Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp? (V)

Phần 5: Thiếu sót trong cơ chế bảo vệ Hiến pháp và các quyền ghi trong Hiến pháp

Thiếu sót lớn thứ ba của bản Hiến pháp 1992 là sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người được ghi trong Hiến pháp. Các điều khoản về quyền trong Hiến pháp hiện tại còn nhiều bất cập. Bản Hiến pháp 1992 có các điều khoản về quyền và nghĩa vụ, song các quyền đó phải được thực hiện “theo quy định của pháp luật.” Kết quả là các văn bản pháp luật hạn chế quyền hiến định đã được thông qua và áp dụng một cách nhiệt tình – các điều khoản 79 và 88 của Bộ luật hình sự chỉ là một ví dụ.

Xem thêm:

Đảng Dân chủ Việt Nam giới thiệu đề xuất sửa đổi Hiến pháp

Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp?

Bản đề xuất khung soạn thảo hiến pháp của toàn dân

Cũng cần khẳng định rằng ngay cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước đã có ảnh hưởng tới việc bảo vệ nhân quyền. Một cơ chế tập trung quyền lực dứt khoát có xu hướng lạm quyền và xâm phạm nhân quyền và dân quyền. Một cơ chế tam quyền phân lập với kiểm soát và đối trọng quyền lực tự bản thân nó đã là một cách thức bảo vệ quyền con người một cách thực tế. Bản Hiến pháp hiện nay thiếu cơ chế bảo hiến. Quốc hội vừa là cơ quan làm luật, vừa là cơ quan đảm bảo tính hợp hiến của các luật và các văn bản dưới luật. Tuy vậy, thực tế là nhiều bộ luật và luật được thông qua trái với Hiến pháp mà không có cơ chế nào ngăn chặn việc đó. Một ví dụ là nhiều bộ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại được thông qua dưới sức ép của toàn cầu hóa và nhu cầu của các nhà đầu tư, mặc dù chúng không tương hợp với Hiến pháp.[xxxii] Không tương hợp là bởi vì chúng được vay mượn từ các hệ pháp lý quốc tế và nước ngoài, vốn lấy quyền con người và cá nhân làm nền tảng. Trong khi đó, mô hình Sô-viết lại coi nền tảng của pháp luật là nghị quyết, là mệnh lệnh áp đặt từ trên xuống, coi nhẹ các quyền Hiến định chính đáng của công dân, đặc biệt là các quyền tự do thông tin và tự do cá nhân vốn không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ tư pháp, nguyên trưởng tiểu ban biên tập Hiến pháp 1992, khi nghĩ về bản Hiến pháp 1980 đã nhận xét rằng: “trong một thời gian dài có thể nói “chuyên chính vô sản” đã chi phối mọi hoạt động của xã hội. Khuynh hướng người cầm quyền, lạm dụng quyền trở nên phổ biến. “An ninh quốc gia” thường được sử dụng để biện minh cho sự lạm quyền và xã hội dường như có khuynh hướng chấp nhận nó. […] Một dự luật, khi đưa tới Quốc hội, phải trải qua sự xem xét của rất nhiều cơ quan. Và “Lợi ích dân tộc” đã được nhân danh để lấn lướt. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn rất cần phải nhận thức lại về các quyền tự do mà Hiến pháp đã trao cho người dân.”[xxxiii] Tiếc rằng đó vẫn là tình trạng hiện tại dưới Hiến pháp 1992, mà các điều luật của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự chỉ là một trong các ví dụ đó.

Như vậy, xét về mọi mặt, từ nhu cầu thực tế của đất nước trong thời đại mới, thay đổi tư duy về Hiến pháp, đòi hỏi thực thi chủ quyền tối cao của nhân dân mà quyền phúc quyết Hiến pháp là điểm khởi đầu không thể thiếu, đến đề cao dân quyền và nhân quyền, thiết lập một hệ thống chính quyền với quyền lực hạn chế, là những nhu cầu nóng bỏng mà bản Hiến pháp 1992 không thể đáp ứng. Bản Hiến pháp 1992 về bản chất và cấu trúc hệ thống chính quyền vẫn là mô hình Sô viết, một mô hình gắn liền với kinh tế tập trung. Chúng ta có đủ quyết tâm để đoạn tuyệt với mô hình này và tiến hành các sửa đổi sâu rộng để đáp ứng các nhu cầu mới trong nền kinh tế thị trường và thời đại toàn cầu hóa?

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

———–

 Chú thích:

[xxxii] Xem John Gillespie, Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam, in Gillespie, J. S. and P. Nicholson 45-90 (2005). Asian socialism & legal change : the dynamics of Vietnamese and Chinese reform. Canberra ACT, Australian National University Press : Asia Pacific Press, http://epress.anu.edu.au/as/pdf/asian_socialism.pdf.

[xxxiii] SGTT, Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Lộc – Tinh thần Hiến pháp, 2007.

Share