Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp? (III)

Phần 3: Sự thay đổi nhận thức về chủ quyền tối cao của Nhân dân – thể hiện qua đòi hỏi cấp thiết về quyền phúc quyết Hiến pháp

Hiện nay, nhận thức về Hiến pháp ở Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc, theo chiều hướng coi Hiến pháp như một văn bản pháp luật tối cao mà người làm chủ là nhân dân trao quyền cho Nhà nước. Nói cách khác, nhận thức lại về vai trò làm chủ của nhân dân kéo đòi hỏi nhìn nhận lại về vai trò của bản Hiến pháp, cũng như tầm quan trọng của quyền lập hiến của nhân dân – tức quyền phúc quyết phê chuẩn hiến pháp. Các chuyên gia và dư luận đã rất thẳng thắn về điểm mấu chốt này.

Xem thêm:

Đảng Dân Chủ Việt Nam giới thiệu đề xuất Hiến pháp của toàn dân

Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp?

Bản đề xuất khung Hiến pháp của toàn dân với các điều khoản về quyền con người

Ông Bùi Ngọc Sơn[xiv] khẳng định: “Hiến pháp cần phải được nhìn nhận như một bản cam kết về các giá trị chung mà một cộng đồng theo đuổi. Cùng với điều đó là cần phải có một quy trình sửa đổi hiến pháp sao cho cộng đồng có thể được tham gia thể hiện ý chí của mình và đưa ra quyết định cuối cùng về các giá trị mà họ cùng cam kết với nhau sẽ tôn trọng.”[xv] Ông đề nghị rằng, “muốn có một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Việt Nam cần có một quan niệm khác hơn về Hiến pháp, cần phải coi Hiến pháp như một hình thức pháp lý mà người dân áp dụng đối với Nhà nước và tuyên bố những mục tiêu, lý tưởng chung của nhân dân. Quan niệm này coi Hiến pháp như một tác phẩm của nhân dân, do nhân dân xây dựng. Nói cách khác, quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Bằng quyền lập hiến, nhân dân thành lập ra Nhà nước và trao quyền cho Nhà nước.”[xvi]

Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường[xvii]: “Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, quyền lực nhà nước tập trung và thống nhất ở nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Do vậy, nhân dân trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho các cơ quan tư pháp, chứ không phải nhân dân trao hết thảy quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, rồi đến lượt mình, Quốc hội lại trao quyền cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Theo Điều 84 Hiến pháp năm 1992, nhân dân trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: quyền hạn về nhiệm vụ lập hiến, lập pháp; quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao và quyền hạn và nhiệm vụ quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Trong ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ này, nhóm quyền hạn nhiệm vụ lập hiến là không phù hợp với nguyên tắc mà chính Hiến pháp đã quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Giao cho Quốc hội nhiệm vụ và quyền hạn là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, vô hình trung đã biến quyền lập pháp trở thành quyền lực gốc – quyền lực “đẻ” ra quyền hành pháp và quyền tư pháp; quyền lực đứng trên và cao hơn các quyền khác. Đây là quy định còn chịu ảnh hưởng của nguyên tắc tập quyền – nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình Xô viết được thể hiện trong Hiến pháp 1980. […] Vì vậy phải chuyển quyền lập hiến từ Quốc hội về cho nhân dân thông qua trưng cầu dân ý (hay phúc quyết) bản Hiến pháp do Quốc hội lập hiến soạn thảo như Hiến pháp năm 1946 đã quy định.”[xviii]

Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng nhấn mạnh quyền phúc quyết hiến pháp của công dân trong một nhà nước cộng hòa: “Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa lần nào đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa.”[xix]

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

 ***

Chú thích:

[xiv] Ông Bùi Ngọc Sơn là giảng viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu sinh khoa Luật tại Hồng-Kông .

[xv] Bùi Ngọc Sơn, Một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 2010.

[xvi] Bùi Ngọc Sơn, Sửa đổi quy trình sửa đổi Hiến pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 2010.

[xvii] GS-TS Trần Ngọc Đường là chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu Lập pháp.

[xviii] Trần Ngọc Đường, Tiếp tục đổi mới Quốc hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, NCLP, 2010.

[xix] TuanVietnam, Cựu chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp, 2010.

Share