Sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn

HỒNG KÔNG – Thật khó tưởng tượng rằng 25 năm trước đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần như sắp bị lật đổ bởi phong trào ủng hộ dân chủ trên toàn quốc. Nhà lãnh đạo tối cao sắt đá lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình và những chiếc xe tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân – được cử đến để đàn áp các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh – đã giúp giữ lại chế độ bằng cách tàn sát hàng trăm mạng sống người dân tại đây.

Tiananmen Square-beijing1Nhân dịp kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, hai câu hỏi nổi bật được đặt ra là: Làm thế nào ĐCSTQ có thể sống sót trong một phần tư thế kỷ qua, và liệu họ có thể cai trị thêm được 25 năm tiếp theo?

Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên tương đối khá đơn giản. Điều chỉnh chính sách, thao tác các chiến thuật một cách khéo léo cùng với sự may mắn đã giúp ĐCSTQ giành được chiến thắng cũng như sự hỗ trợ cần thiết để họ duy trì quyền lực và đàn áp các lực lượng đe dọa đến quyền lực của họ.

Để chắc chắn đạt được các điều này thì họ cũng đã mặc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng. Sau vụ thảm sát, các nhà lãnh đạo bảo thủ của Trung Quốc đã cố gắng đảo ngược chính sách cải cách tự do mà Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng trong những năm 1980, dẫn đến suy thoái kinh tế trầm trọng. Và việc khối Liên Xô tan rã vào năm 1991 đã làm ĐCSTQ hoảng loạn.

Nhưng Đặng Tiểu Bình một lần nữa đã cứu ĐCSTQ. Dồn hết năng lượng và vốn liếng chính trị, nhà lãnh đạo 87 tuổi Đặng Tiểu Bình đã hồi sinh nền kinh tế bằng cách ủng hộ kinh tế thị trường, dẫn đến một cuộc cách mạng kinh tế và Trung Quốc đã tăng trưởng cũng như phát triển một cách chưa từng có. Qua đó, vụ việc đã giúp thúc đẩy uy tín của ĐCSTQ đáng kể trong xã hội Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông đã củng cố thêm xu hướng này bằng cách cho phép người dân Trung Quốc có nhiều tự do cá nhân hơn, thúc đẩy nền văn hóa của chủ nghĩa tiêu thụ thô bỉ và giải trí đại chúng. Trong thế giới mới của sự khuyên giải, ĐCSTQ đã dễ dàng lấy lại sự ủng hộ của công chúng và tiếp tục mạnh tay đàn áp các phe đối lập. Họ cũng đã cẩn thận thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và khai thác chủ nghĩa bài ngoại nhằm củng cố thêm quyền lực.

Thậm chí trải qua những năm thăng trầm thì sự sống còn của chế độ vẫn tiếp tục đứng vững. Sự giàu có mới đạt được của Trung Quốc đã giúp các nhà lãnh đạo nước này xây dựng một trong những hệ thống tường lửa Internet tinh vi nhất thế giới và trang bị cho lực lượng an ninh nội bộ của họ các công cụ hiệu quả nhất.

Trong việc giải quyết vấn đề với cộng động bất đồng chính kiến tuy nhỏ nhưng kiên cường ở Trung Quốc, chế độ đã phụ thuộc vào chiến lược được gọi là “chém đầu”. Nói cách khác, chính phủ đã loại bỏ các mối đe dọa đến từ các nhân vật đối lập hàng đầu bằng cách bỏ tù họ hoặc ép buộc họ phải sống lưu vong – bất kể họ là ai. Lưu Hiểu Ba – người đã giành giải Nobel Hòa bình hồi năm 2010 – đã bị kết án 11 năm tù giam mặc dù toàn thế giới lên án bản án này.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đó đã mang lại một số hiệu quả. Nhưng ĐCSTQ có thể không làm được những điều trên nếu như họ không gặp nhiều may mắn trong một số lĩnh vực quan trọng. Trung Quốc quyết định thực hiện cải cách vào năm 1992, trùng hợp với sự gia tăng của mạng lưới toàn cầu hóa, qua đó đã giúp cung cấp cho Trung Quốc dòng vốn rất lớn (khoảng 1 nghìn tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nước này kể từ năm 1992) cùng với hàng loạt các công nghệ mới và được tiếp cận với hầu hết các thị trường tiêu dùng lớn ở phương Tây. Do đó, Trung Quốc đã trở thành xưởng sản xuất của thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn mười lần vào năm 2007.

