Phát triển không gian cộng đồng để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam

1. Khái niệm không gian công cộng

Trong tác phẩm The structural transformation of the public sphere1 xuất bản năm 1962, triết gia, nhà xã hội học nổi tiếng người Đức – người được xem là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới của thế kỷ XX – Jürgen Habermas, đã triển khai khái niệm “không gian công cộng” (KGCC) mà Emmanuel Kant, người được coi là tác giả của thuật ngữ này, đã đề cập vào năm 1784.

Mặc dù khái niệm KGCC thường không được ghi nhận trong các từ điển, nhưng KGCC lại luôn là trung tâm của nền dân chủ. Theo Harbemas, KGCC là nơi để hình thành nên công luận, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào KGCC và trao đổi ý kiến với người khác mà không phải chịu áp lực từ bên ngoài. Và vì thế, KGCC là một trong những điều kiện để thiết lập nền dân chủ. Harbemas định nghĩa KGCC như một khoảng không gian mang tính ảo hoặc tưởng tượng. Đó là một không gian mang tính biểu tượng, nơi mà các bài phát biểu được trao đổi, được tranh luận. Như vậy, KGCC là một môi trường trung gian giữa xã hội dân sự và Nhà nước. Đó là nơi tất cả mọi công dân đều có thể tiếp cận, gặp gỡ để đưa ra ý kiến công khai về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung.

2. Sự vận hành của không gian công cộng

Phát triển không gian công cộng để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam Vì KGCC là một không gian biểu tượng nên nó đòi hỏi phải có thời gian để vận hành, để được công nhận và thu hút các vấn đề tranh luận và thảo luận công khai. Người ta không ra sắc lệnh để thành lập ra một KGCC như là tổ chức các cuộc bầu cử hay các cuộc trưng cầu dân ý, mà người ta ghi nhận sự tồn tại của nó. KGCC là biểu tượng cho một thực tế về một nền dân chủ đang hoạt động. KGCC tạo nên một mối liên hệ chính trị, nối liền hàng triệu công dân vô danh, bằng cách trao cho họ những mong muốn về việc tham gia một cách có hiệu quả vào chính trị. Đôi khi, KGCC đã trở thành một cái gì đó rất “mốt”, vì người ta coi KGCC như là kết quả của phong trào giải phóng con người, đóng góp vào việc gia tăng giá trị cho tự do cá nhân.

Nhìn lại quá trình phát triển ở châu Âu, KGCC phát triển qua ba giai đoạn2: giai đoạn 1 chỉ diễn ra trong một nhóm người nhỏ, nhất là giữa các thương nhân, người dẫn dắt vấn đề tranh luận ở đây là người thực sự tham gia vào lĩnh vực công. Giai đoạn 2 mang tính chính trị nhiều hơn. Báo chí cố gắng dẫn dắt, giáo dục công chúng về chính sách. Lúc này, báo chí được các nhà lãnh đạo sử dụng để thông báo đến công chúng về pháp luật và chính sách. Giai đoạn 3 là giai đoạn mà KGCC bước lên vũ đài. Báo chí phải giúp xã hội ở trong trạng thái tranh luận và thảo luận. Đây là giai đoạn mà công chúng cuối cùng cũng được cho phép trao đổi những suy nghĩ, những lo lắng và đưa ý kiến của họ đến với các nhà lãnh đạo đất nước, công chúng sử dụng báo chí như một phương tiện để hoàn thiện các hoạt động.

Có thể nói, một xã hội dân chủ đòi hỏi phải có một KGCC – một không gian cho phép các cuộc tranh luận công khai và rộng rãi. Trước đây, tại Nhà nước Hy Lạp cổ đại, trong các thành bang, người ta đã biết đến các Agora (ở Athène) là nơi có KGCC, nơi mở rộng các ý kiến của công chúng. Ở những nơi như chợ, các nơi công cộng, công dân được tự do hội họp để tranh luận và đưa ra các quyết định một cách dân chủ. Trong xã hội hiện đại, một Agora nào đó, theo truyền thống Hy Lạp, đã không còn hoàn toàn phù hợp, nhưng đó vẫn là một không gian tốt nhất cho các công dân hội họp và thảo luận. Cùng với các phương tiện kỹ thuật về truyền thông, các thông tin được truyền đi rất nhanh. Cũng vì vậy, các báo, tạp chí, radio, truyền hình và internet ngày nay đã trở thành các yếu tố chính cho một cuộc tranh luận công khai mang tính quốc gia và vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Nhìn chung, trong KGCC, ý kiến của công chúng được biểu lộ dưới hai hình thức: ý kiến của công dân với tư cách cá nhân; và ý kiến của công dân với tư cách là thành viên của một cộng đồng (một tổ chức, hiệp hội…). Như vậy, các điều kiện cần thiết cho việc ra đời KGCC đó là:

