Tập san Dân Chủ 03/2012

Thuật ngữ dân chủ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, “demos” có nghĩa là nhân dân. Ở các nền dân chủ, nhân dân là người có quyền tối cao đối với các nhà lập pháp và chính phủ.

Mặc dù các nền dân chủ trên thế giới mang sắc thái khác nhau nhưng vẫn có những nguyên tắc và thực tiễn nhất định để phân biệt một chính phủ dân chủ với các hình thức chính phủ khác.

Trong số này, TSDC tiếp tục giới thiệu các nguyên tắc căn bản về dân chủ, bao gồm “Nguyên tắc đa số và quyền thiểu số” và “Đa nguyên và xã hội dân sự”.

Nguyên tắc đa số và quyền thiểu số

Tất cả các nền dân chủ đều là những hệ thống trong đó công dân tự do đưa ra các quyết định chính trị theo nguyên tắc đa số. Theo lời của nhà văn Mỹ E.B. White: “Dân chủ là một niềm tin rằng đa số mọi người đều đúng trong hầu hết các trường hợp”.

Bản thân nguyên tắc đa số không tự động mang tính dân chủ. Ví dụ, không thể nói một hệ thống là công bằng nếu nó cho phép 51% dân số đàn áp 49% dân số còn lại nhân danh đa số. Trong một xã hội dân chủ, nguyên tắc đa số phải gắn với việc đảm bảo các quyền của cá nhân con người. Đổi lại, các quyền của người thiểu số và những người bất đồng sẽ được bảo vệ – dù đó là những người thiểu số, tôn giáo hay đơn giản là những người thua trong các cuộc tranh luận chính trị. Quyền của các nhóm thiểu số không phụ thuộc vào thiện chí của đa số và cũng không bị tước bỏ bởi nguyên tắc đa số. Quyền của các nhóm thiểu số được bảo vệ bởi vì luật pháp và các thể chế dân chủ bảo vệ quyền của mọi công dân.

Các nhóm thiểu số phải tin tưởng chính phủ bảo vệ các quyền và sự an toàn của họ. Một khi điều này được thực hiện, các nhóm đó có thể tham gia và đóng góp vào việc xây dựng các thể chế dân chủ của đất nước. Nguyên tắc đa số và quyền thiểu số là đặc trưng của tất cả các nền dân chủ. Những khác biệt về lịch sử, văn hóa, dân số và kinh tế không ảnh hưởng đến những đặc trưng này.

Đa nguyên và xã hội dân chủ

Trong một nền dân chủ, chính phủ chỉ là một đầu mối trong mạng lưới xã hội gồm rất nhiều thể chế công và tư, các cơ quan luật pháp, các đảng phái chính trị, các tổ chức và các hiệp hội. Sự đa dạng này gọi là đa nguyên. Điều này có nghĩa là các nhóm và các thể thế trong một xã hội dân chủ không phải phụ thuộc vào chính phủ mới được tồn tại, mới mang tính hợp pháp hoặc mới có quyền lực. Hầu hết các xã hội dân chủ đều có hàng ngàn các tổ chức tư nhân ở cấp địa phương và cấp bang. Nhiều tổ chức trong số này có vai trò trung gian giữa các cá nhân và các thể chế xã hội và chính phủ phức tạp của xã hội, thực hiện những vai trò không phải của chính phủ và mang đến cho cá nhân cơ hội để trở thành một phần trong xã hội mà không cần phải tham gia vào chính phủ.

Trong một xã hội độc tài, hầu hết những tổ chức như vậy sẽ bị kiểm soát, kiểm duyệt, theo dõi và nếu không thì phải chịu trách nhiệm trước chính phủ. Ở một nền dân chủ, theo luật pháp quy định, quyền lực của chính phủ được xác định rõ và rất hạn chế. Do vậy, các tổ chức tư nhân về cơ bản không chịu sự kiểm soát của chính phủ. Trong khu vực tư nhân bận rộn này của xã hội dân chủ, công dân có thể tìm kiếm khả năng tự hoàn thành ước nguyện của mình và thực hiện trách nhiệm đối với một cộng đồng mà không chịu sự kiểm soát có thể rất mạnh từ phía nhà nước hoặc phải tuân theo ý chí của những người có ảnh hưởng, quyền lực hoặc tuân theo đa số.

Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế,
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4/2005


Tập san Dân Chủ 03/2012

Share