Quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam về bài “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo hiến”

Đảng Dân chủ Việt Nam: Ngày 17/05/2012, Báo Lao Động đăng tải bài viết của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để mở đầu cho chuyên đề về cơ chế bảo hiến. Đảng Dân chủ Việt Nam hoan nghênh một số quan điểm tiến bộ trong bài viết, như việc khẳng định nhu cầu cần có một nhà nước bị giới hạn về quyền lực, mở rộng công bằng, tự do và dân chủ cho nhân dân, cũng như việc cần có một cơ quan bảo hiến độc lập để phán xét các hành vi vi hiến của các cơ quan nhà nước Trung ương.

Tuy vậy, bài viết này vẫn còn thiếu sót vì né tránh đề cập đến ba vướng mắc cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Thứ nhất là tính chính danh của Hiến pháp. Tính chính danh của Hiến pháp bắt nguồn từ ý chí của nhân dân thông qua lá phiếu phúc quyết Hiến pháp. Bản Hiến pháp không qua phúc quyết, không chính danh, thì có cần có cơ chế bảo vệ bản hiến pháp đó hay không?

Thứ hai là tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị hiện nay. Sự cầm quyền hợp thức của Đảng Cộng sản Việt Nam cần thông qua thủ tục bầu cử công bằng, minh bạch. Ngoài ra, vai trò tài phán phải là những người có chuyên ngành, uy tín, và kinh nghiệm.

Thứ ba là vấn đề vai trò của cơ quan bảo hiến độc lập trong việc phán xét các hành vi vi hiến của đảng chính trị và các viên chức cao cấp trong hệ thống nhà nước. Hiện nay các cơ quan nhà nước viện dẫn các nghị quyết Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm cương lĩnh, làm kim chỉ nam trong việc thông qua các văn bản pháp luật, nghị định, quyết định. Vậy khi cơ quan bảo hiến xem xét tính hợp hiến của các hành vi và quyết định của các cơ quan nhà nước, dứt khoát cũng phải xem xét tính hợp hiến của các nghị quyết Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một nhà nước pháp quyền không thể có một cá nhân hay tổ chức nào đứng trên pháp luật. Nếu hai vấn đề chính danh và hợp pháp của đảng chính trị không được thẳng thắn đề cập đến trong lần sửa đổi hiến pháp lần này, thiết nghĩ mọi danh xưng “pháp quyền” đều là vô nghĩa.

Bên cạnh đó, nếu đối tượng của cơ quan bảo hiến là các cơ quan nhà nước Trung ương, sẽ là không hợp lý khi Chủ tịch nước – một thiết chế trung ương – cũng được quyền là thành viên của cơ quan bảo hiến. Bài viết tự mâu thuẫn trong chính điểm này. Cần nhớ rằng cơ quan bảo hiến cần là một cơ quan chuyên môn độc lập khỏi các thiết chế chính trị, có như vậy cơ quan này mới thực sự áp dụng pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người dân trước lạm quyền.

***


L.T.S: Sửa đổi, bổ sung hiến pháp hiện hành là đòi hỏi tất yếu, khách quan của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI cũng đã thảo luận cho ý kiến về vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng này. Báo Lao Động xin giới thiệu bài viết của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mở đầu cho chuyên đề về cơ chế bảo hiến nhằm đóng góp những ý kiến tâm huyết cho việc xây dựng cơ chế giám sát hiến pháp mang tính tài phán ở Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định: “Xây dựng cơ chế phán quyết về vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp – hành pháp – tư pháp” là tác nhân và hoạt động tự nhiên để xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Để góp ý bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi có 3 ý kiến:

1. Bảo hiến là yêu cầu cấp thiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Về bản chất: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nhà nước bị giới hạn về quyền lực. Quyền công dân càng bình đẳng, công bằng xã hội càng cao thì nhà nước đó càng trở nên tự do và dân chủ hơn.

Về nguyên tắc: Có hiến pháp phải tuân thủ hiến pháp và phải có cơ chế bảo hiến mà trong đó tài phán hiến pháp là công cụ đòi hỏi tự nhiên để bảo vệ quyền con người đã được ấn định trong hiến pháp. Bảo hiến luôn gắn với việc xem xét và ra quyết định về sự phù hợp với hiến pháp của các đạo luật do cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp ban hành đồng thời xét xử các hành vi vi phạm hiến pháp của các cơ quan và các quan chức được hiến pháp quy định về quyền, nghĩa vụ.

Đối tượng của hoạt động giám sát bảo hiến: Là dự thảo luật, đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật, bản án… điều ước quốc tế có phù hợp hiến pháp không?

Đối tượng của hoạt động bảo hiến: Đó là các hành vi vi hiến của các nguyên thủ quốc gia, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đặc thù được thành lập theo hiến pháp có nhiều cơ hội vi hiến trong quá trình thực thi hiến pháp. Cơ quan bảo hiến sẽ xem xét hành vi vi hiến. Hệ thống toà án nhân dân sẽ xét xử các dấu hiệu hành vi phạm tội.

2. Mô hình bảo hiến: Các nước dân chủ thường có hai xu hướng là bảo hiến tập trung và phi tập trung. Thường sử dụng mô hình bảo hiến tập trung vì quá trình xem xét và xét xử hành vi vi hiến thuộc Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp. Theo đó, các văn bản vi hiến sẽ được cơ quan bảo hiến ấn định thời hạn để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ra văn bản bổ sung, sửa đổi hoặc tự huỷ bỏ trước khi bị vô hiệu đương nhiên khi quá thời hạn ấn định.

Mô hình này đã lựa chọn cơ chế bảo hiến phù hợp khi thiết lập cơ quan tài phán hiến pháp độc lập (hoặc Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp) để trao quyền bảo hiến và các thiết chế phán quyết hành vi vi hiến.

3. Tài phán Hiến pháp cho Nhà nước Việt Nam: Thực trạng hiến pháp đã giao quyền giám sát việc tuân thủ quy định của hiến pháp cho quá nhiều cơ quan từ Quốc hội cao nhất đến các cơ quan nhà nước địa phương để tự giám sát mình và giám sát người dân khi thực thi hiến pháp. Quy định như vậy là không thấy trọng tâm đối tượng cần bảo vệ của hiến pháp, chính là các hành vi vi hiến của các cơ quan nhà nước trung ương: Quốc hội, Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương…

Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp mang tính độc lập cao, không nằm ở Quốc hội, Chính phủ. Nhiệm vụ chỉ kiểm tra tính hợp hiến của các quyết định đã được thông qua đã có hiệu lực thi hành của cơ quan lập pháp, hành pháp (kiểm tra sau mà không kiểm tra trước vì việc này đã có Bộ Chính trị) theo đơn yêu cầu. Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền tuyên không áp dụng văn bản đó trong trường hợp có liên quan.

Thành phần Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp là nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch Nước và một số nhà chuyên môn pháp lý do Chủ tịch Nước giới thiệu, Quốc hội bầu để tạo uy tín của toà hoặc hội đồng.

Việc thành lập Toà án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp với chức năng và thành phần trên sẽ tạo dấu ấn hiến pháp sửa đổi lần này đáp ứng việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Đỗ Mười
Nguồn: Lao Động

Share