Obama và giấc mơ của chúng ta

Những ngày qua, tin tức, bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam hầu như phủ hết cả truyền thông trong và ngoài nước. Thậm chí có người còn gọi là “Obamania” hay “cơn sốt Obama”.

Tổng thống Obama tiếp xúc với giới trẻ trong chuyên thăm Việt Nam. Ảnh: ABC News

Tổng thống Obama tiếp xúc với giới trẻ trong chuyên thăm Việt Nam. Ảnh: ABC News

Tôi thì chú ý đặc biệt đến bài diễn văn của Tổng thống Obama vì nó thể hiện rõ thông điệp của ông tới người dân cũng như tới nhà cầm quyền. Bài diễn văn tuyệt hay mà tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Nó bao quát hầu như toàn bộ các vấn đề vĩ mô của Việt Nam và quan hệ Việt Mỹ.

Với vị thế của ông, với sự hâm mộ của người dân Việt Nam dành cho ông, khi được phát biểu công khai, Obama đã ảnh hưởng tới hàng triệu người, thậm chí hàng chục triệu người dân Việt.

Không một ai trong giới cầm quyền của Việt Nam có thể làm được như vậy. Cũng không có ai trong giới đấu tranh dân chủ có thể làm được như vậy.

Tầm quan trọng của quyền công dân, quyền con người như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do ứng cử và bầu cử thì người dân các nước khác được học ngay từ trường học nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Do đó, diễn văn công khai của Tổng thống Obama có tác dụng khai phóng rất lớn cho cả viên chức trong chính quyền lẫn dân thường.

Rất nhiều người đã phân tích và ca ngợi nhiều điểm trong bài diễn văn của ông Obama. Trong bài viết này tôi chỉ phân tích về tầm nhìn để đi tới dân chủ hóa đã được gói ghém đầy ẩn ý trong bài diễn văn.

Đối tác không đối địch

Hai cựu thù Việt – Mỹ đã bình thường hóa quan hệ từ lâu và hiện nay là đối tác toàn diện của nhau. Vậy thì tại sao đến giờ này các lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa “bình thường hoá quan hệ” với chính đồng bào của mình?

Tại sao nhà cầm quyền vẫn nhìn nhân dân như kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”? Tại sao dân thực hiện các quyền hiến định của mình như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do ứng cử thì ra sức ngăn chặn, đàn áp?

Nói đi cũng phải nói lại, một số người vẫn đòi phải “trả thù”, “tiêu diệt Cộng sản”, đòi loại bỏ hoàn toàn đảng cộng sản. Điều này đã tạo cớ cho thành phần cơ hội, bảo thủ trong đảng cộng sản lo lắng và quyết tâm bảo vệ chế độ chuyên chính tới cùng. Lòng thù hận đó khiến họ có cớ để dán nhãn “thế lực thù địch” cho bất kì ai có chính kiến khác với đảng cộng sản.

Tôi xin kể lại một kỉ niệm của tôi với ngành an ninh. Trong thời gian tôi bị bắt, một sĩ quan an ninh đã kể cho tôi nghe về kỉ niệm khi ông được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ George W.Bush vào tháng 11 năm 2006 tại Sài Gòn. Ông nói Tổng thống Bush rất dễ mến và hòa đồng, ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ông Bush đã cầm đầu lân nhảy múa với các em nhỏ.

Người sĩ quan an ninh này nói phong cách gần gũi của Tổng thống Bush khác xa với dàn lãnh đạo của đảng cộng sản cứ “một bước là ngựa xe, đứng đi quân hầu chật” (thơ Phùng Quán) mà ông và các sĩ quan an ninh khác có nhiệm vụ bảo vệ.

Tổng thống Mỹ Bush đã khiến người sĩ quan an ninh này trở nên hâm mộ “nền dân trị Mỹ” (tựa sách của Alexis de Tocqueville).

Cũng trong thời gian tôi bị bắt, có sĩ quan an ninh đã bỏ nghề vì nhận ra lý tưởng xã hội công bằng của đảng cộng sản đã bị phản bội. Ông không chấp nhận phải làm những việc bất lương, bức hiếp dân lành, đàn áp nhân sĩ, trí thức dân chủ.

Nói như vậy để thấy rằng ngay cả những sĩ quan an ninh, “thanh gươm và lá chắn” cho chế độ, cũng nhận thức được rất rõ nhu cầu bức thiết phải dân chủ hóa đất nước. Họ cũng muốn được sống tự do, được là chính mình, không phải làm những việc trái pháp luật, trái lương tâm.

Người Việt là đồng bào

Tổng thống Obama đã chỉ ra cách thức để hai bên, một bên là đảng viên cộng sản, kể cả các sĩ quan an ninh, và một bên là người dân thường, kể cả giới đấu tranh dân chủ có thể cùng nhau đi tới để chuyển hóa đất nước qua việc nhắc lại lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh: cả hai bên đều cần thay đổi để đối thoại chân thành với nhau.

