Quan trọng của việc tiếp cận thông tin

ĐDCVN: Lạm quyền, tham nhũng đang là quốc nạn tại Việt Nam. Nguyên nhân một phần là do hậu quả của vấn đề bưng bít, kềm chế thông tin. Bưng bít hay kềm chế thông tin là biểu hiện của sự điều hành xã hội thiếu minh bạch, không ngay thằng. Trong mục tiêu tranh đấu vì xã hội công bằng, dân chủ, nếu người dân không có cơ hội phản biện các quyết định chính trị thì mục tiêu đó chỉ là những khẩu hiệu để hô hào, không thực tế.

Vấn đề này Đại Sứ Quán Na Uy tại Hà Nội đã thấy rõ và đang hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Về vấn đề này, Đảng Dân chủ Việt Nam tán đồng quan điểm của bà Snofrid Emterud, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội.

Sau đây là quan điểm của bà Snofrid Emterud đăng trên báo Vietnamnet:


***

Dân phải có cơ hội phản biện các quyết định chính trị

Mọi người phải được tạo cơ hội tìm hiểu và phản biện các quyết định chính trị. Việc tiếp cận thông tin sẽ giúp tránh khả năng lợi dụng quyền hạn của cơ quan công quyền – bà Snofrid Emterud, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội nói.

– Na Uy là một trong hai đối tác nước ngoài trực tiếp cố vấn, hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Những hỗ trợ kỹ thuật cụ thể là gì?

– Từ năm 2003, Na Uy và Việt Nam bắt đầu có đối thoại nhân quyền song phương. Đối thoại bao gồm nhiều nội dung hai bên cùng quan tâm như về luật hình sự, tội phạm, buôn bán người, tự do ngôn luận, phát triển dân chủ, quyền của thiểu số v.v…

Đã có nhiều cuộc hội thảo khác nhau được tổ chức để chuyên gia của hai nước gặp gỡ và trao đổi quan điểm. Năm 2008, Trung tâm Nhân quyền Na Uy (NCHR) thuộc Đại học Oslo đã thành lập Chương trình Việt Nam.

Một hợp phần lớn của chương trình này liên quan đến nội dung về tiến trình cải cách pháp luật ở Việt Nam. Năm ngoái, NCHR và Hội Luật gia Việt Nam đã thống nhất hợp tác trong một dự án liên quan đến Luật Tiếp cận thông tin, trong đó kết hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp Việt Nam.

NCHR cung cấp những tư vấn, kinh nghiệm luật pháp của cả Na Uy và quốc tế trong việc xây dựng luật liên quan đến tiếp cận thông tin cho Việt Nam.

Cởi mở, minh bạch

– Theo kinh nghiệm xây dựng luật của Na Uy, nhân tố quan trọng của luật liên quan đến tiếp cận thông tin cần được đảm bảo là gì?

– Tôi nghĩ rằng những nguyên tắc tối cao của pháp luật về tiếp cận thông tin là sự cởi mở và minh bạch. Quyền công dân tiếp cận các tài liệu, thông tin chính thức là điều vô cùng quan trọng đảm bảo cho những thảo luận rộng rãi trong mọi lĩnh vực mà công chúng quan tâm.

Tiếp cận thông tin cũng gắn chặt với nguyên tắc tự do ngôn luận. Khi điều khoản về tự do ngôn luận trong Hiến pháp Na Uy được sửa đổi năm 2004 thì các nguyên tắc về tiếp cận thông tin được xác định là một phần của điều khoản này.

Tôi tin rằng luật về tiếp cận tài liệu, thông tin sẽ giúp các cơ quan công quyền tránh được sự quản lý yếu kém. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta nói về chống tham nhũng. Không thể chống tham nhũng hiệu quả nếu không có sự minh bạch.

Gia tăng niềm tin

– Trong cuộc đối thoại chống tham nhũng cuối năm 2008, Việt Nam có tuyên bố với các nhà tài trợ sẽ hạn chế danh mục thông tin mật. Đánh giá của bà về điều này trong ý nghĩa đảm bảo thực thi quyền được tiếp cận thông tin?

– Theo nguyên tắc căn bản của luật ở Na Uy, tất cả các tài liệu, thông tin do bất cứ cơ quan công quyền nào đưa ra cũng đều phải “mở” cho công chúng, trừ những tài liệu, thông tin có thể được miễn phổ biến theo một số căn cứ luật pháp cụ thể.

Nhưng một điểm cơ bản của luật pháp Na Uy, đó là ngay cả nếu tài liệu, thông tin đó rơi vào dạng miễn tiếp cận thì cũng luôn luôn cần đánh giá xem liệu có lợi ích công cộng hoặc cá nhân nào thiên về ủng hộ việc công bố tài liệu, thông tin đó, và lợi ích đó có trọng lượng hơn lợi ích của việc miễn tiếp cận tài liệu, thông tin đó hay không.

Đã có gần 90 nước trên thế giới ban hành luật liên quan đến quyền tự do thông tin của người dân, hơn 50 nước khác đang xúc tiến soạn thảo. Ở VN, luật này dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5/2010.

– Với những kinh nghiệm đi trước, theo bà, Luật Tiếp cận thông tin có ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội hiện đại, phát triển? Luật tương tự ở Na Uy chú trọng điều gì?

– Chúng tôi tin rằng những quyết định ảnh hưởng, liên quan đến đại cục chung không thể được coi là bí mật. Mọi người phải được tạo cơ hội tìm hiểu và phản biện các quyết định chính trị. Việc nhận thức công chúng có thể được nghiên cứu, tìm hiểu những tài liệu, thông tin do chính quyền ban hành và khả năng giám sát công việc sẽ làm gia tăng niềm tin của công chúng. Tương tự, chúng tôi cũng tin rằng việc tiếp cận thông tin sẽ giúp tránh khả năng lợi dụng quyền hạn của cơ quan công quyền.

Truyền thống cởi mở, minh bạch là một phần quan trọng của cộng đồng Na Uy và cũng là một phần quan trọng của truyền thống chính trị Na Uy. Thời gian qua, đất nước chúng tôi đã có những bước đi nhằm tăng cường yếu tố cởi mở truyền thống này. Năm 2005, Chính phủ đã trình bản dự thảo Luật Tự do thông tin mới lên Quốc hội. Luật này, chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2009, thay thế Luật Tự do thông tin năm 1970.

Mục đích cải cách luật pháp liên quan đến điều này nhằm vào ba khía cạnh: Củng cố minh bạch trong chính quyền và việc tiếp cận các tài liệu chính thức, đảm bảo luật dễ tiếp cận hơn cả đối với phía công chúng và chính quyền, đảm bảo sự thích ứng của luật pháp đối với những khả năng mới đáp ứng bởi những công nghệ mới.

Nguồn: Vietnamnet – http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/02/831750/

Share