– Nhà nước pháp quyền mà ở đó, có một Hiến pháp đảm bảo tự do và công bằng, cũng như phải có quy định về các quyền cơ bản với hình thức và cấu trúc dân chủ;

– Hoạt động của các cơ quan nhà nước phải được thực hiện trên cơ sở dân chủ và người dân có thể phản ứng với các hoạt động này;

– Phải có các tổ chức mà ở đó, các công dân có cùng quan điểm có thể tập trung để thảo luận và trao đổi ý kiến;

– Phải có các cơ quan thông tin đại chúng để giúp dẫn dắt quan điểm của công dân3.

Chất lượng hoạt động của KGCC phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các tranh luận và số lượng của những người tham gia. KGCC gồm rất nhiều người tham gia với các tham luận mang tính gây tranh cãi, vì thế mà nó tạo ra một cách để gắn kết xã hội thông qua các tranh luận về các vấn đề giữa Nhà nước và xã hội. KGCC được mở rộng cho tất cả mọi ý kiến và các nhóm lợi ích, nó không cứng nhắc và có thể chấp nhận thay đổi. Vì vậy, sự khác biệt và sự bất công bằng trong một xã hội sẽ trở thành cơ sở cho các tranh luận và hành động. Sự trao đổi cởi mở này giữa tất cả mọi người là giai đoạn cơ bản và quan trọng nhất trong KGCC. Như vậy, sự thành công của KGCC phụ thuộc vào:

– Sự mở rộng của những người tiếp cận (gần gũi với quảng đại quần chúng theo mức tối đa có thể);

– Mức độ tự chủ (mức độ tự do và tự chủ của người dân);

– Không phân biệt đối xử (để cho mỗi người đều có thể tham gia vào các cuộc tranh luận một cách công bằng).

Đối với Habermas, sự thành công của KGCC được thiết lập trên những thuyết trình mang tính chỉ trích chừng mực. KGCC không phải là nơi chỉ dành riêng cho những người ưu tú, tài giỏi, các ngôi sao chính trị mà KGCC còn bao gồm cả xã hội dân sự, các phương tiện truyền thông đại chúng, các hiệp hội, các phong trào xã hội. Vì thế, trong các điều kiện xác định, xã hội dân sự có khả năng gây ra một sự ảnh hưởng đối với KGCC. Trong thời hiện đại, để xây dựng một xã hội dân sự hoạt động hiệu quả, việc cần thiết là phải xây dựng một KGCC ít hay nhiều chuyên môn hóa. Như vậy, có thể kết luận rằng, KGCC đóng vai trò trung gian giữa xã hội dân sự và Nhà nước, buộc Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của nó. KGCC tự nó mang tính chất phê phán bởi lẽ, nó giả định rằng, phải có những thông tin về các hoạt động của Nhà nước để công luận có thể xem xét và bình luận các hoạt động này4.

Ngày nay, cùng với sự lớn mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và sự phát triển của Internet, KGCC đã có thể mở rộng tối đa. Nhìn chung, có thể hiểu KGCC có hai loại chính: (i) KGCC “vật thể” như quảng trường, đường phố, công viên; (ii) KGCC “phi vật thể” như các forum trên Internet, các cuộc tranh luận, đối thoại trên các báo, tạp chí, ti-vi.

3. Vai trò của không gian công cộng trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người

Đầu tiên, hãy thử nhìn nhận những giá trị văn hóa, tinh thần mà KGCC vật thể mang lại cho con người. Từ xưa đến nay, trên thế giới đã tồn tại rất nhiều loại hình KGCC. Từ những Agora sơ khai ở Hy Lạp, ngày nay, con người đã có các KGCC rất lớn với các quảng trường hay các phố đi bộ tại trung tâm các thành phố lớn trên thế giới. KGCC “vật thể” trước hết là nơi mọi người tập trung lại trò chuyện, vui chơi, giải trí sau giờ làm việc, vào các ngày nghỉ, các dịp lễ hội. KGCC là nơi thể hiện bản sắc văn hóa, kiến trúc đặc trưng của từng nơi.

