Sửa hiến pháp pải dựa trên cơ sở quyền con người

“Bảo đảm quyền con người là cơ sở tiên quyết, quan trọng trong việc sửa đổi hiến pháp. Nếu không xuất phát từ việc đảm bảo quyền con người thì tất cả chế định trong hiến pháp khi sửa đổi sẽ không có cơ sở khoa học vững chắc”.

Ngày 3-12, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, PGS-TS Mai Hồng Quỳ (thành viên Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992), phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đổi mới bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) với việc đảm bảo quyền con người”. Hội thảo do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức.

Hội thảo đã nêu nhiều kiến nghị khi sửa đổi Hiến pháp 1992 như: Hiến pháp cần ghi nhận các cơ chế bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền và quyền con người, đặc biệt là cơ chế chế ngự và kiểm soát quyền lực; cơ chế dân chủ tham gia trực tiếp, gián tiếp…

Trong khi hiến pháp và Luật Đất đai xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý thì Bộ luật Dân sự lại xác định đất đai thuộc hình thức sở hữu nhà nước. Như vậy, đã có sự không thống nhất trong các văn bản pháp luật khi đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai. Việc này cần phải được giải quyết trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Hội nghị tổng kết việc thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 về vấn đề sở hữu đất đai do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 3-12 đã nhận định như trên.

Qua đó, Đà Nẵng đề nghị nên xem xét ba hình thức sở hữu là: Nhà nước, tập thể và tư nhân. Nhà nước có quyền định đoạt về mục đích sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vì lợi ích quốc gia. Người dân hoặc doanh nghiệp không thể tùy tiện bán đất cho nước ngoài hoặc khai thác tài nguyên trong lòng đất.

Minh Cường – Lê Phi
Nguồn:
Pháp Luật

Share