Thư cảm ơn

ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM
Văn phòng Trung ương

THƯ CẢM ƠN

Từ khi những đảng viên và cộng sự của Đảng Dân Chủ Việt Nam như Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long… bị cơ quan an ninh bắt giam, nhất là qua phiên tòa xét xử Trần Anh Kim, Đảng Dân chủ đã nhận được từ nhiều phía sự ủng hộ, động viên lớn lao và khẳng định việc làm vô tội của các đảng viên. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đến các hãng tin, các phương tiện truyền thông quốc tế, tổ chức báo chí trong và ngoài nước, các nhóm nghiên cứu và hoạt động xã hội, đảng phái chính trị, kể cả cá nhân và bạn đọc gần xa đã viết bài, tham gia chính kiến trên các trang web, ký tên ủng hộ và đòi trả tự do cho các nhà đấu tranh vì sự thật, vì lẽ phải. Sự ủng hộ tinh thần vô cùng quý báu trên đã kết thành một làn sóng mạnh mẽ, một hiện tượng đồng lòng, chỉ ra nhiều sai lầm bản chất trong hệ thống pháp luật dành riêng để bảo vệ Đảng Cộng sản ngày càng rõ trước công luận.

Ngay sau phiên tòa xử Trần Anh Kim, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về cách hành xử của pháp luật Việt Nam. Không những vậy, trước đó, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cũng từng chỉ ra sai lầm trong việc bắt người và kết tội. Tổ chức Ân xá Quốc tế trong một thông cáo từ Anh Quốc cũng phát động và thu thập chữ ký gửi tới Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đề nghị trả tự do cho những “tù nhân lương tâm”, kêu gọi xóa bỏ các cáo buộc và thay đổi điều 88, 79 Bộ Luật Hình sự 1999 chỉ nhằm vào việc hình sự hóa những chính kiến bất đồng. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có trụ sở tại Pháp cũng bênh vực Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung với tư cách là các blogger, tố cáo cáo buộc của tư pháp Việt Nam, yêu cầu và kêu gọi mọi người ký tên đòi “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho các đảng viên dân chủ. Hãng thông tấn BBC, AP, VOA, RFA, RFI, các trang website Talawas, bauxitevietnam.info, danluan.org, clbnbtd.info, ptdcvn.wordpress.com… cũng kịp thời đăng bài phân tích sự bất công trong buộc tội, thực hiện các cuộc phỏng vấn, tạo dư luận đa chiều để nhiều người cùng chia sẻ, trình bày ý kiến ủng hộ và bênh vực người bị hại.

Các tờ báo uy tín trên thế giới cũng nhận định và đánh giá kịp thời: nhật báo tài chính Wall Street Journal cho rằng chính quyền Việt Nam đang “siết chặt gọng kềm đối với giới ly khai,… tìm cách bài trừ tận gốc rễ các phong trào chống đối, vào lúc tình hình kinh tế Việt Nam đang bị xấu đi”, báo The New York Times cho rằng “Chính quyền Hà Nội đang chĩa mũi dùi vào giới ly khai trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng vào đầu năm 2011”, nhật báo Los Angeles Times cũng nói nhiều về quá trình được đào tạo thông qua học bổng Fulbright và thân thế việc làm của luật sư Lê Công Định… Trước thềm năm mới, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng trao đổi về những sự kiện trên với BBC: “…Tôi cũng không nghĩ là họ chống phá đâu, có thể là họ muốn đóng góp ý kiến…”, Và tôi rất tiếc cho đồng chí trung tá (Trần Anh Kim) ở Thái Bình. Anh ấy là người đã từng có công, đóng góp nhiều cho kháng chiến…”. Nhìn sang năm mới 2010, nhà văn Võ Thị Hảo cũng bình luận trong cuộc nói chuyện với BBC rằng: “Tôi thấy việc bắt giữ và xử những người bất đồng chính kiến và khép vào những tội nặng như thế, mặc dù họ có thể muốn lập một đảng là Đảng Dân chủ, quy họ vào khung tội có thể dẫn tới tử hình, là cực kỳ vô lý. Trong hiến pháp không cấm điều đó. Hiến pháp Việt Nam không có một từ nào cấm thành lập đảng. Điều đó làm cho tôi rất buồn, thậm chí là phẫn nộ. Điều đó tất nhiên là không tốt và làm cho nhiều người Việt Nam buồn, dân chúng buồn.”

Thay mặt các đảng viên và cộng sự của Đảng Dân Chủ Việt Nam, chúng tôi cảm ơn tiếng nói ủng hộ, động viên của đại diện các quốc gia, dân biểu và nghị sĩ các nước, tổ chức và cá nhân nói trên. Những tiếng nói đó không chỉ nhằm chứng minh chủ trương, cương lĩnh và hoạt động ôn hòa của Đảng Dân chủ, làm rõ tính chính danh và bác bỏ những căn cứ ghép tội sai trái đối với các đảng viên kiên trung, mà còn góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dân chủ hóa, thúc đẩy tiến bộ, tự do và văn minh cho Việt Nam. Đó là tiếng nói của lương tri thời đại, không những vạch ra sai trái của tòa án Đảng Cộng sản trong vụ xét xử Trần Anh Kim, mà còn chỉ cho Nhà nước Việt Nam thấy rằng không nên tiếp tục kiểu xét xử như vậy đối với Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức,  Lê Thăng Long… vào cuối tháng 1 năm 2010 này.

Rõ ràng việc áp dụng điều 79 Bộ luật hình  sự cho những phản biện xã hội một cách ôn hòa là đi ngược lại với luật pháp Việt Nam và các văn kiện, Công ước Quốc tế. Trước sự nhiệt tình ủng hộ vì công bằng xã hội, Đảng Dân Chủ Việt Nam càng quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc mở rộng cuộc đấu tranh ôn hòa vì dân chủ, đồng thời tin tưởng rằng những tiếng nói ấy càng lan tỏa và có sức tác động mạnh mẽ hơn trong thời gian đến. Đó là việc làm thiết thực để chúng ta góp phần cứu biết bao cuộc đời bị giam cầm oan ức trong lao tù cộng sản, khẳng định công bằng và tự do trong xã hội văn minh hôm nay.

Nhân năm mới 2010, Đảng Dân Chủ Việt Nam kính chúc đồng bào, lãnh đạo các quốc gia, đại diện các tổ chức và cá nhân đang đấu tranh vì dân chủ thêm nhiều sức khỏe, giành nhiều thắng lợi, góp phần hơn nữa vào quá trình hình thành nền dân chủ thật sự cho Việt Nam. Nhất định dân tộc Việt Nam sẽ tìm thấy dân chủ cho mỗi người và cho cả mọi người trong một ngày không xa.

Trân trọng tri ân.

Ngày 5 tháng 1 năm 2010

Nguyễn Tâm
Đảng Dân Chủ Việt Nam

Share