thì cũng không thể công bằng với hiện tại.

Có phải là sự đột phá trong nhận thức lịch sử?

“Lịch sử diễn ra một lần còn nhận thức lịch sử là một quá trình”. Sự đánh giá các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn ở thời đại này do vậy, là sự chín muồi của một quá trình nhận thức, để chuyển từ nhận thức của giới sử học tới nhận thức của xã hội. Nó không thể tách rời với quá trình đổi mới của đất nước, cũng có nghĩa là sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo của Đảng cầm quyền, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế với một khẩu hiệu hành động: “Dám nhìn thằng vào sự thật, nói đúng sự thật”.

Giới sử học Việt Nam không giấu diếm những thuộc tính mang “tính thời đại” của mình với đặc trưng là đội ngũ các “sử gia công chức”. Chúng ta rất hay nói đến tính khách quan của lịch sử, hay nhắc đến câu chuyện “ngụ ngôn kinh điển” về ba anh em sử gia phương Bắc từng thay nhau nhận cái chết để không thay đổi sự thật. Đã là ngụ ngôn thì đó cũng chỉ là sự mong muốn, mang tính lý tưởng mà thôi.

Sử học là một khoa học, nhưng nó cũng không thể không mang màu sắc chính trị. Thời đại nào, ở đâu và ai cầm bút viết sử cũng vậy. Chỉ có điều chính trị biết phục tùng quy luật, căn cứ vào tính chân thực trong nhận thức quá khứ, đó sẽ là nền chính trị bền vững và trường tồn, cho dù đạt tới tiêu chí đó không dễ dàng. Và ngược lại, nếu bất chấp quy luật, duy ý chí thì chỉ có thể đạt đựoc những mục tiêu trước mắt nhưng sẽ không bền vững. Sử học  bao giờ cũng là sự phản chiếu nền chính trị đương thời.

Trong nhận thức ấy, xin đừng trách nền sử học một thời đã từng lên án nhà Nguyễn với những đánh giá mà ngày nay ta thấy thiếu sự công bằng. Cũng như xin đừng lên án sử nhà Nguyễn gọi Tây Sơn là giặc, sử nhà Lê gọi nhà Hồ hay nhà Mạc là “nguỵ triều” hay “nhuận triều”…

(Ai lên thăm ngôi đền Thượng ở Lào Cai thờ Đức Thánh Trần ngay gần biên giới đến nay vẫn thấy có những người bên kia biên giới sang cúng lễ vì một thời, trong tâm thức người Trung Hoa vẫn gắn bó với cái gốc tích Hán tộc mà coi các triều Nguyên hay Thanh là nỗi nhục, và Đức Thánh Trần đã từng đánh bại quân Nguyên. Nhưng bây giờ tâm thức “Đại Hán” đã thay bằng “Đại Trung Hoa” nên họ lại rất tự hào về hai triều đại này, cứ xem phim Trung Quốc thì thấy…)

Rõ ràng, nhận thức lịch sử cũng thay đổi cùng thời gian, mà động cơ hay động lực thay đổi chính là do đời sống đương đại đòi hỏi. Suốt thời nước ta bị Pháp đô hộ, thì Quốc sử quán của nhà Nguyễn vẫn tiếp tục viết Đại Nam thực lục để ghi nhận và bảo vệ chế độ của mình.

Còn sử gia người Pháp (mà đôi khi ta “vơ đũa cả nắm” là sử gia thưc dân) đương nhiên nhìn nhận sự cai trị của người Pháp là một công cuộc khai sáng văn minh. Những người viết sử yêu nước từ cụ Phan Bội Châu (Việt Nam phong quốc sử) đến Nguyễn Ái Quốc (Diễn ca Lịch sử nước ta) đều coi đó là vũ khí tuyên truyền và tập hợp lực lượng cách mạng, lên án đế quốc và phong kiến.

