Sự thật của ý nghĩa Cách mạng tháng Tám

Trích từ sách Con Đường Việt Nam, chương II – Đi qua hai cuộc chiến tranh

Về Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản và các nhà nghiên cứu lịch sử độc lập đã có nhiều đánh giá ý nghĩa. Trong thời gian dài, các tài liệu và những buổi nói chuyện ra dân của cán bộ tuyên giáo cộng sản thường sử dụng các cụm từ: chớp thời cơ, lôi kéo quần chúng cướp chính quyền, lèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công, đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân gần thế kỷ, đánh đổ chế độ quân chủ phong kiến ngót ngàn năm… Có thể nói, từ ngữ thể hiện tư duy và bản chất cách mạng. Cần hiểu rằng quân chủ phong kiến chính là các thế hệ cha ông đã làm nên lịch sử. Không chỉ ở Việt Nam, quân chủ phong kiến là một thời kỳ dài tồn tại như một tất yếu trong tiến trình lịch sử loài người. Đồng thời, thời kỳ nào cũng có những giá trị và đặc điểm riêng.

Chính tiền nhân đã có công khai phá, gìn giữ, mở rộng, để lại không những giang sơn gấm vóc, rừng vàng biển bạc, mà còn hình thành những giá trị tinh thần, thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa Việt Nam. Chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam không chỉ là nhóm hoàng gia quý tộc như một thực thể tách rời tổ quốc, dân tộc. Chế độ ấy với nhiều chặng đường chông gai thăng trầm, hình thành nước Việt Nam độc lập tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc. Đảng Cộng sản thuộc thế hệ hậu sinh nghĩ gì khi công bố đánh đổ chế độ quân chủ ngót nghìn năm ấy? Đó là còn chưa đề cập đến sự kiện Việt Minh ép vua Bảo Đại thoái vị rồi lại mời tham gia vào chính phủ, lợi dụng giá trị còn lại của quân chủ phong kiến như một quân bài chính trị.

Nếu cho rằng Đảng Cộng sản đã phát động toàn dân ủng hộ Việt Minh, vận động vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đồng ý chấm dứt chế độ phong kiến, hợp sức cùng Việt Minh và cả dân tộc xây dựng Nhà nước dân chủ, thì nội dung này có thể chấp nhận. Cho nên, viết và nói như thế chỉ nhằm: thâu tóm hết thành quả cách mạng, xóa bỏ mọi đóng góp hy sinh của các đảng phái và phong trào yêu nước mà dưới nhãn quan của Đảng Cộng sản đều sai lầm đường lối, đề cao vai trò buộc mọi thế hệ phải biết ơn. Cũng từ quan điểm đó mà sau này Hồ Chí Minh còn được đưa lên hàng “Cha già dân tộc”. Và Tố Hữu đã viết về Cách mạng Tháng Tám:

“Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời…”

Thoát ra khỏi thân phận nô lệ, đến với độc lập tự do quả là một niềm vui lớn. Nhưng tại sao dân tộc Việt Nam trước đó lại là một dân tộc “Ngực lép bốn nghìn năm”, chỉ đến thời Việt Minh thì mới “thổi phồng lên” ?!

Trong bài thơ “Học đánh cờ” được cho là Hồ Chí Minh sáng tác khi còn trong tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc có câu:

“Lạc nước hai xe đành bỏ phí

Gặp thời một tốt cũng thành công”.

Nhiều thế hệ học sinh sinh viên vẫn được nghe phân tích hai câu thơ như một tài tiên đoán, thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén. Tuy nhiên, chưa ai phân tích về nhóm từ “gặp thời”. “Thời” ở đây là trong một thời điểm rất ngắn so với lịch sử, đất nước rơi vào khoảng trống về quyền lực chính trị và quân sự. Đó là: Nhật trói tay toàn bộ quân Pháp, Nhật đề nghị vua Bảo Đại triệt thoái sự nổi dậy của Việt Minh nhưng không được đồng ý và đã tôn trọng nên không ra tay. Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức biểu tình thì nhân đó Việt Minh trao tận tay nhân dân cờ đỏ sao vàng thay cờ quẻ ly và phát động khởi nghĩa. Nhân lúc quân Đồng minh trói tay Nhật thì Việt Minh bắt tay với Đồng minh. Khi thời cơ chín muồi, Việt Minh một mình ra tay bắt khâm sai Bắc Kỳ và buộc vua Bảo Đại thoái vị, lại chia tay bộ đội Việt – Mỹ, lập ra Chính phủ lâm thời. Chính phủ này không được sự ủng hộ của các đảng phái, thêm chịu sức ép từ Tưởng Giới Thạch, nên Việt Minh lại chìa tay ra mời các thành phần cùng vào quốc hội. Và sau này, Việt Minh lại ra tay thêm lần nữa đánh đuổi, tiêu diệt các thành phần. Cuối cùng, tất cả thành quả cách mạng về tay Đảng Cộng sản.