Chúng ta có thể thấy rất rõ các giá trị văn hóa, tinh thần mà KGCC “vật thể” mang lại cho con người. Đó là nơi thỏa mãn được phần nào các nhu cầu về các quyền hưởng thụ về văn hóa, xã hội của mỗi người. Đồng thời, KGCC luôn luôn là nơi có không khí trong lành, môi trường trong sạch. Vì thế, KGCC cũng đóng góp vào việc giúp cho con người thụ hưởng quyền được sống trong môi trường trong lành – một quyền mà dường như ở đâu đó, trong các thành phố lớn, con người đã quên mất trong khói xe và bụi đường.

Quay trở lại với KGCC biểu tượng theo quan điểm của Habermas. KGCC biểu tượng này có thể được mô tả như là một không gian hoạt động giữa lợi ích tư trong cuộc sống hàng ngày của xã hội dân sự và địa hạt của quyền lực nhà nước. KGCC được coi là tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí và quyền tham gia một cách tự do vào các tranh luận chính trị và tham gia vào quá trình ra quyết định. Như vậy, KGCC gắn bó với các quyền dân sự và chính trị của con người.

Ngày nay, nhiều người khi nói về xã hội dân sự đều nghĩ đến cái không gian tạo nên và khuấy động các hoạt động tập thể – đó chính là KGCC. Ngược lại, xã hội dân sự cũng làm cho KGCC trở nên phát triển và cởi mở hơn. Các tổ chức xã hội dân sự sẽ giúp cho người dân tận dụng các cơ hội vận động để có được tự do thông tin, được tham gia vào các diễn đàn và trở thành các thành viên tích cực trong KGCC. Với sự mở rộng của xã hội dân sự và KGCC, người dân sẽ không còn thờ ơ với chính trị, dân trí được nâng cao và mỗi người đều tự tin và tự do bầy tỏ quan điểm của mình – mỗi người dân trở thành một công dân trách nhiệm và năng động.

Trong KGCC, hoạt động của người này thường gây ảnh hưởng tới những người khác, vì thế, KGCC được coi là nơi diễn ra các xung đột xã hội cũng như là nơi của các hòa giải xã hội giữa các tổ chức, cá nhân5. KGCC cũng gắn kết với phản biện xã hội – một yếu tố không thể thiếu trong một xã hội văn minh và phát triển.

Rõ ràng, có thể thấy KGCC đem lại cho con người nhiều giá trị hữu hình và vô hình. Các giá trị đó là tính đoàn kết trong cộng đồng, sự tự do (mỗi người đều cảm nhận được quyền tự do của mình và tôn trọng tự do của người khác), dân chủ, Nhà nước pháp quyền, phúc lợi xã hội, quyền phát triển văn hóa. Như vậy, KGCC cũng góp phần thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là tự do ngôn luận, đồng thời, KGCC cũng là nơi thể hiện tính đa dạng văn hóa và tôn giáo. KGCC không “đối đầu” với Nhà nước, mà KGCC hỗ trợ Nhà nước để nắm bắt tư tưởng và nguyện vọng của người dân, đồng thời, thúc đẩy khía cạnh đạo đức, nhân văn và tính cộng đồng trong mỗi con người.

Như trên đã nói, KGCC là một phần trong xã hội dân chủ và vì thế, việc phát triển KGCC sẽ là việc đóng góp vào phát triển tiến trình dân chủ và hình thành văn hóa chính trị, văn hóa nhân quyền. Dân chủ tham gia ngày nay không chỉ được hiểu theo nghĩa bó hẹp với sự tham gia bầu cử hoặc tham gia đảm nhận các công việc của Nhà nước mà dân chủ tham gia còn là trực tiếp tham gia vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia vào với KGCC và trở thành một công dân tích cực, năng động và có trách nhiệm. KGCC đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải đến Nhà nước các thông điệp của người dân. Với sự tham gia của các phương tiện truyền thông, KGCC giúp người dân đưa ra ý kiến cho các quyết định chính trị và quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật và chính sách chung của Nhà nước. Như vậy, KGCC cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đòi hỏi và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình.