Thay đổi đó là gì, đó là không nên coi nhau là kẻ thù hay “thế lực thù địch” mà là bạn bè, và đúng hơn nữa, là đồng bào.

Ngay cả khi giới lãnh đạo cộng sản không dám đưa tay ra bắt thì phía những người dân, mà tiên phong là giới đấu tranh dân chủ, hãy chủ động chìa tay ra trước một cách chân thành.

Đảng ANC và Nelson Mandela ở Nam Phi đã làm được chuyện đó. Đảng NLD và Aung San Suu Kyi ở Miến Điện cũng đã làm được như vậy.

Điều đó đòi hỏi tính kiên nhẫn và bao dung rất lớn, cũng như đòi hỏi lực lượng dân chủ ôn hòa, nghĩa là kể cả các đảng viên cộng sản và các sĩ quan an ninh thật sự vì nước vì dân, phải hết sức đông đảo để hậu thuẫn cho sự chuyển đổi dân chủ trong hòa bình.

Tổng giám mục Desmond Tutu ở Nam Phi đã nói: “Không có tha thứ sẽ không có tương lai. Tha thứ không phải là cái gì mang tính thiêng liêng mơ hồ. Điều đó là chính trị thực tiễn.”

Tổng thống Obama cũng khẳng định lại điều đó trong bài diễn văn: “khi nhiều cuộc tranh chấp tưởng chừng không thể giải quyết được, tưởng chừng như sẽ không bao giờ kết thúc, chúng ta đã chỉ ra rằng con tim có thể làm thay đổi và có thể có một tương lai khác, khi chúng ta không chấp nhận làm tù nhân của quá khứ nữa.

“Chúng ta đã chỉ ra rằng hòa bình có thể tốt hơn chiến tranh đến mức nào. Chúng ta đã chỉ ra rằng tiến bộ và nhân phẩm được thúc đẩy mạnh mẽ nhất bằng hợp tác chứ không phải bằng xung đột.”

Tại sao không làm được?

Khởi điểm để đối thoại chính là những điểm mà tất cả các bên đều đồng thuận, đó chính là “nhân dân làm chủ”, là những quyền công dân, quyền con người hết sức căn bản đã ghi trong hiến pháp do chính đảng cộng sản ban hành như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và hội họp, tự do ứng cử và bầu cử.

Tổng thống Obama cho rằng “việc duy trì những quyền này là biểu hiện đầy đủ nhất của nền độc lập mà rất nhiều quốc gia trân trọng”. Rõ ràng là như vậy vì không thể nói một quốc gia độc lập mà nền chính trị lại phụ thuộc vào chỉ duy nhất một đảng, người dân không có tự do.

“Hai nước chúng ta từng đánh nhau nhưng giờ đây sát cánh bên nhau để giúp đỡ những nước khác cùng đạt được hòa bình” (Obama). Vậy thì tại sao cùng là đồng bào với nhau, người Việt Nam lại không làm được như vậy?

Dù chính kiến có khác nhau, dù đã từng đi đàn áp hay từng bị đàn áp, chúng ta vẫn có thể cùng nhau “dựng lại người, dựng lại nhà” (Trịnh Công Sơn).

Đa nguyên nhưng phải hợp tác để cùng nhau xây dựng lại đất nước, cùng nhau kiến tạo một Việt Nam tương lai dân chủ, giàu mạnh. Đó chính là con đường đất nước này phải đi, đó chính là con đường Việt Nam.

Dù vậy, cũng cần phải thực tế như Tổng thống Obama đã nói: ”việc hiện thực hóa hoàn toàn viễn cảnh tôi vừa mô tả hôm nay sẽ không xảy ra ngay lập tức, và nó cũng không phải là tất yếu. Sẽ có những vấp váp và những bước lùi trên đường đi. Sẽ có những lúc hiểu lầm. Cần phải có những nỗ lực bền bỉ và đối thoại chân thành để hai bên đều tiếp tục thay đổi.”

Tổng thống Obama cũng mượn bài hát Nối Vòng Tay Lớn của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để nhắc chúng ta: “mở rộng lòng mình và nhìn thấy tình người của chúng ta trong nhau”.

Sĩ quan an ninh và giới đấu tranh dân chủ sẽ nối vòng tay lớn với nhau, đảng viên cộng sản và dân thường cũng sẽ nối vòng tay lớn với nhau. Người Việt đoàn kết thì nước Việt sẽ dân chủ, giàu mạnh.

Để kết bài, tôi xin nhắc lại lời của ông Obama: “Tài năng của các bạn, nghị lực của các bạn, những giấc mơ của các bạn – chính là trong những thứ đó, Việt Nam có tất cả những điều mà đất nước này cần để trở thành phồn vinh. Các bạn nắm trong tay vận mệnh của mình. Đây là thời khắc của các bạn.”

ThS Nguyễn Tiến Trung, theo BBC

Share