Điều này cho thấy lôgic: suy nghĩ thành lời nói, lời nói thành hành động, hành động thể hiện bản chất. Ngày nay, cho dù nhiều tài liệu đã sửa từ “cướp chính quyền” thành “giành chính quyền”, bản chất không khác. Vì cướp – giành – chiếm cái mà mình không có, loại bỏ một chính phủ và quốc kỳ “chính danh” để thay vào một chính phủ lâm thời và lá cờ khởi nghĩa chưa có ai công nhận, nên sau 1945 Chính phủ Hồ Chí Minh vẫn không được các đảng phái và tầng lớp trí thức tâm phục, dẫn đến tình trạng giành đã khó, giữ càng khó. Từ đó, Hồ Chí Minh mới chấp nhận nhiều thành phần cùng liên hiệp, giúp trí thức không theo Đảng Cộng sản lập ra Đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội… Chính Đảng Cộng sản cũng thừa nhận từ chỗ bí mật và bất hợp pháp, đã trở thành một chính đảng cầm quyền. Soi vào thời khắc lịch sử này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm một nhận định của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh…”.

Nửa tháng sau ngày 2-9, tướng Gallagher đến Hà Nội tìm hiểu xu hướng chính trị mới, đề nghị để tư bản Hoa Kỳ khôi phục hệ thống sân bay và đường sắt miền Bắc, mở đầu quan hệ hợp tác lâu dài. Thực ra, Hoa Kỳ cũng cần hệ thống giao thông này giúp Tưởng Giới Thạch chống CNCS tràn xuống Trung Hoa. Nhưng Chính phủ Hồ Chí Minh chối từ. Trên 70 năm kể từ chuyến đi của Bùi Viện thời Tự Đức tìm đến Hoa Kỳ và lúc này ngược lại người Mỹ đến Việt Nam, mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn không tiến được quá một bước.

Một tháng sau ngày 2-9, Hồ Chí Minh gửi thư đến Liên Xô, Trung Quốc ngỏ ý muốn công nhận Chính phủ do ông lập ra, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Ông cũng đề nghị chuyển Đông Dương sang Ủy ban an ninh quốc tế bảo hộ theo chế độ ủy trị mà Hoa Kỳ chủ trương năm 1943 thì Phó Dân ủy Ngoại giao Liên Xô V.G. Dekazonov trả lời trong một cuộc họp nội bộ rằng: “Chúng ta không có lập trường như vậy về vấn đề này” [21]. Trước tình thế đó, ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán mà lịch sử Đảng Cộng sản sau này xem là giải pháp “đau đớn” để cứu vãn tình thế. Thực ra, thêm lần nữa việc giải tán nhằm ẩn mình: cái “bình mới” với tên gọi “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương” được thành lập chứa đựng “rượu cũ” là Đảng Cộng sản nhằm hợp thức hóa hoạt động. Vì sao một chính đảng tuyên bố đã làm nên cuộc cách mạng với “ý nghĩa vĩ đại” như trên, lập tức ngay sau đó phải tự giải tán? Tuyên bố bên ngoài cho thấy sự chấp nhận nguyên tắc đảng phái chính trị phải tách rời khỏi quốc hội, chính phủ và nhà nước. Nhưng ngược lại Đảng Cộng sản vẫn len lỏi, bám riết vào đó. Không tự nhận một chỗ đứng đúng với giới hạn về vai trò và ảnh hưởng cho phép vào lúc này chỉ có thể nhằm tránh cạnh tranh chính trị, chiếm giữ sức mạnh nhà nước để lâu dài đi đến thao túng.

Thật vậy. Sau khi các đảng phái chính trị trên đất Trung Quốc theo đội quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc, một hội nghị hòa giải được tổ chức. Tinh thần chung là Việt Quốc, Việt Cách và Việt Minh cùng thống nhất lập ra Chính phủ liên hiệp, mỗi bên có quân đội và cơ quan ngôn luận riêng nhưng không được dùng vào việc giải quyết mâu thuẫn hay công kích nhau. Đại diện ba bên ký vào bản ghi nhớ “Đoàn kết tinh thành”. Nhưng trước khi mở cửa đón nhiều thành phần, Đảng Cộng sản cũng đã chuẩn bị phương án lần lượt thay đổi nhân sự ở các chức vụ chủ chốt bằng nhiều biện pháp khác nhau, và điều đó đã diễn ra. Cách “lèo lái con thuyền cách mạng” bắt đầu biểu hiện tranh giành ảnh hưởng chính trị để tiến tới độc quyền lãnh đạo. Đảng Cộng sản cho đây là “nghệ thuật cách mạng”, và “nghệ thuật” này còn lặp lại nhiều lần ở các giai đoạn sau. Đây là những sự thật hiển nhiên mà dù muốn hay không, Đảng Cộng sản phải nghiêm túc nhận định và viết lại đúng ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám.

Share