4. Không gian công cộng ở Việt Nam

Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về KGCC đặc thù ở Việt Nam cả về khía cạnh KGCC “vật thể” lẫn “phi vật thể”. Tuy nhiên có thể nhận thấy, KGCC “vật thể” ở Việt Nam còn rất thiếu và chưa đáp ứng dược nhu cầu xã hội.

KGCC làng quê Việt Nam thường gắn với cây đa, bến nước, ngôi chùa hay sân đình. Những nơi này không chỉ là nơi con người tập trung vào lúc rỗi rãi, nông nhàn hay vào các dịp lễ hội mà những nơi này còn là nơi gắn với các sinh hoạt mang tính tôn giáo, văn hóa nghệ thuật cũng giống như các quảng trường hay nhà thờ ở châu Âu. KGCC ở thành phố Việt Nam gắn với các công viên, quảng trường, phố đi bộ và các trung tâm mua sắm… Có thể nhận thấy, không gian biểu tượng gắn với KGCC “vật thể” ở Việt Nam mới chỉ gắn với các nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của con người.

KGCC phi vật thể ở Việt Nam có thể nói là khá phát triển cùng với sự phát triển của internet. Có thể dễ dàng thấy điều này qua số lượng thành viên của các diễn đàn trên nhiều trang web. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, sự nhộn nhịp của các diễn đàn với rất nhiều các ý kiến đa chiều và thẳng thắn cũng bởi vì nó gắn với tính ẩn danh của các thành viên trên các diễn đàn đó. Trên các diễn đàn này, mỗi người chỉ hiện lên với các hình đại diện, và dưới tấm mặt nạ ảo đó, người ta có thể nói bất cứ thứ gì mình muốn mà không sợ bị ai nhòm ngó, đánh giá. Trên các diễn đàn đó, có nhiều vấn đề được xem là nhạy cảm mà thông thường, nếu ở các KGCC vật thể người ta không muốn nói, thì ở đây, người ta bàn tán công khai và bình luận sôi nổi. Tuy nhiên, nếu cứ phải “ẩn danh” để nói lên chính kiến của mình thì liệu KGCC có còn mang đúng bản chất của nó không? Dường như ở đây, KGCC internet không hoàn toàn đúng như KGCC truyền thống và vì thế, tính phản biện và sự đối thoại công khai của KGCC này đã không còn có giá trị như KGCC truyền thống. Người ta có thể quan niệm rằng, sự ẩn danh đôi khi làm cho các cuộc tranh luận trở nên không đáng tin cậy và vì thế, những phản hồi từ KGCC internet cũng không thu hút được nhiều sự quan tâm của Nhà nước bằng các phản hồi thông qua các ý kiến tranh luận công khai.

Vậy, để có một KGCC đúng nghĩa ở Việt Nam, một KGCC gắn bó và thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự, gắn với sự đảm bảo thực hiện và thúc đẩy quyền con người, cần phải có những điều kiện gì? Hãy thử nhìn những điều kiện đó dưới khía cạnh pháp lý, còn điều kiện về tạo dựng KGCC vật thể thì xin nhường lại cho các nhà kiến trúc, quy hoạch.

KGCC phải được gắn với quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Như trên đã nói, KGCC là nơi mà bất cứ ai cũng có thể tham gia và trao đổi ý kiến với nhau mà không chịu bất cứ áp lực nào từ bên ngoài. Vì thế, nếu không có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng thì KGCC đương nhiên sẽ không hình thành, hoặc là có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng một cách hình thức thì KGCC dù có hình thành nhưng cũng méo mó và biến dạng. Sẽ chẳng còn ai gọi cái không gian đó là KGCC khi mỗi người đều không dám nói thẳng suy nghĩ của mình và nơm nớp lo sợ điều đó sẽ làm phương hại đến lợi ích cá nhân của mình.

Ở Việt Nam, chúng ta đã có Luật Báo chí, Luật Xuất bản. Nhiều báo như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thanh Niên, Tuổi Trẻ hay báo mạng Vietnamnet đã góp phần thúc đẩy phát triển KGCC thông qua các diễn đàn, các bài viết và tranh luận hết sức cởi mở, thẳng thắn về các vấn đề nhạy cảm như chống tham nhũng, tiêu cực… nhưng dường như, những điều đó vẫn chưa đủ để làm nên một KGCC đúng nghĩa nếu như chúng ta còn thiếu Luật Tiếp cận thông tin. Sẽ không thể có tự do ngôn luận nếu tự do thông tin chưa được đảm bảo. Xét cho cùng, việc ban hành và đảm bảo thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin, báo chí và xuất bản chính là cơ sở để hình thành KGCC.