Nhà giáo dạy sử nổi tiếng là Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược”  nhắc đến những điểm sáng trong sách của ông như “đề cao vai trò của Quang Trung và nhà Tây Sơn” vào thời điểm nhà Nguyễn tuy không còn là một triều đại tự chủ nhưng vẫn hiện diện trong bộ máy cai trị thuộc địa. Nhưng rồi chúng ta cũng biết rằng, trong vòng xoáy của những biến cố chính trị, chính tác giả cuốn sách có giá trị này cũng lựa chọn một thế đứng cho mình…

Chính vì thế phải thấy sự nhận thức lịch sử phản ảnh trong chủ đề đánh giá các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn cũng phản ảnh đời sống chính trị của đất nước. Nó vừa là kết quả nhận thức lịch sử, trước hết của giới sử học, vừa là những thay đổi trong nhận thức của toàn xã hội, bắt nguồn từ nhu cầu của chính đời sống hiện tại, của một thời đại lịch sử mới- hội nhập để phát triển.

http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2008/10/810337/

***

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lẽ phải và lòng người (II)

Sử học và sử gia

Phải thừa nhận rằng một thời giới “sử gia-công chức” thực hiện xuất sắc vai trò minh hoạ và là vũ khí đấu tranh tư tưởng trong một thời kỳ đòi hỏi bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh-cách mạng để đạt tới mục tiêu chiến thắng, không chỉ ngoại xâm mà cả những “tàn dư của chế độ cũ”.

Đọc “Tạp chí Văn Sử Địa” và tiếp đó là “Nghiên cứu lịch sử”- cơ quan ngôn luận của Viện Sử học Việt Nam, cơ quan “quản lý nhà nước” trên lĩnh vực lịch sử dân tộc sẽ thấy quan điểm lập trường là “thẳng tuột” không nương nhẹ đối với những vấn đề lịch sử, đúng với tinh thần “đưa 4000 năm vào trận đánh”. Điều đó không chỉ diễn ra hồi đánh Pháp rồi Mỹ, mà cả thời “chống bành trướng”.

Đặt vào bối cảnh ấy, những vấn đề của các chúa Nguyễn nhất là Vương triều Nguyễn được đặt ra liên tục vẫn với tinh thần “phản đế, phản phong”, trừ các chiến công giữ nước của các triều đại phong kiến, mà thời các chúa Nguyễn hầu như chỉ diễn ra hình thái nội chiến (Trịnh-Nguyễn, Lê-Mạc, Nguyễn-Tây Sơn), có chăng là sự kiện các chúa Nguyễn đánh bại hạm thuyền Hà Lan ở Đàng Trong nhưng không có mấy ý nghĩa so với một đánh giá chủ đạo là tiêu cực. Còn với nhà Tây Sơn, với chiến công hiển hách dẹp bỏ phân chia Đàng Trong-Đàng Ngoài, đánh Xiêm đuổi Thanh thì đương nhiên được tập trung nghiên cứu đánh giá cao, đến mức có người coi đó là “cách mạng Tây Sơn”.

Nhiều đề tài đã liên tiếp được đưa lên mặt tạp chí để thảo luận nhưng chủ yếu là để khẳng định nhiều hơn, để tranh luận nhằm đánh giá trực tiếp hay gián tiếp triều Nguyễn thông qua các chủ đề như “ai thống nhất quốc gia”, “khởi nghĩa nông dân”… và các cuộc thảo luận về các nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt… cho tới cả Nguyễn Công Trứ… đều trở thành những diễn dàn để công kích nhà Nguyễn một cách triệt để.

Tại cuộc hội thảo vừa rồi, bài tham luận của nhà nghiên cứu Phan Thuận An từ cố đô Huế nhắc lại những đoạn trích trong lời giới hiệu bản dịch sách “Đại Nam thực lục” của Viện Sử học (1961) hay các bộ sách khi đó được coi là chính sử  do Uỷ ban KHXH tổ chức biên soạn (Lịch sử VN tập I, 1971 , tập II, 1985) là sự lên án tuyệt đối với các lời lẽ nặng nề, mạt sát như: “Tối tăm, cực kỳ phản động, hủ lậu, mục nát, mù quáng, cực kỳ ngu xuẩn” v.v…dành cho thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.

Quan điểm ấy có thể thấy được trong nhiều ứng xử xã hội như huỷ hoại các di tích có liên quan, xoá bỏ các hình thức ghi nhận như tên đường phố, trường học, các công trình công cộng tại các đô thị, thậm chí ngay cả với những “ông vua chống Pháp” như Duy Tân cũng bị bãi bỏ. Một thời gian dài quần thể di tích cố đô Huế bị bỏ mặc để trở thành phế tích sau những đổ nát của chiến tranh và lụt lội…

Nhà  nghiên cứu xứ Huế cũng lần ra người đầu tiên trong giới “sử gia-công chức” là GS Trần Quốc Vượng- người sớm nhất đưa ra một đánh giá sáng sủa hơn trên tờ “Sông Hương” (Huế) vào năm 1987 khi ông bày tỏ :”Tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình, và từ chỗ đứng của thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ có lập trường. Có thời nhà Nguyễn chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay”. Điều ông nói diễn ra một năm sau “Đổi mới”(1986) và  sáu năm (1987) trước khi  quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá nhân loại (1993).

