Thời Pháp thuộc (tổng quát)

Năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ vào cảng Đà Nẵng và sau đó xâm chiếm Sài Gòn. Năm 1862, Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thực dân Cochinchine (Nam kỳ). Từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở miền Bắc. Miền Bắc khi đó rất hỗn độn do những mối bất hòa giữa người Việt và người Hoa lưu vong. Chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát nổi mối bất hòa này. Cả Trung Hoa và Pháp đều coi khu vực này thuộc tầm ảnh hưởng của mình và gửi quân đến đó, nhưng cuối cùng thì người Pháp đã chiến thắng.

Quân Pháp tấn công quân Thanh tại Lạng Sơn năm 1885

Pháp tuyên bố là họ sẽ bảo hộ Bắc kỳ (Tonkin) và Trung kỳ (Annam), nơi họ tiếp tục duy trì các hoàng đế bù nhìn cho đến Bảo Đại (làm vua từ 1926 đến 1945 và quốc trưởng từ 1949 đến 1956). Năm 1885, các quan lại Việt Nam tổ chức phong trào kháng chiến Cần Vương chống Pháp nhưng thất bại.

Vào năm 1887, hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương. Ở trung ương là Phủ toàn quyền Đông Dương (ban đầu thủ phủ ở Sài Gòn, năm 1902 đặt ở Hà Nội). Đứng đầu Phủ toàn quyền gọi là Toàn quyền Đông Dương, là người có quyền hành cao nhất trong thể chế chính trị Pháp trên toàn cõi Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và Cao Miên. Đứng đầu ở 3 kỳ là: Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ, cả ba đều nằm dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của viên Toàn quyền Đông Pháp, trực thuộc bộ Thuộc địa. Đến năm 1893 quyền kiểm soát của Toàn quyền Đông Pháp được mở rộng thêm, bao gồm cả Ai Lao.

Những người Việt cấp tiến đã thành lập Việt Nam Quốc dân đảng (giống Quốc Dân Đảng ở Trung Hoa) năm 1927. Tuy nhiên, đến năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Việt Nam Quốc dân đảng bị suy yếu nghiêm trọng. Cùng năm, một số thanh niên Việt Nam theo chủ nghĩa Marx-Lenin thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng cũng mau chóng trở thành mục tiêu tiêu diệt của Pháp mặc dù tổ chức của họ thân thiện với Mặt trận Bình dân trong chính quyền Pháp.

Nhật Bản tấn công Đông Dương vào năm 1940 và nhanh chóng thỏa thuận được với chính quyền Vichy ở Pháp để cho Nhật toàn quyền cai trị Đông Dương. Chính quyền thực dân Pháp chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945 khi Nhật tấn công toàn bộ Đông Dương. Ngay sau đó, Nhật thiết lập một chính quyền thân Nhật với quốc vương Bảo Đại và thủ tướng Trần Trọng Kim, đặt quốc hiệu mới đế quốc Việt Nam và quốc kỳ là cờ quẻ ly.

Việt Minh (viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) thành lập năm 1941 với vai trò một mặt trận của Đảng Cộng sản Đông Dương được điều hành từ Pắc Bó (ở biên giới Việt-Trung) bởi Hồ Chí Minh khi ông trở về nước lần đầu tiên kể từ 1911 (năm ông rời Việt Nam), mặc dù ông có liên hệ với những người Cộng sản trong nước trong các thập niên 1920 và 1930.

Đầu năm 1945, Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn. Chiến tranh đã làm kiệt quệ nền kinh tế, người Nhật chiếm lấy lúa gạo và các sản phẩm khác, bắt dân phá lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, cộng thêm thiên tai, nạn đói (Nạn đói Ất Dậu) đã xảy ra tại Bắc kỳ và Trung kỳ. Người ta ước tính rằng đã có khoảng hai triệu người chết vì nạn đói này [16].

Tuyên bố độc lập

Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim cũng dừng hoạt động, lực lượng Việt Minh (dưới ngọn cờ độc lập dân tộc hơn là xã hội chủ nghĩa) đã tổ chức thành công cuộc Cách mạng tháng Tám, giành lấy quyền lực ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Họ kém thành công hơn ở miền Nam. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam thống nhất và độc lập với tên gọi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu năm 1946, một cuộc bầu cử đã được tổ chức. Những người Cộng sản chiếm ưu thế, song các phe phái khác cũng được mời tham gia chính phủ một cách rộng khắp. Quốc kì được chọn là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh.

Chiến tranh Đông Dương

Sư đoàn 308 tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ

Tuy nhiên, Việt Nam chưa thực sự có được độc lập. Ở miền Bắc, Đồng Minh chỉ định quân đội quốc gia Trung Hoa giải giới Nhật Bản. Quân Trung Hoa duy trì ở đó đến tháng 5 năm 1946 rồi chuyển giao cho Pháp trong sự chịu đựng của chính quyền Hồ Chí Minh. Ngược lại, ở miền Nam, quân Nhật được giải giới bởi quân Anh-Ấn. Nhưng sau đó, quân Anh-Ấn chán nản vì Sài Gòn quá hỗn độn đã chuyển giao cho Pháp. Cuối năm 1945, Pháp trở lại miền Nam Việt Nam. Trong suốt năm 1946, chính quyền Hồ Chí Minh thương lượng với Pháp, mặc dù hai bên cũng chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh. Chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ tháng 12 năm 1946.

Vào đầu năm 1947, Pháp có vẻ thắng và nắm được toàn bộ vị trí chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Minh kiên trì với chiến lược “chiến tranh nhân dân”, tổ chức và đào tạo dân chúng cho một cuộc chiến vũ trang lâu dài. Trong thời gian này, Pháp dựng lên một chính quyền bù nhìn đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại với tên gọi là quốc gia Việt Nam năm 1949, với cờ quẻ ly là quốc kì. Chính quyền này có sự tham gia của các quan lại cũ thân Pháp. Năm 1950, chính quyền cộng sản Trung Hoa và Liên Xô bắt đầu trợ giúp Việt Minh với nhân lực và vật lực. Bên kia, Pháp được Mỹ hậu thuẫn, nhưng đầu thập niên 1950, Pháp bắt đầu yếu đi ở Đông Dương. Thất bại ở trận Điện Biên Phủ (gắn liền với tên tuổi nhà chiến lược quân sự Việt Minh Võ Nguyên Giáp) vào tháng 5 năm 1954 đã kết thúc hoàn toàn nỗ lực của Pháp nhằm giữ Việt Nam và toàn bộ Đông Dương.

Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Share