KGCC phải gắn với quyền tự do lập hội và tự do hội họp. Sẽ không thể có KGCC đúng nghĩa nếu con người không có quyền tự do hội họp. Việc tự do hội họp là yếu tố căn bản để con người gặp gỡ, trao đổi ý kiến, quan điểm và để từ đó hình thành nên KGCC. Đồng thời với tự do hội họp là tự do lập hội. Trong KGCC, ban đầu con người có xu hướng chỉ nói các suy nghĩ cá nhân của mình, nhưng khi KGCC đã phát triển hơn nữa, mỗi người sẽ có xu thế gắn kết bản thân mình với một tổ chức nào đó và vì thế, người ta cần tự do lập hội. Quyền tự do lập hội gắn với tự do dân chủ bởi xã hội càng phát triển, vai trò của các hội đoàn ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội và sự mở cửa hợp tác về chính trị, quân sự, ngoại giao… chính sách của Nhà nước đối với các hội nghề nghiệp đã có nhiều cởi mở. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều các hội nghề nghiệp, cũng như là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội. Việc ra đời rất nhiều các hội nghề nghiệp trong thời gian qua đã chứng tỏ nhu cầu của người dân về việc thành lập hội cũng như chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đối với nhu cầu chính đáng đó. Tuy nhiên, đối với các nhà lập pháp Việt Nam, việc thông qua một Luật về Hội với các điều kiện vừa đảm bảo đủ cho quyền tự do lập hội của công dân, vừa đảm bảo co công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả dường như vẫn đang là bài toán khó. Sẽ không thể có những diễn đàn phản biện xã hội đúng nghĩa, cũng như Nhà nước sẽ khó mà nắm bắt thông tin, nguyện vọng của nhân dân nếu như những nguyện vọng đó lại chỉ được thể hiện thông qua các phát biểu của một số cá nhân riêng lẻ. Tiếng nói của các hội thông qua KGCC phát triển sẽ luôn là những tiếng nói tiêu biểu cho nhiều tầng lớp dân chúng khác nhau. Sẽ chỉ có Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân một cách đúng nghĩa nếu như người dân thực sự trở thành một đối tác chính trị của Nhà nước. Mà bản thân mỗi người dân không đủ sức để làm việc này, nhưng nếu có các hội đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì mối quan hệ hai chiều này sẽ được giải quyết hiệu quả. Thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi phải có một Luật về Hội được soạn thảo hoàn chỉnh và thông qua nhanh chóng.

KGCC phải gắn với quyền được tham gia của người dân. KGCC chính là nơi thể hiện sự tham gia của người dân một cách rõ nét. Nếu người dân thờ ơ với chính trị, với công việc của Nhà nước thì đương nhiên, họ cũng chẳng quan tâm đến KGCC. Người ta chỉ tham gia vào KGCC và chịu nói lên suy nghĩ của mình chỉ khi họ cảm thấy những điều đó thực sự có ích và có đóng góp cho xã hội. Nếu người dân cảm thấy, họ là một phần của quá trình ra quyết định và những ý kiến của họ được quan tâm thì rõ ràng, họ sẽ càng tích cực tham gia vào các diễn đàn để góp phần làm phong phú thêm bộ mặt của KGCC.

Ở Việt Nam, khung pháp lý cho sự tham gia của người dân đến nay đã có nhiều tiến bộ, nhưng dường như là vẫn chưa đủ. Người dân muốn tham gia ý kiến của mình thì trước hết họ phải được thông tin. Vấn đề này lại quay trở lại với quyền tự do thông tin gắn với Luật Tiếp cận thông tin. Nếu không có thông tin hoặc thông tin đến với người dân không đủ, không đúng thì đương nhiên sẽ cản trở sự tham gia của người dân. Đồng thời, hiện nay chúng ta đang thiếu khung pháp lý về việc phản hồi của các cơ quan công quyền đối với đóng góp của người dân. Mặc dù Luật Báo chí đã có quy định về phản hồi dành cho các cơ quan báo chí và Pháp lệnh về Thực hiện dân chủ cơ sở cấp phường, xã, thị trấn đã có quy định về việc công bố công khai kết quả khảo sát ý kiến của người dân, nhưng những quy định này dường như vẫn chưa đủ để khuyến khích người dân tham gia đóng góp ý kiến của mình với công việc công. Người dân chỉ muốn tham gia thật sự khi họ nhận ra rằng, ý kiến của mình đang được tôn trọng, đang được lắng nghe và nó thật sự có ích cho quá trình phát triển xã hội.