Một yếu tố khác đã giúp chế độ ĐCSTQ có thêm lợi thế là cổ tức nhân khẩu học (tức Trung Quốc có lực lượng lao động dồi dào và tỷ lệ trẻ em cũng như người già phụ thuộc vào hệ thống xã hội tương đối nhỏ). Việc này giúp Trung Quốc có số lượng lao động giá rẻ dồi dào, trong khi chi tiêu do chính phủ tài trợ đối với các vấn đề như chăm sóc sức khoẻ và lương hưu thì lại rất ít.

Vấn đề mà ĐCSTQ đang phải đối mặt hiện nay là hầu hết các yếu tố để họ tiếp tục tồn tại kể từ vụ Thiên An Môn đã biến mất hoặc đang đi theo chiều hướng đó. Thật vậy, hiện nay đối với các mục đích thực tế thì thành phần ủng hộ cải cách thị trường gần như đã chết. Một chế độ quan chức chính phủ đạo tặc cùng với gia đình của họ và các doanh nhân nối kết lại với nhau để điều hành các tập đoàn nhà nước và có ý định ngăn chặn các cuộc cải cách vốn có thể đe dọa đến các đặc quyền đặc lợi của họ trong tương lai.

Hơn nữa, ĐCSTQ cũng không thể dựa vào sự thịnh vượng để duy trì tính chính danh trong xã hội. Nạn tham nhũng tràn lan và bất bình đẳng sâu xa trong xã hội cùng với các nạn ô nhiễm môi trường đang làm cho nhiều người Trung Quốc – đặc biệt là tầng lớp trung lưu vốn hy vọng vào các chính sách cải cách – ngày càng trở nên vỡ mộng.

Ngoài ra, dân số già hóa tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng nên ‘cổ tức nhân khẩu’ cũng bắt đầu tan biến. Và cho đến thời điểm này thì Trung Quốc đã là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, với hơn 11% thị phần trên toàn cầu, nên không gian tăng trưởng rất hạn chế trong những năm tới.

Do đó, hai dụng cụ còn lại để ĐCSTQ sử dụng sau vụ thảm sát Thiên An Môn là đàn áp và chủ nghĩa dân tộc. Và trên thực tế thì cả hai cụng cụ này vẫn tiếp tục đóng một vai trò trung tâm trong các chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đảm bảo sự sống còn của Đảng.

Nhưng Tập Cận Bình hiện cũng đang thử nghiệm hai công cụ mới: một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có và nỗ lực làm sống lại chính sách cải cách thị trường. Cho đến nay thì cuộc chiến chống tham nhũng của ông đã có tác động lớn hơn so với kế hoạch cải cách kinh tế.

Trên bề mặt, chiến lược của Tập Cận Bình dường như hoạt động tốt. Nhưng nếu ông tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng đối với các quan chức trong hệ thống và đưa ra các chính sách cải cách nhằm vào những nhóm quyền lực thì chắc chắn sẽ gây ra các cuộc xung đột với giới tinh hoa chính trị và kinh tế của nước này. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Tập Cận Bình có thể vượt qua sự kháng cự của các nhóm theo chủ nghĩa chính trị thân hữu nếu như không tập hợp được lòng dân – điều vốn có thể gây nguy hiểm cho hệ thống độc đảng tại nước này.

ĐCSTQ bất chấp những lời kết án sau năm 1989: Họ đã sống sót và sẽ ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào ảnh hưởng đến quyền lực của họ. Nhưng tỷ lệ để họ có thể nắm độc quyền chính trị thêm một phần tư thế kỷ nữa dường như đang bắt đầu trở nên già cỗi – và họ  hầu như không có khả năng ‘trẻ hóa’.

Bảo Anh chuyển ngữ, theo Phía Trước / Minxin Pei, Project-Syndicate

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Share