Đổi mới nhận thức lịch sử

Có thể nói rằng chính cái nguyên lý khởi động công cuộc đổi mới là “Dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật” đã thúc đẩy và mở ra một điều kiện mới cho nhận thức lịch sử. Kể từ đó đến nay đã hơn hai thập kỷ thời gian gắn với đổi mới. Chính những yêu cầu của cuộc sống và phát triển đã đòi hỏi sự nhận thức quá khứ vượt qua được những quán tính của thời chiến tranh và cũng thoát ra khỏi những quan điểm ấu trĩ về đấu tranh giai cấp, về một chủ nghĩa duy vật lịch sử giáo điều.

Nhưng liệu có phải như cảm nhận của nhà nghiên cứu Phan Thuận An đứng trước sự đánh giá lại các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, là như một “sự đảo lộn về nhận thức” hoặc tìm câu trả lời cho nhà thơ Nguyễn Duy, người đang làm bộ phim về ba ông vua yêu nước rằng: “Không hiểu tại sao và từ lúc nào lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hoá của vương triều này”, và vì sao lại phải “khơi dòng lịch sử bị nghẽn” vào thời điểm này?

Thực ra những chuyển biến trong nhận thức về các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn đã khởi động qua cả một quá trình. Ai cũng biết khi vấn đề đấu tranh chứng lý để bảo vệ chủ quyền các quần đảo ngoài biển Đông, không thể không nhắc đến thời các chúa Nguyễn đã tổ chức những hình thức thể hiện quyền quản lý lãnh thổ gắn với những hành động vô cùng dũng cảm của những người lính phụng mệnh các chúa  thực hiện nghĩa vụ của mình. Tấm bản đồ được vẽ thời vua Minh Mạng có dải “Vạn lý trường sa” là những bằng chứng đanh thép  bảo vệ lợi ích quốc gia.

Năm 1988, Hội Sử học VN tái phục hồi (được thành lập từ 1966 do cố Viên trưỏng Viên Sử học Trần Huy Liệu sáng lập, nhưng sau khi ông qua đời vào năm 1969 thì hội cũng chỉ còn duy trì một vài hoạt động đối ngoại). Kể từ đó nhiều cuộc hội thảo về đổi mới sử học, trong đó có những hội thảo đổi mới nhận thức về nhà Nguyễn và các chúa Nguyễn đã được tổ chức ở nhiều trung tâm giảng dạy và nghiên cứu, có những đề tài cấp nhà nước và giới sư phạm cũng đã bàn về việc giảng dạy những vấn đề liên quan trong nhà trưòng, trong biên soạn sách giáo khoa…Tiếp đó, cố đô Huế là di sản sớm nhất được công nhận Di sản thế giới.

Cũng trong năm 1988, giới sử học tổ chức kỷ niệm 130 năm thực dân nổ súnng xâm lược (1858) tại TP Đà Nẵng. Khi nghiên cứu kỹ chúng ta thấy triều đình thời Tự Đức hoàn toàn không buông vũ khí, mà đã tổ chức kháng chiến với một năng lực tổ chức và ý chí mạnh mẽ, khiến đạo quân viễn chinh không chiếm được địa đầu này, buộc chúng phải chuyển hướng đánh vào Nam bộ. Những khu mộ Tây Ban Nha và cả một “nghĩa chủng” (nghĩa trang liệt sĩ) của những ngưòi lính triều đình cho đến nay vẫn còn trong thành phố Đà Nẵng là bằng chứng…

Việc để mất nước là một trách nhiệm nặng nề và không thể bào chữa đối với triều Nguyễn. Tuy nhiên không thể đơn giản dùng chữ “bán nước” mà phải đi sâu vào những hạn chế lịch sử của dân tộc ta, chứ không chỉ của triều đình nhà Nguyễn đã không ứng xử được như Nhật Bản hay Xiêm (Thái Lan) khi ứng phó với nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Nhưng số phận của Việt Nam cũng là số phận chung của số đông các quốc gia phương Đông trước họa bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, kể cả nước Trung Hoa khổng lồ vào thời đại đó. Việt Nam không duy tân nổi đất nước có những nguyên nhân căn cốt của xã hội Việt Nam chứ không chỉ do sự tăm tối trong đường lối hay phẩm chất của bộ máy cai trị đất nước đương thời.