Trong các xã hội văn minh, sự tham gia của người dân còn được thể hiện thông qua các cuộc trưng cầu dân ý. Thông qua các cuộc trưng cầu dân ý công khai, các ý kiến lựa chọn của người dân được thể hiện rõ nét và dân chủ. Nhưng hiện nay Việt Nam chưa có Luật Trưng cầu dân ý và vì thế, sự tham gia của người dân vẫn còn rất hạn chế. Người ta vẫn phản đối dân chủ “hình thức” và muốn thay vào đó một nền dân chủ “thực sự” mang tính chủ nghĩa xã hội thì rõ ràng, sự tham gia của người dân cần phải được tôn trọng và đó chính là dân chủ thực sự và rõ nét nhất.

KGCC phải gắn với sự phát triển của thông tin truyền thông. Tự do tư tưởng, tự do báo chí, xuất bản, tự do tham gia vào quá trình ra quyết định… những điều đó không đủ để tạo nên một KGCC đa chiều và đúng nghĩa. Trong khi đánh giá về KGCC, cần phải tính đến sự phát triển của thị trường truyền thông. Chúng ta có thể thấy rõ ràng từ lập luận của Habermas, các phương tiện thông tin đại chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phát triển một KGCC. Báo chí vừa đóng vai trò là cơ quan thông tin, đồng thời vừa là người dẫn dắt và định hướng tư duy của công chúng. Hơn thế nữa, báo chí cũng là diễn đàn phản ánh các luồng tư tưởng khác nhau, là nơi cả người dân và Nhà nước bộc lộ quan điểm của mình một cách công khai và thẳng thắn. Rõ ràng, muốn phát triển KGCC thì đương nhiên, không thể không tính đến sự phát triển của thị trường truyền thông. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, thị trường truyền thông cũng đang phát triển và phản ánh ý kiến công cộng một cách ồ ạt hoặc cung cấp thông tin một cách tràn lan, nhưng nó có đại diện cho ý kiến công chúng hay không thì còn là vấn đề phải xem xét. Ở Việt Nam, báo chí tư nhân có vẻ như vấn đề nhạy cảm. Nhưng thà rằng có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý thị trường này vẫn còn hơn là cấm đoán. Vì nói cho cùng, chẳng có bức tường lửa nào đủ mạnh để ngăn mọi dòng thông tin. Hãy để xã hội tự làm công việc của mình và để mỗi người dân tự xây dựng bức tường lửa trong trái tim và khối óc của mình, có như vậy, hoạt động quản lý mới đạt hiệu quả.

Nhìn lại quá trình phát triển của KGCC thế giới và của Việt Nam, có thể kết luận rằng, ở Việt Nam chưa có KGCC một cách đúng nghĩa, từ không gian vật thể lẫn không gian biểu tượng. Trong khi đó, KGCC lại là nơi phản ánh rất nhiều thuộc tính của xã hội văn minh và dân chủ. Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo đảm thực hiện quyền con người thì trước hết, xin hãy nghĩ đến KGCC như một nơi dành cho người dân thụ hưởng và phát triển các quyền của mình.

ThS. Nguyễn Linh Giang – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện KHXH Việt Nam.

__________

(1) Tạm dịch: Sự biến đổi cấu trúc của KGCC.

(2) Rhetoric and Writing in the Public Sphere: An Introduction/ Evolution of Public sphere in Europe, Wikibook.org,http://en.wikibooks.org/wiki/Rhetoric_and_Writing_in_the_Public_Sphere:An_Introduction/The_Evol-ution_of_the_Public_Sphere

(3) Xem Par Horst GRÜTZKE, Postdam, Đức, “L’espace public européenne – condition préalable pour une opinion publique européenne (KGCC ở châu Âu, điều kiện tiên quyết để có được một ý kiến công khai ở châu Âu). http://www.europe-maintenant.org/brochure/Partie%20lll%20-fr.pdf.

(4) Trần Hữu Quang, Truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 7 & 8 (895 & 896) 7/2 & 14/2/2008.

(5) Theo Wikipedia. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%B4ng_gian_c%C3%B4ng_c%E1%BB%99ng

Share