Một ông vua Tự Đức, người trực tiếp tổ chức đánh Pháp rồi cũng lại là người chịu trách nhiệm về sai lầm để mất đất, bất lực để mất nước, ngay khi còn sống đã tự vấn về tội lỗi của mình, làm hẳn một tấm bia lớn khắc lời tự hối trên sinh từ của mình (Khiêm Lăng), cũng lại là một nhà thơ lớn với khoảng 4000 bài thơ, trong đó có nhiều bài vịnh lịch sử, tự hào về tổ tiên và tự hổ thẹn vì mình không xứng.

Ta nghĩ gì khi đọc thấy trên vách của điện Thái Hoà, nơi trang trọng nhất trong cung đình triều Nguyễn bài thơ khắc trên gỗ với những vần thơ đầy khí phách và niềm tự tôn dân tộc của vị vua khai sáng triều Nguyễn :

“Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường ngu”. Tạm dịch :“Nước ngàn năm văn hiến / Vạn dặm một sơn hà/ Từ Hồng Bàng mở nước / Thịnh trị nước Nam ta”.

Ta nghĩ gì khi biết rằng vua Gia Long đã truất quyền nối ngôi của Hoàng tử Cảnh, người con đã gửi gắm cho giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) sang triều đình Versaille cầu viện mà không chịu giữ đạo thờ cúng tổ tiên, để trao ngai vàng cho Minh Mạng, con người đầy năng lực cải cách. Con người này đã hướng tầm nhìn ra biển, không chỉ vẽ hải đảo xa xôi trên bản đồ mà còn chỉ huy việc đóng tàu chạy hơi nước bọc đồng và cho người tham quan các tàu biển của Anh và Mỹ  “học tập hàng hải biển để phòng khi cần”.

Ta nghĩ gì khi tiếp xúc bộ địa bạ hàng vạn trang do quan lại triều Nguyễn tổ chức đo đạc và biên vẽ, hầu hết các thửa ruộng trên cả nước để quản lý đất đai, hay tổ chức viêc mở mang kinh doanh mà tiêu biểu như doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lập ra hai huyện lấn biển Tiền Hải-Kim Sơn hay Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế đến nay càng thấy tài giỏi v.v…

Đổi mới tư duy chính trị

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng đi thị sát con sông đào này với lòng thán phục quan lại và dân chúng xưa đã để lại một công trình mẫu mực của trị thuỷ kết hợp với quốc phòng và ngoại giao. Có thể nói thêm rằng chính cố TT đã là người động viên mạnh mẽ và thiết thực để tiến tới cuộc hội thảo vừa rồi. Đúng hơn, ông đã là người đồng hành và hỗ trợ cho những nỗ lực của giới sử học tổ chức từng buớc, thúc đẩy quá trình nhận thức lại, bắt đầu từ những việc nhỏ đến lớn.

Tôi không quên, sau cuộc hội thảo về “Thời Gia Long” do Hội Sử học t/p HCM tổ chức bị vài người “phát giác” với các nhà quản lý, khiến có một vài sự phiền phức đối với các nhà tổ chức, thì cuộc hội thảo tiếp theo về Lê Văn Duyệt được tổ chức ngay tại địa phương toạ lạc ngôi Lăng Ông.

Lãnh đạo địa phương trong thâm tâm rất ủng hộ việc làm này vì biết nó thuận lòng dân, nhưng đầy e ngại với những nhà quản lý cấp trên của mình nên né tránh xuất hiện. Ông Võ Văn Kiệt  đã đến, ngồi lắng nghe các tham luận rồi phát biểu với những lời đánh giá biện chứng về một chính khách thời Nguyễn đã có công đối với vùng đất và thành Gia Định xưa.

Kết thúc hội thảo, ông ra thẳng Lăng thắp nén hương như một lời tạ lỗi. Cho đến cuối đời ông vẫn suy nghĩ về việc con đưòng Lê Văn Duyệt của Sài Gòn xưa đã bị xoá  tên vào lúc ông đang có quyền, để rồi trước khi mất không lâu ông đã nói với những người có trách nhiệm của thành phố rằng cần sớm đặt lại tên của vị Tả quân tài năng nhưng bất hạnh này (vì bị cả vua Minh Mạng và cách mạng xử tệ).

Tết vừa rồi Hội Sử học VN cùng những người có tâm đức đã đặt một bức tượng đồng lớn vào Lăng của Ngài với sự đồng thuận của Cục Di sản (Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) và chính quyền như một sự kiện có ý nghĩa. Ông đã có mặt với một tinh thần cầu thị và quyết vượt qua những nhận thức hạn chế của quá khứ, đồng hành cùng giới sử học tổ chức các cuộc hội thảo về Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản.

Sau những cuộc hội thảo này ngôi trường tư thục mang tên Trương VĩnhKý đã ra đời, và mới đây bức tượng bán thân Phan Thanh Giản do chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cung tiến đã được đặt ở quê hương ông…

Gs Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN tại cuộc hội thảo vừa rồi ở Thanh Hoá đã cho biết, chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vào ngay thời điểm đang chỉ đạo việc biên soạn bộ lịch sử do UBKHXH chủ trì đả phá quyết liệt các chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã nói ở trên, cũng nhắc nhở những người tham gia biên soạn bộ sử ấy rằng, rồi “đến lúc nào đó” phải đánh giá lại chính những quan điểm của bộ sử này về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn (?!) .

Có thể có nhiều cách nhìn nhận về vấn đề này, nhưng điều quan trọng hơn lời khen hay chê, chính là những đổi thay của đời sống đất nước, trong đó có đời sống sử học và đời sống chính trị. Nó phản ảnh một sự không cưỡng nổi của lẽ phải, của lòng người, của những giá trị về sự công bằng, nhưng cũng là sự thay đổi tích cực của một nền chính trị đang đổi mới và hội nhập, đang từng bước vượt qua những quán tính của một thời kỳ lịch sử đã qua, gắn với những yêu cầu của “chiến tranh-cách mạng”, khắc phục những ấu trĩ trên bước đường trưởng thành vì lợi ích phát triển của dân tộc.

Vĩ thanh

Tôi muốn kể lại một “kỷ niệm nghề nghiệp” cách đây cũng đã  15 năm khi vào Quảng Bình chủ trì việc tổ chức hội thảo về nhân vật Đào Duy Từ, một người tài năng bị chúa Trịnh bạc đãi nhưng được chúa Nguyễn biệt đãi. Ông chính là tác giả của Luỹ Thày bên sông Nhật Lệ và và Luỹ Trường Dục  chặn đứng quân Trịnh bên dòng sông Gianh, chấm dứt binh lửa giữa hai thế lực, giúp các chúa Nguyễn rảnh rang phía Bắc để mở mang bờ cõi về phương Nam.

Mọi việc đã chuẩn bị chu đáo để hôm sau khai mạc hội thảo. Bỗng có tin  vì có người bình luận rằng tại sao lại đề cao con người có tội đã đắp luỹ chia cắt đất nước khiến dân tộc phải mang “mối hận sông Gianh”, nên có thể nhiều vị lãnh đạo quan trọng của địa phương sẽ vắng mặt, cho dù  trước đó đã hồ hởi nhận lời tham dự. Người chủ trì hội thảo của địa phương vô cùng lo lắng.

Tôi trấn an rằng hội thảo khoa học thì cứ tiến hành, hy vọng kết quả sẽ làm sáng tỏ “công-tội” của người xưa. Lan man sang những câu chuyện bên lề, có ai đó hỏi: “Học giả Đào Duy Anh có phải là hậu duệ cụ Đào Duy Từ không nhỉ?”. Tôi nói rằng không rõ, nhưng thường có chung họ, lại cả đệm nữa thì có thể không cùng nơi phát tích (quê) nhưng thường “suy cho cùng” thì rất có thể có chung dòng máu (thân tộc)…Câu chuyện lan man tiếp rồi đụng đến tên tuổi một nhà lãnh đạo quan trọng hồi đó cũng trùng họ và đệm với cụ Đào Duy Từ. Tôi cũng trả lời tương tự…

Thế rồi, cuộc hội thảo ngày hôm sau thành công rực rỡ, không chỉ vì chất lượng nội dung của nó mà còn vì, và rất quan trọng đối với địa phương là hầu hết các vị lãnh đạo ở tỉnh đều tham dự rất… hồ hởi.

Nguồn: Vietnamnet

Share